Nạn đuối nước ở trẻ: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!
“Mỗi ngày có trung bình 9 trẻ em và người vị thành niên tử vong do đuối nước. Trong khi đó, số trẻ biết bơi tại đồng bằng sông Hồng là 10%, đồng bằng Sông Cửu Long là 35%. Việc dạy trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước là điều cấp thiết”.
Nguy cơ đuối nưới trẻ em mỗi dịp hè tăng cao (ảnh minh họa)
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) – trao đổi với PV Dân trí về nhu cầu trau dồi kỹ năng phòng chống nguy cơ đuối nước của trẻ em trong dịp hè.
Thưa ông, những ngày cuối tháng 5 vừa qua nhiều vụ trẻ em tử vong do đuối nước tại nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Nam, Bình Phước…Vậy tại sao thời điểm này lại diễn ra liên tiếp các vụ như vậy?
Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu trong số các tai nạn thương tích gây tử vong cho trẻ em. Tình trạng này tăng vọt trong ở thời điểm này bởi trẻ được nghỉ hè, trở về với gia đình, cộng đồng.
Theo thống kê, vùng Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp đều có tỉ lệ cao trẻ tử vong do đuối nước.
Mặc dù đã giảm nhiều so với nhiều năm trước, nhưng số liệu trung bình 9 trẻ em và người chưa thành niên bị tử vong do đuối nước trong 1 ngày (hơn 3.200 trẻ em tử vong/năm) vẫn là con số đáng buồn.
Tình trạng trẻ tử vong do đuối nước là nhức nhối diễn ra nhiều năm nay tại Việt Nam, một đất nước lắm sông nhiều hồ. Nhưng tại sao vẫn chưa thể giảm mạnh, theo ông đâu là những nguyên nhân?
Nguyên nhân đầu tiên phải nhắc tới là trách nhiệm là các bậc cha mẹ, những người được giao trách nhiệm chăm sóc đã không thường xuyên giám sát, không hướng dẫn trẻ các kỹ năng chống đuối nước.
Bản thân trẻ em thiếu kỹ năng, không biết bơi khi rơi vào tình trạng đuối nước. Việt Nam có khu vực đồng bằng sông Cửu long và đồng bằng sông Hồng là nơi có nhiều sông, hồ. Các em cần thiết được học bơi, có những kỹ năng phòng ngừa và xử lý khi có nguy cơ bị đuối nước.
Nguyên nhân tiếp theo là môi trường sống trong gia đình, cộng đồng có nhiều nguy cơ mất an toàn, đòi hỏi sự giám sát và cảnh báo. Ví dụ ở sông, hồ phải có biển cảnh báo nguy hiểm về chỗ có nước xoáy, nước sâu. Trong môi trường gia đình, người lớn cần làm hàng rào ở ao, giếng phải có nắp đậy.
Video đang HOT
Mặt khác, các phương tiện giao thông của chúng ta chưa thực sự an toàn. Qua sông, qua suối chưa hẳn chỗ nào cũng có cầu. Các phương tiện thuyền, phà không phải lúc nào cũng có phao. Trẻ ở miền núi, những vùng có nước lũ khi đi học vẫn phải lội qua sông, qua suối. Những trường hợp này dẫn tới tình trạng tử vong nhiều cho trẻ em cùng lúc.
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH)
Nhìn nhận lại công tác phòng chống thương tích nói chung và đuối nước nói riêng, điều gì được coi là đáng tiếc nhất mà cộng đồng và cha mẹ chưa làm được, thưa ông?
Tôi cho rằng công tác giáo dục, tuyên truyền của xã hội và các bậc cha mẹ còn chưa quan tâm nhiều tới tình trạng đuối nước. Chỉ khi có tai nạn tử vong xảy ra, chúng ta mới giật mình quan tâm. Nhưng lúc đó thì đã quá muộn rồi, đúng như các cụ đã nói “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bởi vậy, tôi cho rằng chúng ta phải chủ động xây dựng môi trường an toàn, cuộc sống an toàn cho trẻ. Chỉ cần một sơ sảy nhỏ thôi trẻ đã có thể bị tử vong rồi và hối hận cũng không giải quyết được gì.
Điều lưu ý lớn nhất tới các bậc cha mẹ và toàn xã hội là thông điệp phòng ngừa, coi trẻ em luôn luôn bị các nguy cơ tai nạn thương tích, nguy cơ xâm hại bạo lực rình rập.
Ý thức rõ điều này, chúng ta mới bảo vệ tốt hơn cho trẻ, trong đó có phòng ngừa tai nạn thương tích và chống đuối nước.
Thời gian tới, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ triển khai các giải pháp nào để giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em, thưa ông?
