Nạn nhân vụ sập hầm Đạ Dâng đón Tết Dương to nhất
Với nhiều công nhân trong vụ sập hầm Đạ Dâng, Tết Dương lịch năm nay là cái Tết to nhất, có ý nghĩa nhất từ trước đến nay… Dẫu vậy, họ vẫn còn đó nỗi ám ảnh vì 4 ngày “kề cận tử thần”.
Ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm đến gia đình 5 công nhân trong vụ sập hầm hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo (tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), chủ yếu ở tỉnh Nam Định và Hà Nam. Hầu hết mọi người đều đang sum họp bên mái ấm gia đình những ngày đầu năm mới 2015. Với họ có lẽ đây là cái Tết Dương lịch ý nghĩa nhất từ trước đến nay. Người thì mở tiệc mừng thoát nạn, người thì bà con lối xóm đến nhà chúc mừng.
Gia đình các công nhân trong vụ sập hầm Đạ Dâng ngày nào cũng đông người đến hỏi thăm.
Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi có 4 công nhân bị mắc kẹt trong hầm Đạ Dâng. Đến xã Yên Thọ, hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Hường (SN 1984) và anh Hoàng Đình Thịnh (18 tuổi), 2 công nhân trong vụ sập hầm, từ đầu làng đến cuối làng ai ai cũng biết, nhiều người nhiệt tình dẫn đến tận nơi.
Từ lúc trở về nhà đến nay, nhà anh Hường lúc nào cũng đông đúc bà con lối xóm, họ qua nhà anh chúc mừng anh “tai qua nạn khỏi”. Anh Hường cũng mới về quê được mấy ngày nay, sức khỏe cơ bản cũng đã hồi phục, chỉ có tay trái của anh vẫn run run.
Nhớ lại 4 ngày trong hầm tối, anh Hường vẫn chưa hết rùng mình: “Khi tổ chúng tôi vào làm thì bất ngờ xảy ra sự cố, 4 ngày ấy dài đằng đẵng, mỗi phút trôi qua tôi lại thấy hi vọng dần tắt. Cái ngày ấy tôi sẽ không bao giờ quên được”.
Về quê, ai cũng làm mâm cơm mời bà con, hàng xóm đến chung vui, trong ngày thoát kiếp nạn.
Bà Trần Thị Hằng (70 tuổi) – mẹ anh Hường cho biết: “Lúc nghe tin nó bị tai nạn, cả nhà ôm nhau khóc, lo lắm mà sức khỏe tôi thì yếu nên không vào được, chỉ nghe qua tivi để xem công tác cứu hộ đến đâu. May mà nhờ có Đảng, Nhà nước hết sức cứu giúp con tôi mới được cứu”.
Sau khi anh Hường trở về quê, gia đình bà Hằng làm 20 mâm cơm mời tất cả bà con, lối xóm đến, cảm ơn mọi người đã động viên, chia sẻ gia đình trong lúc khó khăn hoạn nạn. Mặc dù đã lành lặn trở về nhà an toàn, nhưng anh Hường vẫn bị ám ảnh, nhiều đêm anh mơ ngủ mình vẫn bị kẹt trong hầm, rồi lại hét toáng lên khiến cả gia đình giật mình.
Nói về dự định của mình, anh Hường cho biết: “Trước mắt tôi sẽ ở nhà nghỉ cho khỏe hẳn, có lẽ là sau Tết Âm lịch tôi mới tính tiếp chuyện công việc. Cũng không dám chắc là sẽ đi làm công nhân đào hầm nữa. Nhưng hiện tại thì tôi muốn dành thời gian cho vợ, con và gia đình mình”.
Cũng như gia đình anh Hường, anh Hoàng Đình Thịnh, Hoàng Ánh Văn (24 tuổi), ở xã Yên Chính và Nguyễn Tiến Đoàn (25 tuổi), ở xã Yên Hưng. Gia đình người nào cũng đông đúc từ lúc họ từ Lâm Đồng trở về quê.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Tiến Đoàn chia sẻ về dự định của mình.
Trong số 3 công nhân trên, anh Hoàng Đình Thịnh là người trẻ nhất, vốn là con thứ 3 trong gia đình nghèo, vừa tốt nghiệp THPT xong anh Thịnh đã xin gia đình đi làm đỡ đần phần nào kinh tế. Nhìn anh Thịnh nét mặt tiều tụy, đờ đẫn như người mất hồn, chàng thanh niên trẻ ấy có lẽ bị áp lực rất lớn khi đối mặt với nỗi sợ hãi quá lớn.
