Nạn nạo phá thai giảm, vô sinh tăng
Chưa kịp mừng vì Việt Nam đã thoát khỏi danh sách một trong những quốc gia hàng đầu về tỉ lệ nạo phá thai cao, thì đã lại giật mình vì tỉ lệ vô sinh ngày càng tăng. Hai vấn đề lớn trong chăm sóc sức khỏe đang là thách thức cho ngành sản khoa hiện nay.
20% số ca phá thai thuộc về trẻ dưới 18 tuổi
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết: “Tỉ lệ phá thai ở Việt Nam từng có thời gian ở mức 100/100, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì cũng có 100 ca phá thai. Thậm chí ở khu vực thành thị năm 2003, tỉ lệ phá thai lên tới 190%, năm 2006 là 140%. Với tình trạng này, Việt Nam đã được coi là một trong những nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tuy nhiên, theo xu hướng từ năm 2007 đến nay đã giảm, còn khoảng 54 – 60 ca phá thai/100 trẻ ra đời”.
Cần có những kiến thức và kỹ năng sức khỏe sinh sản đầy đủ, các cặp vợ chồng mới có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Tuy nhiên, trong những tín hiệu tích cực này vẫn còn những mảng tối, đó là phá thai vị thành niên khá cao- chiếm tới 20%. Và đây cũng chỉ là thống kê được chỉ ra từ các bệnh viện khu vực nhà nước. Không ai thống kê được số liệu này từ các phòng khám tư nhân mở ra ngày càng đông đảo hiện nay.
Mà các em vị thành niên, không phải ai cũng “dũng cảm” đến cửa bệnh viện nhà nước để được phá thai an toàn. Ngay các bác sĩ sản phụ ở Hà Nội, không ít người đã phải than lên rằng, có những cháu học sinh, những em sinh viên chưa quá 20 tuổi đời, số lần đến giải quyết hậu quả đã qua số ngón tay trên 1 bàn tay.
Cuống cuồng phá thai rồi lại sốt ruột chữa vô sinh
Video đang HOT
Hậu quả của phá thai nhiều lần ấy không thể hiện ngay và phải vài năm sau, khi mà những vị thành niên của 5 – 7 năm trước giờ thành những phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản, thực hiện trách nhiệm làm vợ, sau đó làm mẹ. Họ giật mình vì năm xưa cuống cuồng đi phá thai, nay lại sốt ruột đi chữa vô sinh.
Tại khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TƯ, cô gái Nguyễn Thanh Vân (ở Hà Nội) mới 22 tuổi, lập gia đình 1 năm đã xin được thụ tinh ống nghiệm – hy vọng cuối cùng dành cho cặp vợ chồng hiếm muộn. Chị em xung quanh thấy cô gái trẻ tuổi như vậy nên hỏi sao đã phải cầu đến phương án cuối cùng ấy, cô chỉ nuốt nước mắt vì không làm sao lấy lại được thời gian quá tự do, phóng khoáng trong quá khứ của mình!
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế ứng phó với xu hướng giảm sinh ngày 27.3 ở Hà Nội – đưa ra 2 thông tin cho thấy rõ xu hướng vô sinh đang thực sự tăng lên. Nghiên cứu năm 2011 của Học viện Quân y 103 trên hơn 9.300 cặp vợ chồng cho thấy, tỉ lệ vô sinh chung là 3,2%; còn nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản TƯ và khoa Sản, Đại học Y Hà Nội trên 3.000 trường hợp công bố năm 2012 thì khoảng 7,7% số cặp vợ chồng vô sinh.
Đặc biệt là vô sinh thứ phát, tức là gặp khó khăn ở lần sau mang thai, chứ không phải lần đầu tiên. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng vô sinh này được chỉ ra chính là hậu quả của viêm nhiễm đường sinh sản, của việc phá thai.
Năm 2006, Việt Nam công bố đã đạt được mức sinh thay thế, mỗi bà mẹ có trung bình 2,09 con. Đây là một thành công của ngành dân số, cán đích vượt so với kế hoạch đề ra trước 4 năm. Nhưng tình trạng nạo phá thai còn cao, vô sinh trẻ hóa, vô sinh gia tăng – đó chắc chắn không phải là một thành công.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ- GS-TS Nguyễn Viết Tiến- cũng lại báo động thêm một thực trạng: Các cặp vợ chồng hiếm muộn cũng không “chịu” đi khám và chữa bệnh sớm; để đến khi tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ sinh sản, nhiều người tuổi đã cao, vừa tốn kém, vừa khó khăn cho điều trị mà hiệu quả không như mong muốn.
Tình dục, sinh sản duy trì nòi giống là nhu cầu chính đáng của mỗi con người; nhưng dường như kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản để thực hiện, làm chủ được những “quyền lợi” ấy không chỉ ở trẻ vị thành niên còn đang rất thiếu, mà ngay cả những người trưởng thành cũng có thể chưa đầy đủ. Và như các bác sĩ nói thật hình tượng và cũng rất chân thành: “Dạy đường chạy cho hươu, đâu chỉ cần cho lớp trẻ mà còn cần cho tất cả mọi người”.
Theo Nguyễn Duy (Lao động)
Nhọc nhằn 20 năm "xin"... một mụn con
20 năm vợ chồng anh Tuấn (50 tuổi, Giao Thủy, Nam Định) ngược xuôi "cầu tự".... mà vẫn chưa có một mụn con.
