Nam vlogger nhận ‘gạch đá’ vì lừa gạt, tặng rác cho phụ nữ chuyển giới
Tỏ ra tử tế đi từ thiện, song thực chất Ferdian Paleka lợi dụng người chuyển giới để quay video có nội dung miệt thị. Khi bị chỉ trích, anh ta chỉ giả vờ xin lỗi.
Ferdian Paleka, một YouTuber đến từ Bandung (Indonesia) khiến cộng đồng mạng nước này tức giận khi có hành vi xúc phạm, lừa gạt người chuyển giới.
Trong một video đăng tải trên kênh cá nhân vào ngày 2/5, Paleka và hai người bạn khác quay lại cảnh đi phân phát thức ăn từ thiện cho 4 người phụ nữ chuyển giới.
Trên thực tế, những hộp mì ăn liền do nam vlogger đem đi tặng chỉ là để đánh lừa vẻ bề ngoài. Bên trong hộp đựng là rác và những viên gạch được nhét vào.
Nam vlogger Ferdian Paleka (trái) và hai trong số bốn phụ nữ chuyển giới bị nhóm của Paleka đem ra để câu view (phải).
“Chúng tôi sẽ phân phát những túi thực phẩm chứa đồ bỏ đi này cho những người phụ nữ chuyển giới gặp trên phố. Nếu không thấy ai, điều đó có nghĩa là thành phố của chúng ta đã an toàn khỏi những kẻ như vậy”, Paleka nói trong video.
Video của nam YouTuber ngay lập tức khiến cộng đồng mạng phẫn nộ. Những người ủng hộ cộng đồng LGBT kêu gọi report (báo cáo sai phạm) video, đồng thời tẩy chay Paleka.
“Paleka đăng tải đoạn clip chỉ để câu kéo sự chú ý, nổi tiếng bằng cách hạ nhục người khác”, Lini Zurlia, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới, chia sẻ trên mạng Twitter. Sau 15 tiếng đăng tải, video của Paleka nhận hơn 27.000 lượt dislike (không thích) và bị YouTube gỡ xuống vào ngày 4/5.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nam vlogger không mấy bận tâm về hành động của mình. Ngược lại, Paleka càng khiến người theo dõi bức xúc hơn khi đăng tải story giả vờ xin lỗi.
“Tôi muốn xin lỗi vì những gì mà tôi không gây ra”, Paleka nói.
Những hộp đựng mỳ ăn liền thực chất chỉ chứa rác và gạch bỏ đi.
Tối 3/5, những người giận dữ còn kéo đến nhà của nam vlogger. Song, anh ta vắng mặt khi đó.
Bốn người phụ nữ chuyển giới xuất hiện trong video, bao gồm Sani (40 tuổi), Dini (50 tuổi), Luna (25 tuổi), Pipiw (30 tuổi) đã nộp đơn tường trình lên cảnh sát địa phương, cùng với hàng chục thành viên khác của nhóm những người chuyển giới tại Bandung.
“Bọn tôi nghĩ rằng anh ta gửi tặng mỳ gói, nhưng bên trong toàn rác rưởi. Việc làm này khiến chúng tôi thấy tổn thương. Tôi chỉ dám rời khỏi nhà trong thời gian ngắn. Cả đất nước đang phong tỏa, tôi hiểu điều đó nhưng nếu không ra ngoài, tôi sẽ không có gì bỏ vào bụng. Tôi đã mừng khi được giúp đỡ nhưng rồi bị xúc phạm”, một trong bốn người trả lời truyền thông địa phương.
Cảnh sát thành phố Bangdung xác nhận vụ việc, cho hay đã nhận được báo cáo của nhóm và sẽ xử lý nghiêm trường hợp này.
Giống như nhiều lao động nghèo khác, cộng đồng người chuyển giới tại Indonesia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Hầu hết phụ nữ chuyển giới làm việc thời vụ, không được bảo vệ quyền lợi tại các thẩm mỹ viện, quán bar hay hành nghề mại dâm.
Mặt khác, những người này cũng gặp khó khăn khi khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí hay làm việc có hợp đồng đàng hoàng. Lý do đằng sau là những người phụ nữ chuyển giới thường bị gia đình chối bỏ, đuổi ra khỏi nhà và thiếu giấy tờ tùy thân cần thiết.
Nắm tay nhau giữa phố, cặp đồng tính nam bị nhổ nước bọt, hành hung
Cặp đồng tính nam ở Hà Lan bị một nhóm thiếu niên sỉ nhục, tấn công khi đang trên đường đến siêu thị.
Ngày 12/4, Daniel Schepers và Fabio Viana bị một nhóm thiếu niên chặn đường, tấn công khi đang nắm tay nhau đi trên đường phố Amsterdam (Hà Lan).
Nhóm thiếu niên ban đầu dùng những từ ngữ nặng nề để miệt thị, xúc phạm cặp đồng giới. "Họ gọi chúng tôi là thứ 'bệnh hoạn', 'ung thư' và nói đồng tính là không bình thường", Viana kể lại.
Không chỉ xúc phạm bằng lời nói, nhóm thiếu niên trên dưới 15 tuổi này còn có hành động xô xát với Schepers và Viana.
Daniel Schepers và Fabio Viana bị nhóm thiếu niên quấy rối trên đường phố Amsterdam. Ảnh: Anko Stoffels.
Hầu hết bỏ chạy khi thấy Schepers gọi điện báo cảnh sát. Tuy nhiên, hai người trong nhóm này đã cố nhổ nước bọt vào mặt cặp đồng tính trước khi phóng xe rời đi.
"Chúng tôi từng bị quấy rối ít nhất 3 lần trước đó và không thể bỏ qua thêm lần nào nữa. Chúng tôi đã cung cấp mọi thứ cho cảnh sát: hình ảnh, video, biển số xe, và cả nhân chứng", Viana nói.
Schepers và Viana gần đây đã đính hôn và nói rằng đang rất mong chờ đám cưới sắp tới. Tuy nhiên, cả hai lo lắng vì kế hoạch của họ có thể phải hoãn vì dịch Covid-19.
"Hai trong số những kẻ quấy rối đã nhổ nước bọt vào mặt chúng tôi nhưng chúng tôi vẫn không biết khi nào mình mới được xét nghiệm virus corona", Viana nói.
Hà Lan là quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới. Ảnh: AP.
Theo Insider, Hà Lan là quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới, song thực tế 10 năm qua số trường hợp lạm dụng, chống đối cộng đồng LGBT lại không ngừng tăng lên ở đây.
Năm 2019, Hà Lan xếp thứ 10 trong số các quốc gia châu Âu về bình đẳng, không phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, theo Hiệp hội đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới quốc tế.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nước này đã ghi nhận hơn 1.500 vụ việc kỳ thị, tấn công LGBT trong năm 2017, so với con số dưới 500 vào năm 2009.
Lê Vy
Hot girl 'Trứng rán cần mỡ...' lên tiếng xin lỗi Thầy Giáo Ba, game thủ vẫn không thể hài lòng vì 'thiếu thành ý' Lời xin lỗi mà hot girl Thanh Tâm "trứng rán cần mỡ..." gửi tới Thầy Giáo Ba và cộng đồng fan vô tình lại càng khiến game thủ thêm bức xúc. Như đã biết, vừa qua, cộng đồng fan hâm mộ Thầy Giáo Ba đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc hình ảnh của anh bị cắt ghép và sử dụng sai...