Nạn nhân của trò lừa ‘việc nhẹ lương cao’ ở Campuchia bị hành hạ thế nào?
Tại Campuchia, nhiều người đến từ Thừa Thiên – Huế bị đưa vào những khu nhà biệt lập giữa rừng sâu hay sát biển, hằng ngày bị canh gác, bị dọa nạt, đánh đập, bị nhốt, bỏ đói… vì tin vào quảng cáo ‘ việc nhẹ lương cao’.
Đó là lời kể từ những nạn nhân “sập bẫy” vì tin vào những quảng cáo trên mạng xã hội “việc nhẹ lương cao” tại Campuchia.
Bị giam lỏng, sống như trong “ngục tù”
Thời gian qua, Công an Thừa Thiên – Huế đã tiếp nhận hơn 10 đơn trình báo của người dân liên quan đến việc con, em mình bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép.
Anh T. (trú tại TP.Huế) là một nạn nhân của nạn lừa đảo này. Sang đến Campuchia, anh T. bị giam lỏng một tháng, sống như trong “ngục tù” khi liên tục bị bóc lột, đánh đập. Không còn cách nào khác, anh phải cầu cứu gia đình bỏ số tiền hơn 60 triệu đồng để chuộc mình về.
Anh T. khai báo việc mình bị lừa sang Campuchia tại cơ quan công an. Ảnh CACC
“Lúc tuyển dụng trên mạng thì bảo là tuyển chăm sóc khách hàng, tuyển telesale, nhân viên sale với mức lương 1.000 đô (USD – PV). Qua đến đó, nếu chống đối, không làm vừa ý thì bị đánh, rồi bị bán đi công ty khác với giá cao hơn để lấy lời. Muốn trở về Việt Nam, chỉ có cách bỏ trốn hoặc nhờ người nhà gửi tiền sang chuộc thôi”, anh T. nói.
Buộc làm công việc lừa đảo qua mạng
Chị Phan Thị Đăng Thi (TP.Huế) kể về khoảng thời gian em trai của mình bị lừa sang Campuchia chỉ vì tin vào lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao”.
Theo chị Thi, sang đến Campuchia, em trai chị bị nhốt trong tòa nhà biệt lập. Ngoài em trai chị còn có rất nhiều nạn nhân khác là người Việt Nam.
Mỗi ngày, em trai chị Thi và các nạn nhân khác phải làm việc liên tục từ 15 – 16 giờ/ngày với các công việc lừa đảo qua mạng. Nếu làm không đạt chỉ tiêu đã đưa ra, sẽ bị nhốt lại rồi đánh đập.
Sau hơn 1 tháng, em trai chị Thi không chịu được nữa nên xin nghỉ. Lúc này, công ty yêu cầu phải trả hơn 90 triệu đồng và cho rằng đây là tiền chi phí và bồi thường hợp đồng lao động.
Nhiều bài đăng với nội dung tuyển dụng việc hấp dẫn, đánh vào lòng tin của người lao động. Ảnh CACC
Để giải quyết vấn nạn trên, Ban giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chỉ đạo lực lượng công an một số đơn vị, địa phương phối hợp triển khai các phương án, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng để lao động trái phép. Ngoài ra, công an tỉnh cũng yêu cầu người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi thuê lao động, liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động đã được nhà nước cấp phép để được hướng dẫn cụ thể… Từ đó, tránh sập bẫy lừa đảo “việc nhẹ lương cao”.
Người Việt bị lừa lương 20 triệu được chuộc về từ Campuchia: Bị ép dụ người khác 'việc nhẹ lương cao'
Anh T. 23 tuổi (ngụ Bình Dương) - người bị lừa sang Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao' cho biết, mỗi ngày, anh được quản đốc giao lừa thêm nhiều người khác gia nhập các sàn thương mại điện tử giả mạo, nhằm thực hiện việc lừa đảo nạn nhân chuyển tiền.
Gần 2 tháng bị lừa sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao", anh T. gầy rạc người, da đen nhẻm. Nhiều lần T. nhắn tin mong mẹ tìm cách cứu T. trở về, vì không chịu nổi áp lực KPI (chỉ tiêu) đi lừa đảo người mới mỗi ngày. Nếu chống đối, T. sẽ bị chuyển đi nơi khác, nguy hiểm đến tính mạng.
Nhận việc như khách VIP
Đang làm việc cho một công ty điện tử, T. cảm thấy không phù hợp nên quyết định thay đổi. Trong thời gian chờ xin việc, T. đi nhiều nơi nhưng đều không chấp nhận khi thấy T. có hình xăm trên gáy. Một ngày chán nản, T. nằm ở phòng trọ đọc được thông tin tuyển lao động làm việc tại Mộc Bài (Tây Ninh).
Chị Trang gặp lại con trai 23 tuổi sau gần 2 tháng. Ảnh NVCC
Không cần tay nghề, không cần trình độ, chỉ cần chịu làm, thật thà, lương 14 - 20 triệu đồng/tháng bao ăn ở. Thấy cảnh gia đình khổ, 20 năm từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi Bình Dương làm ăn mà ba mẹ vẫn sống trong cảnh nợ nần, ở nhà trọ, ly hôn. T. làm liều liên hệ, nghĩ rằng chỉ cần tiết kiệm thì T. sẽ phụ được ba mẹ trả nợ, em út sau này không thua thiệt với bạn bè.