Vợ chồng anh Tuấn đã kết hôn gần 20 năm vẫn chưa có con trong khi bạn bè anh đã lên chức ông, chức bà. "Gần 20 năm vợ chồng tôi đã đưa nhau đi chữa trị đông, tây, nam, bắc. Hễ ai mách đâu có thầy hay, thuốc tốt vợ chồng tôi đều tìm đến", anh Tuấn chia sẻ.
Vợ anh Tuấn (chị Mai) đã đi "cầu tự" ở khắp các đền chùa, miếu mạo. Cả hai vợ chồng chỉ mong được trời phật thương xót ban cho một mụn con. Năm 2010, nghe mách bảo, chị cùng chồng vào Nam để chữa vô sinh bằng thuốc Nam. Tuy chị đã mang thai nhưng cái thai đến tháng 13 vẫn không chịu chuyển dạ. Chị Mai đành ngậm ngùi vì biết mình bị lừa. Đầu năm 2012, vợ chồng chị Mai tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội với niềm hy vọng cuối cùng.
Tại đây, vợ chồng chị được làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy, tinh trùng của anh Tuấn bị yếu. Vợ anh cũng bị suy giảm buồng trứng. Các bác sĩ lấy tinh trùng của anh Tuấn thụ tinh ống nghiệm. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với cặp vợ chồng bất hạnh nhưng trớ trêu thay chị Mai lại mang song thai cùng bánh rau, sinh non. Cả hai đứa trẻ đều không qua khỏi...
Nỗi khát khao được làm bố, làm mẹ là động lực khiến các cặp vợ chồng kiên trì điều trị. (Ảnh: Thu Trịnh)
Nỗi khát khao được làm bố, làm mẹ vẫn là động lực khiến vợ chồng anh Hùng (Yên Mỹ, Hưng Yên) chữa vô sinh tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Hành trình chữa vô sinh của vợ chồng anh cũng thật bi ai.
Anh Hùng kết hôn được 10 năm nhưng chưa có con. Sau khi đi khám bác sĩ kết luận nguyên nhân vô sinh là do anh Hùng. Biết mình "vô dụng", anh Hùng muốn giải thoát cho vợ đi tìm hạnh phúc mới nhưng vợ anh nhất mực không chịu và thuyết phục chồng kiên trì chạy chữa.
Tính đến thời điểm nay, vợ chồng anh Hùng đã 6 lần làm thụ tinh ông nghiệm, 4 lần bơm tinh trùng vào trứng tại một bệnh viện nhưng vẫn không có kết quả.
Kiên trì mong mỏi một mụn con, vợ chồng anh lại quyết tâm chạy chữa tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn. Tại đay, BS Lê Vương Văn Vệ kết luận anh Hùng bị tắc ống dẫn tinh phải thông ống dẫn tinh. Sau khi phẫu thuật ống dẫn tinh thành công, lượng tinh của anh Hùng lại quá ít và yếu không thể thụ thai tự nhiên được, buộc phải thụ tinh ống nghiệm. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng vợ chồng anh Hùng cũng có tin vui. Hiện tại vợ anh đang theo dõi thai kì tại Viện.
Theo BS Lê Thị Thu Hiền, chuyên khoa Vô sinh hiếm muộn - Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, có không ít các cặp vợ chồng xuôi ngược 20 năm để "kiếm" một mụn con nhưng vẫn vô vọng.
BS Hiền cũng cho rằng, điều trị vô sinh rất vất vả và tốn kém. Có những cặp vợ chồng mười mấy năm áp dụng hết cách này đến cách khác vẫn bặt vô âm tín. Có những cặp vợ chồng chạy chữa có kết quả ngay nhưng lại không giữ được thai và chăm được con sau khi sinh...
TS. BS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học & Hiếm muộn Hà Nội cũng cho biết, vô sinh nam chiếm tỷ lệ 45-50% trong vô sinh và không tinh trùng là nguyên nhân quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể có con bằng tinh trùng của mình nhờ tiến bộ mới của y học.
BS Vệ cũng cảnh báo, tất cả những trường hợp cầu cúng hay chữa trị theo cách của các thầy lang, thầy mo chỉ khiến tiền mất tật mang. BS Vệ cũng tin rằng y học hiện đại mới giải quyết được các vấn đề về vô sinh ở cả nam và nữ...
Một cặp vợ chồng được coi là vô sinh khi không thể có con sau một năm chung sống, quan hệ tình dục bình thường và không dùng biện pháp tránh thai nào. Nhiều người lầm tưởng nếu người chồng to cao, mạnh khỏe thì chuyện vô sinh chỉ có thể do người vợ. Song thực tế vô sinh nam thường không có triệu chứng hay dấu hiệu gì rõ ràng ngoài việc lấy vợ đã nhiều năm mà chưa có con.
TS. BS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học & Hiếm muộn Hà Nội
D.Thu (Khampha.vn)
Bí mật về loài cây chữa vô sinh Thực tế đã giúp hàng chục người phụ nữ có con sau nhiều năm vô sinh bằng bài thuốc từ loài cây chưa có tên, bà Hồ Thị Tèn (SN 1950, tên thường gọi là Pỉ Dung, ngụ thôn Xi La, xã Xy, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) còn tự tin về bí quyết của mình đến mức có cách tính tiền...