Nạn nhân gốc Việt vụ xả súng tại Mỹ sắp làm đám cưới
“Cháu nó rất háo hức tới ngày được mặc bộ váy cưới”, người chú của Tin Nguyen, nạn nhân gốc Việt thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 2.12 ở San Bernardino, Mỹ đau buồn nói.
Cô Tin Nguyen, nạn nhân vụ xả súng ngày 2.12 tại San Bernardino, Mỹ – Ảnh chụp màn hình NBC News
Theo báo cáo của cơ quan điều tra, cô Tin Nguyen (31 tuổi) sống tại thành phố Santa Ana, bang California là một trong số 14 nạn nhân của vụ thảm sát tại Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Inland Regional Center tại San Bernardino, bang California.
Tin Nguyen, sinh ra tại Việt Nam, là một giám sát viên về thực phẩm tại Sở Y tế San Bernardino. Cô chuẩn bị làm đám cưới vào năm 2017, theo USA Today ngày 3.12.
Tin Nguyen cùng những nạn nhân khác đều là đồng nghiệp của Syed Rizwan Farook, một trong 2 nghi phạm gây ra vụ xả súng. Trang The Desert Sun dẫn lời người anh họ Calvin Nguyen của cô Tin Nguyen cho biết lẽ ra cô không làm việc tại trung tâm vào ngày 2.12. Mãi đến 22 giờ 30 tối 2.12, cả gia đình vẫn còn nhắn tin cho nhau để nói chuyện về việc chuẩn bị mùa Giáng sinh sắp tới. Đến 23 giờ, gia đình mới hay tin là Tin Nguyên có mặt tại địa điểm vụ xả súng.
Calvin Nguyen cho hay Tin Nguyen có thể đã ghé qua trung tâm này để tham dự buổi tiệc hằng năm vào trưa 2.12. “Mẹ chị ấy đã gọi điện, mọi người đều gọi điện nhưng chị ấy không bắt máy. Chúng tôi nói rằng nếu chị ấy sống sót thì phải gọi lại chứ”, Calvin Nguyen nói.
Calvin cho biết Tin Nguyen là một cô gái tốt, rất thông minh và chăm sóc chu đáo cho mẹ và gia đình. Ông Phu Nguyen, chú của nạn nhân cho biết cô rất mong đợi tới ngày được mặc bộ váy cưới. Được biết, Tin Nguyen dự tính làm đám cưới vào năm 2017.
Video đang HOT
Gia đình Tin Nguyen đau buồn khi hay tin cô thiệt mạng trong vụ xả súng do đồng nghiệp gây ra ngày 2.12 – Ảnh chụp màn hình USA Today
Ngày 3.12, cơ quan điều tra San Bernardino công bố danh tính 14 nạn nhân bị sát hại trong vụ xả súng. Các nạn nhân ở độ tuổi từ 26 đến 60. Có 21 người khác bị thương sau vụ thảm sát này. Hai tay súng là Farook (28 tuổi) và người vợ tên Tashfeen Malik (27 tuổi) thiệt mạng trong cuộc đấu súng với cảnh sát khi bị rượt đuổi ngày 2.12.
CNN dẫn lời quan chức hành pháp cho hay Farook đã thường xuyên liên hệ với nhiều người đang bị điều tra khủng bố. Tuy nhiên hai vợ chồng Farook không nằm trong danh sách bị theo dõi khủng bố và động cơ vụ tấn công vẫn chưa được làm rõ.
Theo cảnh sát trưởng Jarrod Burguan tại San Bernardino, Farook sinh tại Mỹ, còn quốc tịch của Malik vẫn chưa rõ. Farook là nhân viên của Sở Y tế San Bernardino, đồng nghiệp của cô Tin Nguyen. Ban đầu nhà chức trách cho biết họ đã bắt giữ nghi phạm thứ 3, nhưng sau đó khẳng định chỉ có 2 kẻ tấn công kể trên.
Sau khi phát hiện kho vũ khí và đạn dược tại nhà riêng của hai nghi phạm này, các nhà điều tra nhận định nghi phạm có thể có kế hoạch gây ra những vụ tấn công khác nữa. Tuy chưa rõ động cơ xả súng, song giới chức địa phương lẫn Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không loại trừ khả năng đây là vụ tấn công khủng bố.
Bảo Vinh – Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Phát hiện kho vũ khí tại nhà nghi phạm vụ thảm sát California
Chất nổ, nhiều loại vũ khí và hàng ngàn viên đạn đã được 2 kẻ gây ra vụ thảm sát ở California trữ sẵn ở nhà. Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận đây có thể là vụ tấn công khủng bố.
