Nam Tây Nguyên mùa xanh lá
Thiên nhiên chu đáo đến mức tạo ra bạt ngàn rừng nhưng không quên xen vào những trảng cỏ như là nơi “thư giãn” của muôn loài.
1. Sử chở tôi trên chiếc Honda PCX 125 mới mua vài hôm, như cách nói của Sử là tiện thể chạy roda. Tôi thì quá áy náy, vì chiếc xe có giá đến 50 triệu đồng mà chạy roda băng qua những đường lô cao su trơn trượt, nhão nhoét thì khác nào “phá xe”. Nhưng Sử an ủi, không sao, một đời ta nhiều đời hắn. Cùng lắm là xe giảm độ bền, cũng là cơ hội để mua xe khác.
Bên hồ Bom Be.
Tôi biết Sử không nói chơi, vì hai ngày qua, tình cờ được sống với bà con vùng Nam Tây Nguyên này, thấy kinh tế nhà nào cũng khá giả, thu nhập một năm năm bảy trăm triệu đồng là bình thường. Vợ chồng Sử có trên chục hecta cà phê, điều, cũng chỉ là mức trung bình của dân ở đây.
Vừa tìm cách băng qua một đường lô bùn ngập vành xe, Sử vừa nói: “Chút nữa có xe tải chở mủ cao su lui tới thì chiếc PCX 125 này không chạy được. Đất đỏ gặp mưa vừa trơn vừa bám dính. Dân tụi em đi rẫy đều dùng xe Honda 50, 67 cũ mèm, đôn dên, xoáy nòng, chỉnh gió, chỉnh lửa, lột trần chỉ còn khung và máy rồi quấn xích, kích chặt cả hai vành mới trị được loại đất này. Mười tám năm nay em không đến Bù Lạch và rừng già từ lúc ấy dần thành rừng cao su nên có thể lạc đường…”.
Hơn 10km băng qua rừng cao su, lâu lâu xen kẽ những vạt rừng tự nhiên còn sót lại (hay chưa bị “làm trắng” vì chính quyền đang kiểm soát chặt), quẹo phải, rẽ trái không biết mấy lần, trước mắt là trảng cỏ nối tiếp trảng cỏ – đích đến của chúng tôi. Quả là Sử “định hướng” rất giỏi nên không bị lạc như anh “cảnh báo”!
Thiên nhiên chu đáo đến mức tạo ra bạt ngàn rừng nhưng không quên xen vào những trảng cỏ như là nơi “thư giãn” của muôn loài, ở Tây Nguyên, ở Đông Nam Bộ hay suốt dãy Trường Sơn đều thế. Nhưng trảng cỏ Bù Lạch khác với rất nhiều trảng cỏ tôi đã từng biết trong chiến tranh là cỏ quá thấp, chỉ có cỏ kim đan xen cỏ chỉ mọc là là mặt đất và thi thoảng mới có vài bụi mua cằn cỗi cho những cánh hoa tím rịm.
Trảng cỏ Bù Lạch.
Nghe nói đã có lúc lâm nghiệp trồng cây từ rừng bản địa ở trảng cỏ này, chăm sóc rất cẩn thận nhưng chúng không sống được. Có một khác biệt nữa, rất độc đáo, là Bù Lạch có đến 20 trảng cỏ tổng diện tích 500ha, có trảng rộng đến 10ha, tất cả phẳng phiu như sân bóng đá, nối nhau bằng những cánh rừng.
Rừng xanh và trảng cỏ hàng ngàn năm nay “đất ai nấy ở”, không xâm lấn nhau mà nếu muốn cũng không thể xâm lấn! Các già làng nơi đây giải thích rằng, dưới các trảng cỏ có một vị thần canh giữ không cho rừng lấn sang để chúng mãi mãi là tấm thảm xanh của trời trải ra cho các tiên nữ xuống đùa vui vào những đêm trăng rồi khỏa mình dưới làn nước trong veo của hồ Bom Be, hưởng chút trần tục trần gian…
Video đang HOT
Bù Lạch (bù là buôn, Lạch là tên riêng, tức buôn Lạch – tiếng S’Tiêng) đã trở thành khu du lịch từ nhiều năm trước ở huyện Bù Đăng, cũng có đơn vị chủ quản, công ty tư nhân thực hiện nhưng chỉ thu hút được nam thanh nữ tú, những gia đình trẻ quanh Đồng Xoài, Bù Đăng, Bù Đốp trong những ngày lễ, Tết, lâu lâu có dân phượt từ Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Sài Gòn lên cắm trại.
