Nam thanh niên mất ăn, mất ngủ lo bệnh xã hội sau lần “ăn bánh, trả tiền”
Sau lần “ăn bánh, trả tiền”, nam thanh niên lo lắng vì căn bệnh giang mai đến mức không dám gần gũi người yêu hay đi hiến máu.
Bệnh nhân nam, 29 tuổi, chưa có gia đình đến thăm khám tại Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng chán nản và lo lắng.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho hay, cách đây một năm, bệnh nhân có quan hệ với gái dịch vụ, sau đó bị bệnh giang mai.
Bệnh nhân đã điều trị hết triệu chứng lâm sàng. Cách đây 3 tháng, bệnh nhân muốn đi kiểm tra lại xem còn bị bệnh không tại một phòng khám tư nhân. Kết quả xét nghiệm TPHA (một xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán bệnh giang mai) chỉ ra bệnh nhân vẫn còn “dương tính” mặc dù trên lâm sàng không hề có triệu chứng gì. Sau đó, các bác sĩ đã điều trị một đợt thuốc kháng sinh liều cao cho bệnh nhân.
Nam thanh niên mất ăn, mất ngủ lo bệnh xã hội sau lần “ăn bánh, trả tiền” (Ảnh minh họa).
Cách đây một tháng, bệnh nhân dù không có triệu chứng nhưng vẫn thử đi xét nghiệm lại TPHA tại một phòng khám khác ở Hà Nội, kết quả vẫn là “dương tính”, và lại được điều trị một đợt kháng sinh liều cao.
Lần này, bệnh nhân quyết định đi khám một lần nữa xem mình đã khỏi hẳn chưa. Bệnh nhân cho hay, bản thân lo lắng đến nỗi nhiều tháng nay không dám gần gũi người yêu, không dám hiến máu tình nguyện, và thậm chí là nỗi sợ hãi bị vô sinh. Tất cả nỗi niềm về bệnh tật đều giãi bày với bác sĩ và mong muốn chữa trị dứt điểm về bệnh.
Theo BS Hạ Hồng Cường, Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau khi khám lâm sàng cho bệnh nhân không thấy có tổn thương bất thường nào nghi giang mai tái phát hay biến chứng.
Video đang HOT
BS Cường chỉ định 2 xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh nhân, kết quả là xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao, nhưng xét nghiệm RPR thì âm tính.
“Khi chúng tôi giải thích là bệnh nhân đã khỏi bệnh, thì bệnh nhân rất thắc mắc vì rõ ràng là xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao như ở 2 phòng khám trước đã làm, mà tại sao bác sĩ lại nói khỏi bệnh?”, BS Cường cho hay.
Giải đáp cho vấn đề này, theo BS Cường, bệnh giang mai do xoắn khuẩn giang mai gây nên. Khi xâm nhập vào cơ thể, xoắn khuẩn giang mai là một kháng nguyên, nó sẽ kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch sinh ra “kháng thể” chống lại nó.
Xét nghiệm TPHA giúp chúng ta phát hiện ra các kháng thể này. Khi đã điều trị hết vi khuẩn, các kháng thể này sẽ tồn tại trong cơ thể chúng ta lâu dài, vậy nên xét nghiệm TPHA vẫn tăng cao hơn bình thường trong một thời gian dài là điều dễ hiểu .
Còn xét nghiệm RPR là xét nghiệm tìm “kháng thể không đặc hiệu” của xoắn khuẩn giang mai trong cơ thể. RPR có thể tăng cao trong giai đầu xoắn khuẩn giang mai mới xâm nhập vào cơ thể, và ngược lại.
“Với bệnh nhân trên, xét nghiệm TPHA tăng cao, RPR lại âm tính, phiên giải ra có nghĩa là bệnh nhân đã từng bị giang mai nhưng hiện tại không mắc. Bệnh nhân không cần điều trị”, BS Cường nói.
Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai, hay khi quan hệ không an toàn (đường âm đạo, hậu môn hay miệng…) ngoài ra giang mai còn lây qua đường máu.
Bệnh giang mai chia làm nhiều giai đoạn, nhiều biểu hiện đa dạng như săng giang mai, tổn thương da và niêm mạc… Nếu không điều trị kịp thời giang mai có thể xâm nhập vào máu di chuyển đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho da, niêm mạc, mắt, các cơ quan nội tạng như tim, gan, não,… Giang mai bẩm sinh có thể gây dị dạng nghiêm trọng thậm chí gây tử vong cho thai nhi.