Ông Hoàng Đình Cường, bố anh Thịnh chia sẻ: “Từ nhỏ tới giờ Thịnh chưa phải làm việc gì nặng nhọc, cũng chưa bao giờ đi xa, không ngờ lần đầu đi làm đã gặp “tai nạn khủng khiếp”. Bao nhiêu ngày con mắc kẹt trong hầm cũng là bấy nhiêu ngày chúng tôi không ăn, không ngủ, đến hôm thông được hầm, nghe thấy cả xóm hô vang “thông hầm rồi” , “thông hầm rồi”…thì vợ tôi mừng quá ngã quỵ xuống”.
Anh Thịnh chia sẻ: “Bà con lối xóm họ đến nhà em đông lắm anh ạ, họ chúc mừng rồi hỏi han em, nhưng từ khi trở về em ngủ li bì, tinh thần em vẫn lo sợ, mặc dù ngủ nhưng lại không ngon giấc, vụ tai nạn lúc nào cũng ám ảnh em”.
Phía gia đình ông Cường cho biết, hiện tại anh Thịnh đã có danh sách gọi nhập ngũ đợt này nên gia đình bà muốn cho con đi bộ đội trước khi tính đến chuyện công việc tương lai.
Anh Hường hạnh phúc bên vợ con mình.
Nhà của hai công nhân Hoàng Ánh Văn và Nguyễn Tiến Đoàn cũng tấp nập hàng xóm người ra người vào. Họ vui mừng vì người con quê hương thoát nạn trở về bình an. Khắp làng đều bàn tán về các công nhân thoát nạn. Dù sức khỏe hai người đều đã ổn định, nhưng tinh thần vẫn còn hoang mang, nhất là trong giấc ngủ. Riêng anh Nguyễn Tiến Đoàn, trước đây từng làm công nhân điện, hiện giờ anh cũng đang xem xét khả năng quay lại với nghề.
Cách huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không xa, chừng khoảng 10km là gia đình anh Trương Tuấn Việt (SN 1984), ở thôn Thượng 1, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Từ khi anh Việt trở về nhà, không chỉ gia đình vui sướng, hạnh phúc bà con lối xóm, khi biết anh về đến nhà cũng kéo đến động viên, thăm hỏi và chúc mừng gia đình.
Anh Việt vẫn còn nhớ như in giây phút tai họa ập đến: “Lúc hầm bị sập, anh em vô cùng lo sợ, nhưng lấy lại bình tĩnh, lo sợ việc hầm tiếp tục bị sập nên phải tìm nơi ẩn nấp. Lúc này xung quanh đen như mực, mọi người dùng đèn pin soi khắp nơi tìm xem có lối thoát không nhưng vô vọng. Lúc này anh em chúng tôi vô cùng lo lắng, không biết có ai đến cứu không. Ngày thứ nhất, thứ 2, thứ 3 cứ thế trôi qua, dù cố động viên nhau, nhưng lúc ấy chúng tôi gần như tuyệt vọng. Nhưng cũng chẳng ai dám khóc mà cố kìm nén vì sợ mọi người không kìm được lòng mà mất bình tĩnh”.
Gia đình anh Việt vốn là gia đình khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng chủ yếu là làm ruộng, vì thu nhập ít, thời gian nông nhàn nhiều nên anh Việt bắt đầu đi làm công nhân đào hầm cho công trình thủy điện. Lúc đầu anh làm ở công trình thủy điện Nậm Pông, tỉnh Nghệ An. Sau gần 2 năm ở Nậm Pông, anh Việt cùng tổ công tác của mình chuyển vào Lâm Đồng làm, nhưng vừa đầy 1 tháng thì xảy ra sự cố.
Anh Lê Văn Tình, hàng xóm anh Việt chia sẻ: “Tôi ở nhà xem qua tivi mà hồi hộp quá, hai tay cứ bám chặt lấy nhau cầu cho chú ấy tai qua nạn khỏi. Lúc nghe tin mọi người được giải cứu, cả thôn hô hào chạy đến nhà chú Việt chúc mừng. Thật là may mắn quá!”.
Mặc dù đã an toàn về đến nhà, nhưng nhiều đêm nằm ngủ anh Việt vẫn mơ thấy cảnh tượng trong hầm tối. Thực sự rất sợ hãi, giật mình tỉnh dậy toát hết mồ hôi hột. Thấy chồng nhiều lúc bật dậy, mồ hôi ướt đẫm, chị Phan Thị Hoa (SN 1983), vợ anh Việt lại động viên chồng cố gắng vượt qua.
