Nam sinh lớp 8 tự tử vì bị cấm chơi game: Cha mẹ nên cản con bằng cách nào?
Vụ việc nam sinh lớp 8 quyên sinh vì bị cấm cản chơi game đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nghiện trò chơi điện tử mà nhiều trẻ em mắc phải.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) đã cứu sống kịp thời một trường hợp trẻ bị ngộ độc nặng vì mâu thuẫn gia đình.
Bệnh nhi là một cậu bé 14 tuổi, nghiện chơi điện tử. Mùa dịch căng thẳng, bé phải học online tại nhà. Mỗi lần xin mẹ tiền nạp để có 3G lên mạng, cậu bé cố tình xin nhiều hơn rồi cắt xén tiền để nạp card cho game. Một ngày, người dì phát hiện sự việc và báo cho mẹ bé, khiến hai mẹ con xảy ra cãi vã nặng nề.
Bị ức chế tinh thần, chiều 20/10 cậu bé chạy ra sau nhà, tu một hơi hết 1/4 chai thuốc trừ sâu hoạt chất Abamectin. Chỉ 10 phút sau, bé sùi bọt mép, co giật và nhanh chóng rơi vào hôn mê.
Hành động nông nổi của con trẻ đã gây hại tới bản thân, để lại nỗi đau cho gia đình; đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nghiện game online, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trẻ có nhiều thời gian “chìm đắm” vào thế giới ảo.
Con đã “hỏng” vì game online?
Trước thông tin nam sinh lớp 8 quyên sinh vì bị ngăn cản chơi game, phụ huynh Lê Thanh Thủy (K’Bang, Gia Lai) vừa thương, vừa giận… Thương cho sức khỏe, tính mạng và nỗi lo của gia đình cháu bé, song chị Thủy cho rằng, hành động uống hết 1/4 chai thuốc trừ sâu quyên sinh vì bị cấm cản chơi game là vô cùng nông nổi.
“Bố mẹ cấm chơi game cũng xuất phát từ tình thương của người làm cha, làm mẹ. Ấy vậy mà con trẻ lại hiểu sai, trách nhầm rồi làm điều dại dột. Hy vọng phép màu xảy đến, con sẽ mạnh khỏe để có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Đồng quan điểm, phụ huynh Vũ Minh Hòa (Hà Nội) cho hay, hành động của nam sinh lớp 8 cũng phần nào phản ánh vấn nạn nghiện game online mà nhiều trẻ em – trong đó có cậu con trai đang học lớp 11 của chị mắc phải.
Chị Hòa cho biết, ngay từ khi “chập chững” vào cấp ba, dưới sự rủ rê của bạn bè, con trai chị đã biết đến game online và dần trở thành… game thủ. Phát hiện con nghiện điện tử, chị đã tìm cách giấu máy tính, phạt viết kiểm điểm… nhưng cu cậu vẫn “chứng nào tật nấy”, thậm chí còn trộm tiền của bố mẹ để ra tiệm net chơi game.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải chuyển sang hình thức học trực tuyến, chị Hòa đành giao lại máy tính cho con. Hiểu được tâm lý con trẻ, chị ra điều kiện cho con chơi game 1 tiếng mỗi ngày.
“Tôi nghĩ, lạt mềm ắt sẽ buộc chặt, làm như vậy sẽ dần giúp con bước ra khỏi thế giới ảo. Nhưng không, chỉ 2 tuần sau khi bắt đầu năm học mới, cô giáo gọi thẳng về nhà, trao đổi việc con hay bỏ tiết, thường xuyên thiếu bài tập.
Sau một hồi tra hỏi, con thừa nhận trốn học trực tuyến để chơi game. Lúc ấy, không kiềm chế nổi cảm xúc, tôi tát vào má con, xóa hết ứng dụng game trên máy tính và quyết định từ nay sẽ dẹp hết mọi việc để ngồi cạnh con khi học. Ở lứa tuổi dậy thì, xốc nổi, hiếu thắng, con phản ứng lại với tôi bằng cách giận dỗi, vùng vằng và nhịn ăn.
Chưa khi nào, tôi thấy bất lực đến như vậy. Phải chăng, con tôi đã “hỏng” vì game online?”, chị Hòa tâm sự.
Cấm cản không phải biện pháp “cai nghiện” tốt nhất
Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Trần Quang Vinh (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho biết, vụ việc nam sinh lớp 8 quyên sinh vì bị cấm cản chơi game như một hồi chuông báo động tới các bậc phụ huynh thực trạng nghiện game của nhiều trẻ.
Video đang HOT
Trong bối cảnh giãn cách, trẻ phải ở nhà, làm bạn với các thiết bị điện tử đã khiến tình trạng nghiện game trở nên đáng báo động.
