Năm rắn nghe kể chuyện ngôi miếu có xà tinh làm “vệ sĩ”
Ngôi miếu người Chăm, nghĩa địa người Chăm (Đông Nam Bộ), từng là nơi trú ngụ của một cặp rắn hổ mang khổng lồ, với nhiều câu chuyện kỳ thú.
Cây đa khổng lồ
Nằm tại ngã ba đi vào ấp Thạch Đông, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh là một cây đa to lớn khác thường. Cây mọc trên một khoảng đất rộng lớn, dáng dấp vững chãi với thân lớn và vô vàn nhánh nhỏ, gọi là “nhỏ” nhưng cũng lớn cỡ cột nhà. Tán cây rộng, tròn như một chiếc nấm khổng lồ sừng sững một góc làng. Thân chính cây cao khoảng 30m, đường kính khoảng 10 người mới ôm xuể.
Là một trong những người đặt chân lên mảnh đất này sớm nhất, ông Sáu Thi, một cao niên trong thôn kể lại, gần một thế kỳ trước, thực dân Pháp bắt đầu trồng và khai thác cao su ở vùng đất này và một nhóm người Chăm nghe đâu quê quán miền Nam Trung Bộ bị đưa lên đây làm phu cao su. Giữa rừng núi hoang sơ, những người con xa quê trồng một cây đa cho thỏa nỗi nhớ đất quê hương, xây một cái miếu dưới gốc cây làm nơi thờ cúng chung.
Tính cộng đồng của người Chăm rất cao, họ sống quây quầy, gắn bó cùng nhau bên cạnh cây đa vừa để tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, cũng vừa để chống lại những ẩn họa từ cọp beo, rắn rết… Những năm cuối trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước là một trong những mặt trận khốc liệt nhất, hứng chịu nhiều mưa bom bão đạn của kẻ thù. Khi ấy cây đa như tấm lá chắn xòe tán che chở cho những người sống bên dưới.
Đất nước thống nhất, những người Chăm trở về quê hương. Sau cuộc chuyển cư ấy, ngôi miếu dưới gốc đa không còn được trông nom, gìn giữ, trở thành hoang phế. Ngày những người Kinh đầu tiên di cư lên Bình Phước làm kinh tế mới, cảnh tượng đầu tiên nhìn thấy là ngôi miếu hoang tàn và những ngôi mộ Chăm nằm xiêu vẹo bên gốc đa.
Người tứ xứ dồn tới đây lập nghiệp mà hầu như trên địa bàn không hề có đền chùa miếu mạo nào để thờ cúng cầu mong sự an lành. Thấy cây đa to lớn, dáng dấp vững chãi bề thế, người dân bảo nhau lập thêm một ngôi miếu thờ cúng, bên ạnh ngôi miếu cũ đã bỏ hoang. Từ đó cây đa được mọi người gọi bằng cái tên kính trọng “Thần đa”. Nhiều khách thập phương khi đi qua khu vực đều dừng lại thắp nhang.
Trong năm, dân làng thường tổ chức hai lễ lớn ngay tại vị trí của “thần đa”, lễ tất niên vào hai ngày 26 – 27/12 âm lịch, và lễ khai xuân vào ngày rằm tháng Giêng. “Vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân tập trung đông vui tổ chức dâng hương, cúng nhiều sản vật. Những ngày đó người đi làm ăn xa các gia đình, dòng họ đều về dự.
Dân ở đây đều là những người “tha phương”, không hiểu gốc gác, lịch sử nhiều về mảnh đất đang lập nghiệp. “Thần đa” sống lâu đời trên đất này nên người dân coi như vị Thành hoàng. Vì vậy nghi lễ thờ “thần đa” cũng giống như thờ người sáng lập làng ở các vùng miền khác”, một cao niên trong làng chia sẻ.
Xung quanh “thần cây đa” còn gắn với nhiều câu chuyện bí hiểm được truyền miệng trong dân chúng. Dường như khi về khu vực này, từ người già đến trẻ nhỏ đều thuộc lòng “truyền thuyết” lâu đời về đôi rắn chúa ngụ dưới gốc đại thụ để canh ngôi miếu Chăm.