Cảnh sát khi đang truy lùng hung thủ sau vụ xả súng ở California ngày 2.12 - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Mỹ hôm 3.12 đã lục soát nhà của nghi phạm gây ra vụ thảm sát ở Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật Inland Regional Center tại San Bernardino, bang California, phát hiện sự thật chấn động kể trên. Từ đó, các nhà điều tra nhận định nghi phạm có thể có kế hoạch gây ra những vụ tấn công khác nữa.
Hai nghi phạm được xác định là Syed Rizwan Farook, 28 tuổi và Tashfeen Malik, 27 tuổi. Họ là một cặp vợ chồng mới cưới đã có một đứa con mới 6 tháng tuổi. Hai người được cho đã gửi con cho ông bà rồi đi gây án!
Trong khi bị cảnh sát rượt đuổi, cặp vợ chồng trên đã bắn ra 76 viên đạn về phía cảnh sát, còn cảnh sát "đáp lễ" bằng 380 viên đạn. Hai cảnh sát đã bị thương khi đấu súng, trong khi cặp vợ chồng đã bị bắn chết.
Một người bị thương được đưa khỏi hiện trường - Ảnh: Reuters
Tới nay, chính quyền cho biết vẫn chưa xác định được động cơ của vụ thảm sát đã làm 14 người chết, 21 người bị thương. Tuy nhiên Tổng thống Obama hôm 3.12 thừa nhận: "Đây có thể là một vụ có liên quan đến khủng bố nhưng chúng tôi vẫn chưa biết rõ". FBI cho biết cần có thời gian để điều tra.
Dẫu thế, nhiều ứng viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, chẳng hạn Thống đốc New Jersey, ông Chris Christie khẳng định đó là là một khủng bố.
Cựu bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Tom Ridge cũng nói với hãng truyền thông BBC rằng những gì xảy ra đã chứng minh đó là khủng bố: "Tôi sẽ xác định đây là một vụ tấn công khủng bố. Các vụ tấn công do mâu thuẫn nơi công sở thường mang yếu tố tự phát cao, không chuẩn bị từ trước, không lên kế hoạch, thường chỉ có một người tấn công và chưa từng bao giờ có bom ống".
Giới chức Mỹ cho biết họ cũng đang điều tra về khả năng còn có những đồng phạm khác nữa và đang liên lạc với gia đình, họ hàng của những kẻ tấn công.
Cảnh sát trưởng San Bernardino, ông Jarrod Burguan cho biết Farook, nhân vật nam trong vụ xả súng được sinh ra ở Mỹ, không hề "nằm trong tầm ngắm" của các cơ quan hành pháp Mỹ. Suốt 5 năm qua, ông ta làm việc cho Sở Y tế hạt San Bernardino trong vai trò là một thanh tra viên nhà hàng. Tờ Los Angeles Times dẫn lời các đồng nghiệp của Farook mô tả ông ta là người Hồi giáo, rất sùng đạo nhưng hiếm khi đề cập đến vấn đề tôn giáo.
Chiếc xe mà 2 hung thủ đã dùng để tẩu thoát khỏi hiện trường (giữa) - Ảnh: Reuters
Trong ngày xảy ra vụ thảm sát hôm 2.12, Farook và các đồng nghiệp dự tiệc tại Inland Regional Center. Một đồng nghiệp của Farook là Patrick Baccari cho biết anh ta ngồi cùng bàn với Farook, thấy người này đột nhiên đứng lên, bỏ ra ngoài, để lại cái áo khoác. Sau đó Farook quay trở lại cùng với bà vợ Malik, trên người mặc quần áo nhà binh, mang theo súng trường, súng ngắn bán tự động và bắt đầu nổ súng.
Lúc này, Baccari vô tình đang đi vệ sinh và trốn luôn trong nhà vệ sinh. Vẫn còn run sợ, anh nói: "Nếu tôi không đi vệ sinh, có lẽ tôi đã nằm chết trên sàn nhà".
Ngoài 2 nghi phạm đã bị cảnh sát bắn hạ, người thứ 3 bỏ chạy khỏi hiện trường truy bắt và đã bị bắt. Cảnh sát cho biết vẫn đang điều tra về những người khác có thể có liên quan vụ xả súng.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Thảm sát ở cơ sở người khuyết tật Mỹ: 'Vợ tôi thấy nhiều xác chết trên sàn' "Cô ấy nghe tiếng súng nổ và bật khóc. Tất cả mọi người đều hoảng loạn... Cô ấy nhìn thấy rất nhiều xác chết trên sàn nhà", chồng một nhân chứng vụ xả súng ở cơ sở người khuyết tật tại Mỹ kể. Một người làm việc trong tòa nhà xảy ra vụ xả súng ở San Bernardino, California (Mỹ) đoàn tụ với...