Vừa đăng ký, trao đổi, vài ngày sau, có xe ô tô đến điểm hẹn đón T. chuẩn bị đến nhận việc. T. được đưa đi làm hộ chiếu, ở khách sạn trong thời gian chờ đợi. "Thời gian này, em được bao ăn, ở khách sạn. Đến Mộc Bài, ban đầu họ nói em nơi làm cách cửa khẩu 200m, nhưng thấy di chuyển khá xa, em bắt đầu có linh cảm chẳng lành", T. kể.
Đó là nghĩ vậy, trên xe có 3 người đàn ông Việt khác, là người của đơn vị tuyển dụng, T. không dám ý kiến gì. Chỉ biết rằng sau đó, T. được đưa vào khu có tên gọi Chia Town ở Campuchia, được sắp xếp cho ở trong phòng ký túc xá có 7 người.
YouTuber P.B vừa qua đã có chuyến đi Campuchia cứu 6 người bị lừa sang làm việc. Ảnh FBNV
Theo lời T., khu vực T. ở có nhiều dãy nhà sát nhau, nhưng như "khu đặc trị", có 2 lớp hàng rào điện. Ở bên trong, cách 20 bước chân là có 1 người đứng gác có súng nên không một ai có suy nghĩ dám bỏ trốn.
T. biết, chuỗi ngày liều mình kiếm tiền của mình sẽ có nhiều thử thách, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Những người cũ cảnh báo T., nếu không chịu làm lụng, T. có thể bị bán qua khu Tam Thái Tử hoặc Hai Con Voi thì "chỉ có nước nhảy lầu" vì cực không thể chịu nổi.
Lừa bán lao động qua Campuchia: nhằm vào người trẻ, lôi kéo qua mạng xã hội
Không lừa được khách mới thì nhịn đói
Theo lời giới thiệu ban đầu, mỗi ngày T. cần giới thiệu 3 khách mới tham gia chơi game với số tiền vài trăm ngàn đồng. Nhưng thực tế công việc lại hoàn toàn khác, T. và những người bạn cùng phòng phải làm việc từ 10 giờ sáng đến khoảng 23 giờ, thậm chí 1 giờ sáng hôm sau.
Tất cả đều bị thu điện thoại cá nhân, phát 1 chiếc điện thoại khác và sim của Campuchia, tạo nick Zalo. Ở đây đưa ra 3 quy định và kiểm soát gắt gao: không được chụp ảnh nơi làm việc, không được gây gổ và không nghiện hút. Ai vi phạm sẽ bị chuyển sang một nơi khác, có thể bị đòn roi.
Em C. (An Giang) là một trong số những người được đưa về nước trong đợt này. Ảnh FBNV
T. cho biết, những người quản lý không cho biết đây là công việc gì, T. nhìn những người trước làm rồi cứ vậy buộc phải học theo. Cụ thể, T. phải mời càng nhiều người vào các ứng dụng "nhái" các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Tiki, Lazada, Amazone, Shopee càng nhiều càng tốt.
T. phải tìm kết bạn với người Việt đang ở Việt Nam hoặc những người đã đi định cư tại Campuchia, nói chuyện làm quen, sau đó giới thiệu vào các app giả mạo trên, mở gian hàng rồi bắt đầu chuyển tiền.
"Tôi không muốn đi lừa đảo người khác, nhưng ở đây không lừa thì không được ăn uống. Sau khoảng gần 2 tháng ở đây, tôi đã lừa 3 người với số tiền tương đối", T. thừa nhận.
Có thời điểm, cả tổ của T. hơn 30 người mấy ngày liên tục không lừa được khách nào 5 triệu nên bị quản lý công ty bực không cho ăn tối. Mỗi ngày, mọi người chỉ được phát đồ ăn sáng, bữa trưa đồ ăn bị cắt giảm và tối không cho ăn. Nhiều thời điểm không chịu được cơn đói cào ruột, T. phải sang phòng của cô gái miền Tây làm phiên dịch cho công ty để xin mì gói.
Hành trình chuộc người trên đất Campuchia rất nguy hiểm. Ảnh FBNV
Sau khi được mẹ liên lạc, báo có YouTuber P.B đến tận nơi chuộc về, T. đã hỏi quản lý giá để được ra khỏi nơi này. Quản lý đưa ra mức giá 3.500USD, cuối cùng chốt 2.600USD.
Đúng ngày giờ hẹn, T. được YouTuber cùng người bản địa đến đưa ra khỏi dãy nhà này. Hít một hơi thật sâu, T. cảm thấy như được sống lại, không còn chút áp lực, những dằn vặt lương tâm khi phải đi lừa đảo những người khác.
T. chia sẻ: "Tôi vẫn còn liên lạc với vài bạn đang ở bên đó, có người có con nhỏ ở Việt Nam, người mẹ bệnh nằm viện nhưng không có cách nào để về. Tiền chuộc tự cứu thân cũng không có. Mọi người nói bây giờ ngày nào không lừa được hơn 100 triệu thì xác định tăng ca đến giữa đêm".
