Nạn nhân nói mất nhiều, kẻ trộm nói lấy ít!
Một điểm chung trong nhiều vụ người giúp việc trộm cắp tài sản của chủ là các bên khai báo về số tài sản bị trộm khác nhau, làm cơ quan tố tụng khó xác định khiến vụ án trở nên phức tạp, kéo dài..
Mới đây, TAND quận 3 (TP.HCM) đã tuyên hoãn xử, tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Nguyễn Thị Ánh trộm cắp tài sản của chủ cũ.
Án kéo dài nhiều năm chưa xong
Năm năm trước, khi Ánh đang giúp việc cho bà N. (ngụ quận 3) thì bà N. bị mất 120 lượng vàng, 3.000 USD và 26 triệu đồng. Công an quận 3 đã vào cuộc nhưng phải tạm đình chỉ vụ án vì không xác định được ai là thủ phạm.
Một thời gian sau khi Ánh nghỉ làm về quê, bà N. phát hiện cô ôsin cũ của mình đã hoàn toàn lột xác trong cuộc sống. Ánh bỗng dưng mua được nhà bạc tỉ, mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng khá lớn ở xã Ea H’leo (Ea H’leo, Đắk Lắk). Ánh quay lại sống với người chồng cũ nhưng vợ chồng thường xuyên cãi vã vì người chồng hay nhậu nhẹt, cờ bạc, có lúc thua hàng trăm triệu đồng. Buồn chuyện gia đình, Ánh thường tâm sự với hàng xóm rằng “đó là quả báo” vì “từng trộm tài sản của bà chủ cũ”.
Video đang HOT
Đầu năm 2012, Công an quận 3 đã phục hồi điều tra, khởi tố Ánh về tội trộm cắp tài sản. Ban đầu Ánh chối không trộm cắp gì, sau Ánh thừa nhận chỉ trộm của bà N. một lượng vàng cùng 2 triệu đồng.
Theo VKSND quận 3, lời khai của các bên có mâu thuẫn về số lượng vàng, tiền bị trộm. Sau đó một nhân chứng trong vụ án chết, hai nhân chứng còn lại không chịu đối chất với Ánh nên không có căn cứ xác định Ánh đã trộm số tài sản rất lớn như bà N. khai báo. Ánh thừa nhận chỉ trộm một lượng vàng và 2 triệu đồng nên VKS xác định đây là số tài sản bị Ánh chiếm đoạt.
Tháng 9.2013, TAND quận 3 đã xử sơ thẩm lần đầu, phạt Ánh 15 tháng tù, buộc Ánh phải bồi thường một lượng vàng SJC và 2 triệu đồng cho bà N.
Bà N. và các luật sư của bà kháng cáo quyết làm cho ra lẽ. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định việc xác định số tài sản bị trộm còn mâu thuẫn nên hủy án để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Tuy nhiên, sau đó kết quả điều tra lại cũng không có gì mới hơn. Tại phiên xử sơ thẩm lần hai mới đây của TAND quận 3, các luật sư của bà N. tiếp tục đặt ra nghi vấn về việc vợ chồng Ánh trước đây khá nghèo, làm gì tự dưng mua được nhà, đất tiền tỉ, mở cửa hàng kinh doanh… Cạnh đó, các luật sư băn khoăn là thẩm quyền vụ án thuộc cấp huyện hay cấp tỉnh khi tin báo tội phạm ban đầu về số tiền, vàng bị trộm là rất lớn. Cuối cùng, TAND quận 3 cho rằng những vấn đề mà các luật sư nêu ra chưa được CQĐT làm rõ nên tuyên hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bị trộm bao nhiêu vàng?
Vụ khác, dù không bị kéo dài như trên nhưng sau khi đã có bản án phúc thẩm, phía người bị hại vẫn rất ấm ức, không tâm phục khẩu phục.
Bà Lương Thị Thanh là chủ một cơ sở vật liệu xây dựng ở quận Tân Bình. Bà Thanh thuê Lợi (cháu của chồng bà ở Cần Thơ) lên phụ việc. Cuối năm 2012, Lợi xin nghỉ về quê. Chiều 5.5.2013, Lợi chở vợ lên TP thăm bà Thanh. Vì đông khách, bà Thanh đưa chìa khóa phòng riêng cho Lợi nhờ lấy hàng như những lần trước. Lấy hàng xong, Lợi nán lại một lúc rồi mở tủ trộm tiền, vàng của bà Thanh. Đến tối, bà Thanh mở tủ cất tiền thì thấy đồ đạc bị xáo trộn, toàn bộ vàng đã không cánh mà bay nên báo công an.
