Nam sinh lớp 10 vẽ tranh chân dung bằng tỏi, cát, tóc, hoa…
Nguyễn Văn Cường (sinh năm 2005, học lớp 10 trường THPT Gia Bình 1, Bắc Ninh) gây ấn tượng với nhiều người bởi tài năng vẽ tranh bằng nhiều chất liệu độc đáo như: tỏi, muối, cát, hoa hồng, tóc…
Nam sinh lớp 10 vẽ tranh chân dung bằng cát
Ngày đầu luyện vẽ, Nguyễn Văn Cường học lớp 8. Để hoàn thành được tác phẩm ưng ý, em khá khó khăn trong việc tư duy hình ảnh và phải chỉnh sửa nhiều để có được bức tranh hoàn chỉnh nhưng hiện tại, Cường đã đạt tới trình độ vẽ tranh tùy ý theo cảm hứng.
Sau một thời gian vẽ tranh bằng mực, Cường nhận thấy nếu chỉ dùng mãi một chất liệu thì có phần nhàm chán và phổ thông, ít thể hiện tính sáng tạo. Bởi vậy, nam sinh đã nảy sinh ý tưởng dùng nhiều loại chất liệu khác dễ kiếm để vẽ tranh như tóc, muối, cát, tỏi, hoa hồng, snacks…
Chân dung nghệ sĩ Chí Tài được vẽ bằng cát và chân dung ca sĩ Jack được vẽ bằng snacks.
Ca sĩ Hồ Quang Hiếu được vẽ bằng muối và ca sĩ Châu Việt Cường vẽ bằng tỏi.
Nhân vật bên trái ảnh được vẽ bằng hoa hồng và nhân vật bên phải ảnh được vẽ bằng tóc.
“Em thấy hầu như các loại chất liệu đều có chung phương pháp vẽ, nhưng tính chất của từng chất liệu khác nhau nên có loại vẽ dễ có loại vẽ khó. Ví dụ như vẽ bằng tóc thì có cái khó là hay dính vào nhau và dễ bị di chuyển làm sai lệch hình. Nếu vẽ bằng cát và muối thì giống nhau và dễ hơn bằng tóc 1 chút, còn vẽ bằng hoa hồng hay bim bim hay tỏi thì khó hơn nữa vì phải cắt, bẻ sao cho chuẩn hình khối và đặc điểm của từng nhân vật”, Cường cho hay.
Nam sinh Bắc Ninh đã có nhiều tác phẩm vẽ về các nhân vật nổi tiếng bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Bác Hồ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ca sĩ Sơn Tùng, nghệ sĩ hài Hoài Linh… được chia sẻ trên các trang mạng xã hội và nhận về những “cơn mưa” lời khen.
Nguyễn Văn Cường dành 2 đến 3 tiếng mỗi tối để luyện vẽ.
Cường cho biết, mọi người thường biết đến em nhiều hơn qua những bức tranh vẽ bằng chữ. Hiện tại, kênh TikTok chuyên đăng các video vẽ tranh của Cường (được phát triển từ tháng 12/2020) đã nhận được hơn 80 nghìn lượt theo dõi và gần 1 triệu lượt yêu thích từ cộng đồng mạng.
“Tuy nhiên, em sẽ cố gắng tập luyện nhiều hơn để sau này có thể làm thêm video chia sẻ kinh nghiệm vẽ tranh chân dung bằng các chất liệu khác nhau”, nam sinh khẳng định.
Cường cho biết: “Bức tranh mà em tâm đắc nhất có lẽ là tranh chân dung vẽ về Bác Hồ bằng tên của 63 tỉnh thành. Tuy không được chứng kiến những dấu mốc lịch sử mà Bác và những anh hùng thời trước đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam nhưng sau khi đọc sách, báo viết về Bác, em càng thấy yêu và kính trọng Bác hơn.
Em mong, khi người xem nhìn vào bức tranh sẽ cảm nhận được sự hy sinh to lớn của Bác với một cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập tự do cho đất nước”.
Nguyễn Văn Cường bên bức tranh chân dung Bác Hồ vẽ bằng tên 63 tỉnh, thành phố. Bức tranh được thực hiện bằng bút bi.
Không đơn thuần là bức tranh vẽ bằng mực, Cường có biệt tài dùng chữ viết để khắc họa chân dung nhân vật. “Em dựng hình trước sau đó đánh bóng bằng cách viết chữ lên. Với vùng sáng, em sử dụng bút bi nhạt để viết chữ còn vùng đậm thì sử dụng các bút mực đậm hơn”, Cường nói về cách em vẽ nên bức tranh chân dung bằng chữ.