Chúng tôi đang xây dựng chiến dịch phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ giai đoạn tới, trong đó đặt nặng các giải pháp đồng bộ về truyền thông giáo dục kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành các mô hình xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, trường học an toàn để giảm thiểu tai nạn thương tích.
Đây là những địa phương có tỉ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao. Kết thúc giai đoạn thí điểm, mô hình này sẽ nhân rộng trong toàn quốc.
Không chỉ chờ các cơ quan chức năng triển khai, nhiều cách làm tốt đáng nhân rộng giúp đỡ trẻ em đang diễn ra ở nhiều nơi.
Tại một số tỉnh có tỉ lệ sông, ngòi nhiều, nhiều địa phương đã đứng ra tổ chức các nhóm giữ trẻ trong mùa nước nổi. Ban ngày cha, mẹ mang trẻ tới đó để được chăm sóc, được dạy học và được dạy các kỹ năng phòng chống đuối nước.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội đang triển khai nhiều phong trào tặng áo phao, cặp phao cho trẻ, xây cầu cho trẻ qua sông. Đây là điều rất đáng quý và cần nhân rộng hơn.
Xin cảm ơn ông!
Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 có chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, nhằm phát động toàn xã hội tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói về các vấn đề có liên quan, tạo điều kiện để trẻ được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Đây là dịp để các cơ quan chức năng đánh giá, nhìn nhận lại nhiều chính sách, chương trình dành cho trẻ em đã và đang triển khai như chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, tiêm chủng mở rộng, phòng và chống tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS, phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo..
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Dantri
90% học sinh đạt loại giỏi, sao cha mẹ lại phải lo lắng?
90% học sinh đạt điểm giỏi, xuất sắc, nhưng con số đó đã nói đúng chất lượng giáo dục hiện nay hay chưa?
Những ngày này, trên Facebook cá nhân của các phụ huynh ngập tràn hình ảnh về kết quả học tập của con em mình. Tổng kết năm học, điểm thi Toán, Văn và các môn phụ của con toàn 9-10 điểm. Học sinh giỏi nhiều quá! Như thế này cũng đáng vì giáo dục của Việt Nam vừa được OECD đánh giá là đã vượt qua cả Anh, Mỹ kia mà.
Thế nhưng, phía sau những tự hào ấy là những lo lắng không thể giấu giếm của nhiều người làm cha, làm mẹ. Con học giỏi, lẽ ra phải mừng chứ sao lại lo lắng? Chuyện ngược đời này đã xuất hiện nhiều năm nay ở Việt Nam và có lẽ bây giờ lại trở nên trầm trọng hơn. Hàng loạt cách tranh cãi về cách giáo dục hiện nay không còn ý nghĩa với con số 90% học sinh bậc tiểu học và con số gần tương đương với bậc trung học cơ sở đều được xếp loại học tập khá, giỏi. Tỷ lệ học sinh giỏi cao như vậy thì còn gì để bàn cãi nữa? Con cái chúng ta giỏi thật rồi.
Các thầy cô chấm điểm thì rõ ràng "giấy trắng mực đen" đấy thôi. Các con phải làm đúng, làm tốt thì thầy cô mới chấm điểm 9, điểm 10. Nhưng chỉ với cách tư duy rất bình thường, không phải của người làm sư phạm cũng có thể biết rằng, không thể 90% các cháu nhận thức đều chằn chặn, tất cả đều tốt, đều viên mãn đến thế.
Nếu cha mẹ cũng chạy theo thành tích, cổ xúy cho thành tích thì các con đã "ảo" càng ảo hơn.
Đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao các con làm bài kiểm tra đạt chất lượng cao thế, đều tay thế mới thấy: Cô cho con thi thử, đề thi gần giống với đề thi thật. Với môn Toán, các con sau đó được cô chữa bài và hướng dẫn ôn theo bài thi thử đó. Còn môn Tiếng Việt thì các con có khoảng 4-5 bài "tủ", đa số các con học thuộc bài văn mẫu đó và đến hôm thi thì "nhớ lại" để làm bài. Cách học của các con không khác gì cái máy "photo copy". Nhiều cháu, gặp đề bài chỉ khác bài mẫu 1-2 từ nhưng không thể làm nổi, đặc biệt là với môn Toán.
Thực chất các cháu học như thế nào, có thực sự giỏi hay không chỉ có thầy cô và bố mẹ các cháu biết được thôi. Mà phải là bậc phụ huynh nào thực sự chu đáo, sâu sát với con em mình thì mới biết được con mình đang đứng ở tầng, nấc nào. Còn nếu cha mẹ cũng chạy theo thành tích, cổ xúy cho thành tích thì các con đã "ảo" càng ảo hơn.
