Nản lòng với chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2
Hàng ngàn người dân vùng cao Quảng Nam đã chấp nhận rời xa làng bản, tháo dỡ nhà cửa, bỏ lại vườn tược để nhường đất cho dự án thuỷ điện Sông Tranh 2.
Nhưng đổi lại sự hy sinh lớn lao đó là những khó khăn chất chồng tại nơi ở mới là nỗi lo lắng, sợ hãi về động đất, đập vỡ là nỗi ngỡ ngàng về sự vô cảm của chủ đầu tư…
Gần 2 ngày sau khi 6-7 trận động đất và rung chấn liên tiếp khiến người dân kinh hoàng, BQL dự án Thủy điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) – Chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa nắm bắt được những thiệt hại vật chất xảy ra đối với người dân trong vùng dự án, đồng thời cũng chưa có động thái nào thể hiện sự quan tâm đến người dân.
Ông Trần Văn Hải – Trưởng BQL dự án Thủy điện 3 điềm nhiên: “Không có thiệt hại gì lớn đâu. Chỉ có một số nhà dân – những nhà xây tường mỏng hoặc không phải là công trình bài bản – thì có vết nứt. Tuy nhiên, là vết nứt họ chỉ mình thấy thế thôi chứ không biết nó nứt trước hay nứt do động đất. Những vết nứt đó không nguy hiểm, không gây mất an toàn đâu. Nếu những ngôi nhà đó mất an toàn thì chúng tôi sẽ bàn với chính quyền địa phương hỗ trợ nhất định, nhưng chúng tôi chưa thấy đến mức độ (mất an toàn – PV) như thế nên không hỗ trợ”.
Vết nứt trên nhà dân sau động đất ngày 23/9
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My xác nhận, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 cũng như EVN chưa từng đặt vấn đề hỗ trợ cho địa phương và người dân bị thiệt hại do động đất. “Động đất liên tục xảy ra, chính quyền huyện phải chủ động lo cho dân trước và đề xuất UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ. Ngày 19/9, huyện đã tiếp nhận 100 tấn gạo do tỉnh hỗ trợ để cấp phát cho hơn 2.350 hộ dân bị ảnh hưởng bởi động đất ở các xã Trà Đốc, Trà Bui và giúp người dân khắc phục, sửa chữa một số nhà cửa hư hỏng. Còn chủ dự án thủy điện Sông Tranh 2 thì không có động thái gì”.
Trước khi hàng loạt trận động đất tiếp tục xảy ra vào ngày 23/9, chính EVN và một số nhà khoa học do EVN mời về khảo sát, nghiên cứu đã luôn khẳng định mấy chục trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My gần đây là động đất kích thích. Điều này có nghĩa việc tích nước thủy điện Sông Tranh 2 đã kích ứng, gây ra các trận động đất này. Hay nói một cách khác, “thủ phạm” gây động đất là thủy điện Sông Tranh 2. Điều đó có nghĩa, trách nhiệm của EVN mà trực tiếp là chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 đối với người dân là không thể chối bỏ. Việc chủ đầu tư dự án “ngó lơ” người dân chịu thiệt hại do động đất ở Bắc Trà My thể hiện sự bàng quan không thể chấp nhận được.
Chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 còn tích nước khi một số hộ dân ở huyện Nam Trà My chưa kịp dỡ nhà, di dời tài sản. Việc tích nước vẫn được tiến hành dù trước đó, UBND huyện Nam Trà My, Bắc Trà My chưa ra quyết định thu hồi đất của từng hộ dân riêng lẻ và UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu “tích nước khi đủ điều kiện, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, tính mạng của nhân dân”. Hậu quả của hành vi quan liêu này là hơn chục nhà dân bị ngập nước khiến các tài sản, vật dụng trong nhà bị hư hỏng với trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng là những tài sản lớn nhất của các hộ dân này, có được từ tiền đền bù giải toả. Tuy nhiên, qua 2 cấp xét xử, tất cả các hộ dân này đều thua kiện, không được đền bù, hỗ trợ phần thiệt hại nào. Như vậy, sau khi nhường đất làm thủy điện, những hộ dân này đã hoàn toàn trắng tay!