Để phòng ngừa bệnh giang mai, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần xây dựng lối sống lành mạnh, quan hệ tình dục an toàn, sử dụng biện pháp bảo vệ thích hợp (như bao cao su). Khi có các dấu hiệu nguy cơ như tổn thương da niêm, bạn tình bị mắc giang mai… bệnh nhân cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Giang mai - "Bạn đồng hành" của HIV
Giang mai la một bênh lây truyên qua đương tinh duc, tương tự như HIV nhưng nó co thê chưa khoi nêu phat hiên va điêu tri kip thơi.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum gây nên. Bệnh có thể gây thương tổn ở da - niêm mạc và nhiều tổ chức, cơ quan của cơ thể như cơ, xương khớp, tim mạch và thần kinh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có thể gây hậu quả trầm trọng như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, giang mai bẩm sinh.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có trên 35 triệu trường hợp mới mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục trong đó giang mai chiếm 2%. Ở Việt Nam, theo thống kê hàng năm của Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 - 5% tổng số các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh gây nên do xoắn khuẩn giang mai, xoắn khuẩn này rất yếu, ra ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, chết nhanh chóng ở nơi khô; ở nơi ẩm ướt có thể sống được 2 ngày. Nó có thể sống rất lâu ở nhiệt độ lạnh. Ở 56 độ C, xoắn khuẩn giang mai chết trong vòng 15 phút. Nhiệt độ thích hợp là 37 độ C. Xà phòng và các chất sát khuẩn có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút.
Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể người lành qua giao hợp đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn trùng. Lây qua các vết xước trên da - niêm mạc khi thầy thuốc tiếp xúc mà không có bảo hiểm. Lây do truyền máu: truyền máu hoặc tiêm chích mà bơm kim tiêm không vô khuẩn. Lây từ mẹ sang con, thường sau tháng thứ 3 của thai kỳ và gây bệnh giang mai bẩm sinh.
Triệu chứng của bệnh giang mai: Tùy theo từng giai đoạn hoặc thời kỳ khác nhau mà có các triệu chứng khác nhau:
Giang mai thời kỳ I
Săng (chancre) giang mai: Là vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có bờ nổi gờ lên hoặc lõm xuống, bề mặt bằng phẳng. Vị trí thường thấy ở bộ phận sinh dục Với những người quan hệ tình dục qua hậu môn, săng có thể ở trực tràng hoặc quanh hậu môn. Săng còn có thể xuất hiện ở một số vị trí khác như: môi, lưỡi, amidan (do quan hệ miệng - sinh dục), ngón tay v.v...
Hạch: Các hạch vùng bẹn thường bị viêm, họp thành chùm
Giang mai thời kỳ II: Thường khoảng 6 - 8 tuần sau khi có săng.
Có thể có các biểu hiện như: Đào ban; Tổn thương da do giang mai; Mảng niêm mạc; Vết loang trắng đen; Viêm hạch lan tỏa; Nhức đầu; Rụng tóc...
Giang mai thời kỳ III: Thường khi không được điều trị hay điều trị không đúng phác đồ, có thể có các biểu hiện như đào ban, củ giang mai, gôm giang mai... Đồng thời, có thể xâm nhập vào phủ tạng như tim, mắt, thần kinh...
Khi mắc bệnh giang mai, nếu bệnh nhân được điều trị sớm và đủ liều sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, ngăn chặn lây lan và không để lại di chứng. Việc điều trị cần điều trị đồng thời cho cả bạn tình của người bệnh.
Vì cả giang mai và HIV đều có cơ chế lây truyền giống nhau là qua quan hệ tình dục không an toàn, đường máu và từ mẹ sang con. Do vậy, có thể nói giang mai và HIV là bạn đồng hành của nhau, tức là người nhiễm HIV có nguy cơ cao hoặc đồng thời cũng nhiễm giang mai và ngược lại.
Do vậy, cách tốt nhất dự phòng lây nhiễm HIV và giang mai là quan hệ tình dục an toàn tức sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần khi quan hệ tình dục, đặc biệt khi quan hệ tình dục với các bạn tình mà không biết tình trạng nhiễm HIV hoặc giang mai của họ.
Xét nghiệm HIV đồng thời với yêu cầu xét nghiệm sàng lọc giang mai định kỳ cũng là cần thiết để đảm bảo không mắc các bệnh này hoặc nếu mắc bệnh sẽ điều trị sớm, kịp thời để tránh các biến chứng cũng như không làm lây truyền bệnh cho người khác.
Một điều cần lưu ý là hiện nay có thuốc kháng virus điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) có thể dự phòng để không bị lây nhiễm HIV, tuy nhiên thuốc này không dự phòng được giang mai và các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, viêm gan... do vậy thực hiện tình dục an toàn hay sử dụng bao cao su thường xuyên đúng cách vẫn là biện pháp dự phòng hữu hiệu với cả giang mai và HIV.
Lưu ý ăn uống, sinh hoạt khi chuyển phôi Trước và sau khi chuyển phôi, chị em cần ăn uống khoa học, đầy đủ các nhóm chất và giữ tinh thần lạc quan, thoải mái. Em cần kiêng ăn gì và ăn uống như thế nào trước và sau khi chuyển phôi? Em đã chuyển phôi lần đầu, phôi tốt nhưng niêm mạc 8.7 vẫn thất bại. Em nghĩ do mình không...