Nạn chèo kéo khách du lịch lan tới cả bản xa tại Sapa
Không chỉ diễn ra ngay trên địa bàn thị trấn Sapa (Lào Cai) mà nay nạn chèo kéo khách du lịch thậm chí còn lan tới các bản xa như Tả Van, Tả Phìn…
Không quá lời khi nói Sapa được ví như viên ngọc quý của miền Bắc, đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Khi người Pháp phát hiện và khai phá vẻ đẹp nguyên sơ của nơi này, họ đã quy hoạch và xây dựng Sapa thành một nơi nghỉ mát có một không hai ở miền Bắc Việt Nam. Sapa đã có được sự phát triển nhanh mạnh với ngành “công nghiệp không khói” nhưng kéo theo đó là nhiều hệ luỵ, những nốt trầm mà nhiều năm nay vẫn không thể khắc phục.
Từ thị trấn Sapa, các đoàn du khách nối nhau lên Hàm Rồng ngắm cảnh, đi thăm động Tả Phìn, Thác Bạc, Cầu Mây, xuống Tả Van, Bản Hồ, Lao Chải thăm thú làng du lịch… Đến chỗ nào cũng thế, vừa bước chân xuống khỏi ô tô, chưa kịp ngắm nhìn phong cảnh bản làng núi non, các du khách đã bị một đám đông các bà, các chị người Mông, người Dao… áo quần sặc sỡ vây quanh chào hàng và bám theo không rời một bước, vào tít sâu trong bản.
Người dân địa phương tại Tả Phìn đứng chờ ở cửa xe o tô chờ du khách xuống là đi theo mời mua hàng.
Vấn nạn hàng rong, xin tiền đã tồn tại ở Sapa rất nhiều năm. Những câu khẩu hiệu quyết tâm dẹp bỏ, quyết tâm chấn chỉnh đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng hiệu quả như thế nào thì ai cũng nhìn thấy. Sapa không đơn thuần là địa danh của riêng tỉnh Lào Cai mà còn là 1 trong những biểu tượng du lịch của Việt Nam. Nhưng với những cách thức quản lý, vận hành và phát triển du lịch có nhiều bất cập như hiện nay, nhiều người lo ngại rằng, những giá trị cốt lõi của Sapa sẽ biến mất trong thời gian không xa.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL Lào Cai, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách và bán hàng rong vẫn diễn ra trong những ngày nghỉ cuối tuần hoặc những lúc nhàn rỗi khi chưa đến mùa thu hoạch. Cụ thể, số phụ nữ và trẻ em tham gia bán hàng rong tại xã Tả Van giảm đều trong các năm. Năm 2017 toàn huyện Sapa có 551 đối tượng bán hàng rong trong đó có 536 phụ nữ, 15 trẻ em. Đến năm 2019 giảm còn 169 người toàn huyện.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo Pháp luật & Xã hội trong hai ngày 22 đến 23-10 chỉ riêng tại hai xã Tả Van, Tả Phìn, vẫn tồn tại một lực lượng không nhỏ những người đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng. Cụ thể, tại xã Tả Van trong sáng 23-10, trên con đường lên núi, hàng dài người địa phương với những gùi đồ thổ cẩm mời du khách mua hàng. Phần lớn những người này đều là phụ nữ cao tuổi. Không chỉ mời chào mua hàng, những người này còn đeo bám du khách một quãng đường dài để xin tiền hoặc mua ủng hộ đồ khi du khách chụp ảnh mình.
Du khách bị người dân địa phương bám theo chèo kéo mua hàng, xin tiền sau khi chụp ảnh.
Với chiến thuật một kèm một, kiên trì và nhẫn nại, những phụ nữ bán hàng rong tại Sapa tìm mọi cách theo sát khách du lịch kể cả khách nước ngoài lẫn khách nội địa. Các vị khách phương xa dù cố gắng di chuyển thật nhanh nhưng vẫn rất khó để thoát khỏi sự đeo bám. Kể cả sau khi mua hàng hay cho tiền, du khách tiếp tục bị họ theo sát như hình với bóng chèo nài để mua thêm.