Dù kết quả phân xử do tòa định đoạt, nhưng nếu có lương tri và tấm lòng nhân ái, thiết nghĩ chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 nên có sự hỗ trợ đối với những gia đình này. Tuy nhiên, chiều 24/9, ông Trần Văn Hải trả lời phóng viên “thẳng đuột”: Không, không có hỗ trợ gì cả. Tòa đã xử, làm theo luật thôi. Chúng ta làm theo luật chứ lấy tiền đâu hỗ trợ cho họ!
Động đất có thể gây ra nhiều tổn thất và mất mát, nhưng cái mất lớn nhất cần phải tránh, đó là mất nhân tâm.
Đề nghị Trung ương cử đoàn vào tiếp tục khảo sát, nghiên cứu
Trước tình hình động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Ngọc Truyền – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành TW, Viện Vật lý địa cầu đề nghị các Bộ ngành Trung ương khẩn trương cử đoàn công tác tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các Bộ ngành TW tiến hành kiểm tra an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2.
Video đang HOT
Theo Dantri
Dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bỏ nhà vì động đất
Theo thống kê sơ bộ của huyện Bắc Trà My, hiện có gần 30 hộ tái định cư bỏ nhà đi nơi khác vì động đất và vì không phù hợp với tập tục sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Đây là những ngôi nhà do BQL dự án thủy điện 3 xây dựng cho người dân di dời, nhường đất cho nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.
Nhà TĐC bỏ hoang cỏ mọc lút đầu
Bỏ nhà vì động đất
Mấy hôm nay, ông Hồ Văn Dúi (thôn 3A, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) chuẩn bị tranh tre và mây để làm một căn nhà tạm bên cạnh căn nhà TĐC cho hai vợ chồng cùng 5 người con của mình ở. Những người hàng xóm cũng chung tay phụ giúp với ông để hoàn thành căn nhà.
Ông Hồ Văn Dúi đang vác mây về làm nhà tạm bên cạnh nhà TĐC.
Gặp ông ngay đầu dốc dẫn lên khu TĐC, ông vừa vác bó mây vừa nói: "Sợ lắm rồi, mấy hôm nay đất cứ rung chuyển miết nên tôi vào rừng kiếm tre và mây về làm căn nhà tạm bên cạnh để ở cho yên tâm thôi".
Trong khi chờ ông mang mây về, gần 10 người hàng xóm đã đào hố, dựng trụ... Những người này cho biết, họ làm giúp cho nhà ông Dúi vài ngày. Hết nhà ông Dúi thì sang làm cho nhà người khác ở trong khu TĐC này.
Gần 10 người hàng xóm đến giúp ông Dúi dựng nhà tạm.
Cách nhà ông Dúi một quãng là nhà ông Hồ Văn Xí. Năm nay đã 80 tuổi, ông cũng đã có nhà TĐC do BQL dự án thủy điện 3 xây cho nhưng khi chúng tôi đến, ông đang ngồi trong căn nhà bằng ván lợp tôn bên cạnh. Mấy hôm nay, ông bỏ công sức cùng các con làm thêm mái chái bên cạnh căn nhà ván để cho con cháu ông ở. Gia đình ông Xí cũng không dám ở trong căn nhà xây vì sợ động đất.
Ông Hồ Văn Xí trong căn nhà gỗ của mình
Con gái ông Xí, chị Hồ Thị Lan (23 tuổi) than thở: "Chúng tôi sợ lắm rồi, không dám ở nhà xây nữa đâu. Mấy ngày hôm nay toàn ở nhà gỗ này thôi". Theo chị Lan, nhà TĐC bị nứt nẻ do động đất trong những ngày vừa qua nên không ai dám ở vì sợ nhà sập.
Đi khắp các khu TĐC của xã Trà Đốc, chúng tôi nghe người dân nói nhiều về nỗi sợ hãi của mình về những trận động đất vừa qua. Họ lo sợ đến mức không dám đi làm rẫy vì ra rẫy lại sợ... đất sụp.
Ông Xí đang làm thêm mái chái bên cạnh nhà gỗ để con cháu ở.
Mấy hôm nay cán bộ từ huyện đến xã đi xuống tận thôn xóm tuyên truyền vận động người dân không nên bỏ bê nương rẫy. Nếu vì lo sợ động đất mà bỏ bê công việc có thể dẫn đến nguy cơ thiếu đói. Người dân tuy đã nghe, đi rẫy trở lại nhưng vẫn không thể yên tâm vì động đất vẫn xảy ra liên tục.
Nhiều nhà người dân đã bỏ đi, cửa bị hư hỏng.
Bỏ nhà TĐC vì thiếu đủ thứ
Một trong những lý do người dân bỏ nhà TĐC còn do thiếu nước sản xuất, xa nương rẫy. Theo thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, hiện có gần 30 nhà TĐC của BQL dự án thủy điện 3 xây cho người dân bị bỏ hoang, trong đó xã Trà Đốc có 24 nhà, xã Trà Bui có 4 nhà.
Ông Hồ Văn Sơn (thôn 3A, xã Trà Đốc) kể: "Tôi từ thôn khác đến đây TĐC nhưng lại xa nương rẫy quá nên kế sinh nhai cho gia đình cũng khó khăn. Mỗi lần đi rẫy tôi phải đi hơn 5 cây số nên tôi dựng lều ngoài rẫy ở luôn. Khi nào mùa rẫy xong thì lại trở về.
Phân trâu bò ngập thềm, nhà bỏ không.
Nhiều khu TĐC trông bề thế nhưng lại thiếu nước sinh hoạt khiến người dân cũng bỏ đi. Muốn có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ một quãng khá xa. Rất nhiều khu TĐC thiếu nước, nhiều nhất là ở xã Trà Đốc vì nơi đây tập trung nhiều khu TĐC nhất trong các xã.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, trước đây huyện và BQL dự án thủy điện 3 cũng đi khảo sát về phong tục tập quán của người dân để làm nhà TĐC cho họ. Huyện cũng đề xuất hai kiểu nhà nhưng khi làm xong người dân lại thấy không phù hợp với tập tục của mình.
Theo ông Tuấn, lâu nay người dân đồng bào quen sống nhà sàn bằng tranh tre nứa lá hoặc tường gỗ. Đặc điểm ngôi nhà của người dân ở đây là giữa nhà phải làm một cái bếp, tối đến đốt lửa rồi cả gia đình quây quần xung quanh. Đặc biệt là về mùa đông, ở miền núi, trời rét buốt nên trong nhà không lúc nào thiếu bếp lửa.
Căn nhà TĐC của ông Xí đã bị nứt sau động đất.
Mặc khác, người dân ở đây sống theo tập tục quần cư. Cứ một điểm hay một quả đồi có đất tốt có thể trồng lúa là có khoảng dăm ba căn nhà được xây dựng, sản xuất có phần dễ dàng hơn. Ngoài ra, nước sinh hoạt được dẫn bằng ống lồ ô từ núi về dùng cho cả làng. Nay nhà TĐC xa nương rẫy nên mỗi lần đi làm, người phải đi bộ một quãng rất xa, nước sinh hoạt lại không có. Việc người dân bỏ nhà TĐC, vì thế, không khó hiểu.
Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, xã không thể can ngăn khi người dân bỏ nhà TĐC vào làm nhà trong rẫy vì điều kiện thiếu thốn như thế. Hơn nữa, động đất lại xảy ra liên miên càng không thể vận động dân ở nhà TĐC khi họ cảm thấy không yên tâm.
Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My, ông Trần Anh Tuấn xuống từng nhà để giải thích, vận động người dân.
Phó Chủ tịch huyện Bắc Trà My - ông Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay huyện vẫn đang thống kê số nhà dân bị hư hại do động đất, nhất là nhà ở các khu TĐC. Sau khi có báo cáo đầy đủ huyện sẽ làm việc với BQL dự án thủy điện 3 và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để có cách sửa lại nhà cửa cho người dân.
Theo Dantri
'Động đất mạnh dồn dập là quá nguy hiểm' Đới đứt gãy này được dự báo có thể xảy ra động đất cực đại 6,1 độ richter. Nếu trận này có tâm chấn ngay trong lòng hồ, hoặc sát chân đập dễ gây phá hủy đập thủy điện Sông Tranh 2", GS Cao Đình Triều cho biết. Ngày 24/9, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho...