Nạn nhân của tập đoàn đa cấp lừa đảo lên tới hơn 60.000 người
Đó là khẳng định của đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an – cơ quan đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam do Lê Xuân Giang cầm đầu.
Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trắng trợn làm giả cả lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích lừa đảo – Ảnh chụp lại từ hồ sơ của công an
“Khi khởi tố vụ án, chúng tôi xác định có khoảng 45.000 nạn nhân nhưng sau đó con số tăng lên rất nhanh, tới 52.000 nạn nhân, còn bây giờ đã là 60.000 nạn nhân và chưa dừng lại ở đó, số tiền chiếm đoạt cũng không dừng lại ở 1.900 tỉ đồng”, đại tá Huy nói.
Nhiều người bị lừa 5 – 6 tỉ đồng
Theo đại tá Huy, số nạn nhân trong vụ án ở khoảng 27 tỉnh, thành phố. Người bị lừa ít nhất là 8,5 triệu đồng, không ít người bị lừa lên tới 5 – 6 tỉ đồng.
“Những người này do hám lợi đã huy động tiền bạc của bạn bè, người thân để gửi vào Công ty Liên kết Việt hoặc các chi nhánh để hưởng tiền hoa hồng. Trong sáng nay, chúng tôi vừa tiếp nhận 1 trường hợp nộp vào Liên kết Việt 3 tỉ đồng qua các chi nhánh ở Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Ninh”, đại tá Huy nói.
Cũng theo đại tá Huy, con số bị hại đến nay mới chỉ ước tính, chưa phải con số cuối cùng vì cơ quan công an vẫn đang kêu gọi các nạn nhân đến trình báo. Do số bị hại quá lớn nên Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định ủy thác điều tra cho 27 cơ quan CSĐT tại các tỉnh thành nơi Liên kết Việt mở chi nhánh và văn phòng đại diện.
“Việc ủy thác này nhằm đáp ứng hai yêu cầu, thứ nhất là để các nạn nhân đỡ phải đi lại tốn kém, họ đã nộp tiền cho Liên kết Việt tại Hải Dương hay Hải Phòng thì chỉ cần liên hệ với công an các địa phương này để trình báo là đủ, không cần phải lên Hà Nội. Thứ hai, cả đơn vị chúng tôi có mấy chục người, không thể tiếp và nhận trình báo của 60.000 nạn nhân”.
Cũng theo C46, hoạt động lừa đảo của Công ty Liên kết Việt xảy ra trong thời gian ngắn, khoảng 1 năm nhưng tính chất rất phức tạp. Những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động trắng trợn, liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Video đang HOT
“Con số 1.900 tỉ đồng thiệt hại chỉ mang tính sơ bộ, bởi đây là tiền do các bị hại nộp vào Liên kết Việt qua tài khoản mở tại các ngân hàng. Còn rất nhiều người nộp tiền mặt hiện vẫn chưa được thống kê”, đại tá Huy cho biết.
Đề cập đến số tiền 1.900 tỉ đồng đã huy động nhưng đến nay chỉ còn hơn 134 tỉ đồng, đại tá Huy cho biết Giang và đồng phạm đã sử dụng khoảng hơn 100 tỉ đồng để trả hoa hồng cho người tham gia vào hệ thống nhằm lôi kéo người khác tham gia, số còn lại sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Hồ sơ của Cơ quan CSĐT thể hiện Liên kết Việt đã ban hành các quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, soạn thảo ký khống 2 loại hợp đồng gồm: Hợp đồng bán hàng đa cấp và Hợp đồng phân phối để yêu cầu người tham gia nộp tiền vào công ty.
“Quản lý kinh doanh đa cấp đang có vấn đề”
“Một doanh nghiệp đa cấp lừa đảo hơn 60.000 người tại 27 tỉnh, thành phố nhưng Bộ Công thương, Sở Công thương không hay biết, có biện pháp ngăn chặn, phải chăng quản lý nhà nước đang có vấn đề?”.