Để giảm thiểu tình trạng đeo bám khách du lịch và bán hàng rong, ăn xin, hàng tháng, Ban quản lý Du lịch cộng đồng tại các xã đã tổ chức tyên truyền, lồng ghép thông qua các buổi họp thôn nhằm vận động, khuyến cáo bà con không đeo bám, chèo kéo khách, bàn hàng rong, trẻ em lang thang xin ăn về nơi cư trú. Không biết, sự quyết tâm của các cơ quan chức năng huyện Sapa đã được hiện thực hóa như thế nào, chỉ biết rằng tại những bản làng xung quanh khu du lịch này, có những gia đình đã bỏ nương, rẫy và không cho con cái học hành để xuống thị trấn bán hàng rong.
Bản thân phóng viên cũng bị xin 20.000 đồng cho bức ảnh chụp cận cảnh bàn tay người phụ nữ dân tộc Dao này.
Mẩy Vân năm nay 26 tuổi ở Tả Phìn, là một phụ nữ đã có 2 con (7 và 8 tuổi). Trò chuyện với Mẩy Vân, cô cho biết: “Gia đình tôi làm ruộng, ở đây một năm chỉ làm được một mùa lúa, không trồng được gì thêm. Vì thế, ở thời điểm chưa đến mùa lúa, giống như nhiều người dân địa phương tôi thường đi theo khách du lịch để bán hàng rong kiếm thêm thu nhập”.
Theo lời kể của Vân cũng như theo quan sát, khi du khách vẫn còn chưa xuống xe, hàng dài những người Dao đỏ với trang phục truyền thống đã đứng chặn cửa xe chờ du khách xuống. Mặc dù vẫn còn giữ sự nguyên sơ, không lộ liễu như tại Tả Van, hay trung tâm thị trấn Sapa, những người phụ nữ này không bắt ép mà chỉ đơn giản là đi theo mời khách mua hàng nhưng vẫn gây không ít tâm lý khó chịu cho du khách. Tuy nhiên, điều gỡ gạc lại là những người này chỉ sợ ống kính máy ảnh, luôn chạy đi mất hoặc né tránh chứ không có tình trạng “no money, no photo” như tại thị trấn Sapa và bản Tả Van.
Mẩy Vân cùng 2 con trai đứng trước ngôi nhà của mình trên đỉnh đồi. Giống như nhiều người khác, Vân không được hướng dẫn về làm du lịch cộng đồng, mỗi khi nhàn rỗi là cô lại đi bán hàng rong tại Tả Phìn.
“Mình chỉ đi theo vừa đi vừa hỏi chuyện du khách thôi. Nếu họ không mua thì coi như là nói chuyện, giới thiệu về bản làng chứ không thể bắt ép họ mua hàng được vì như vậy là không lịch sự mà” – Mẩy Vân cho biết thêm.
Video đang HOT
Báo chí nói quá nhiều về vấn nạn bán hàng rong, đeo bám du khách ở Sapa. Những nhà quản lý cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này. Nhưng dường như, những cố gắng ấy vẫn không mảy may chạm được vào gốc rễ của vấn đề. Và nó vẫn cần tiếp tục được đưa ra để bàn luận, để cứu Sapa.
Khánh Huy
Theo phapluatxahoi.vn
"Đổi gió" ở Tam Đảo 2 ngày 1 đêm cùng cô gái chụp ảnh sang chảnh hết mức
Không cần đặt chân đến những vùng đất xa xôi, cô nàng Thanh Tuyền (23 tuổi, sống tại Hà Nội) chọn cho mình chuyến đi tới Tam Đảo mờ sương, để cảm nhận những khoảnh khắc hoà mình vào thiên nhiên khó quên nhất.
