Nạn nhân bom nguyên tử kể ký ức đau buồn
“Chúng tôi chỉ tìm thấy những mảnh xương từ thi thể của cha, gói ghém lại và khóc trên suốt đường về nhà”, một cụ ông 84 tuổi, người còn sống sót trong vụ ném bom hạt nhân ở thành phố Hiroshima năm 1945 kể lại.
Ông Hirai bên bức ảnh duy nhất chụp lại cả gia đình. Ảnh: The Atlantic
Shoso Hirai cẩn thận mở túi, lấy ra một tấm ảnh đen trắng cũ kỹ và nhẹ nhàng đặt nó lên chiếc bàn đối diện. Ông chậm rãi chỉ vào gương mặt của từng người trong bức hình.
“Cha tôi đứng ngoài cùng”, cụ ông nói. “Còn đây là mẹ tôi. Cậu bé không đeo kính là em trai tôi, và người còn lại là tôi”, Hirai nói, để mặc cho những ký ức đau thương ùa về.
Hirai, người năm nay đã 84 tuổi, cho biết tấm ảnh này được chụp từ năm 1943, hai năm trước khi xảy ra sự kiện Hiroshima và Nagasaki, ngày 6 và 9/8/1945.
Video đang HOT
“Đây là kỷ niệm duy nhất về em trai mà tôi còn lưu giữ được”, Hirai nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Atlantic. “Cho tới tận hôm nay, chúng tôi vẫn không thể tìm thấy thi thể của em.”
Ở cái tuổi ngoài bát thập, có thể chỉ trong vài năm tới, chúng ta sẽ không bao giờ còn được nghe Hirai chia sẻ câu chuyện này. Tuy nhiên, nhờ một dự án mang tên “Tiếng nói của những người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki”, nhằm lưu giữ các hình ảnh, số liệu về hai vụ ném bom dưới dạng dữ liệu số, những ký ức của ông cùng nhiều nhân chứng khác sẽ tiếp tục được bảo tồn cho hậu thế.
Xuất phát từ ý tưởng của một số tờ báo lớn như Chugoku Shimbun và Asahi Shimbun, dự án này được thực hiện bởi rất nhiều các nghệ sĩ, lập trình viên và nhà báo. Công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng các thành viên của dự án phải không ngừng cố gắng bởi họ mong muốn những câu chuyện đã xảy ra từ 70 năm trước không bị chìm vào quên lãng.
Bức ảnh chụp các thành viên trong gia đình ông Hirai. Ảnh: The Atlantic
Theo chính phủ Nhật Bản, các nhân chứng trẻ nhất trong vụ ném bom nay cũng đã hơn 70 tuổi, và ký ức của những người như ông Hirai chính là một phần của lịch sử.
Sinh năm 1929, Hirai cho biết hồi ức của ông về cái ngày quả bom bị ném xuống Hiroshima vẫn rất rõ ràng. Đó là một ngày thứ hai, và khi đó ông đang ở nhà một người bạn, cách trung tâm của vụ nổ gần 4 km.
“Chính xác là 8h15 sáng. Khi ấy tôi đang ở lối vào nhà một người bạn. Thành phố vẫn rất yên bình, rồi bỗng có một âm thanh kinh hoàng”, Hirai cho biết, nói thêm rằng ông không thể nhận thức được chuyện gì đã xảy ra.
“Người ta lao ra khỏi nhà và gào thét, rằng ‘Chuyện gì đã xảy ra?’. Xung quanh tôi đầy những tiếng kêu khóc, ‘Cháy!’, ‘Cháy!’”, ông kể lại.
Sau buổi sáng định mệnh ấy, Hirai cùng mẹ tới văn phòng của cha ông, và tất cả những gì họ tìm thấy chỉ là những mảnh xương vỡ vụn.
“Chúng tôi thu gom rồi đem phần còn lại của thi thể cha về nhà”, Hirai nói, “vừa đi vừa khóc”.
Vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki, xảy ra lần lượt vào hai ngày 6 và 9/8/1945, do quân đội Mỹ thực hiện. Ước tính hơn 200.000 người, chủ yếu là thường dân Nhật Bản, thiệt mạng sau hai vụ tấn công. Trong khi Mỹ tin rằng hai quả bom đã góp phần chấm dứt Thế chiến thứ hai sớm hơn dự kiến, dư luận Nhật Bản vẫn cho rằng hành động này là không cần thiết và vô đạo đức. Hôm nay người dân, lãnh đạo Nhật Bản và các quan khách đã tề tựu ở Công viên Hòa bình của Hiroshima để tưởng niệm những người thiệt mạng trong các vụ ném bom nguyên tử tàn khốc 68 năm trước.
Theo VNE
Lời cảnh báo thế kỷ
Thảm họa Hiroshima cách đây 67 năm vẫn là nỗi đau đến hôm nay - Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon nhắc nhở để cảnh báo, đồng thời kêu gọi nhân loại nỗ lực hành động để xoá bỏ mối đe dọa của vũ khí hạt nhân.
Người dân Nhật Bản thắp đèn tối 6-8-2012 để tưởng nhớ hàng trăm nghìn nạn nhân
của quả bom nguyên tử đầu tiên ở Hiroshima
67 năm trước, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, cuộc chiến tranh gây tổn thất về sinh mạng và của cải lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đi tới hồi kết với một sự kiện không thể bi thảm hơn. Đó là 2 quả bom nguyên tử đầu tiên và duy nhất mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima (ngày 6-8) và Nagasaki (ngày 9-6) của Nhật Bản, tính tới thời điểm hiện nay.
Chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi được ném xuống, quả bom nguyên tử đầu tiên đã cướp đi sinh mạng của 140.000 người ở thành phố Hiroshima và khoảng 74.000 người ở thành phố Nagasaki. Ngoài ra, sức huỷ diệt khủng khiếp của 2 quả bom còn làm cho hàng trăm nghìn người khác phải vật vã chống chọi với những vết thương hành hạ họ suốt đời, cũng như để lại những di chứng quái ác cho nhiều thế hệ sau này.
Sự huỷ diệt khủng khiếp của 2 quả bom nguyên tử đã làm cả thế giới kinh hoàng. Thế nhưng, thay vì lấy đó làm bài học đắt giá và lời cảnh tỉnh thì những quốc gia có tiềm lực hàng đầu thế giới lại lao vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khốc liệt trong suốt mấy chục năm thời chiến tranh lạnh.
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên Xô trước đây lên tới đỉnh điểm vào cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, trong đó chỉ riêng Mỹ luôn có tới trên 31.000 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được khai hoả. Cộng với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của các cường quốc hạt nhân khác như Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, kho vũ khí hạt nhân trên thế giới thời chiến tranh lạnh thừa sức huỷ diệt nhiều lần sự sống trên trái đất.
Chiến tranh lạnh kết thúc cũng là lúc các cường quốc, đi đầu là Mỹ và Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô, đã cùng nhau cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân. Sau Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-I) ký năm 1991 và START-II ký tháng 4-2010, Mỹ và Nga cam kết cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550, mở đường cho việc tiến tới một thế giới không hạt nhân.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá giấc mơ thế giới không vũ khí hạt nhân là vô cùng khó khăn bởi hơn ai hết các cường quốc hàng đầu thế giới không dễ gì từ bỏ công cụ răn đe và duy trì sức mạnh của mình. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển) cảnh báo, thế giới vẫn đang đứng trước hiểm họa vũ khí hạt nhân khi chỉ riêng có 8 nước được coi là các cường quốc hạt nhân trên thế giới hiện nay là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel và Pakistan đã sở hữu hơn 20.500 đầu đạn hạt nhân, trong đó có hơn 5.000 đầu đạn đã được triển khai và trong tình trạng sẵn sàng sử dụng.
Chính vì thế, trong thông điệp gửi tới Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima ngày 6-8, Tổng thư ký Ban Ki-Moon khẳng định thảm họa Hiroshima cách đây nhiều thập kỷ tiếp tục vang vọng đến hôm nay. "Thế giới không được để xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân khác tương tự như cuộc tấn công trên" - người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới cùng nỗ lực xoá bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân.
Theo ANTD
Nhật tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản hôm nay tổ chức lễ tưởng niệm những nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử cách đây 67 năm, trong bối cảnh làn sóng phản đối điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima tăng cao. Chim bồ câu được thả ở Công viên Tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima trong lễ tưởng những nạn nhân thiệt mạng vì bom nguyên tử....