Là giáo viên chủ nhiệm, thầy Vinh chia sẻ, thầy đã gặp không ít trường hợp nhiều học sinh trốn học chơi game, thậm chí còn lợi dụng việc chơi điện tử như một hình thức cá độ, ăn tiền.
“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, mọi sinh hoạt, học tập chuyển sang hình thức trực tuyến, tình trạng trẻ nghiện game càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Lớp có 47 học sinh, thì có tới 20 em (chủ yếu là nam) bị bố mẹ phàn nàn về việc ham mê điện tử.
Các trò chơi trực tuyến có một sức hút rất kinh khủng. Tôi biết, có học sinh khi ngồi học thì đầu óc vẫn còn đang “vương vấn” với game, không chú tâm nghe giảng. Trường hợp vừa ngồi học vừa bật cửa sổ game không phải là hiếm”.
PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm này. Theo PGS, trong bối cảnh giãn cách, trẻ phải ở nhà, làm bạn với các thiết bị điện tử đã khiến tình trạng nghiện game trở nên đáng báo động.
Tuy nhiên, phụ huynh không nên ngắt con em khỏi trò chơi điện tử bằng cách cấm cản khắc nghiệt. Trên thực tế, nhiều trẻ đã lớn, ý thức được quyền lợi của chính mình, trong đó bao gồm quyền được tự do thể hiện chính kiến hay chọn lựa phương thức giải trí, vui chơi, kể cả ngoài thế giới thực hay trên thế giới ảo.
Khi đó, việc bố mẹ cấm con sử dụng internet, cấm không được thể hiện bản thân, hay có những hành động xâm phạm đến quyền riêng tư của các em… rất dễ khiến trẻ nảy sinh những hành động tiêu cực nằm ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt với những em đang trong giai đoạn bất ổn.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, phụ huynh không nên ngắt con em khỏi trò chơi điện tử bằng cách cấm cản khắc nghiệt.
“Theo tôi, cách thức mà bố mẹ quản lý con trong việc chơi game đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ta cần biết rằng, triết lý để điều chỉnh ham muốn chơi game của trẻ, cần bao gồm một vài yếu tố như sau.
Trước tiên, cha mẹ có thể dần “cai nghiện” game online cho con bằng cách tạo ra một niềm vui khác, có thể là lên kế hoạch về hoạt động thể thao, vui chơi trong khoảng thời gian mà con rảnh rỗi; từ đó giúp ngắt mạch con ra khỏi game online.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cùng con định hướng trò chơi. Trên thực tế, bên cạnh nhiều tựa game không lành mạnh, thì có rất nhiều trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi của trẻ, vừa mang tính văn hóa, giáo dục, vừa chứa đựng sự đấu tranh tích cực. Bố mẹ hãy thống nhất với trẻ rằng con không được chơi những game có nội dung bạo lực, đánh bạc hay khiêu dâm… bởi những game này không phù hợp với độ tuổi, đồng thời có thể khiến con rơi vào vòng luật pháp.
Phụ huynh cần quy định cho con thời gian chơi game, ví dụ như 6 tiếng/tuần, không nên quy định theo ngày bởi nếu lượng thời gian trong ngày quá ít, đứa trẻ sẽ không chấp nhận. Thậm chí, bố mẹ có thể trải nghiệm chơi game cùng con, để tìm hiểu tại sao con bị hấp dẫn, từ đó có thể đưa ra giải pháp cai game hiệu quả nhất”.
Cha mẹ cần thấu hiểu và quan tâm
Dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, vụ việc trên còn mở ra một vấn đề lớn hơn, đó là việc giãn cách kéo dài khiến sức khỏe tâm thần của các thành viên trong gia đình bị giảm sút. Thiếu đi sự cảm thông giữa người lớn và trẻ con, do đó, chỉ cần bất cứ hành động nhỏ nào cũng có thể khiến “giọt nước tràn ly”, nảy sinh xung đột.
Chuyên gia phân tích, trong trường hợp của nam sinh lớp 8, có thể trong thời gian qua, việc kiểm soát hành vi giữa phụ huynh và con trẻ chưa được thực hiện một cách nhất quán. Hình thức quyên sinh có thể như một cách giúp em né tránh cảm xúc tiêu cực; hay đó có thể là hành động với mục đích làm cho cha mẹ hối tiếc; hoặc hành vi này đã được nhen nhóm từ lâu, em bị tổn thương tinh thần và tìm kiếm đến game như một biện pháp để giải tỏa, tuy nhiên lại bị bố mẹ cấm cản nên gây ra tâm trạng ức chế.