Thanh Tuyền chia sẻ: "Đối với mình Tam Đảo giống như nơi mình sinh ra vậy. Chuyến đi lần này tròn đúng 1 năm mình có dịp đặt chân lên "Thị trấn trên mây" này. Tam Đảo với mình bây giờ thay đổi nhiều quá".
Đi Tam Đảo mùa nào đẹp nhất
Thanh Tuyền đua ra quan điểm rằng, Tam Đảo thì mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa có một cái hay riêng, vì vậy các bạn đi vào mùa nào cũng được hết, miễn là đừng có mưa. Tam Đảo được người ta gọi với cái tên trìu mến "Thị trấn trên mây" có lẽ cũng bởi nó nằm ở độ cao 1300m so với mực nước biển.
Ở đây khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình ở đây cũng chỉ khoảng 18-20 độ. Sáng thức dậy trời se se lạnh của tiết trời mùa Xuân, đến tầm trưa là có chút nắng của mùa Hạ, sang buổi chiều khi ánh nắng xuống núi thì lại có chút cảm giác của mùa Thu và đến tối những cơn gió thổi mang không khí mùa Đông ùa về. Chính vì thời tiết Tam Đảo thay đổi liên tục trong 1 ngày nên các bạn chú ý mang theo áo khoác mỏng.
Phương tiện di chuyển
Không giống như những chuyến đi trước, lần này nàng 9X lựa chọn đi xe Limousine để di chuyển lên Tam Đảo. Nằm cách Hà Nội chưa đầy 80km, chỉ mất khoảng 2 giờ xe chạy là đã có mặt tại "Thị trấn trên mây". Đường bây giờ được làm mới, không còn những con đường đầy sỏi đá như trước nữa nên việc di chuyển rất dễ dàng. Tuy nhiên ở những đoạn cua hình chữ Z, đường dốc, sương mù và nhiều xe lớn cần chú ý quan sát và đi thật cẩn thận. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức di chuyển khác nhau như: Xe máy, ô tô cá nhân, đi taxi,... Theo Thanh Tuyền, đa phần các bạn di chuyển bằng xe máy, bởi đoạn đường dài 13km lên trung tâm thị trấn có rất nhiều cảnh đẹp các bạn có thể dừng xe ngắm cảnh và check in sống ảo cực chất.
Nơi lưu trú
Rút kinh nghiệm từ chuyến đi lần trước, vì chủ quan không book phòng trước, khi lên thì hỏi khách sạn nào cũng hết phòng. Chính vì vậy chuyến đi "xả stress" lần này, Thanh Tuyền đã lên kế hoạch rất chi tiết từ việc đặt xe cho đến đặt phòng. Phòng nghỉ lần này được cô nàng chọn lưu trú tại một khách sạn sang trọng.
"Cảm nhận chung của mình về phòng Suite tại đây là rất rộng và sạch sẽ. Bước chân vào phòng mình cảm nhận 1 mùi hương tinh dầu thảo dược lan tỏa khắp phòng, cảm giác mệt mỏi sau 2 giờ chạy xe như được tan biến hết đi vậy. Điều đặc biệt mình ấn tượng đó là view phòng. Phòng mình đặt có ban công view thẳng ra quảng trường Tam Đảo.
Các bạn cứ tưởng tượng đi, buổi sáng thức dậy tầm 6h00, kéo chiếc rèm ra và bước ra ban công hít hà cái không khí tại đây thì thật là tuyệt vời. "Cuộc sống chỉ đến thế là cùng", 9X xinh đẹp nêu cảm nhận.
Lịch trình khám phá, vui chơi tại Tam Đảo
Ngày 1: Quảng trường Tam Đảo - Rock Café - Nhà Thờ Đá
Quảng trường Tam Đảo
Ngay từ khi đặt chân lên thị trấn là các bạn đã nhìn thấy ngay quảng trường rồi. Quảng trường nằm ngay giữa trung tâm thị trấn, được xây dựng rất rộng với biểu tượng là đài phun nước nổi bật. Đây là một địa điểm không quá mới lạ, nhưng đã đặt trên lên đây thì nhất định phải mang về cho mình 1 vài kiểu ảnh ở quảng trường.