Và như đã có từ bao đời, mỗi năm một lần, người S’Tiêng sống quanh những trảng cỏ này tổ chức lễ hội đâm trâu, lễ hội đâm cá ở hồ Bom Be vào tháng Ba. Thời gian còn lại là vắng lặng.
Không thể bỏ phí mãi một tài nguyên du lịch như Bù Lạch, tháng 6 vừa qua, tỉnh Bình Phước đã công bố dự án Khu phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái Trảng cỏ Bù Lạch diện tích 405ha, gồm Khu A (268ha) dành cho phim trường và du lịch sinh thái rừng tự nhiên, du lịch dã ngoại, ăn uống, nghỉ dưỡng ven hồ Bom Be.
Khu B (59ha) là khu văn hóa làng nghề các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Khu Thác Voi (12ha) kết hợp du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, khám phá cuộc sống của đồng bào S’Tiêng, M’Nông và Châu Mạ.
Trở về, Sử chở tôi ngược con đường duy nhất từ ngã ba Minh Hưng rẽ vào Bù Lạch, bên phải quốc lộ 14 nối Bình Dương với Tây Nguyên, chừng 20km, chật hẹp, toàn ổ voi, uốn lượn dốc đèo giữa lớp lớp vườn cà phê và điều. Dù Dự án đã bắt đầu thực hiện tại Khu A nhưng tôi không mấy tin sẽ thu hút được khách du lịch nếu con đường này không được nâng cấp, mở rộng.
2. Đọc cái tựa đề phóng sự này có người sẽ nghĩ Tây Nguyên có những mùa “không xanh lá”. Thưa rằng, đúng vậy. Đó là tình trạng Tây Nguyên mấy chục năm trở lại đây. Khi rừng Tây Nguyên chưa bị “làm cỏ”, “tháng Ba (đã là) mùa suối rừng sôi sục”, “Tháng Ba sớm sớm mẹ ra rừng theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối” (lời bài hát Tháng Ba Tây Nguyên, của Văn Thắng và Thân Như Thơ, sáng tác giữa những năm 1960).
Người nhập cư khá giả ở Nam Tây Nguyên thư giãn trên quê hương thứ hai.
“Suối rừng sôi” và “mẹ ra rừng tìm nấm mối” thì chỉ có trong mùa mưa và rừng thì không bao giờ thôi xanh. Bây giờ đến cuối tháng Sáu, có năm tháng Bảy, tháng Tám, Tây Nguyên vẫn nắng bụi, dân trồng cà phê, tiêu, điều,… đào giếng sâu hàng trăm mét chưa chắc tìm được nước tưới.
Trên 40.000km2 rừng không còn, theo dự báo của nhiều nhà khoa học, không lâu nữa Tây Nguyên sẽ biến thành sa mạc một phần do trái đất nóng lên, phần quan trọng là do không giữ được nước trong mùa mưa, mà cao nguyên này có độ cao trung bình 800m so với mực nước biển, lại nghiêng về phía Đông.
Nhà văn Nguyên Ngọc là người gắn bó máu thịt với Tây Nguyên suốt hai cuộc chiến tranh giữ nước, đã từng thốt lên: “Những giới hạn quan trọng đến mức sinh tử ở đây đã bị vượt qua: phá sạch rừng, đảo lộn dữ dội cơ cấu dân cư, hủy hoại tất cả các dòng sông lớn, hút cạn nước ngầm, phá vỡ các làng,… để cuối cùng phá nát văn hóa.