Dù đã thoát nạn, nhưng gia đình anh Việt không bao giờ quên cảm giác đáng sợ trong vụ sập hầm Đạ Dâng.
Chị Hoa tâm sự: “Sức khỏe anh ấy bây giờ tốt hơn rồi, nhưng nhiều đêm vẫn mơ thấy ác mộng, gia đình tôi khó khăn, anh ấy đi làm xa 2 năm nay, đứa con thứ 2 gia đình tôi lại mắc bệnh động kinh, không đi làm cũng khó khăn, nhưng anh ấy quyết định sẽ ở nhà làm nông, nuôi thêm con bò làm vốn, dù khó khăn nhưng có vợ có chồng, còn đùm bọc nhau”.
Đối với người dân quê, tết Dương lịch cũng chẳng khác ngày bình thường là mấy. Nhưng với các công nhân trên, đây là cái Tết có ý nghĩa nhất từ trước đến nay. Về quê, ai cũng làm mâm cơm mời bà con, hàng xóm đến chung vui khi thoát kiếp nạn, dù nó không phải “mâm cao, cỗ đầy” nhưng với họ sự động viên, quan tâm của bà con lối xóm là niềm an ủi vô cùng lớn lao.
Đức Văn
Theo dantri
Từ chối chơi xa, bạn trẻ "cố thủ" ở nhà dịp Tết dương
Ngoài những chuyến đi xa, phần đông bạn trẻ đã dành những ngày nghỉ Tết Dương lịch ở bên gia đình, gặp gỡ bạn bè thân thiết. Và để khởi động năm mới thêm mới mẻ, họ đã có rất nhiều ý tưởng hay ho.
Cách Tết cổ truyền vẫn còn khá lâu nên 4 ngày Tết Dương lịch là dịp nghỉ dài hiếm có để những người trẻ xa quê "xách ba lô" về nhà. Đối với sinh viên năm nhất như Linh (trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) càng không ngoại lệ.
Linh chia sẻ: "Dù những ngày này đi xe đông đúc, bon chen nhưng bù lại, về nhà rất thoải mái, ấm áp. Từ khi nhập học đến nay, mình đã về được về quê hai lần nhưng vẫn không nguôi ngoai cảm giác nhớ nhà".
Linh cho biết, cô dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà để lập kế hoạch cho các hoạt động, mục tiêu của mình trong năm mới. Bên cạnh đó, Linh còn cùng bố mẹ ra đồng thu hoạch rau củ cho vụ đông.
"Chỉ về mấy ngày, bố mẹ dặn ở nhà nghỉ ngơi nhưng mình không chịu. Càng đi xa, mình càng thương bố mẹ nhiều hơn, vì đã vất vả, tằn tiện nuôi con khôn lớn và chu cấp học hành nên người", Linh nói.
Nhiều bạn trẻ thay vì đi chơi xa, quyết định ở nhà cùng gia đình. (ảnh minh họa)
Quê tận Nghệ An, lại có lịch học kín mít, Ngọc (HV Nông nghiệp Việt Nam) rất hiếm khi có cơ hội về nhà. Do đó, cô đã từ chối lời mời đi du lịch Mộc Châu của bạn bè để về thăm gia đình trong sự háo hức, thích thú.
Ngọc cho biết: "Mình nghĩ chúng ta còn nhiều cơ hội đi chơi. Trời lạnh thế này, được sà vào hơi ấm bố mẹ là hạnh phúc nhất. Bố mẹ dù mong con về nhưng sợ đi lại vất vả, đã khuyên mình ở lại đến Tết Âm lịch. Nhưng sau khi học xong ngày cuối cùng của năm, mình đã lên xe về luôn".
Lần này về quê Ngọc cũng được gặp lại bạn bè thân thiết lâu lắm rồi chưa có cơ hội tâm sự lâu dài. Mỗi người học một nơi, thậm chí cùng thành phố cũng khó chạm mặt vì nhóm bận bịu học hành, làm thêm.
"Chúng mình lên kế hoạch dành một ngày làm bánh, liên hoan rất sôi nổi, vui vẻ. Bên cạnh đó, mỗi người còn phải chia sẻ cho nhau những tâm sự cá nhân, kể về dự định bản thân trong năm mới và cổ vũ nhau cùng quyết tâm triển khai.
Chúng mình ở nông thôn, nhà ai cũng có vườn tược, cây cối nên chẳng tốn kém đã gom được không ít "chiến lợi phẩm" ngon lành, bổ rẻ", Ngọc nói.