Trả lời câu hỏi này của PV Thanh Niên, đại tá Trần Quang Huy nói: “Việc quản lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đang có vấn đề, chưa có trách nhiệm cụ thể. Một doanh nghiệp kinh doanh đa cấp này bán bao nhiêu hàng hóa, khai thế nào thì biết thế, không khai thì cơ quan chức năng không biết. Thứ hai, hàng sản xuất ra có đúng như đăng ký không cũng không ai kiểm soát được, không biết hay dở ra sao”.
Việc quản lý các doanh nghiệp hoạt động đa cấp hiện nay thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, đây cũng là đơn vị đã cấp phép cho Công ty Liên kết Việt được hoạt động vào cuối năm 2014. Một nguồn tin cho biết, trước thời điểm bị khởi tố, Công ty Liên kết Việt từng bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt hành chính với số tiền 500 triệu đồng vì để xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo Cơ quan CSĐT, cầm đầu vụ án lừa đảo 60.000 người tại Công ty Liên kết Việt là Lê Xuân Giang (tức Lê Xuân Hà, 45 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên). Năm 1991, Giang nhập ngũ, sau đó đi học Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật và dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng. Năm 2011, Giang xuất ngũ với cấp bậc chuẩn úy, đi làm cho nhiều công ty tư nhân. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Xuân Giang và đồng phạm thường xuyên diện quân phục đeo cấp hàm trung tá hoặc đại tá. Trên thực tế, Giang đã lôi kéo một số cán bộ quân đội đã nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động bán hàng nhằm tạo lòng tin lôi kéo người dân tham gia.
Nạn nhân Liên kết Việt trình báo ở đâu ?
Theo C46, trong một năm, Công ty Liên kết Việt đã thành lập trụ sở chính, chi nhánh, đại lý ở 27 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình. Hiện phòng cảnh sát kinh tế thuộc công an các địa phương này là đơn vị tiếp nhận các thông tin trình báo của nạn nhân trong vụ lừa đảo liên quan đến Liên kết Việt.
Thái Sơn
Theo Thanhnien
Những chiêu trò đa cấp khiến gần 45.000 người sập bẫy
Không phải đơn giản mà tồn tại chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng 'tập đoàn đa cấp' của Lê Xuân Giang đã lừa được khoảng 45.000 người.
Lê Xuân Giang mặc quân phục gặp gỡ khách hang - Ảnh: lkv.com.vn
Liên quan đến vụ hàng loạt lãnh đạo của Công ty cổ phần liên kết sản xuất thương mại VN (Công ty Liên kết Việt, có trụ sở tại TP.Hà Nội) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt giữ, nguồn tin PV Thanh Niên cho biết đa phần các nạn nhân là người già cả và sống ở vùng nông thôn, miền núi thiếu thông tin.
Làm giả cả bằng khen của Thủ tướng
Để thu tiền bán hàng đa cấp, Công ty Liên kết Việt đã mời người dân đến văn phòng của công ty tại Hà Nội và chi nhánh ở các tỉnh, thành phố để nghe thuyết trình quảng cáo với nội dung công ty là doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Các sản phẩm công ty phân phối là do Bộ Quốc phòng sản xuất, nếu người dân ký hợp đồng thì vừa có thuốc tốt để dùng, vừa có lãi tiền gửi cao và được hưởng nhiều khoản tiền thưởng hoặc vật chất có giá trị nếu mời được thêm người tham gia.