Nguyễn Văn Cường có sở thích vẽ tranh từ nhỏ và em mong muốn trở thành họa sĩ thiết kế trong tương lai. Bởi vậy, nam sinh cho biết em chỉ chú trọng vào học khối H bao gồm môn Văn và năng khiếu vẽ mà không mất nhiều thời gian cho việc học các môn khác.
Cậu học trò Bắc Ninh cũng chia sẻ thêm rằng: “Sống tại “tâm dịch” thuộc xã Đại Bái, Bắc Ninh, nhà em cũng nằm trong khu vực bị phong tỏa. Lúc đầu em khá hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên, khi nhận thấy chính quyền và người dân trong xã rất đoàn kết và có những biẹn pháp chống dịch hiẹu quả. Em đã bình tĩnh lại và không cảm thấy hoang mang nữa”.
“Bên cạnh đó, để góp phần phòng chống dịch bẹnh địa phương nói riêng và cả nước nói chung, em đã ở nhà và nghiêm túc tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế”, Cường cho hay.
Ảnh: NVCC
"Hồn quê" thân thương qua những nét vẽ của họa sĩ 9X
Mái nhà ngói cũ kỹ, cảnh sinh hoạt giản dị hay những cánh đồng lúa chín rộn ràng mùa thu hoạch,... Tất cả những thứ rất thân quen ấy được "gói" lại trong bộ tranh của chàng họa sĩ 9X.
Gặp họa sĩ Trần Nguyên (31 tuổi) trong một buổi chiều đầu hè, trong căn phòng nhỏ với ô cửa sổ rộng, bên giá tranh, họa sĩ Trần Nguyên vừa nghe những bản nhạc về quê hương, đất nước vừa say sưa hoàn thành bức tranh với bối cảnh làng quê có giàn hoa giấy nở rộ.
Họa sĩ Trần Nguyên sinh ra ở làng Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định) nên những ký ức về đồng quê với ao làng, ruộng lúa đã quá đỗi thân thuộc với chàng họa sĩ 9X.
Họa sĩ trẻ cho biết, anh có năng khiếu và đam mê vẽ từ nhỏ. Những ngày học cấp 2 ở trường làng, khác với những bạn cùng lớp mơ ước sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, anh ấp ủ ước mơ trở thành họa sĩ.
Lên cấp 3, Nguyên theo học trường năng khiếu về Văn hóa nghệ thuật ở thành phố Nam Định. Ở đây có những người thầy truyền cho anh kỹ năng, đam mê về vẽ, nơi đây còn là cơ duyên để anh quyết định theo đuổi ngành Thiết kế mỹ thuật của trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Suốt những năm tháng được tiếp xúc với mỹ thuật bài bản, anh thường xuyên phải đi thực tế để hoàn thành các bài tập, chủ đề làng quê luôn được Nguyên lựa chọn cho các tác phẩm của mình.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở quê, vì thế "quê hương" luôn là chủ đề mà tôi có nhiều chất liệu để sáng tạo nhất, bởi nó gắn liền với ký ức tuổi thơ, nơi có những con đường làng, cánh đồng lúa chín", Nguyên chia sẻ.
"Hồn quê" hiện lên trong trẻo qua bức vẽ của chàng họa sĩ trẻ tài ba.
Dù đã có thời gian gắn bó với công việc thiết kế ở công ty game nhưng vì niềm đam mê với hội họa, anh đã quay lại gắn bó với sáng tác tranh. Đầu năm 2020, bộ tranh "Làng quê" của họa sĩ Trần Nguyên đã chạm đến trái tim của cộng đồng mạng.
Qua nét vẽ sáng tạo, đầy xúc cảm, những vẻ đẹp xưa cũ, trong trẻo, bình yên của vùng quê Bắc Bộ hiện lên gần gũi, thân thương khiến người xem như lắng đọng về cuộc sống bình yên không ồn ào, vội vã.
Họa sĩ Trần Nguyên thường có thói quen nghe những bản nhạc về quê hương, đất nước trong lúc vẽ tranh. Nó giúp anh có nhiều cảm xúc để "thổi hồn" vào các tác phẩm.
Trong bộ tranh ấy, có những sáng tác Nguyên lấy cảm hứng từ khung cảnh ngôi nhà ngày xưa của gia đình anh, về những người thân trong gia đình.
"Ngày bé, tôi ở cùng ông bà nội vì bố mẹ đi làm xa, tuổi thơ được ông bà chăm sóc với rất nhiều kỷ niệm. Từ đó thôi thúc tôi sáng tác bức tranh ông ngồi trên chõng tre đưa quà chiều cho cháu sau khi đón cháu đi học về. Đó cũng là bức tranh tôi yêu thích nhất", Nguyên trải lòng.
Bức tranh "Khoảng sân trước nhà" lấy bối cảnh từ chính ngôi nhà ngày xưa của gia đình anh.
