Nạn buôn bán cô dâu Việt sang Trung Quốc lên báo Mỹ
Trong loạt phóng sự về tình trạng buôn bán người trên thế giới, hãng tin CNN của Mỹ có bài viết về nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc làm vợ hoặc gái mại dâm.
Một cô gái Việt trốn thoát khỏi bọn buôn người sau khi bị đưa sang Trung Quốc. Ảnh: CNN
“Khi tỉnh dậy, tôi không biết rằng mình đã ở đất Trung Quốc”, Lan nhớ lại cái đêm định mệnh. Lúc đó, cô đang ôn thi đại học ở một tỉnh miền bắc Việt Nam, thì một người bạn quen trên mạng rủ đi ăn tối. Lúc Lan thấy mệt và tỏ ý muốn về nhà, nhóm bạn đòi cô ở lại nói chuyện và uống rượu.
Điều tiếp theo mà Lan biết là mình đã bị đưa sang biên giới Trung Quốc.
“Lúc đó tôi muốn chạy trốn”, Lan nói. “Trong xe còn nhiều cô gái nữa, nhưng đều có người canh giữ”.
Làng xóm dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc là mảnh đất béo bở cho những kẻ buôn người. Có cả bé gái mới 13 tuổi, cũng bị lừa hoặc bị đánh thuốc mê, sau đó bị chuyển qua biên giới bằng thuyền, xe máy hoặc ôtô. Thiếu nữ Việt Nam là mặt hàng có giá trị ở Trung Quốc, nơi hệ lụy của chế độ một con cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến tỷ lệ giới tính nam nữ mất cân bằng nghiêm trọng.
Nói một cách đơn giản, đàn ông Trung Quốc đang “đói vợ”.
Những cô gái bị đám buôn người đưa sang Trung Quốc nếu không bị ép lấy chồng thì cũng bị ép làm gái mại dâm. Một số trốn thoát, quay lại Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để hoàn toàn triệt phá mạng lưới buôn người lại không phải là chuyện dễ dàng, vì địa hình miền núi phía bắc hiểm trở ở Việt Nam khiến công tác kiểm soát biên phòng rất khó khăn.
“Để lấy vợ Trung Quốc, đàn ông nước này phải chi một số tiền rất lớn”, Ha Thi Van Khanh, điều phối viên dự án quốc gia của tổ chức chống buôn người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết.
Theo truyền thống, đàn ông Trung Quốc muốn cưới phụ nữ nước này phải chi nhiều tiền tổ chức tiệc cưới, cũng như phải mua nhà để hai người sinh sống sau khi kết hôn.
“Đó là lý do họ đưa phụ nữ từ các nước láng giềng sang, trong đó có Việt Nam”.
Diep Vuong là người thành lập Quỹ Liên kết Thái Bình Dương (PLF), cung cấp nơi trú ẩn cho nạn nhân buôn người có trụ sở đặt tại thành phố Lào Cai.
Video đang HOT
Diep cho biết, “cô dâu Việt Nam” thường cao giá, được trả tới 3.000 USD vì là đối tượng hấp dẫn người mua do người Việt có nhiều nét tương đồng văn hóa với Trung Quốc.
Nguyen mới chỉ 16 tuổi khi bị người yêu của bạn đánh thuốc mê rồi đưa sang Trung Quốc. Cô bị ép lấy chồng nhưng cự tuyệt. Trong ba tháng, cô bị bọn buôn người đánh đập, bỏ đói và dọa giết. Cuối cùng, Nguyen đầu hàng. Cô cho biết người chồng đối xử rất tốt với mình, nhưng cô sẽ không bao giờ ngừng nhớ về gia đình ở Việt Nam.
“Tôi khát khao được về nhà”, Nguyen nói. “Tôi đồng ý kết hôn với anh ta, nhưng không sống nổi bên một người xa lạ, vì không yêu thương anh ta”.
Khi mẹ chồng nhận thấy Lan không mặn mà với cuộc hôn nhân, gia đình trả cô lại cho bọn buôn người, lấy lại tiền. Nguyen bị ép lấy chồng lần nữa.
Bọn buôn người thường lợi dụng con sông ngăn cách biên giới Việt – Trung để đưa các thiếu nữ Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: CNN
Thay đổi nhận thức cộng đồng
Mỗi cô gái thường ở lại PLF từ 2-3 năm. Trong thời gian này, họ đi học văn hóa hoặc học nghề như thêu thùa, nấu ăn, may vá, trồng trọt. Sống trong môi trường có nhiều người đồng cảnh ngộ, PLF giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình, tự tìm việc làm nuôi sống bản thân.