Các trường, lớp cứ ru nhau bằng thành tích. Đã có cuộc họp phụ huynh tại một trường điểm ở Hà Nội, một phụ huynh đứng dậy thẳng thắn nói rằng: Lực học của con tôi không đến mức giỏi như vậy mà sao cô giáo vẫn chấm điểm giỏi cho con? Cô giáo chỉ biết phân bua rằng: Mong phụ huynh thông cảm, vì thành tích của con ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Thành tích của lớp lại ảnh hưởng tới thành tích của trường. Cho nên, không thể vì một em học sinh mà ảnh hưởng tới thành tích của tập thể được!".
Ở ngay Hà Nội chứ không nói đâu xa, đã có em học sinh 5 năm liền là học sinh giỏi nhưng khi cha mẹ đăng ký thi đầu vào trường Trung học cơ sở thì cả 2 trường em này dự thi đều được 0 điểm. Lúc này cha mẹ mới tá hỏa là con mình "rỗng tuếch".
Nếu cứ vì thành tích, các em cứ tiếp tục bị đánh giá sai lệch, không biết chính xác năng lực thực sự của mình đang ở mức nào thì sẽ dễ gây bệnh chủ quan, hài lòng với những gì mình đã có, triệt tiêu tinh thần phấn đấu, tự hoàn thiện bản thân của các em. Các bậc cha mẹ, nếu đặt hết niềm tin vào nhà trường, giao phó con cho nhà trường... thì e có ngày "hối không kịp".
Học giỏi. Hai từ ấy đã quá ăn sâu vào suy nghĩ của các con. Có lần, tôi hỏi đứa cháu: "Năm nay con có được học sinh giỏi không?" Cháu tôi trả lời: "Học sinh tiên tiến mới khó chứ còn học sinh giỏi thì cả lớp cháu giỏi rồi ạ".
Lại nhớ ngày xưa, sao giáo dục nước nhà qua bao nhiêu năm "cải tiến, cải lùi" mà chúng ta cứ nhắc chuyện ngày xưa? Ngày xưa, bố mẹ các cháu không phải đeo cái cặp sách nặng như bây giờ. Ngày xưa, chúng tôi được chơi nhiều hơn các cháu bây giờ. Và ngày xưa, cả lớp tôi chỉ có 2 bạn học giỏi chứ không phải gần như cả lớp như bây giờ. Nhưng vì ít học sinh giỏi nên phong trào thi đua học tập rất tốt. Cô giáo chấm rất "thẳng tay" các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết và học kỳ để các em biết được mình còn yếu chỗ nào, kiến thức môn nào cần được bổ sung... Đến khi thi tốt nghiệp, chỉ có 1 tháng thầy cô hệ thống hóa kiến thức. Và xếp loại tốt nghiệp cũng có từ trung bình, khá, giỏi. Nhưng đó là thành tích thật, năng lực thật của học sinh. Và cũng chỉ thời ấy mới có "nhất y, nhì Dược..."
Trở lại câu chuyện thực tại: Học giỏi nhiều thế có nguy hại không ạ? Nguy hại lắm chứ và đáng lo lắm chứ! Vì đánh giá thành thích không đúng các cháu sẽ không nhận thức đúng về bản thân lại thiệt thòi cho các cháu giỏi thật, học thật. Với cách làm của người lớn hiện nay, mọi thước đo giá trị sai lệch hết. Các cháu không giỏi thì nghĩ mình giỏi, còn các cháu giỏi thực sự thì lại thiệt thòi, bị đánh đồng các bạn không giỏi bằng mình. Còn các bậc phụ huynh thì không biết con mình lực học đang ở mức nào để bổ sung. Và khi các cháu ra các "đấu trường" thực sự thì sẽ "chiến đấu" ra sao?
Các em là thế hệ tương lai của đất nước. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Nhưng nếu chúng ta cứ tô vẽ những bức tranh đẹp như mơ mà không có thực thì rồi đây, đất nước sẽ ra sao? Sai lệch từ bậc cơ sở sẽ kéo theo sai lệch của cả hệ thống sau đó. Nhìn xa hơn một chút, công tác cán bộ của 15-20 năm nữa phải bắt đầu từ chính các em hôm nay./.
Theo VOV.VN
Dự thảo Luật Trẻ em: Xác định trẻ em là người dưới 18 tuổi Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến của các tầng lớp xã hội nhằm góp ý về Dự thảo Luật Trẻ em. Đây là dự thảo luật được điều chỉnh từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) cách đây hơn 10 năm. Theo Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa...