Nạn móc ngoặc nuôi dưỡng cò mồi bệnh viện
Đổ lỗi cho nạn cò mồi tại các bệnh viện, phần lớn người ta hay viện ra những lý do muôn thuở: Quá tải. Tuy nhiên, với những người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự, câu chuyện này lại được nhìn nhận dưới góc độ khác. Một cán bộ công an còn nói thẳng: “Dẹp “cò”, chúng tôi làm chỉ trong nửa buổi sáng là xong. Nhưng thử hỏi có dẹp được không nếu bệnh nhân chấp nhận chi tiền nhờ “cò” để được việc. Nếu không có người tiếp tay, “cò” không bao giờ có đất sống”.
Truy quét cũng chỉ giải quyết phần ngọn
Thời gian trước đây, bệnh viện Saint Paul vốn là mảnh đất khá màu mỡ để cho các loại “cò” hoạt động. Trước cổng bệnh viện này luôn thường trực hàng chục quán cóc chuyên bán trà đá vỉa hè. Với hai mặt tiền là phố Chu Văn An và Trần Phú, chính những quán cóc này là nơi đám “cò” vạ vật và tăm tia con mồi. Trung tá Nguyễn Văn Huệ – Phó trưởng Công an phường Điện Biên, quận Ba Đình kể lại: “Có những lúc, nạn “cò” trở nên nhức nhối tới mức, ngoài việc dắt mối chúng còn cướp giật khi những “thương vụ chăn dắt” bệnh nhân không thành”. Điển hình như ngày 13-10, đối tượng Lê Văn Bình, trú tại phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) sau khi giở chiêu “tiếp thị” với bệnh nhân không thành đã xoay ra móc túi. Rất may sau đó, lực lượng công an đã bắt được đối tượng và thu hồi tang vật trả người bị hại.
Để triệt phá những tụ điểm này, Công an phường Điện Biên đã kiên quyết dẹp toàn bộ hàng rong, quán nước lấn chiếm vỉa hè ở tất cả những tuyến phố trọng điểm. Kết quả ban đầu khá mỹ mãn: Bệnh viện Saint Paul sạch bóng quán xá và những đối tượng tụ tập làm dịch vụ ăn theo. Những tuyến phố lân cận cũng nhờ đó mà trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, việc duy trì tình trạng này cũng khá mệt mỏi. Chúng tôi phải thường xuyên cắm chốt từ 6h – 22h hàng ngày, đồng thời phải có 1 tổ tuần tra liên tục và xử lý quyết liệt không để tình trạng “đá ném ao bèo” – Trung tá Huệ cho biết.
“Cò” thường xuyên trà trộn vào bệnh nhân tại cổng BV Mắt Trung ương
Cũng theo Trung tá Huệ, việc trấn áp và truy quét các đối tượng cò mồi phải luôn gắn với giải tỏa hàng quán. Nói một cách hình ảnh, “cò” cũng giống như cỏ dại, chỉ đợi bóng các lực lượng chức năng rút đi là chúng đua nhau mọc. Thậm chí, khi bị xử lý mạnh chúng lại rút ngay vào trong khuôn viên bệnh viện giả làm người nhà bệnh nhân. Trong khi đó, theo chức năng của mình, bên trong khuôn viên bệnh viện là phạm vi trách nhiệm của lực lượng bảo vệ. Nếu những lực lượng này không kiên quyết đẩy đuổi thì mọi nỗ lực của công an cũng bằng… hòa.
Bệnh viện cần tự làm sạch
Video đang HOT
Trong cuốn sổ dày cộp chuyên theo dõi và xử lý đối tượng của Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn, Phòng CSHS Công an thành phố Hà Nội, chúng tôi đếm được hàng chục cái tên của đám cò mồi chuyên ký sinh tại các bệnh viện. Nhắc đến những đối tượng này, Trung tá, Đội phó Lê Kim Đồng lắc đầu ngán ngẩm: “Chúng tôi bắt và xử lý liên tục. Nhưng theo luật thì không có trường hợp nào phải xử lý hình sự. Và cứ hễ thả ra là lại đâu đóng đấy”.
Theo Trung tá Đồng, việc để cò mồi tồn tại trước tiên cần nhắc tới trách nhiệm của chính các bệnh viện. Có một thực tế không thể chối cãi là bệnh nhân khi thông qua “cò”, chấp nhận chi một khoản phí bôi trơn thì đều được việc. Họ được chen ngang, được bác sỹ khám nhanh và ân cần hơn hẳn những người đi khám theo cách xếp số thứ tự”.
