Năm người đòi VKS bồi thường hơn 6 tỷ đồng
Sau 12 lần mở phiên xử sơ thẩm và một lần đổi tội danh, 5 công dân được đình chỉ điều tra nhưng không cơ quan nào thừa nhận đã làm oan.
Sắp tới, TAND tỉnh Tuyên Quang sẽ đưa ra xét xử vụ 5 công dân đòi VKSND tỉnh này bồi thường hơn 6 tỷ đồng vì cho rằng họ bị truy tố oan. Các nguyên đơn gồm ông Bàn Văn Thái (45 tuổi), Bàn Văn Tiếp (33 tuổi, con nuôi của ông Thái), Đặng Văn Quang (35 tuổi), Đặng Văn Tuyên (24 tuổi) và Đặng Việt Sơn (27 tuổi).
Đây là 5 nhân vật trong “kỳ án” giết người tại Tuyên Quang, được đình chỉ bị can sau một thời gian dài giam giữ.
Bị bắt vì một lá đơn nặc danh
Theo hồ sơ, tháng 7/2012, ông Đặng Văn Cường (trú tại xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, 5 công dân trên lần lượt bị Công an huyện Hàm Yên bắt, khởi tố về tội Giết người và chuyển vụ án lên Công an tỉnh Tuyên Quang.
Không lâu sau, cả 5 người bị VKSND tỉnh Tuyên Quang truy tố. Cáo trạng xác định vào tối 14/7/2012, 5 người đã dùng gậy, tay, chân đánh nhầm ông Cường khiến ông tử vong. Hồ sơ mô tả: Để che giấu, cả nhóm thống nhất đưa nạn nhân lên đồi. Quang gợi ý để nạn nhân chết hẳn bằng việc cho uống thuốc diệt cỏ.
Cả nhóm phân công nhau về lấy thuốc rồi đổ vào miệng, lấy dao cắt cổ tay nạn nhân, trộn thuốc với cơm nguội rắc xung quanh nhằm tạo hiện trường giả một vụ tự tử. Chiều hôm sau, ông Cường tỉnh dậy, về nhà tắm rửa rồi lên giường nằm ngủ. Rạng sáng 16/7/2012, vợ ông Cường phát hiện chồng mình đã chết.
Ba trong 5 người kiện VKSND tỉnh (từ trái qua: Đặng Việt Sơn, Đặng Văn Quang, Bàn Văn Thái).
Trải qua 12 lần xét xử sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, cho rằng lời nhận tội tại cơ quan điều tra (CQĐT) là do bị điều tra viên mớm cung, ép cung, bức cung. TAND tỉnh Tuyên Quang tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung rất nhiều lần.
Đến tháng 3/2015, CQĐT công an tỉnh chuyển sang khởi tố 5 người về tội Cố ý gây thương tích và 3 ngày sau hoàn tất kết luận điều tra về tội này.
Tại kết luận điều tra mới, hành vi phạm tội của các bị can đã có sự thay đổi. Theo đó, khi phát hiện đánh nhầm người, tất cả bỏ về vì sợ bị phát hiện chứ không bàn bạc giết nạn nhân như giai đoạn tố tụng trước đó.
Tiếp đó, CQĐT công an tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với cả 5 công dân, lý do là bởi vợ nạn nhân rút đơn yêu cầu khởi tố. Từ đây cả 5 người liên tục gửi đơn thư, gõ cửa các cơ quan tố tụng để kêu oan nhưng không được chấp nhận.
VKSND tỉnh thì có công văn trả lời năm công dân rằng họ không bị làm oan vì được đình chỉ do phía nạn nhân rút đơn tố cáo…
Video đang HOT
Hàng loạt sai phạm tố tụng
Tháng 8/2015, đoàn liên ngành (gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam) giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong vụ án.
Theo báo cáo, vụ án có rất nhiều sai phạm về mặt tố tụng. Điển hình là ngoài những lời khai nhận tội mâu thuẫn của năm bị can, không có bất cứ tài liệu nào khác chứng minh ai cắt tay nạn nhân, ai cầm túi nylon hứng máu… như CQĐT và VKS mô tả trong hồ sơ.
“Việc CQĐT công an tỉnh, VKS tỉnh căn cứ vào duy nhất lời nhận tội mâu thuẫn của các bị can để buộc tội họ là chưa đúng với khoản 2 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự” – báo cáo nêu.