Theo xác minh của Công an và VKSND quận Tân Bình, sau khi rời nhà bà Thanh, Lợi gọi điện thoại kể cho anh rể biết. Người này động viên Lợi trả tài sản cho bà Thanh. Lợi không chịu nên người anh rể chạy xe máy lên TP.HCM tìm Lợi. Đến Long An, thấy Lợi ngồi trên xe đò hướng về Cần Thơ, người anh rể quay xe bám theo. Sau khi gặp, Lợi đưa toàn bộ tài sản lấy trộm được (năm lượng vàng 9999, bảy chỉ vàng SJC, gần bảy chỉ vàng 18K, bảy chỉ vàng nữ trang, 100 USD, 100 AUD, tổng giá trị gần 278 triệu đồng) cho người anh rể để trả cho bà Thanh. Hôm sau, người anh rể đã nộp toàn bộ số tài sản trên cho cơ quan công an.
Bà Thanh không đồng tình, cho rằng vợ và anh rể của Lợi cũng có liên quan đến vụ án. Đặc biệt, theo bà Thanh, trong những lần về thăm gia đình bà, Lợi đã lấy trộm nhiều lần tổng cộng khoảng 2,4 kg vàng (tương đương 60 lượng vàng).
Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình xét hỏi nhiều lần nhưng Lợi luôn nói chỉ có một mình gây án. Tòa cho rằng bà Thanh không có chứng cứ chứng minh Lợi có đồng phạm, cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh bị mất 2,4 kg vàng. Từ đó, tòa xác định một mình Lợi trộm số tài sản như cáo trạng truy tố và phạt Lợi tám năm tù.
Sau đó, bà Thanh kháng cáo nhưng bị TAND TP.HCM bác. Sau phiên xử phúc thẩm, bà Thanh rất ấm ức, vẫn khẳng định rằng Lợi trộm của bà 2,4 kg vàng chứ không chỉ là số vàng, tiền như án tòa xác định.
Trong vụ án của bà N., sau khi tòa phúc thẩm (lần đầu) hủy án, VKSND TP.HCM từng đưa vụ án ra rút kinh nghiệm. Theo VKSND TP, trong quá trình điều tra, lời khai của Ánh có mâu thuẫn với lời khai của bà N. về số lượng tài sản bị chiếm đoạt. Hồ sơ chưa đủ chứng cứ phù hợp với lời khai của cả bị cáo lẫn người bị hại. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm (lần đầu) vẫn kết luận bà N. không chứng minh được đã cất 120 lượng vàng, 3.000 USD và 26 triệu đồng vào vị trí nào trong tủ áo nơi Ánh lấy trộm. Mặt khác, tòa sơ thẩm (lần đầu) cho rằng chưa có đủ chứng cứ để chấp nhận lời khai của các nhân chứng nên xác định Ánh chỉ trộm một lượng vàng và 2 triệu đồng. VKSND TP nhận xét tòa sơ thẩm (lần đầu) không chấp nhận lời khai của bà N. là không đúng pháp luật tố tụng hình sự vì người bị hại không có nghĩa vụ chứng minh mà trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tố tụng khi có đầy đủ chứng cứ phù hợp. Cạnh đó, việc tòa sơ thẩm (lần đầu) chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của Ánh làm chứng cứ duy nhất để kết luận Ánh chiếm đoạt một lượng vàng và 2 triệu đồng mà không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án là vi phạm tố tụng nghiêm trọng về nguyên tắc đánh giá chứng cứ trong chứng minh tội phạm… Phải làm rõ từng nghi vấn Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao tòa không tin lời nạn nhân mà lại tin lời bị cáo. Có một cách lý giải xuyên suốt là áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo, không được làm bất lợi cho bị cáo khi không có chứng cứ vững chắc. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, với kinh nghiệm nhiều năm xét xử, tôi cho rằng các tòa nên trả hồ sơ để buộc cơ quan điều tra, VKS phải xác định đến cùng sự thật thông qua việc làm rõ từng nghi vấn một. Các cơ quan tố tụng phải đặc biệt chú trọng đến các chứng cứ mà các bên đưa ra để có sự đánh giá, nhận xét đúng đắn. Ông Vũ Lai Bằng, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao
Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP.HCM)