Tổ chức của Diep cũng làm việc theo hướng tiếp cận và tuyên truyền cho cộng đồng giúp đỡ và ngăn chặn thêm nhiều thiếu nữ rơi vào tay bọn buôn người. Một tháng một lần, một nhóm nạn nhân buôn người lại đến chợ Bắc Hà, ngôi chợ trung tâm của khu vực nơi người dân tới để mua thực phẩm, vải vóc và gia cầm.
Vào ngày chợ phiên, họ sẽ đứng trên sân khấu, vây quanh là hàng trăm người, nói về chuyện đã xảy ra với mình, vui vẻ giải đáp mọi câu hỏi của quần chúng. Khi họ hỏi người dân chia sẻ về kiến thức liên quan tới buôn bán người, có hơn 20 người xung phong.
“Tôi cho rằng, thay đổi nhận thức là công cụ duy nhất”, Diep nói.
Ha, cán bộ của Liên Hợp Quốc, cũng đồng ý với quan điểm này. Bà cho rằng, ưu tiên hàng đầu là tuyên truyền thay đổi nhận thức, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn nghèo dọc biên giới. Bà cho rằng, giảm nghèo cũng là cách ngăn phụ nữ sang Trung Quốc tìm việc làm. Bọn buôn người thường áp dụng chiêu lừa đảo này để dụ dỗ nạn nhân sang biên giới kiếm tiền.
Trong chuyến đi của CNN tới biên giới Việt – Trung, chính phủ Việt Nam cho biết lực lượng công an vừa giải cứu 5 thiếu nữ bị bọn buôn người đưa qua biên giới. Các em chỉ mới 14 tuổi, cho biết một người hàng xóm trong làng hứa hẹn trả lương 600 USD một tháng nếu như sang Trung Quốc làm việc. Các em không hề nói cho bố mẹ biết. Người hàng xóm đã bị bắt.
Trong nhiều vụ, công an Việt Nam vẫn giải cứu được nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc, nhờ sự phối hợp của công an Trung Quốc. Nguyen Tuong Long, chi cục trưởng chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai cho biết năm ngoái, chính quyền tỉnh đã giải cứu và đưa về nước 109 nạn nhân người Việt.
“Nhờ sự phối hợp giữa công an hai nước Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi đã tìm thấy và triệt phá đường dây buôn người”, ông Nguyen nói. “Chúng tôi đã tìm thấy các nạn nhân ở sâu trong biên giới Trung Quốc, bị ép làm gái mại dâm trong nhà thổ”.
Một số cho biết, họ liên lạc được với gia đình từ Trung Quốc, nhưng không thể nhờ công an giúp đỡ vì không biết chính xác mình đang bị giam giữ ở đâu.
Hai cô gái từng là nạn nhân của bọn buôn người tuyên truyền cho người dân trong chợ Bắc Hà. Ảnh: CNN
Lan và Nguyen bị đưa tới cùng một thị trấn ở Trung Quốc, Sau hai năm, họ bàn nhau trốn thoát, bắt taxi đến đồn cảnh sát địa phương, trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị nhà chồng phát hiện. Công an Trung Quốc đã điều tra và đưa họ quay về Việt Nam.
Họ là những người phụ nữ tự do, thoát khỏi cuộc hôn nhân cưỡng ép ở Trung Quốc, nhưng cái giá phải trả là rời xa con cái ở Trung Quốc. Lan cho biết nếu nhìn thấy con lần nữa, cô sẽ xin lỗi vì bỏ con đi.
“Tôi hy vọng con bé sẽ có tương lai tốt hơn ở đó”, Lan nói. Cả Lan và Nguyen đều nói rằng lúc còn đi học, giáo viên đã cảnh báo về nạn buôn bán người nhưng lúc đó, chẳng ai tin mình sẽ lâm vào hoàn cảnh này.
Hồng Hạnh
Theo Đọc Báo/VNE
Lộ mặt quan tham tiến thân nhờ vợ đẹp khéo mồi
Mới đây, nhà chức trách Trung Quốc cho biết, Trương Việt, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật tỉnh Hà Bắc, hiện đang bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Thông tin trên xuất hiện tối 16/4 trên trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW). Cụm từ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" thường được dùng để chỉ những đối tượng phạm tội tham nhũng.
Trương Việt (trái) và Chu Vĩnh Khang
Thực tế, Trương Việt hiện còn đang kiêm nhiệm các chức Giám đốc, Bí thư đảng ủy sở Công an tỉnh Hà Bắc. Trương Việt trở thành Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc thứ 4 bị quật ngã kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tới nay. Ba người trước đó là Tổng thư ký tỉnh ủy Cảnh Xuân Hoa, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Lương Bân và Bí thư tỉnh ủy Chu Bản Thuận.
Với việc Trương Việt bị điều tra lần này, Hà Bắc là tỉnh thứ hai xuất hiện hiện tượng quan chức bị ngã ngựa vì tham nhũng "kiểu domino" sau Sơn Tây.