Đáng chú ý, làm việc với đoàn giám sát, đại diện TAND tỉnh Tuyên Quang khẳng định tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận 5 bị can phạm tội giết người.
Đại diện công an tỉnh thì thừa nhận sau nhiều lần điều tra bổ sung, đến lần thứ 5, căn cứ vào kết quả điều tra xác định chưa có cơ sở vững chắc kết luận 5 bị can phạm tội Giết người. Dù vậy, có cơ sở xác định các bị can phạm tội Cố ý gây thương tích với tỷ lệ tổn hại sức khỏe khoảng 6%.
Tuy nhiên, đoàn giám sát vẫn cho rằng việc CQĐT công an tỉnh chuyển sang khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội Cố ý gây thương tích là không có cơ sở. Trong đó không có nhân chứng trực tiếp nào chứng kiến việc các bị can gây thương tích cho nạn nhân.
Ngoài ra, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh nêu tỷ lệ tổn hại sức khỏe 6% chỉ mang tính chất nhận định nếu nạn nhân còn sống, để lại sẹo, trong khi nạn nhân đã chết. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng khẳng định không có cơ sở xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.
Như vậy, không có bản kết luận giám định nào trong hồ sơ kết luận tỷ lệ tổn hại phần trăm sức khỏe của nạn nhân là bao nhiêu.
54 bản cung không có giá trị
Theo đoàn giám sát, nhận thức và đánh giá chứng cứ của cán bộ điều tra, kiểm sát viên trong vụ án này chưa đầy đủ, chưa toàn diện, dẫn đến nhiều vi phạm, yếu kém trong quá trình tố tụng.
Ví dụ, trong tổng số 44 bản cung mà CQĐT đã tiến hành với 5 bị can thì chỉ có 8 bản cung có sự tham gia của người bào chữa nhưng người bào chữa không phải luật sư mà lại là trợ giúp viên pháp lý.
Chỉ đến khi TAND, VKS tỉnh yêu cầu, CQĐT mới làm thủ tục đề nghị đoàn luật sư tỉnh cử luật sư bào chữa chỉ định cho 5 bị can. Tuy vậy, trong 35 bản cung sau đó thì cũng chỉ có 17 bản cung có sự tham gia của luật sư, một bản cung có sự tham gia của đại diện hợp pháp của bị can Đặng Văn Tuyên.
Như vậy, hồ sơ vụ án có tổng cộng 54 bản cung không có sự tham gia của luật sư nên không có giá trị pháp lý.
Một điểm khác, TAND tỉnh trả hồ sơ ba lần yêu cầu điều tra bổ sung, vượt quá số lần tòa được trả hồ sơ theo khoản 2 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều này thể hiện sự cẩn trọng của TAND tỉnh trong việc xét xử vụ án nhưng hậu quả của việc trả hồ sơ nhiều lần làm cho các bị cáo bị kéo dài thời gian tạm giam một cách không thỏa đáng…
Theo Tuyến Phan/Pháp Luật TP.HCM
5 người đàn ông kêu oan
5 người đàn ông đang kiện VKS đòi bồi thường với lý do vô cớ bị bắt suốt 31 tháng vì cáo buộc giết người.
Bảy năm trước, Bàn Văn Thái (45 tuổi), Bàn Văn Tiếp (33 tuổi, con nuôi ông Thái), Đặng Văn Quang (35 tuổi), Đặng Văn Tuyên (23 tuổi) và Đặng Việt Sơn (27 tuổi) ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) và huyện Yên Bình (Yên Bái) cùng bị bắt với cáo buộc Giết người.
Sau 12 lần xét xử sơ thẩm, họ được Công an tỉnh Tuyên Quang đình chỉ điều tra bị can. Bốn năm từ khi được trả tự do, 5 người cho hay đã gửi đơn kêu oan song chưa được làm việc chính thức với cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang.
Hiện, 5 người đã khởi kiện VKSND tỉnh Tuyên Quang ra tòa đòi bồi thường oan sai. Đơn kiện đã được TAND tỉnh Tuyên Quang thụ lý.
"Mọi phán quyết lúc này thuộc về tòa án", ngày 8/11, lãnh đạo VKSND tỉnh Tuyên Quang nói.
Sơn, Quang và Thái (từ trái qua) tại nhà riêng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Phạm Dự.