Rơi nước mắt ngày con trở về
Đứng chờ con ở bên đây biên giới, chị Nguyễn Thị Mai Trang (42 tuổi, mẹ của T.) cũng phờ phạc vì ngóng trông. Ngày biết con vừa sang Campuchia, chị đã chạy đôn đáo, vay mượn khắp nơi để tìm cách cứu con.
Đến trình báo công an, tìm đến Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, Sở Ngoại vụ,... tất cả mọi cách ai chỉ chị đều làm, miễn sao cứu được mạng sống con trở về. Khi câu chuyện chị mỏi mòn mong cứu con được chia sẻ lên mạng xã hội, chị nhận được cả sự chung tay của dân mạng để hỗ trợ chị chi phí đi lại.
Chị Trang đến cửa khẩu chờ đợi được đón con trở về. Ảnh NVCC
Nhưng cũng không ít những lời chửi rủa, đay nghiến, khiến người mẹ đã suy sụp nay như muốn ngã quỵ vì không còn chút sức lực. Nghĩ đến con, chị lại phải tự vực lên để tìm cách đưa con về nước.
"Cộng đồng mạng giúp tôi được hơn 20 triệu, tôi xin mượn lại P.B 1 triệu trong số tiền ấy để tôi mua đồ ăn. Sau thời gian dài nghỉ không lương đi tìm cách cứu con, trong người tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng. P. nói tôi gửi em ấy đúng 20 triệu thôi, số còn lại tôi cứ lo ăn uống, chi phí đi xe đến gần cửa khẩu đón con. Trong khi tiền chuộc con hơn 60 triệu, số còn lại P. hỗ trợ hết. Ơn này tôi không biết trả đến khi nào mới xong", chị Trang nức nở.
Ngày gặp lại con, chị bật khóc khi thấy con gầy và đen đi nhiều. Nắm lấy tay con, chị mới dám tin là con chị đã bình an trở về. "Tôi tự trách mình không cho con được gia đình đầy đủ nên con mới phải lăn lộn như vậy. Chỉ tiêu đi lừa đảo là 100 - 200 triệu/ngày, không làm được thì không được ăn uống. Nghe con nói mà xót, tôi cũng khuyên con giờ nhà mình vậy, đi lừa nữa rồi các gia đình khác rơi vào cảnh như nhà mình thì sao. Đau khổ lắm", chị chia sẻ.
Sau 1 tuần đón con về, chị cho hay, con trai vẫn thường hoảng loạn. Chị phải cho con uống sữa, ăn cháo loãng rồi mới chuyển dần sang ăn cơm. Với chị, giờ đã cứu được mạng con là có tất cả, số tiền nợ vài chục triệu sắp tới hai mẹ con sẽ cùng cày cuốc để trả nợ.
Chia sẻ với Thanh Niên, YouTuber P.B cho biết, từ ngày cứu 6 người Việt bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao, điện thoại của anh liên tục nhận được các cuộc gọi cầu cứu mỗi ngày.
Các clip về hành trình đến Campuchia chuộc mạng người của P.B thu hút sự quan tâm của dân mạng. Ảnh NVCC
Từ các vị trí định vị được mọi người gửi, YouTuber xác định được công ty đang giữ người, đến nơi, anh phát hiện ở các điểm này đều canh gác rất chặt chẽ. Nhờ có người quen biết ở Campuchia, nam YouTuber đã nhờ liên lạc với quản lý trực tiếp để thương lượng giá.
"Chuyến đi này tổng số tiền chuộc là 23.000 USD, tức hơn 552 triệu đồng. Trong đó, chị Trang gửi 20 triệu đồng, tôi hỗ trợ 43 triệu đồng; bé gái khác tên Th. gia đình gửi 60 triệu đồng, tiền chuộc lên đến 84 triệu đồng nên tôi cũng hỗ trợ 24 triệu đồng. 4 em còn lại, tôi không dùng tiền của ai để chuộc. Chưa kể tiền nhập cảnh, đóng phạt mỗi bạn 8 triệu đồng. Đây là số tiền tôi rút sổ tiết kiệm và mượn từ bạn bè", anh chia sẻ.
YouTuber P.B cho biết, hộ chiếu của anh đã sắp hết hạn nên nếu có hộ chiếu mới sớm, có thể anh sẽ tiếp tục đến Campuchia để thực hiện tiếp việc này. "Chuộc càng sớm tiền chuộc càng ít và nguy hiểm cho người bị giữ càng thấp", anh nói.
Đồng Nai: Triệt phá đường dây đưa hàng trăm người sang Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao' Công an Đồng Nai vừa phối hợp với Công an nhiều tỉnh, thành triệt phá đường đưa trái phép hàng trăm người sang Campuchia làm 'việc nhẹ lương cao'. Từ đầu tháng 6.2022, từ tin báo của người dân nói rằng con mình bị lừa bán sang Campuchia bằng chiêu trò "làm việc nhẹ lương cao", Công an tỉnh Đồng Nai đã vào...