Hiện nay vào các buổi tối thường có giao lưu văn nghệ tại đây, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần thường có các show diễn âm nhạc lớn quy tụ các bạn trẻ đam mê âm nhạc biểu diễn.
Rock Cafe
Quán cà phê này được ví như một góc trời Âu giữa trung tâm thị trấn Tam Đảo. Nằm đối diện với Nhà thờ Đá, và ngay cạnh quảng trường trung tâm, Rock Café thiết kế theo phong cách Châu Âu đã và đang là địa điểm check in của mọi người mỗi khi ghé thăm "Thị trấn trên mây".
Ngay từ bước chân đầu tiên vào cửa, bạn sẽ ấn tượng bởi cách thiết kế cộng với tone màu nâu trầm tạo cảm giác gần gũi, ấm cúng mà không kém phần sang trọng, cổ kính. Quán có 3 tầng, tầng hầm là nhà hàng còn lại 2 tầng trên là Café. Ở đây mọi góc đều có thể cho ra 1 bức ảnh đẹp, thỏa sức cho các bạn sống ảo nha. Đồ uống ở đây cũng bình dân, không đắt.
Nhà Thờ Đá Cổ
Từ Rock Café di chuyển 1 chút là các bạn thấy Nhà Thờ Đá Cổ Tam Đảo. Địa điểm này chắc chắn không còn xa lạ vì nó đã được xuất hiện rất nhiều trong các album ảnh cưới của những đôi bạn trẻ.
"Theo mình được biết thì Nhà Thờ Đá được xây dựng theo kiến trúc Pháp có từ thời Pháp thuộc. Vật liệu chính tạo nên nhà thờ đó chính là đá. Nhà thờ được chia thành 2 tầng, tầng dưới là những bậc đá dẫn lên tòa tháp nhà thờ. Lên tới tầng 2, ấn tượng vào ngay mắt bạn đó chính là khoảng sân rất rộng và những mái vòm hình bán nguyệt ôm trọn trung tâm thị trấn. Kế bên đó là 1 tòa thánh đường rộng để phục vụ những nghi thức thánh lễ của người dân nơi đây", Thanh Tuyền chia sẻ.
Ngày 2: Tháp truyền hình - Đền Bà Chúa Thượng Ngàn - Cầu Mây - Cầu Mới
Tháp truyền hình
Với điểm đến này, 9X xinh đẹp khuyên rằng, nếu ai yếu tim, khó thở thì không nên leo trèo lên tháp truyền hình. Từ dưới chân núi, các bạn phải gửi xe mất 10.000, sau đó đi bộ leo khoảng 1.400 bậc đá là nhìn thấy tháp cao sừng sững ngay trước mắt. Lên đây thì cũng không có gì đặc sắc lắm, chủ yếu dành cho những người nào thích khám phá, có sức khỏe tốt.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn
Xuống tới chân núi các bạn sẽ thấy ngay Đền Bà Chùa Thượng Ngàn. Theo nàng 9X, ấn tượng đầu tiên là hai bên là rừng trúc xanh mát, nhìn giống như phim cổ trang Trung Quốc vậy. Đường đi lên đền rất đẹp, tha hồ chụp ảnh. Để lên được đền thì các bạn phải trải qua khoảng 300 bậc đá. Lên đây cảm giác rất thanh tịnh, thoải mái giữa không gian rộng lớn của núi rừng. Chắc chắn đây không chỉ là địa điểm tâm linh mà còn là địa điểm du lịch cho các bạn lựa chọn ghé thăm.