Theo "chính sách" do công ty đưa ra, nếu một người tham gia một mã hàng trị giá 8,6 triệu đồng, sẽ được hưởng 449 triệu đồng trong thời gian 5 năm, nếu người này mua thêm một mã hàng trong thời gian từ 1 đến 5 tháng sẽ được hưởng 33,5 triệu đồng, nếu mời được một người khác tham gia sẽ được trả hoa hồng 8%, mời được càng nhiều thì hoa hồng càng cao. Tiền hoa hồng được trả vào các ngày 5 và 23 hằng tháng. Để người dân tin tưởng, lãnh đạo công ty khi giới thiệu đều mang cấp hàm trung tá, đại tá. Tại nhiều hội nghị khách hàng, các cán bộ của doanh nghiệp này còn mặc quân phục đủ cả sao vạch để thuyết phục người dân mua sản phẩm. Chưa hết, họ còn trưng ra nhiều bức ảnh chụp chung với lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý, tại chi nhánh ở Hải Phòng còn tổ chức cả lễ đón bằng khen của Thủ tướng Chính phủ song song với hội nghị khách hàng trả hoa hồng.
Tuy nhiên, xác minh của cơ quan chức năng từ Ban Thi đua khen thưởng T.Ư cho thấy, Thủ tướng Chính phủ chưa từng tặng bằng khen nào cho cá nhân hay tập thể của Công ty Liên kết Việt. Lời khai của những người bị bắt, đặc biệt là Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT công ty, thì việc làm giả bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích tạo niềm tin, uy tín của doanh nghiệp với người dân để thuận lợi cho việc bán hàng.
Bằng khen giả mạo
Lập lờ đánh lận con đen
Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010, tiền thân là Công ty Hưng Việt do Lê Xuân Giang làm đại diện theo pháp luật. Đến cuối năm 2014, công ty này mới được Sở Công thương TP.Hà Nội và Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 năm, công ty đã phát triển một mạng lưới gồm 1 chi nhánh tại TP.HCM, 21 văn phòng đại diện tại 18 tỉnh, thành.
Sản phẩm do công ty phân phối là các loại thực phẩm chức năng, máy chăm sóc sức khỏe như: Dưỡng cốt vương, bổ não vương, đông trùng hạ thảo, một số loại máy khử độc Ozone, máy chăm sóc sức khỏe người già - được quảng cáo mua của Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP và Công ty cổ phần Biovaccine VN. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP do chính Lê Xuân Giang lập ra. Việc gắn chữ BQP đã khiến nhiều người lầm tưởng là Bộ Quốc phòng nên tin theo. Ngoài ra, cơ quan công an làm rõ các sản phẩm do Công ty Liên kết Việt phân phối có gắn các tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện T.Ư quân đội 108, Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng. Các đơn vị này cho biết không có mối liên hệ hợp tác kinh doanh cũng như nghiên cứu khoa học nào với Công ty Liên kết Việt.
Cơ quan chức năng đã làm rõ, tổng giá trị các sản phẩm mua vào của Công ty Liên kết Việt chỉ khoảng 7 tỉ đồng và đã bán với doanh số thu được khoảng 9 tỉ đồng nhưng trên sổ sách chứng từ của công ty cho thấy đơn vị này đã thu về khoảng 1.900 tỉ đồng và được Lê Xuân Giang rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến thời điểm cơ quan công an vào cuộc, số dư của công ty chỉ còn khoảng hơn 40 tỉ đồng.
Từ tháng 9.2015, nhiều người nộp tiền không được công ty trả hoa hồng đã đến các chi nhánh và trụ sở tại Hà Nội để đòi nhưng đơn vị không còn hoạt động.
Đến thời điểm này, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người là lãnh đạo Công ty Liên kết Việt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú (cùng là phó tổng giám đốc); Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn (đều thuộc nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh) và Trịnh Xuân Sáng (phụ trách công nghệ thông tin).
Thái Sơn
Theo Thanhnien
Điểm lại những vụ lừa đảo đa cấp gây chấn động dư luận trong nước Những vụ lừa đảo núp bóng dưới danh nghĩa bán hàng đa cấp (BHĐC) không còn là câu chuyện mới mẻ. Vậy nhưng, vẫn có rất nhiều người dân vướng vào hình thức này, khiến "tiền mất, tật mang", thậm chí có người khánh kiệt lâm vòng lao lý. Không ít công ty đa cấp lừa đảo hàng chục nghìn người với số...