“Tôi nghĩ, không phải bố mẹ cản con chơi game mà con quyên sinh. Vấn đề nằm ở việc bố mẹ cấm cản con bằng cách nào, thái độ ra sao? Vụ việc đáng tiếc này xảy ra, có lẽ rằng khoảng cách giữa bố mẹ và con cái đã quá xa rồi” – PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Do đó, theo chuyên gia, trước khi cấm đoán việc trẻ chơi game một cách khắc nghiệt, phụ huynh cần có cuộc đả thông tư tưởng, giải thích cho con hiểu việc bố mẹ kiểm soát thời gian chơi game của con không phải là cấm đoán, mà cả hai chỉ muốn con có được sự cân bằng trong cuộc sống thực và thế giới ảo, từ đó đảm bảo cho con những trải nghiệm trên internet một cách phù hợp.
Trong quá trình tạo ra những hoạt động giải trí lành mạnh nhằm giảm bớt thời gian chơi game của con, cha mẹ nên cùng con cái tham gia các hoạt động chung để kéo con lại gần hơn với mình. Được thấu hiểu, quan tâm, đứa trẻ sẽ có xu hướng nghe lời hơn.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, quan trọng nhất, đối với những trẻ nghiện game cực độ, để giúp con “cai nghiện”, cha mẹ cần có sự quan tâm nhỏ nhất, bắt nguồn từ chính thú vui của con. “Ví dụ, con chơi game sẽ ảnh hưởng đến lưng, cổ, cột sống. Vì vậy, bố mẹ có thể nhắc nhở con khi chơi game thì nên ngồi theo tư thế nào, sau khi chơi hết một ván game cần đứng dậy, vận động, vươn vai ra sao… Từ sự quan tâm nhỏ đó, dần rồi tính đến việc giảm thời gian chơi game của con. Cần bắt đầu từ từ chứ không thể cấm cản khắc nghiệt”.
Nút thần kỳ nào để dạy con hư không cần đến đòn roi?
PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ, để có thể dạy dỗ con hư mà không cần đến đòn roi thì cần cả một quá trình chuyển hóa của cha mẹ chứ không có bất cứ một cái nút thần kỳ nào cả.
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng đánh con không phải việc gì to tát, chưa nghiêm trọng như các vấn đề bạo hành gia đình. Tuy nhiên, họ vẫn chưa ý thức được rằng, nếu lạm dụng đòn roi thì sẽ khiến trẻ chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh mà không nhớ được mình đã làm sai điều gì.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những quan điểm riêng.
PGS.TS Trần Thành Nam
Trẻ thường xuyên bị đánh sẽ có những hành động "trả đũa" lại bố mẹ
Phóng viên: Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, hiện nay có rất nhiều thông tin liên quan đến việc cha mẹ đánh con, thậm chí bạo hành vì con hư, con đi chơi game, bỏ học hay ăn trộm tiền,... Vậy ông nghĩ thế nào về việc nhiều bậc cha mẹ dùng đòn roi như một cách dạy dỗ trẻ?
PGS.TS Trần Thành Nam : Việc cha mẹ dùng đòn roi như một cách dạy dỗ trẻ có thể bắt nguồn từ đặc điểm xã hội Phương Đông vốn trọng tính thứ bậc, đề cao phong cách độc đoán kiểu "phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu".
Điều này dẫn đến phong cách, hành vi làm cha mẹ đã hằn sâu trong tâm thức của người lớn rằng cha mẹ tốt phải kiểm soát chặt chẽ, quản con trong tầm mắt. Việc trừng phạt cơ thể là cách dạy dỗ, cha mẹ quát mắng là thể hiện sự quan tâm.
Nhiều bậc phụ huynh tin rằng không trừng phạt những lỗi nhỏ thì sẽ dẫn đến lỗi lớn hơn. Cho rằng nếu một hình phạt mà không hiệu quả thì chỉ có hình phạt nặng hơn. Đồng thời cho rằng hiệu quả của một hình phạt thể hiện ở mức độ đau khổ và khó chịu của con.
Rất nhiều cha mẹ hiện nay đã được nuôi nấng lớn lên với phong cách làm cha mẹ của ông bà mang tính trừng phạt khắc nghiệt như vậy. Vì không có một hình mẫu làm cha mẹ mới, bản thân các cha mẹ vẫn thấy mình ổn nên theo thói quen, vẫn sử dụng các hình thức trừng phạt này với con cái.
Phóng viên: Theo ông, với giáo dục hiện đại thì đánh đòn có còn là một phương pháp hiệu quả nữa hay không? Và việc dùng đòn roi/bạo hành với trẻ sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực nào?
PGS.TS Trần Thành Nam : Hiện nay, nhiều bằng chứng nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ đánh đòn không phải là một cách dạy con có hiệu quả.
Khi việc cha mẹ đánh con cái được "bình thường hóa" trong gia đình, trẻ nhỏ sẽ coi có là điều được chấp nhận. Chính vì vậy, điều này không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng đến cả tâm sinh lý của trẻ sau này.