Nhờ qua “cò”, PV đã có thể vào khám tại bệnh viện K và bệnh viện Mắt Trung ương hết sức nhanh chóng và thuận tiện
Trong suốt quá trình thực tế tại 2 bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện K chúng tôi ghi nhận, tính trung bình, nếu 1 “cò” dắt được 5-10 bệnh nhân/ngày và cứ một bệnh nhân, “cò” ăn được 100 nghìn thì một ngày chúng bỏ túi ít nhất 500 – 1 triệu đồng. Những món lợi nhuận như vậy dĩ nhiên các nhân viên y tế cũng có phần. Có một bài học mà bất cứ “cò” nào cũng sẽ thuộc nằm lòng khi bị công an sờ gáy, đó là nhất quyết: “Không quen bác sỹ nào”. Nếu bị bắt quả tang thì lập tức chuyển hướng: “Đây là thỏa thuận miệng, thuận mua vừa bán. Bệnh nhân nhờ thì em giúp chứ có ai ép họ đâu?”. Vậy là thoát hiểm. Cùng lắm thì chỉ bị phạt hành chính rồi… cho về.
Thực tế, bản thân các lãnh đạo bệnh viện không phải không biết nạn “cò” đang tồn tại ngay trước cổng – Trung tá Đồng cho biết. Khi chúng tôi họp giao ban với họ, bệnh viện nào cũng than rằng cò mồi rất phức tạp. Nhưng khi chúng tôi hỏi: Các bác sỹ khi khám bệnh cho những bệnh nhân mà “cò” đưa đến có biết không? Cò mồi vào trong bệnh viện, bảo vệ của các anh có biết không? Chắc chắn là biết bởi chúng tụ tập ở đó suốt ngày. Vậy tại sao “cò” ra vào tự do mà bảo vệ làm ngơ thì không ai trả lời được. Chính bảo vệ đã không chịu làm hết trách nhiệm của mình. Họ vẫn còn tâm lý e ngại hoặc không loại trừ việc ít nhiều có quan hệ với chính các đối tượng này. Nếu nhân viên bệnh viện còn dung túng, tiếp tay cho “cò” thì mọi cố gắng của công an cũng trở nên thừa thãi. Gốc của vấn đề nằm ở đó.
Ngoài việc các bệnh viện cần tự làm trong sạch đội ngũ cán bộ của mình, tới đây chúng tôi sẽ lập hồ sơ các đối tượng cò mồi vi phạm nhiều lần trong một năm để đưa đi cơ sở giáo dục. Có lẽ biện pháp này sẽ là liều thuốc mạnh để trấn áp dứt điểm nạn “cò” bệnh viện – Trung tá Đồng cho biết.
Đại tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự – CATP Hà Nội: Nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế đang công tác tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thì “cò” khó có thể qua mặt lực lượng bảo vệ bệnh viện vào các khoa, phòng khám. Chính vì vậy, để triệt tận gốc “cò” bệnh viện thì vấn đề cốt lõi là ngành y tế cần có biện pháp nâng cao y đức của đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những y bác sỹ cố tình vi phạm, tiếp tay cho “cò”. Lực lượng CSHS – CATP tiếp tục phối hợp với công an các quận, phường tăng cường xử lý, “quét vét” số “cò” hoạt động tại cổng các bệnh viện, ngăn không cho chúng tiếp xúc với bệnh nhân…
Theo 24h
Khi "cò" bắt tay bác sỹ
Hầu như tại các bệnh viện lớn của Hà Nội, nơi nào cũng có loa thông báo, đọc ra rả những thủ đoạn lừa của "cò" để bệnh nhân phòng tránh. Thậm chí ngay như Bệnh viện K trên phố Quán Sứ (BV K) còn có cả một bảng tin hoành tráng treo ảnh công khai để điểm mặt, chỉ tên những "cò" cộm cán chuyên làm dịch vụ "khám nhanh". Thế nhưng, điều đáng buồn là tất cả những hình thức ấy cũng chỉ để cho có. "Cò" vẫn tồn tại và không hề giảm. Vì sao?
Ai cũng muốn nhanh
Sau nhiều ngày lang thang ở BV K để tìm hiểu quy trình hoạt động của "cò", không cần mất quá nhiều thời gian và các cách thức tiếp cận, chúng tôi dễ dàng nhận diện ngay "cò" chỉ qua vài câu xã giao với đám "xe ôm" vốn lúc nào cũng thường trực trước cổng. Nếu như với "dịch vụ khám nhanh" do các "cò" dẫn mối, bệnh nhân nào chấp nhận chi tiền "bồi dưỡng bác sỹ" sẽ được thăm khám ngay lập tức thì những bệnh nhân đi theo con đường chính tắc sẽ phải chầu chực mất cả ngày. Cá biệt, có người phải mất đến vài ba ngày. Phần lớn, những người bệnh đến từ tỉnh ngoài ấy từ tờ mờ sáng đã phải đến bệnh viện xếp hàng lấy số.
Anh Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1970, quê ở thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) rầu rĩ kể lại, vợ anh đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ phát hiện có hạch ở cổ, qua xét nghiệm nghi bị ung thư. Vợ chồng anh vội vàng thu xếp tiền, đi xe khách lên thẳng BV K để khám. Đến khám vào lúc nửa buổi, bệnh viện lại chật kín bệnh nhân nên việc đăng ký, lấy số khám bệnh bị lỡ. Cũng may, anh Hưng được một bệnh nhân khác mách nước: "Tốt nhất là hôm sau dậy sớm. Đến xếp hàng từ 5h30 sáng, may ra mới đến lượt". Ở đất Hà Nội vốn lạ nước lạ cái, anh Hưng đành nghe theo và ra về. Hôm sau, đúng giờ anh chị có mặt tại cổng bệnh viện và quả nhiên đến lượt thật. Nhưng oái oăm ở chỗ, khi khám xong, bác sĩ hướng dẫn đi nộp tiền để làm các thủ tục tiếp theo thì vợ chồng anh Hưng lại gặp phải không ít những khó khăn khác. Loay hoay hơn hai ngày trời mà vợ anh vẫn chưa khám xong.
Bệnh viện K treo bảng cảnh báo các "cò" ngay cổng ra vào
Ông Phùng Văn Lương (SN 1964, ở Vĩnh Phúc) cũng bị bệnh viện tỉnh chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư phổi. Hôm người nhà đưa xuống BV K, ông được một phụ nữ khoảng 50 tuổi tiếp cận và ngỏ ý giúp làm thủ tục "khám nhanh". Tuy nhiên, để được khám nhanh, cứ mỗi lần làm thủ tục, chị ta đều bảo người nhà bỏ vào quyển sổ khám bệnh 200 nghìn đồng rồi chị ta tự chen vào xếp hàng làm thủ tục. Ông Lương bảo: Có lần cũng được việc nhưng cũng có lần chị ta vừa xuất hiện liền bị bác sĩ đuổi thẳng ra ngoài. Để khám nhanh, tôi đã mất hơn 1 triệu đồng cho "cò".
Để thâm nhập tìm hiểu hoạt động của "cò" bệnh viện này, sáng 20/12, trong vai bệnh nhân, vẫn với cái tên là Lâm Ngọc Huy (31 tuổi, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm), tôi đến quầy mua sổ và lấy số khám bệnh. Sau khi có được số khám 68, tôi được bác sĩ hướng dẫn lên phòng 2 tầng 2 để khám. Vừa bước lên khỏi cầu thang, tôi chứng kiến có khoảng gần trăm bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt. Lúc này, trên cửa phòng khám mới hiện đến số 34 và nếu tôi chờ đến lượt được khám có lẽ phải sang buổi chiều. Trong khi còn rất nhiều bệnh nhân phải chờ như thế thì có những bệnh nhân khác lại thập thò ngoài cửa rồi tự ý đi vào, chẳng tuân theo quy tắc nào. Vậy họ là ai?
Có tiền, cửa nào cũng mở
Giả bộ với khuôn mặt "sầu thảm", tôi lững thững bước ra phía cổng ghé tai một nhân viên bảo vệ ngỏ ý nhờ làm "dịch vụ khám nhanh" nhưng bị anh ta lắc đầu từ chối. Nghe thấy tôi muốn khám nhanh, một người đàn ông làm nghề "xe ôm" tiến lại hỏi: "Anh muốn khám nhanh à, chờ tí để em vào xem thế nào". Nhưng khi anh ta quay ra hết nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại lắc đầu, hôm nay không ai làm cả.
