Nam sinh báo cấp cứu trên phà Sewol không mặc áo phao
Cậu bé Choi, người đã thực hiện cuộc gọi cấp cứu đầu tiên từ phà Sewol, không có thời gian để liên lạc với bố mẹ và không mặc áo phao.
Thân nhân của một người mất tích thả thuyền giấy cầu nguyện tại đảo Jindo. Ảnh: Reuters
Choi đã gọi cho lực lượng cứu hỏa theo số 119. Hai phút sau, cuộc gọi này được chuyển tiếp đến lực lượng tuần duyên. Tiếp theo đó là khoảng 20 cuộc gọi cầu cứu khác từ các học sinh trên phà, Reuters dẫn lời một nhân viên cơ quan cứu hỏa cho biết.
Thi thể của Choi được tìm thấy ở phía sau của tầng 4 hôm 23/4, một tuần sau khi phà Sewol chìm xuống biển.
“Tôi rất giận dữ bởi tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là đứng nhìn biển và cầu nguyện, nhưng ơn trời, thằng bé đã được tìm thấy và trở về”, bố của Choi nói. “Giá như thằng bé mặc áo phao, tôi sẽ không đau lòng đến thế này. Nó không có thời gian để gọi cho bố mẹ nữa. Nó đã báo cho 119 và bây giờ nó đã trở về. Tôi rất tự hào về thằng bé”.
Tôi không sợ chết
Các bậc phụ huynh có con mất tích được một chiếc phà nhỏ chở ra hiện trường một ngày sau khi thảm họa xảy ra. Họ quấn chăn quanh người để chống chọi với gió lạnh và mưa. Một người mẹ ngửa mặt lên trời khóc và nói: “Đó là nước mắt của con tôi”.
Khi con phà đến nơi, tất cả các bậc cha mẹ đồng loạt đổ dồn sang mạn phải, mong được nhìn thấy xác phà Sewol trong sương mù. Con phà nhỏ chòng chành, chao nghiêng sang một bên, sóng bắn tung tóe lên boong phà, một nhân chứng kể.
“Sang trái ngay”, một thuyền viên hét lên qua loa. “Chúng ta cần giữ thăng bằng”.
Tuy nhiên, những thân nhân đau đớn chỉ đáp lại nức nở rằng “tôi không bận tâm đến cái chết” và “cứ để tôi nhảy xuống”. Một người gào lên: “Con tôi đang ở dưới làn nước lạnh lẽo kia”.
Video đang HOT
Một người mẹ tự nhiếc móc bản thân vì để cho con gái đi dã ngoại trong khi cô bé không muốn. Bà nói bà sẽ tự tử nếu thi thể con mình được tìm thấy.
“Tôi phát điên lên mất. Tại sao trường lại tổ chức đi dã ngoại lúc 9h tối? Có trường nào như thế trên đất nước này không? Mất 12-13 tiếng và chúng phải đợi 3-4 tiếng trước giờ phà khởi hành. Tôi muốn giết hết các người. Cuộc đời tôi giờ còn có ý nghĩa gì nữa”, người phụ nữ gào lên.
Tạm ngừng tìm kiếm
Chiến dịch cứu hộ nạn nhân phà Sewol sẽ tạm ngừng vào cuối tuần này do thời tiết xấu. Ảnh: Reuters
Nỗi lo sợ của gia đình của các nạn nhân càng tăng lên khi lực lượng tìm kiếm hôm nay phải tạm ngừng công việc do một cơn bão sắp đổ bộ, gây sóng lớn.
“Cuối tuần này khu vực đảo Jindo dự kiến có mưa và gió mạnh”, một phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên cho biết.
Khoảng một phần tư trong số 187 thi thể đã được trục vớt cho đến nay nằm ở vùng nước bên ngoài xác phà. Cơn bão đang tiến vào bờ biển Hàn Quốc với gió mạnh có thể khiến các thi thể chưa được tìm thấy bị trôi dạt ra xa.
Giới chức đã điều động 8 tàu cá và lắp đặt hệ thống lưới dài 13 km neo xuống đáy biển băng qua eo Maenggol để ngăn sóng cuốn các nạn nhân ra đại dương. Hàng chục tàu khác, trong đó có tàu hải quân và trực thăng, quần thảo quanh khu vực trên, trong khi ba tàu tuần tra ngư nghiệp sẽ tham gia vào chiến dịch nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm 60 km từ hiện trường tai nạn.