Chúng ta có thể thấy những đứa trẻ thường xuyên bị đánh, bị phạt nhiều thường không linh hoạt, kém thích nghi, trí tuệ bị ảnh hưởng, giảm khả năng giải quyết vấn đề, giảm sự sáng tạo ở trẻ .
Còn về sức khỏe tâm lý, sau mỗi trận đòn roi, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã. Hoặc chúng sẽ có suy nghĩ tiêu cực rằng cha mẹ đang hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của mình. Rồi từ đó có thể khiến trẻ tức giận và có những hành động "trả đũa" lại bố mẹ bằng các hành vi chống đối.
Khi cảm thấy sợ "roi giáo huấn" của cha mẹ, trẻ sẽ quanh co tìm cách lừa dối người lớn để né tránh các hình phạt. Và hành động bồng bột để trốn tránh nỗi sợ ấy chính là bằng việc bỏ nhà, bỏ học. Lâu dài làm trẻ trở nên "miễn dịch" với tất cả hình thức phạt của bố mẹ.
Trừng phạt đòn roi chưa chắc đã khiến trẻ làm theo những gì người lớn muốn, có chăng chỉ là học được một tấm gương bạo lực từ người lớn. Sẽ duy trì vòng luẩn quẩn bạo lực trong gia đình, xã hội. Những vụ việc con cái bạo hành cha mẹ già gần đây cũng xuất hiện là hậu quả lâu dài của việc cha mẹ bạo hành con cái từ nhỏ.
Trừng phạt cơ thể cũng làm cho trẻ sợ cha mẹ, thầy cô và những người lớn có "quyền". Và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ. Bầu không khí trong gia đình sẽ rất căng thẳng nếu cha mẹ luôn quát tháo và sử dụng hình phạt thể chất.
Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những hình thức kỷ luật đưa ra luôn phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn, tôn trọng, và tạo cơ hội để giáo dục hành vi. (Ảnh: minh họa)
Cha mẹ cần phải có những hành vi tích cực
Phóng viên: Vậy theo ông, cha mẹ nên dùng phương pháp nào để dạy dỗ con hư mà không cần dùng đến đòn roi?
PGS.TS Trần Thành Nam : Để có thể dạy dỗ con hư mà không cần đến đòn roi thì cần cả một quá trình chuyển hóa của người cha người mẹ chứ không có bất cứ một cái nút thần kỳ nào cả.
Sự chuyển hóa này sẽ phải bắt đầu bằng việc thay đổi những niềm tin cơ bản của cha mẹ như yêu cho roi cho vọt, giúp cha mẹ nhìn nhận được mục tiêu, động cơ đằng sau những hành vi ứng xử sai của đứa trẻ để rộng lượng hơn với con, không gán nhãn con mình là "hư bẩm sinh" hay "dốt bền vững" đồng thời mở ra góc nhìn mới về những thế mạnh, điểm độc đáo trong tính cách của trẻ.
Tiếp theo là cha mẹ phải học cách tạo dựng lại mối quan hệ gần gũi, biến thời gian các thành viên ở bên nhau trở thành một phần thưởng tinh thần cho cả cha mẹ và con cái. Vì nếu con cái không cảm thấy thoải mái khi ở bên cha mẹ. Cha mẹ chẳng thể nào sử dụng lời khuyên và các giải pháp tích cực với con.
Cha mẹ cũng cần phải học và thực hành các kỹ năng tạo ra môi trường kỷ luật trong gia đình một cách tích cực bằng cách thống nhất các luật lệ, các kỳ vọng hành vi của các thành viên trong gia đình.
Cần nhớ rằng cách bền vững nhất để làm giảm những hành vi tiêu cực ở con không phải là trừng phạt, mà là bằng cách nhận ra, khuyến khích những hành vi tích cực của con trẻ. Nếu trẻ luôn chú ý vào những hành vi tích cực mình có thể thể hiện, nó sẽ không còn thời gian để thực hiện những hành vi sai nữa.
Chuyển hóa đến lúc này, cha mẹ mới có thể thực hành được các hình thức kỷ luật không đòn roi bao gồm góc trấn tĩnh; mất quyền lợi, thực hiện nhiệm vụ khó chịu, vận dụng những hệ quả tự nhiên và hệ quả logic.
Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những hình thức kỷ luật đưa ra luôn phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn, tôn trọng, và tạo cơ hội để giáo dục hành vi.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trầm cảm, tự tử vì lời mạt sát "sắc hơn dao" của bố mẹ: "Tao xấu hổ vì mày" Mắng con để lớn, mắng con để trưởng thành là điều bất kì bố mẹ nào cũng đã từng làm. Nhưng ranh giới giữa lời mắng và lời mạt sát từ bố mẹ là ranh giới mờ nhạt không thể nhìn thấy đường kẻ. Trách mắng, dọa nạt ... vô tình "giết chết" con So sánh, trách mắng, dọa nạt,... của bố mẹ...