Trương Việt có biệt danh là "Vua chính pháp" ở Hà Bắc. Cùng với quan anh Chu Bản Thuận, Trương Việt được coi là đệ tử của Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương.
Tạp chí Lộ Tiêu cho biết, năm 2001, khi đang là Phó giám đốc Công an Bắc Kinh, nhờ cô vợ hai Mạnh Lợi - một người dẫn chương trình ở Đài truyền hình Trung ương, Trương Việt được Chu Vĩnh Khang biết đến. Mạnh Lợi cũng là bạn của Giả Hiểu Diệp, vợ hai trẻ đẹp của Chu Vĩnh Khang.
Tháng 11/2003, Chu Vĩnh Khang, khi đó đang là Bộ trưởng Công an, đã điều Việt lên bộ, trao cho chức Cục trưởng Cục 26 (Cục chống Tà giáo). Tháng 12/2007, Việt được "thả dù" xuống Hà Bắc, giữ chức Bí thư Đảng ủy Cục Công an. Một tháng sau, Việt được bổ nhiệm làm Trợ lý tỉnh trưởng, Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Công an.
Từ trái qua: Xa Phong, Mã Kiện và Quách Văn Quý
Sáu tháng sau (tháng 6/2008), Việt được đưa vào Ban Thường vụ tỉnh ủy, đảm nhiệm chức Bí thư Ủy ban Chính pháp kiêm Giám đốc, Bí thư đảng ủy Cục Công an. Toàn bộ quyền hành 3 cơ quan công an, kiểm sát, tòa án đều do một tay Việt thao túng. Vì vậy vụ án oan Nhiếp Thụ Bân bị kết án tử hình do hiếp dâm giết người gây rúng động cả nước, dù đã tìm được thủ phạm nhưng suốt 10 năm vẫn không được xử lại.
UBKTKLTW không nói rõ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Trương Việt cụ thể là gì, nhưng theo tạp chí Tài Tân, Việt liên đới đến vụ nguyên Thứ trưởng Bộ An ninh quốc gia Mã Kiện cấu kết với Quách Văn Quý, người chủ trên thực tế của Công ty đầu tư Chính Tuyền lợi dụng bộ máy nhà nước để làm giàu.
Tài Tân cho biết, Quách Văn Quý làm quen với Trương Việt thông qua Cục phó Cục 1 Bộ Công an Lâm Cường. Hai người nhanh chóng thân thiết với nhau, Trương Việt giới thiệu Mã Kiện để Quý làm quen. Sau đó Việt, Quý, Kiện cùng Xa Phong (con rể Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đới Tương Long) liên kết thành liên minh làm ăn, dùng thủ đoạn phi pháp để khống chế giá cổ phiếu Dân tộc (mã 601901 SH) kiếm được số tiền hàng chục tỷ NDT...
Tạp chí Lộ Tiêu cho biết thêm, Mã Kiện và Trương Việt còn cấu kết với nhau, lợi dụng vị trí công tác đặc biệt, có quyền phê duyệt làm hộ chiếu để bán hộ chiếu Hong Kong với giá 1,5 - 2 triệu HKD/cuốn, "nhưng không phải ai có tiền cũng làm được hộ chiếu". Không những thế, Trương Việt còn lập nên một đội "Trương gia quân" trong lực lượng công an, kiểm sát, tòa án ở Hà Bắc, sử dụng bộ máy chính quyền để phục vụ cho cá nhân ông ta...
Trương Việt quê Sơn Đông, sinh vào tháng 6/1961. Sau khi ra trường, Việt liên tục công tác tại công an Bắc Kinh cho đến khi được Chu Vĩnh Khang cất nhắc, bổ nhiệm. Từ năm 2014, Trương Việt nhiều lần bị cán bộ UBKTKLTW gọi "hỏi chuyện". Ngày 15/4/2016, Trương Việt vẫn tham dự hội nghị Ban thường vụ tỉnh ủy, được Đài phát thanh Hà Bắc đưa tin với chức danh Ủy viên thường vụ, Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh ủy.
Ngô Tuyết
Theo_VietNamNet
Chủ tịch nước Cuba: "Các nhà lãnh đạo Đảng Cuba quá già" Các nhà lãnh đạo sắp tới của Đảng Cộng sản Cuba nên nghỉ hưu ở tuổi 70 để nhường chỗ cho tầng lớp trẻ, Chủ tịch Raul Castro cho biết ngày 16-4. Nhiều nhà lãnh đạo hiện nay của Cuba đều ở độ tuổi 70-79 hoặc là cựu chiến binh 80 tuổi từ cuộc Cách mạng Fidel Castro năm 1959. Nhà nước phải...