Theo VNE
Nguy hiểm sức khỏe rình rập các thợ lặn Hàn Quốc
Theo một trung tâm cứu hộ, các thợ lặn Hàn Quốc đang tìm kiếm những người mất tích bên trong chiếc phà bị chìm đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khi phải hoạt động dưới nước trong thời gian dài.
Các thợ lặn Hàn Quốc đang thực hiện một công việc vô cùng khó khăn là trục vớt hàng trăm thi thể từ bên trong chiếc phà đắm.
10 thợ lặn từ một nhóm cứu hộ của các tổ chức nhà nước và dân sự đã được điều trị trong các khoang dưỡng bệnh trên 2 tàu hải quân hôm 23/4, sau khi có các triệu chứng tê người và đau đầu nghiêm trọng. Một người trong số họ đã được xác nhận là mắc phải bệnh giảm áp.
"Các thợ lặn đang thực hiện công việc rất mệt nhọc khi chiến dịch cứu hộ mở rộng. Chúng tôi đang tìm kiếm các biện pháp an toàn để ngăn ngừa các nguy cơ đối với sức khỏe của họ", phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết trong một cuộc họp báo.
Khoảng 700 thợ lặn từ 3 đơn vị khác nhau đã được điều tới hiện trường kể từ khi vụ tai nạn chìm phà Sewol xảy ra hôm 16/4.
Các chuyên gia lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều các thợ lặn có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh giảm áp, vốn gây ra khi họ ở trong nước lạnh quá lâu và nổi lên quá nhanh.
Khi bệnh nặng, các thợ lặn có thể bị nôn mửa, tê liệt, đau khắp cơ thể và thậm chí đau tim.
"Chúng tôi sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của các thợ lặn và cho phép họ nghỉ ngơi đầy đủ sau các hoạt động tìm kiếm", Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Các thợ lặn xuống nước cùng các thiết bị thông tin và bình ôxy. Họ phải dùng rìu phá các cửa sổ để vào bên trong chiếc phà và tìm kiếm thi thể các hành khách.
Trong bối cảnh chiến dịch cứu hộ được đẩy nhanh, các thợ lặn đã đưa lên thêm nhiều thi thể từ chiếc phà đắm. Một tay họ kéo các thi thể và tay kia bám lấy dây dẫn đường để bơi trở lại mặt nước.
Các dòng chảy mạnh và tâm nhìn giảm cũng là những thách thức, gây ra thêm nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho hay tầm nhìn dưới nước hôm 23/4 chỉ từ 30-40 cm.
Khoảng 700 thợ lặn đã được điều động tới hiện trường vụ chìm phà.
"Chúng tôi đã được huấn luyện để hoạt động trong các môi trường khắc nghiệt, nhưng thật khó khăn khi đối mặt với các thi thể trong vùng nước tối", ông Hwang Dae-sik, giám đốc Hoạt động cứu hộ và cứu nạn hàng hải, cho biết.
Nhiều người đã bày tỏ những lo ngại rằng áp lực từ gia đình các nạn nhân đối với các thợ lặn có thể gây nguy hiểm cho chính sự an toàn của các nhân viên cứu hộ.
Vào năm 2010, người Hàn Quốc đã rất đau buồn trước thông tin một thợ lặn kỳ cựu đã tử nạn trong chiến dịch cứu hộ sau vụ chìm tàu chiến Cheonan.
"Không nên có bất kỳ nạn nhân nào nữa trong tai nạn chìm phà. Việc tìm kiếm thi thể những người mất tích là rất quan trọng, nhưng tai nạn đã cảnh báo chúng ta rằng an toàn là điều quan trọng nhất", một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Twitter.
Chiếc phà Sewol đã gặp tai nạn vào lúc 9 giờ sáng ngày 16/4 tại vùng biển ngoài khơi đảo Jindo ở tây nam Hàn Quốc, khoảng 20 km. Trong số 476 người có mặt trên phà, 325 người là các học sinh tại một trường trung học ở Ansan, tỉnh Gyeonggi, gần Seoul.
Tính tới ngày 25/4, tổng số người chết do tai nạn chìm phà đã tăng lên 181 người và số người mất tích hiện là 120 người.
An Bình
Theo Dantri
Thợ máy phà Hàn Quốc khẳng định không có trục trặc kỹ thuật Một thợ máy trên phà Sewol của Hàn Quốc hôm nay (24/4) khẳng định ông không thấy động cơ hay lượng nước dằn của tàu có vấn đề gì khi xảy ra tai nạn. Trong khi đó, thi thể của học sinh đã thực hiện cuộc gọi cầu cứu đầu tiên đã được phát hiện. Phà Sewol chìm mang theo hơn 300 người...