Người nhập cư khá giả ở Nam Tây Nguyên thư giãn trên quê hương thứ hai
Ở nơi vốn là một vùng văn hóa vào loại độc đáo và đặc sắc nhất nước, nay chỉ còn văn hóa Tây Nguyên dỏm. Hầu như không còn có thể quay trở lại, và đang thật sự không có đường ra. Nhiều lần tôi tự hỏi: Vì sao? Có ai đến Tây Nguyên để học? Học sự hiền minh bất tận của rừng, và của những dân tộc từng biết cách sống với rừng, nghĩa là với tự nhiên, hàng nhiều ngàn năm nay. Một bài học có thể cho cả nhân loại và nền văn minh đang lúng túng ngày nay”. (Nguyên Ngọc và Thomas J. Vallely: “Giáo dục – Giá trị vĩnh cửu của hoà bình”. Minh Nguyễn phỏng vấn).
Đọc Nguyên Ngọc, tôi lại nghĩ đến các tổ chức kinh tế quốc doanh, cụ thể là những liên hiệp nông lâm trường bao chiếm gần hết đất đai Tây Nguyên. Như ở Đắk Lắk, đến năm 1985, ba xí nghiệp liên hiệp nông lâm quản lý 90% đất đai toàn tỉnh. Ở Gia Lai và Kon Tum con số đó là 60%.
Tính chung, đến năm 1985, quốc doanh đã quản lý 70% diện tích toàn Tây Nguyên. Sau năm 1993, dù có sự chuyển đổi cơ chế quản lý, nhưng con số này cũng chỉ giảm được 26%. Chính các tổ chức quốc doanh này chủ yếu “làm sạch” rừng Tây Nguyên, phá vỡ toàn bộ quy hoạch đất đai của một địa bàn chiến lược quan trọng nhất nước.
Và tôi không thể không nghĩ đến Sử và đại gia đình của anh. Vốn là dân di cư theo kế hoạch, từ Hải Dương, mấy mẹ con anh định cư ở Nam Tây Nguyên cách nay 22 năm, lúc anh mới qua tuổi thiếu niên. Từ “bến đỗ” của mấy mẹ con anh, bà con xa gần cùng tìm đến, tạo nên một quần thể dân cư mới giữa rừng để phá rừng làm rẫy và nhờ đất đỏ bazan mà làm giàu khá nhanh.
Một thôn, rồi một xã được lập nên, nghe cái tên đã là rất mới: Tân Sơn, nhưng chỉ có vườn cà phê, điều, tiêu, cao su là mới, còn rừng thì biến mất.
Lúc gia đình Sử mới đến (1993), dân Tây Nguyên (số tròn) đã tăng lên 2.380.000 người (từ 1.220.000 người năm 1976, chủ yếu là người dân tộc thiểu số bản địa) với 35 dân tộc (năm 1976 là 18 dân tộc), bây giờ Tây Nguyên đã có trên 5,5 triệu người với gần đủ mặt các dân tộc của Việt Nam, mà đa số là người Kinh, người bản địa như Êđê, Bahnar, Jarai, M’Nông, S’Tiêng… đang trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ.
Sử tâm sự: “Tụi em phá rừng là dựa theo các lâm trường, nông trường quốc doanh. Cả trăm mẫu rẫy của thân tộc em ở Tân Sơn một phần là mua lại của nông trường khi người ta làm ăn thất bại, gần như giải thể, chỉ còn bộ khung mấy ông cán bộ giàu sụ nhờ bán gỗ khai thác lậu, và mua lại của người HMông, người Tày, Nùng di dân tự do. Em cũng không biết tại sao huyện Bù Đăng còn lại gần ngàn hecta rừng, nhiều nhất là ở Bù Lạch. Nhưng mà mỗi nơi mỗi khoảnh, không biết rồi đây có giữ được không, vì chỉ cần sơ sẩy chút xíu là trong một vài ngày, rừng sẽ thành rẫy!”.
Năm nay, tháng Bảy Tây Nguyên mới mưa nặng hạt, mới tạo nên mùa xanh lá. Suối thì càng sôi sục bào mòn đất đỏ bazan đổ ra biển, nhưng không bao giờ còn cảnh “sớm sớm mẹ ra rừng theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối”. Bởi đúng như sự thảng thốt của nhà văn rất đáng kính Nguyên Ngọc: Tây Nguyên bị phá sạch rừng, hủy hoại tất cả các dòng sông lớn, hút cạn nước ngầm…
Theo Zing News
7 địa danh nên ghé khi đến Bình Dương
Bên cạnh khu du lịch Đại Nam, vườn trái cây Lái Thiêu, bạn đừng quên ghé chùa Bà, cà phê Gió và Nước...