Video đang HOT
Lời đồn hai con rắn có mào trên đầu, mỗi con dài hàng mét, nặng đến hàng chục kg sống trong gốc cây. Lâu lâu cặp rắn này buông thõng mình trên cành đa nhìn từ xa như một cành cây khô. “Nhiệm vụ” của đôi rắn này canh ngôi miếu của người Chăm bỏ lại và trừng phạt những ai dám “phạm” miếu thiêng.
Câu chuyện có vẻ liêu trai này càng “đáng tin” hơn khi nhiều người dẫn chứng việc người Chăm rất coi trọng hình tượng con rắn. Các ngôi chùa của người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh đều có rắn ngự trên mái chùa xua đuổi ta mà. Trong văn hóa Chăm, con rắn cũng giữ một vị trí quyền uy và linh thiêng.
Khu mộ người Chăm hoang phế
Một cụ già kể lại việc được chứng kiến rắn “khủng”: “ Hôm đó mưa nhẹ hạt lúc trời nhá nhem tối. Tôi cầm đèn pin qua nhà hàng xóm chơi, trong ánh đèn loe loét nhận thấy miếu có điều gì đó rất khác so với mọi ngày, có vẻ trong miếu có gì đó đang cựa quậy. Soi đèn vào trong, nghe thấy hai tiếng động “phịch” liên tiếp phát ra rồi cái đuôi rắn lớn bằng… khúc lồ ô đang từ từ dịch chuyển về phía sau miếu. Sợ hãi, tôi quăng đèn chạy bán sống bán chết”.
Ông Điểu Ưu (72 tuổi) người dân tộc Xtiêng, hồi nhỏ đã sống và lớn lên dưới gốc cây đa bên cạnh những ngôi mộ của người Chăm cho biết, quãng thời gian gần 20 năm, ông từng nhìn thấy cặp rắn vài lần. Theo mô tả của ông, con vật có vẻ nhỏ hơn so với lời dồn đại: Con rắn đực dài khoảng 4 thước, to bằng cổ chân. Con cái to hơn, dài hơn một chút. Chúng thường trốn trong hốc cây, hoặc leo vắt vẻo trên cành cây, rất ít khi bò ra đường.
Cụ ông này nhớ lại: “Lần duy nhất tôi nhìn thấy cặp rắn này ở dưới đất khi đó tôi mới hơn 10 tuổi. Buổi tối hôm đó có một chiếc xe Jeep của người Pháp đi đến địa phận khu vực cây đa. Đèn xe rọi từ xa, thì nhìn thấy một khúc cây đen bằng bắp chân ngáng ngang đường, đến gần mới phát hiện “khúc cây” kia là con rắn lớn. Thấy động con rắn ngóc cao đầu ngang tầm xe, hàm bạnh ra to tướng, phì phì đe dọa. Những người trên xe sợ toát mồ hôi hột, lùi xe quay đầu chạy mất“.
Ông lão Xtiêng này chia sẻ: “Tuy nhiên, hàng chục năm, chưa thấy ai bị cặp rắn này cắn. Cũng có thể do mọi người sợ hãi, thường chẳng dám đến gần những khu miếu mạo nên gốc đa thường vắng hoe”.
Còn trong hồi ức của ông Nguyễn Quốc Mạnh, trưởng thôn Thạnh Đông, hơn 30 năm trước khi từ miền Bắc di cư vào xây dựng vùng kinh tế mới, cái miếu của người Chăm đã hoang tàn nên ông cùng anh em, bà con huy động tiền của xây lại cái miếu để lấy chỗ hương khói và “ có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người làng cảm thấy gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống.
Hỏi về câu chuyện cặp rắn canh miếu, người trưởng thôn cho rằng theo miêu tả thì đó có thể là rắn hổ mang chúa, loài rắn to lớn thường sống ở hốc cây. Ông Mạnh khẳng định: “Ở xứ này cách đây 20 – 30 năm, chuyện bắt được con rắn khoảng 30 kg không phải là chuyện hiếm”.
Mùa Xuân đã đến bên thềm nhà. Lễ hội dưới gốc đa năm nay của người làng Thạnh Đông được tổ chức lớn hơn, náo nhiệt hơn mọi năm vì là năm con rắn, người làng “ưu tiên” hơn cho ngôi miếu và cây đa gắn với cặp rắn năm xưa. Cặp rắn khổng lồ nhiều năm nay không ai gặp lại, có thể cặp rắn đã già quá mà chết, cũng có thể đã bò đi nơi khác, nhưng câu chuyện về gốc đa gợi nhớ quê hương bản quán và cặp rắn làm “vệ sĩ” cho ngôi miếu vẫn được kể lại con cháu nghe, như một nét đẹp văn hóa giữa rừng Đông Nam Bộ.