Cầu Mây
Khu chụp ảnh Cầu Mây có lẽ là địa điểm rất hot đối với các bạn trẻ. Bởi lẽ nó sở hữu view và những góc sống ảo cực mê li. Khu chụp ảnh Cầu Mây nằm trên đường đi xuống nếu các bạn di chuyển từ trung tâm Thị trấn. Nếu bạn nào không biết nó ở đâu thì chỉ cần nhìn thấy biển resort Belrevede rồi đi thẳng vào.
Giá vé vào cửa là 15.000/người còn đối với nhóm chụp ảnh cưới sẽ là 250.000/đoàn. Ngoài ra gửi xe ở đây sẽ mất thêm 10.000. Thời điểm để chụp đẹp nhất có lẽ là buổi chiều hoàng hôn hoặc những hôm nào trời vừa mưa xong, rất nhiều mây cuồn cuộn sẽ cho ra những tấm hình lung linh.
Ngày 3: Quán Gió - Thác Bạc
Quán Gió
Quán Gió hay còn gọi là Café Gió từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc với mọi người mỗi lần ghé thăm Tam Đảo. Tại đây vào những ngày thời tiết đẹp, trời nắng mây xanh sẽ giúp bạn có được những bức hình đẹp và độc đáo nhất. Đặc biệt phía gần đó có một tòa lâu đài đang xây dựng, nhìn từ quán gió các bạn có thể bao trọn toàn bộ tòa lâu đài với những bức hình như bên trời Âu vậy. Menu đồ uống ở đây khá đa dạng và giá cả cũng không quá đắt.
Thác Bạc
Từ Quán Gió các bạn đi một đoạn xuống là thấy biển chỉ dẫn Thác Bạc. Gửi xe ở bên ngoài sau đó các bạn leo bộ khoảng 400 bậc sẽ thấy một thác nước đổ từ trên cao xuống. Có một lưu ý nhỏ cho các bạn đi vào ngày mưa là đường khá trơn, các bạn nên chú ý, tiện nhất nên đi giày thể thao, hoặc thuê dép ở dọc 2 bên đường đi xuống tránh đi giày dép cao kẻo té ngã.
Một số lưu ý khi du lịch Tam Đảo
Trải qua hành trình khám phá của mình, Thanh Tuyền đưa ra một số lời khuyên như sau: Trước khi đi hãy kiểm tra thời tiết Tam Đảo để có sự chuẩn bị nếu trời xấu. Vì nằm trên núi cao nên cả thị trấn Tam Đảo chỉ có một cây ATM duy nhất nhưng lại thường xuyên hết tiền nên các bạn nhớ chuẩn bị đủ tiền mặt. Nên chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản mang phòng theo phòng trường hợp bạn nào không hợp đồ ăn ở đây.
Vì ở đây đêm xuống chỉ khoảng hơn 10 độ nên kể cả mùa hè các bạn cũng nên mang theo áo khoác gió. Địa hình ở đây chủ yếu là đường dốc, các địa điểm tham quan chỉ cách nhau khoảng 1km có thể đi bộ nên các bạn hãy chọn loại giày êm, mang thoải mái để không bị đau chân.
Nếu các bạn di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì hãy mang theo giấy tờ xe, đổ đầy bình xăng vì Tam Đảo cũng không có cây xăng, chỉ có những điểm bán xăng nhỏ lẻ trên đường với giá đắt và chất lượng không đảm bảo. Nếu bạn đi xe máy thì nên lắp gương vì dưới chân núi có một chốt rất hay bắt lỗi không gương của khách du lịch.
Ảnh: Thanh Tuyền
Văn Anh
Theo emdep.vn
Sapa, nơi hội tụ đất trời, điểm du lịch lý tưởng khi đến với Tây Bắc Là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, thuộc khu vực phía Tây Bắc của Tổ Quốc, Sa Pa được mệnh danh là vùng đất ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa dân tộc. Nơi đây được đánh giá là địa điểm hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đặc biệt...