1. Đại Nam thế giới du lịch hay Đại Nam Quốc Tự, Đại Nam Văn hiến là một khu du lịch (KDL) tọa lạc tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. KDL khá rộng, với hệ thống trò chơi nhiều cấp độ, sở thú, biển nhân tạo, đền chùa... Cơ sở hạ tầng của nơi đây được xây dựng và trang bị tiên tiến. Điểm trừ là KDL ít cây xanh. Ảnh: Lê Quân.
2. Vườn trái cây Lái Thiêu là điểm đến quen thuộc của du khách Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Vùng đất này sở hữu những mảnh vườn trái cây thơm ngào ngạt khi hè về. Đến đây, du khách không chỉ được vịn cây hái trái, thưởng thức trái cây tươi ngon, ngủ một giấc trong không gian yên tĩnh mà còn có thể chọn mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Ảnh: Chân Phạm.
3. Nhà thờ chánh tòa Phú Cường nằm ở số 104 Lạc Long Quân, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, gần vòng xoay ngã 6 Thủ Dầu Một. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic, uy nghiêm với những hàng ghế, tiếng chuông ngân nga và không gian yên tĩnh. Ảnh: Piacsek.
4. Chùa Bà tọa lạc tại số 4 Nguyễn Du, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Chùa Bà có tên chính là Thiên Hậu Cung do người Hoa tại đây xây dựng để thờ cúng. Chùa thờ các vị thần thánh như Thổ công, Môn quan, Thiên Hậu thánh mẫu, Ngũ Hành nương nương, vợ chồng Bổn Đầu Công. Hàng năm, chùa Bà tổ chức lễ vía Bà rất linh đình vào ngày 23/3 Âm lịch. Ảnh : Tamngu.
5. Cà phê Gió và Nước nằm tại số 6/28T khu 3 Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một. Đây là một trong những công trình kiến trúc được thế giới vinh danh của Việt Nam. Quán là sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa năng lượng gió, khả năng làm mát của nước. Vật liệu xây dựng chủ yếu của quán là cây tầm vông và rơm. Ảnh: Cesti.
6. Hồ Bình An, thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương. Hồ rộng, thanh bình và thơ mộng. Đến hồ, ngoài thả mình trên thảm cỏ, câu cá, tắm, bạn đừng quên dong thuyền ra giữa hồ, thưởng thức đặc sản ở các quán ven bờ. Ảnh: Indocycling.
7. Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc xã Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Để đến đây, từ trạm thu phí Suối Giữa, bạn rẽ vào đường Hồ Văn Cống, đi thêm một đoạn là tới. Với hàng trăm hộ làm sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công. Những vật dụng được làm tại đây là mặt hàng cẩn ốc, cẩn trứng, tranh gỗ, tượng, bình hoa.... Ảnh : Leonardepsteinphotography.
Bình Dương cách TP HCM khoảng 30 km, bạn có thể đi về trong ngày hay nghỉ ngơi qua đêm.Từ TP HCM, bạn có thể đến Bình Dương bằng xe khách, ôtô riêng hay xe máy.Khách sạn, nhà trọ ở Bình Dương có giá từ 15.000-2,5 triệu một phòng.Bình Dương không có đặc sản nổi bật, tuy nhiên, mỗi món ăn tại đây đều có hương vị khác biệt.Tùy mục đích viếng thăm, bạn có thể chọn thời gian đến là mùa nắng hay mùa mưa.
Theo Zing
Chỉ có ở Lăng Cô... Hơn 16 giờ trên tàu TN1 từ Hà Nội, chúng tôi được "đền bù" bằng bãi biển dài bất tận, đầm Lập An xanh biếc và dãy núi Bạch Mã sừng sững của Lăng Cô. Chuyến đi Lăng Cô - thành viên câu lạc bộ những vịnh biển đẹp nhất thế giới được quyết định chớp nhoáng - chỉ hai ngày trước khi...