Theo xahoi
Những tuyệt chiêu kiếm tiền tiêu Tết ở... nghĩa trang
Chỉ quẩn quanh xây mộ ở nghĩa trang tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chừng 2 tháng cuối năm, anh em Tích đã có món tiền kha khá về quê ăn tết...
Dũng "mồ mả" (trái) đang bàn thảo giá một huyệt mộ với khách.
Vừa xây vừa trát
6 giờ sáng, khi người dân làng Cót (phường Yên Hòa) còn nô nức đi bộ tập thể dục thì anh em Tích đã có mặt ở nghĩa trang làng. Công việc cuối năm nhiều, thời gian xây mộ lại gấp gáp nên kể cả những ngày trời rét dưới 100C, Cương "đầu to" vẫn giục anh em Tích dậy sớm đi làm.
Trước đây đi làm điện nước cùng ông chủ Cương, ngoài 3 bữa cơm ăn, tối ngủ với chủ, anh em Tích còn được Cương "đầu to" trả 170.000 đồng/ngày; giờ xây mộ phải đi sớm, về muộn, Cương trả thêm 20.000 đồng/ngày cùng với 2 cốc bia cỏ buổi tối.
Nhe hàm răng vàng khè, bám đầy khói thuốc lá, thuốc lào, Tích cười bảo: "Thế là phúc tổ nhà em rồi. Cuối năm có việc lại được trả thêm tiền công. Mấy thằng đệ của em giờ thất nghiệp hết". Té ra, trước đây Tích cũng là "anh chủ" của đám thợ gần 10 người.
Tích tâm sự, trước em cũng nhận những công trình tiền tỷ, bia hơi Hà Nội uống tẹt ga, thi thoảng lại kiếm một em "đổi gió"... Làm chủ sướng, lại oách thế, giờ làm thợ phụ nghĩ cũng tủi. Nhưng sông có khúc, người có lúc. Không biết khổ làm sao biết sướng hử anh? Vừa giãi bày nỗi lòng, Tích thoăn thoắt tay bay, tay bàn xoa.
Tôi hỏi Tích có phải người Hà Tây (cũ) không mà sao lại có cái biệt tài vừa xây vừa trát, Tích gọn lỏn: "Bắc Giang xịn". Chà, không ngờ ở cái xứ sở vải thiều mà lại có những tay thợ... tài hoa đến vậy! Thấy tôi có vẻ thắc mắc về món "vừa xây, vừa trát" mà Tích đang làm, Tích nghiêm túc hẳn: "Em cứ tưởng bác làm báo thì trên phải thông thiên văn, dưới phải tường địa lý chứ.
Nhiều gia đình xây mồ mả họ xem ngày xem giờ kỹ lắm, nên bọn em phải làm như vậy để hoàn thành đúng tiến độ. Có khi chậm 2-3 tiếng, người ta mang lễ đến khánh thành mộ mà chưa xong là phạt tiền vì có hợp đồng hẳn hoi. Cũng có gia đình họ thương người âm, sợ dưới các cụ lạnh nên xây đến đâu yêu cầu thợ phải trát ngay đến đó. Nếu đột xuất kiểm tra, xây xong chưa trát mà lại bỏ sang xây mộ khác họ phạt ngay. Trong thời buổi gạo châu củi quế như bây giờ người ta cứ đánh vào kinh tế thì sống sao nổi". Thì ra vậy!
Nghe Tích nói có vẻ triết lý, nhìn Tích làm như một nghệ nhân và nhất là khi được mục sở thị "bộ nhá thuốc lá đá thuốc lào" của Tích, ít ai nghĩ Tích đã 34 tuổi, chưa vợ con, chưa mảnh tình vắt vai. "Cuộc đời làm thợ xây dựng, nay đây mai đó, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, chẳng có thời gian nghĩ đến xây dựng gia đình riêng.
Anh bảo đi xây hàng trăm ngôi nhà lớn bé mà nhà mình thì chưa xây được, nghĩ tủi lắm chứ. Nhưng tội nhất vẫn là lúc đi xây mộ cuối năm. Có người ác khẩu bảo, cứ quẩn quanh ở nghĩa địa rồi cũng sớm thành ma"- giọng Tích buồn thiu. Nghĩ thương cha già mẹ héo, nên Tích bảo với đứa em ruột đi làm cùng mình là tìm được mối nào thì "nổ" sớm, đừng đi theo vết xe đổ của anh.