Ngọc cho rằng đa phần bạn bè đều về quê nên nếu có tụ tập tại Hà Nội sẽ không thể đông đủ, thú vị như quê nhà. Bên cạnh đó, do phòng trọ nhỏ, chật chội, những kế hoạch "nổ trời, vang đất" của nhóm Ngọc cũng sẽ khó thực hiện như mong muốn, kỳ vọng.
Đã chối chuyến phượt xa lên Hà Giang cùng bạn bè nhưng không có nghĩa là Hoa (trường ĐH Thủy lợi) sẽ ngồi yên ở nhà. Phương châm của cô bạn lém lỉnh này là: Ở đâu có người, ở đó có cuộc vui.
Chính vì vậy, trước kỳ nghỉ hơn một tuần, Hoa đã cùng bạn bè lên kế hoạch đi chơi, khám phá địa danh nổi tiếng thuộc huyện bên cạnh. Mặc dù cách xa có gần hai mươi cây số nhưng nhóm Lan chưa bao giờ đi Côn Sơn (Hải Dương)
Hoa bộc bạch: "Nhiều lần bạn bè hỏi về địa danh nổi tiếng này, mình chỉ có thể ngượng ngùng im lặng nên lần này phải đi cho biết. Mình sẽ cố gắng khám phá hết các danh lam thắng cảnh ở tỉnh nhà trong những lần về quê thế này".
Bên cạnh đó, Hoa cũng khá lo lắng và không còn hào hứng với những chuyến đi xa, mạo hiểm bằng xe máy do hai năm gần đây số tai nạn của phượt thủ ngày càng nhiều.
Là con trai, Tuấn (trường ĐH Xây dựng Hà Nội) nhận nhiều lời mời tụ tập của các bạn cũ cấp 3. Do vậy, ngoài việc ở nhà phụ giúp việc vặt cho gia đình, Tuấn sẽ cùng bạn bè liên hoan, ăn uống. "Cũng là uống rượu chè nhưng ở nhà, chúng mình sẽ tiết chế hơn rất nhiều, vì sợ bố mẹ lo lắng, la mắng. Trong khi ở xóm trọ không ai quản lý nên dễ say xỉn, càn quấy".
Sau khi tốt nghiệp đại học, đến nay đi làm đã được hai năm, Hòa (cựu SV HV Hành chính) dành mấy ngày về quê chỉ để... ngủ. "Mình đã quen với suy nghĩ, quan niệm: Tết là để về nhà, cho dù lễ tiết của người Tây. Hơn nữa, cuối năm lượng công việc nhiều, thường xuyên phải thức khuya nên đây là dịp để mình nghỉ ngơi, thư giãn.
Hiện tại công việc đã ổn định nên chuyện cưới xin sớm là không tránh khỏi. Khi đó vướng bận tổ ấm riêng, chẳng còn nhiều thời gian dành cho bố mẹ nên giờ đây dịp nào nghỉ dài mình đều tranh thủ về".
Đối với các bạn trẻ sinh ra tại các thành phố lớn, thay vì lựa chọn đi chơi xa, họ cũng ở nhà với bố mẹ. Yến (trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết bố mẹ, anh trai cô ngày thường rất bận rộn, chẳng mấy khi được nghỉ. Đây là lần hiếm hoi cả nhà đều tập trung đông vui. Do vậy, kỳ nghỉ lễ năm nay, Yến cùng gia đình ăn những bữa cơm đông đủ và đi thăm ông bà nội ngoại.
Vì bận bịu trong suốt một năm nên Trang (trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã "bỏ bê" bạn bè quãng thời gian dài nên hiện tại cô bạn tích cực "rủ rê" bạn bè lượn quanh phố phường Hà Nội, ăn uống, xem phim...
"Mình gọi đây là giai đoạn phục hồi và bù đắp cho các mối quan hệ bạn bè. Những ngày này Hà Nội tương đối vắng nên đi chúng mình đi chơi có cảm giác khá thoải mái, dễ chịu", Trang chia sẻ.
Hoài Thư
Theo dantri
Xót xa chứng kiến 6 thi thể được đưa khỏi căn nhà cháy Vụ cháy kinh hoàng xảy ra trong con ngõ sâu 200m, tại một nhà may nhỏ khiến 6 người trong một gia đình tử vong. Sáng nay, hàng trăm người đã vây kín hai bên đường Nguyễn Đức Cảnh, bàng hoàng chứng kiến cảnh lần lượt 6 thi thể được đưa ra khỏi hiện trường. Có mặt tại số nhà 14 ngõ 136...