Bên cạnh bức tranh về ông, họa sĩ Trần Nguyên cũng sáng tác bức tranh với hình ảnh bà phơi bột sắn dây giữa sân: "Bức tranh này tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hình ảnh giàn mướp, bể nước, khoảng sân gạch, bóng nắng đổ như thế nào để bức tranh có hồn".
Tác phẩm "Ký ức về bà" của họa sĩ Trần Nguyên.
Bức tranh "Sớm mai của mẹ" với hình ảnh mẹ giặt quần áo vào buổi sáng, bố chuẩn bị đi làm được anh khắc họa đã chạm đến trái tim của nhiều người xem, bởi những ai từng sinh ra và lớn lên ở quê đều thấy một phần ký ức của mình.
Những ngôi nhà trong các sáng tác ở quê hương Xuân Hồng của anh có đặc trưng là nhà 3 gian 2 trái, có bể nước và giếng nước, đường làng ngõ xóm xếp gạch.
Điểm đặc biệt, trong các tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên đều có hình ảnh con người, đây vừa là điểm nhấn vừa giúp bức tranh trở nên sống động hơn.
Bên cạnh hồi ức lại các khung cảnh ở quê hương mình, họa sĩ Trần Nguyên cũng dành thời gian đi thực tế ở các vùng quê, làng cổ khác: làng cổ Đường Lâm, làng Cự Đà... để làm đa dạng các sáng tác của mình.
Cầm chiếc máy ảnh, quyển sổ, cây bút, chàng họa sĩ 9X lên xe máy đi khắp mọi nơi, bắt gặp cảnh đẹp, anh liền chụp lại hoặc vẽ trực họa làm tư liệu.
Theo họa sĩ Trần Nguyên, khó khăn nhất của anh khi theo đuổi dòng tranh này là những góc quê đang dần mai một, "bê tông hóa" hoặc không còn nguyên trạng: "Khi đi thực tế, các khung cảnh đều không còn nguyên vẹn mà thiếu vài chi tiết nào đó. Có chỗ thì còn ngôi nhà, có chỗ thì còn con đường. Tôi thường hỏi người dân địa phương, đọc tài liệu để chắp nối chúng lại với nhau tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh".
Trong một lần đi thực tế, tình cờ anh nhìn thấy trên con đường làng có hình ảnh 2 ông bà đang dắt tay nhau, anh liên chụp lại và 2 tuần sau tác phẩm ra đời.
Tranh của họa sĩ Trần Nguyên được vẽ bằng chất liệu sơn dầu và acrylic.
Mỗi bức tranh anh sáng tác trong khoảng 2 tuần, cứ ở nhà vẽ khoảng nửa tháng anh lại khoác máy ảnh lên đường đi thực tế.
Họa sĩ Trần Nguyên bày tỏ mong muốn: "Qua những bức tranh, tôi muốn giúp những người lớn tuổi ghi chép lại ký ức và mong muốn các thế hệ trẻ được cảm nhận về cuộc sống sinh hoạt, khung cảnh làng quê thời ông bà, bố mẹ mình đã trải qua".
Họa sĩ 9X đã tham gia một số triển lãm mỹ thuật của Thủ đô, triển lãm ở Nam Định, triển lãm Đồng Bằng Sông Hồng. Năm 2020, anh cũng tham gia triển lãm ở Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Trong thời gian tới, anh vẫn tiếp tục theo đuổi dòng tranh về làng quê với những chủ đề về cuộc sống sinh hoạt, con người. Anh cũng lên kế hoạch đến các vùng miền khác của dải đất hình chữ S để ghi lại "hồn quê" ở đó.
Cuộc sống ngày một hiện đại, khi chúng ta trưởng thành, gánh nặng "cơm áo gạo tiền" giữ chân ta ở lại những thành phố xa hoa và ồn ào. Sẽ có những lúc mệt mỏi, chúng ta bất chợt hoài niệm về một làng quê cổ kính, yên bình, nơi lưu giữ những ký ức về thời ấu thơ. Những tác phẩm của họa sĩ trẻ Trần Nguyên đã chạm tới ký ức tuổi thơ của nhiều người. Có lẽ, đây chính là tấm vé về tuổi thơ mà nhiều người tìm kiếm.
Tái chế giày cũ thành những chậu cây thân thiện với môi trường Những đôi giày cũ tưởng chừng vô giá trị đã được nhóm bạn trẻ Hà Nội tái chế bằng cách vẽ tranh, trồng cây để bán gây quỹ làm sân chơi cho trẻ em vùng cao. Những đôi giày được thu gom và tái chế thành các chậu cây xanh thân thiện với môi trường. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam ) Những đôi giày dép...