"Quái chiêu" kiếm bộn tiền
Ở cái khu nghĩa trang này, cuối năm "người xe như nước, áo quần như nêm". Vì nhà nào, chi nào, họ nào cũng chỉnh trang mồ mả tri ân tổ tiên và cầu năm mới lắm lộc, nhiều tài. Đây là dịp của những "cò" mồ mả kiếm tiền. Dũng "mồ mả" là "cò" nhà đất có tiếng ở cả quận Cầu Giấy. Những năm 90 của thế kỷ trước, Dũng có biệt danh Dũng "cò".
Nhưng từ ngày bất động sản đóng băng, Dũng "cò" thất nghiệp, ở nhà trông cháu và nấu cơm cho bà vợ bị tiểu đường nặng. Ngẫm cũng tội. Đời "lúc lên voi, lúc xuống chó". Những lúc có hơi men, Dũng "cò" lại vò đầu bứt tai: "Chẳng lẽ mình lại là đồ bỏ đi". Cái khó ló cái khôn, không buôn được đất cho người sống, Dũng "cò" chuyển sang buôn đất cho... người chết. Cái biệt danh Dũng "mồ mả" có gốc gác như vậy.
Vừa xây vừa trát là "kỹ nghệ" và cũng là yêu cầu của những thợ xây mộ.
Dũng có dáng người cao, mắt hấp háy, môi thâm, tay phải run run như người bị bệnh Pakinson. Mỗi lần Dũng "mồ mả" xuất hiện ở nghĩa địa làng là kiểu gì cũng có một người đi kèm, có thể quen cũng có thể lạ. Và lại một suất mộ nữa được thanh lý. Dũng bảo buôn bán cái gì cũng phải có duyên, dù là mồ mả.
Nhiều người dân ở làng Cót băn khoăn không biết Dũng "mồ mả" kiếm đâu ra mà nhiều mộ phần thế. Té ra là 2 năm nay, tranh thủ lúc thất nghiệp, Dũng lượn lờ qua các nghĩa địa của làng tìm những khoảnh đất nhỏ vô chủ chừng 1m2 hoặc hơn, sau đó nhờ bạn chí cốt là Cương "đầu to" xây lên chừng 30-50cm, rồi trát trít cẩn thận, láng bê tông ở trên mặt và khắc tên rõ ràng (tất nhiên không phải là tên của Dũng "mồ mả").
Mỗi ngôi như vậy, Dũng mồ mả trả cho Cương "đầu to" từ 500.000 - 1 triệu đồng tùy theo khoảnh đất. Nhiều gia đình khi sang đất (bốc mả) hoặc hỏa thiêu, khi chuyển về nghĩa trang làng, không có đất phải đến gặp Dũng "mồ mả".Mỗi ngôi như vậy, Dũng "mồ mả" kiếm chừng 10 triệu đồng; thậm chí có những ngôi người ta trả cho Dũng "mồ mả" đến 25 triệu đồng có kèm theo mấy lít rượu nếp cái hoa vàng (món này Dũng "mồ mả" ưa nhất).
Đấy, "quái chiêu" kiếm tiền của Dũng "mồ mả" chỉ vậy. "Nghĩa trang không có quy hoạch, mạnh ai nấy làm, có tội tình gì đâu. Mà mình làm như vậy là làm phúc cho người chết"- Dũng mạnh miệng tuyên bố.
Dũng "mồ mả" bảo, ở đời người ta cần 6 chữ "m" -minh mẫn, may mắn, mồ mả- đến giờ, đầu chưa kịp bạc nhưng Dũng đã có đủ 6 chữ "m". Thế là phúc tổ ba đời rồi!
Theo xahoi
Tết muộn ở La Pán Tẩn Gần nửa năm trôi qua, vụ sạt lở kinh hoàng ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) cướp đi sinh mạng của 18 người vẫn còn là nỗi ám ảnh. Em Hảng Thị Là (trái, con của nạn nhân Hảng A Chua và Thào Thị Của) cùng chị dâu ngày ngày vẫn cặm cụi may áo. Ảnh: Tuấn Nguyễn. Mịt mù...