Thoáng hiểu quy trình hoạt động của "cò" tại đây, tôi tiến lại chỗ người đàn ông khác cũng hành nghề "xe ôm" bắt chuyện và "phát sóng" bắt đầu với lời than: "Chán quá! Thôi đi về chiều đến khám vậy". Nghe thế, bác "xe ôm" hỏi, muốn khám nhanh chứ gì, chờ để tôi gọi con mụ béo làm cho. Sau một hồi nhiệt tình đi tìm nhưng không gặp, quay lại chỗ để xe anh này rút điện thoại ra gọi. Vài phút sau, một phụ nữ to béo tên là Bảo độ ngoài 50 tuổi xuất hiện. "Cò" này đon đả hỏi tôi khám gì. Lướt qua nội dung tờ phiếu thu tiền khám bệnh của tôi "cò" Bảo chìa tay bảo tôi đưa cho chị ta 200 nghìn đồng rồi nói: "Chị một trăm còn bác sĩ một trăm".
Ra vẻ nghi ngờ, tôi hỏi lại, "chị có đưa em lên khám nhanh được không hay lại phải chờ"? Chẳng để tôi nói thêm câu nào, chị ta "bắn" như pháo nổ: "Yên tâm, khám nhanh, cần gì chị phải lên, em cứ đi lên rồi kẹp tờ một trăm này hở ra một tý, vào phòng và bảo, chị Mai Anh ơi, em là người nhà chị Mùi cơ sở 3. Cứ lên đi, chị sẽ gọi điện lên là người ta khám cho luôn". Nhận tiền xong, "cò" Bảo dặn tôi: "Chú em lên phòng số 1 chứ không vào phòng số 2. Hai bên như nhau cả. Cứ lên đi, ngồi ngay bên ngoài có một y tá còn bên trong là bác sĩ. Em vào thẳng, đưa nguyên như thế này cho bác sĩ. Xong xuống đây chị lại hướng dẫn tiếp". Chờ người phụ nữ vừa dứt câu, bác "xe ôm" ban nãy lập tức xen vào: "Công anh giúp chú, cho xin 2 chục" (20 nghìn đồng - PV).
Đúng theo lời của "cò" Bảo, tôi tự tin bước vào phòng khám. Lúc này đang có 2 bệnh nhân chờ khám nhưng sự xuất hiện của tôi chẳng làm cho bác sĩ phải khó chịu. Chờ một bệnh nhân khám xong, tôi tiến lại đưa quyển sổ cho bác sĩ và đọc nguyên văn "khẩu quyết" cò Bảo dặn khi nãy: "Em ở chỗ chị Mùi". Lật quyển sổ cùng với "phiếu khám", bác sĩ này vui vẻ mời tôi ngồi, đồng thời quay sang với cô y tá tên Mai: "Hướng dẫn em này nộp tiền cho chị nhé". Khám xong, vị bác sĩ hỏi trống không: "Chỗ chị Mùi à?". Rồi không đợi tôi trả lời, vị bác sỹ nhắc cô y tá tên Mai viết giấy cho tôi đi nội soi. Sự việc diễn ra quá nhanh và thuận lợi, tôi vội chào bác sĩ rồi thủng thẳng bước ra khỏi phòng khám. Bỏ lại hàng chục bệnh nhân vẫn chầu chực chờ đến lượt, tôi quay ra gặp lại "cò" Bảo. Viện lý do công ty gọi điện về gấp để chở hàng lên miền núi cho kịp dịp Tết dương lịch nên hôm sau sẽ về nhờ "cò" giúp cho dịch vụ "khám nhanh". Trước khi chia tay, "cò" không quên ghi cho tôi số điện thoại 09151388XX và tiếp thị: "Ở viện này, chú cần bất cứ thứ gì, cứ alô cho chị. Gi gỉ gì gi, cái gì chị cũng làm được tất".
(Còn nữa)
Theo 24h
Sống "ký sinh" bệnh viện Kỳ 2: Khi bác sỹ tiếp tay cho "cò" Hầu như tại các bệnh viện lớn của Hà Nội, nơi nào cũng có loa thông báo, đọc ra rả những thủ đoạn lừa của "cò" để bệnh nhân phòng tránh. Bệnh viện K treo bảng cảnh báo các "cò" ngay cổng ra vào Thậm chí ngay như Bệnh viện K trên phố Quán Sứ (BV K) còn có cả một bảng tin...