Nam vương “ao làng”: Có gì đáng tự hào?
Có lẽ đã đến lúc Cục nghệ thuật biểu diễn nên siết chặt hơn những trường hợp chưa được sự cho phép mà đã tự nhận đại diện quốc gia để ra nước ngoài “thi chui” nhan sắc ở các cuộc thi “ao làng”.
Những ngày qua, khi mà thông tin Nguyễn Văn Sơn đăng quang tại một cuộc thi mang tên Mister Global 2015 xuất hiện trên khắp các mặt báo Việt Nam, dư luận bắt đầu xôn xao tranh cãi về vấn đề xấu đẹp của anh chàng này, chuyện tự hào hay không tự hào về danh hiệu này cũng được lôi ra mổ xẻ. Người bên phe “tự hào” về danh hiệu này cho rằng lâu lắm rồi Việt Nam mới lên ngôi tại một cuộc thi nhan sắc quốc tế, sao không tuyên dương, tự hào mà lại phạt người ta khi nam vận động viên đi thi mà chưa được cấp phép. Tuy nhiên, cũng giống như quy luật của cuộc sống: cái gì làm mà không đàng hoàng thì đa số điều là sai trái, đều không đáng tự hào. Nói chi đây là việc bạn đi ra ngoài và tự nhận mình là đại diện nhan sắc của một quốc gia.
Chỉ có 7 cuộc thi nhan sắc quốc tế xứng đáng với niềm tự hào quốc gia
Hằng năm, trên thế giới có hàng trăm cuộc thi nhan sắc được tổ chức khắp mọi nơi với đủ mọi danh hiệu “thượng vàng hạ cám” do chính BTC đặt ra. Tuy nhiên, hệ thống cuộc thi nhan sắc quốc tế đã thiết lập nên 2 nhóm cuộc thi rất rõ ràng để phân biệt cao thấp với hằng hà sa số cuộc thi ngoài kia. Về phía nữ, thế giới có hệ thống The Big Four – 4 cuộc thi Hoa hậu lớn nhất thế giới gồm: Miss World, Miss Universe, Miss Earth và Miss International. Phía các cuộc thi nhan sắc của đấng mày râu còn hạn chế hơn khi chỉ công nhận Grand Slam Men bao gồm 3 cuộc thi: Manhunt International, Mister World và Mister International.
Điều này giải thích tại sao các cơ quan nhà nước luôn siết chặt khâu xét duyệt việc đề cử người đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế. Bạn không thể lấy lí do bạn đi “thi chui” hên xui, đoạt giải rồi thì về bắt mọi người tự hào về cái danh hiệu mà không ai biết là gì. Vì nếu lỡ bạn không đoạt giải và có những hành động làm xấu mặt hình ảnh quốc gia, đến lúc đó vài triệu tiền nộp phạt liệu có đủ để cứu vớt tất cả?
Trường hợp Nguyễn Văn Sơn cũng tương tự như thế, thậm chí có phần phản cảm hơn với những chuyện hậu trường sau đó. Bỏ qua những bàn tán về vẻ đẹp của anh chàng này, danh hiệu Mister Global vốn dĩ ít ai biết đến vì nó chỉ mới tổ chức được 2 lần. Lần đầu tiên, Hữu Vi – một gương mặt không mấy ấn tượng trong showbiz Việt – bất ngờ đi thi mà đoạt giải Á Vương 3, lần này thì đại diện Việt Nam đã “nhảy” lên đến ngôi vị Nam vương. Nhiều người lạc quan chắc đang tự hỏi liệu có phải Việt Nam đang vươn lên như một thế lực mạnh của thế giới nam thần thế giới? Câu trả lời chắc chắn là không khi mà họ biết rằng thành phần giám khảo là một người đến từ… Việt Nam và được giới thiệu là Hoa hậu Đông Nam Á Thu Vũ (?!). Rồi anh chàng chụp ảnh người Việt trong ê-kíp đi cùng Văn Sơn sang tham dự kiêm luôn… nhiếp ảnh gia cho các thí sinh trong phần thi ảnh và làm giám khảo luôn cho phần thi này (?!). Và “ngôi sao” biểu diễn trong đêm thi là Yến Trang và một cái tên ít ai biết đến – Chí Thành cũng đến từ Việt Nam. Thậm chí, khi vào phần wiki tiếng Anh nói về Mister Global, người ta chỉ thấy list dài các trang báo tại Việt Nam nói về cuộc thi này chứ hiếm thấy một trang tin về nhan sắc quốc tế uy tín nào đề cập tới.
Video đang HOT
Có phải ai “thi chui” cũng ngây thơ, không biết gì?
Khi được hỏi lí do tại sao không xin phép Cục nghệ thuật biểu diễn khi tham dự Mister Global, Văn Sơn giải thích do ngày anh nhận lời tham dự cuộc thi quá sát ngày tập trung thí sinh nên ê-kíp không kịp xin phép, mặc dù anh vẫn có đủ thời gian chuẩn bị cả một ê-kíp hùng hậu sang Thái Lan hỗ trợ. Nhưng có lẽ thí sinh này quên một điều rằng: liệu lúc đó giả sử kịp thời gian xin phép thì anh này có chắc chắn được cơ quan nhà nước cấp phép mang trên mình tấm bảng đại diện quốc gia đi thi? Phần trăm điều này xảy ra là con số 0 khi mà Văn Sơn là một gương mặt hoàn toàn mới, không có giấy phép hành nghề người mẫu và chưa đoạt bất cứ một giải thưởng nào trong nước. Trường hợp “tiền trảm hậu tấu” này xảy ra khá thường xuyên và các thí sinh đi thi luôn đưa ra lí do “không kịp thời gian xin phép”. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan nhà nước nên siết chặt hơn nữa việc quản lý những người mẫu, người đẹp mang danh đại diện quốc gia ra nước ngoài tham dự các cuộc thi.
Công chúng nghĩ đơn giản rằng họ cũng muốn đi thi để mang lại vinh dự cho quốc gia nên có trách phạt thì cũng nên nhẹ nhàng. Nhưng có chắc những người này họ ra đi là để vì vinh dự đất nước hay vì danh hiệu cá nhân? Nên nhớ, ở showbiz Việt, hễ bạn có một danh hiệu dù lớn hay nhỏ thì bạn đã có thể bước chân vào thế giới này.
Kết
Theo như những cập nhật mới nhất, đại diện của Cục nghệ thuật biểu diễn đã lên tiếng khẳng định họ không công nhận danh hiệu của Nguyễn Văn Sơn và cá nhân anh khi trở lại Việt Nam có thể sẽ bị phạt từ 15-30 triệu đồng. Ở một diễn biến khác, ê-kíp của anh chàng nam vương này vẫn thông báo rằng Văn Sơn đang bận quay quảng cáo ở… Thái Lan. Hai phản ứng trái ngược này có vẻ rất quen thuộc: đi thi chui – bị phạt – hứa sẽ hoàn thiện bản thân – nộp phạt và sau đó đường hoàng bước chân vào showbiz…
TheoKỷ Vô Địch / MASK Online
Nhan sắc Việt: Thi chui thành công, chính danh thất bại
Nguyễn Văn Sơn đoạt giải nhất tại cuộc thi Mister Global và khi về nước phải đối mặt án phạt "thi chui" làm rộ lên nhiều tranh cãi.
Quy chế còn nhiều bất cập
Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có quy định về việc trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu. Theo đó, thí sinh được cấp phép dự thi quốc tế phải đoạt một trong ba giải chính của cuộc thi có quy mô toàn quốc trong nước. Quy chế của Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch cũng nói rõ: mỗi năm Việt Nam chỉ có một cuộc thi Hoa hậu toàn quốc.
Miss World và Miss Universe có yêu cầu thí sinh tham gia phải là người chiến thắng trong một cuộc thi cấp quốc gia, và quan trọng hơn là phải được sự ủy quyền của đơn vị nắm giữ bản quyền ở nước sở tại.
Điều này gây bất lợi lớn cho 2 đơn vị là công ty người mẫu Elite (nắm giữ bản quyền Miss World cùng hơn chục cuộc thi lớn nhỏ khác) và UniCorp (nắm giữ bản quyền Miss Universe) vì phải đi vay mượn thí sinh từ những cuộc thi như Hoa hậu Việt Nam hay Hoa hậu các dân tộc Việt Nam...
Gần đây nhất Top 3 Hoa hậu Việt Nam đều không tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức ở Miami, Mỹ và á hậu 2 Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014 Lê Thị Vân Quỳnh đột ngột bỏ thi Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) ở Ba Lan.
Khán giả cũng dần mất niềm tin vào các nhan sắc Việt. Vụ học bạ giả của hoa hậu Thùy Dung, hoa hậu Diễm Hương đã có chồng vẫn cố tình qua mặt cơ quan chức năng đi thi Hoa hậu Hoàn vũ từng khiến mọi người chỉ trích. Sau đó, á hậu Huyền My lộ ảnh trình diễn nội y trong bar. Những người mẫu như Ngọc Trinh, Julia Hồ, Trà Ngọc Hằng, diễn viên hài Thúy Nga bị nghi ngờ mua giải trong cuộc thi nhan sắc ao làng của ông bầu Minh Chánh...
Trong khi đó, thế giới chỉ có 2 cuộc thi bắt buộc người tham dự phải là người chiến thắng trong một cuộc thi cấp quốc gia, và phải được đơn vị giữ bản quyền ở nước đó đề cử đi thi. Đó là Hoa hậu Thế giới - Miss World ra đời năm 1951 do bà Julia Morley làm chủ tịch và Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe ra đời năm 1952 do bà Paula Shugart cùng ông Donald Trump làm chủ tịch. Còn các cuộc thi khác đều rất thoáng trong vấn đề gửi thí sinh tham dự, miễn cô gái đó đáp ứng yêu cầu, quy định của ban tổ chức và được sự cho phép của đơn vị nắm giữ bản quyền cuộc thi ở nước sở tại.
Nở rộ tình trạng thi chui
Thành tích của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới phần lớn do chính khán giả nhà bình chọn. Hoa hậu Phạm Thị Mai Phương (2002), Nguyễn Thị Huyền (2004), và Mai Phương Thúy (2006) lọt top có công lớn từ lượng vote của người hâm mộ Việt Nam bởi các cô đều lên đường tham dự trong sự gấp gáp, không chuẩn bị, chưa đủ kinh nghiệm, tới trễ so với các thí sinh khác, bỏ vài phần thi phụ, không có dự án hoạt động nhân đạo...
Trong khi đó Trần Thị Hương Giang (2009), Nguyễn Thị Loan (2014) chỉ đoạt giải phụ tại những cuộc thi trong nước nhưng lại gây chú ý khi giành giải Hoa hậu đẹp nhất châu Á và top 25 bằng chính nỗ lực cá nhân, bỏ ra nhiều năm tập luyện, làm việc nghiêm túc.
Đa số thành tích Việt Nam có được là nhờ những người đẹp không đạt thứ hạng cao tại những cuộc thi hoa hậu trong nước. Tất cả họ đều phải đi đường vòng để mang vinh quang về cho tổ quốc.
Thành tích duy nhất của nước ta tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2008 với hoa hậu Thùy Lâm và Hoa hậu Trái Đất 2014 với hoa hậu Diễm Hương đều là một phần trong biên bản thỏa thuận tổ chức khi Việt Nam làm chủ nhà. Đã có không ít lời phàn nàn, dị nghị từ phía báo giới, ban tổ chức, thí sinh nước ngoài về 2 cô hoa hậu chủ nhà Việt Nam.
Thành tích của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) do 2 người đẹp không danh hiệu trong nước làm nên là Daniela Nguyễn Thu Mây (á hậu 3 năm 2011) và người mẫu Chung Thục Quyên (Top 15 bán kết năm 2009). Trong khi Hoa khôi Thể thao Việt Nam - Lại Hương Thảo danh chính ngôn thuận tham dự năm 2012 không thể lọt vào Top 20 của cuộc thi.
Phan Hoàng Thu trở thành thí sinh Việt Nam đầu tiên vào đến Top 10 bán kết của cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc Tế - Miss Tourism International 2013, xếp hạng 6 và giành thêm giải Hoa hậu Đông Nam Á. Bất ngờ hơn, Thu đi thi đúng năm có số lượng thí sinh đông đảo nhất (60 quốc gia) và thậm chí vượt mặt các cựu hoa hậu/á hậu từng tham các năm trước nhưng tất cả đều trắng tay như Nguyễn Ngọc Oanh (á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam 2000), Vũ Hương Giang (Nữ hoàng trang sức 2004), Phan Thị Ngọc Diễm (Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008)...
Cũng tại cuộc thi này năm 2014, người mẫu Nguyễn Diệu Linh mang về giải hoa hậu Đông Nam Á, đồng thời lọt vào Top 20 tứ kết. Hai người mẫu đều mang tiếng thi chui và đều bị phạt tiền lần lượt là 15 và 22,5 triệu đồng.
Những người mẫu đã và sẽ bị phạt vì thi chui dù lập thành tích cao cho Việt Nam tại các đấu trường quốc tế.
Nam vương Nguyễn Văn Sơn của cuộc thi Mister Global sắp trở về Việt Nam đang đứng trước nguy cơ lãnh án phạt. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, không có cuộc thi nào trong nước được tổ chức dành cho nam giới.
Theo mức phạt mới áp dụng từ năm 2014, người thi chui phải nộp phạt hành chính từ 15 - 30 triệu đồng. Những người làm truyền thông cho rằng, mức phạt này không đủ sức răn đe mà chỉ giống như chi phí PR cho các người đẹp thi chui khi chuyện xử phạt của họ được xuất hiện trên mặt báo.
Một số ý kiến cho rằng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên tăng tiền phạt, cấm biểu diễn trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, nhiều người khác lại tập trung vào việc, Cục nên xem xét nới lỏng quy định về tiêu chí chọn thí sinh thi quốc tế.
Theo Zing
Bị chê tơi tả, đại diện Việt Nam vẫn giành cúp Nam vương Toàn cầu Đêm chung kết Mister Global vừa kết thúc cách đây ít phút với chiến thắng thuộc về đại diện Việt Nam - Nguyễn Văn Sơn. Cách đây ít phút, đêm chung kết Mister Global đã được diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Vượt qua 21 đối thủ đến từ nhiều Quốc gia, Nguyễn Văn Sơn đã bước lên bục vinh quang cao nhất...