Theo hồ sơ vụ án, rạng sáng 16/7/2012, anh Đặng Văn Cường (29 tuổi) được phát hiện chết tại nhà riêng ở thôn 6, xã Bằng Cốc (huyện Hàm Yên). Nghi chồng tử vong bất thường, người vợ trình báo cảnh sát.
Ngày 12/8/2012, Công an huyện Hàm Yên nhận được đơn tố giác nặc danh nêu danh tính 5 nghi can giết anh Cường. Đơn gửi tại hòm thư ở cổng công an huyện song không xác định được người gửi.
Điều tra thông tin từ lá đơn, công an lần lượt triệu tập ông Thái cùng Tiếp, Quang, Tuyên và Sơn lên làm việc. Ngày 16/9/2012, hai tháng sau khi nạn nhân tử vong, Công an huyện Hàm Yên ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, tạm giam 5 người trên để điều tra tội Giết người. Vụ án sau đó được chuyển lên Công an tỉnh Tuyên Quang điều tra theo thẩm quyền.
Giữa năm 2013, bản kết luận điều tra của Công an tỉnh Tuyên Quang xác định, tối 14/7/2012, Tuyên, Sơn, Quang đứng giữa đường ở thôn 6 đợi trả thù nhóm trai làng đã đánh Tuyên trước đó. Khoảng 23h cùng ngày, hai bố con Thái và Tiếp đi đánh cá qua thì biết chuyện nên về nhà cầm theo hai đoạn gậy và cũng đứng chờ để đánh cùng nhóm Tuyên.
Thấy anh Cường từ trong làng đi ra, Thái nhầm là "đối thủ" nên xông vào đánh. Ông Tiếp cùng Sơn, Tuyên, Quang cũng cùng ra tay. Anh Cường ngã bất tỉnh.
Quang dùng đèn pin soi thì phát hiện đã đánh nhầm người. Đưa anh Cường lên đồi, cả nhóm đổ thuốc trừ sâu vào miệng, tạo vết thương ở tay... để ngụy tạo vụ tự tử.
Khoảng 17h ngày 15/7/2012, sau 17 tiếng bất tỉnh, anh Cường tỉnh lại, đi về nhà. 2h ngày 16/7, vợ anh Cường phát hiện chồng chết trên giường.
Anh Đặng Văn Quang. Ảnh: Phạm Dự.
Vụ án qua 12 lần tòa mở phiên sơ thẩm và hầu hết đều dừng xét xử tại phần thẩm vấn do các bị cáo đồng loạt kêu oan, khai không liên quan vụ án, không quen biết nhau. Trong quá trình tố tụng, VKSND tỉnh trả hồ sơ hai lần, TAND tỉnh ba lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Ngày 6/3/2015, lần thứ 5 điều tra bổ sung, Công an tỉnh Tuyên Quang thay đổi quyết định khởi tố bị can từ Giết người thành Cố ý gây thương tích. Cơ quan điều tra vẫn xác định các bị can có hành vi đánh anh Cường nhưng việc nhóm này đưa nạn nhân lên rừng cây cắt tay, đổ thuốc sâu vào mồm... thì chưa đủ "cơ sở vững chắc để chứng minh" như các kết luận ban đầu.
Nhà chức trách cho biết, khi vụ án thay đổi tội danh khởi tố, cảnh sát nhận được đơn của vợ nạn nhân Cường đề nghị rút yêu cầu khởi tố các bị can về hành vi Cố ý gây thương tích.
Ngày 11/3/2015, Công an tỉnh Tuyên Quang ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can. 5 người được trả tự do sau 31 tháng bị tạm giam.
Đặng Văn Sơn cho hay đã khóc thét tại cơ quan công an khi biết bị bắt với cáo buộc giết người
Từ ngày 12 đến 14/8/2015, đoàn giám sát liên ngành về việc tuân thủ pháp luật đã làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang về vụ án này. Đoàn xác định có nhiều điểm mâu thuẫn trong bản cung của năm bị can, không có tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của họ như cơ quan điều tra, viện kiểm sát mô tả. Việc cơ quan điều tra căn cứ lời nhận tội mâu thuẫn của các bị can để buộc tội là chưa đúng.
Theo đoàn giám sát, không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến các bị can gây thương tích cho nạn nhân. Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang nêu tỷ lệ tổn hại sức khỏe của nạn nhân tổng cộng 6% là mang tính chất nhận định nếu nạn nhân còn sống nhưng trong vụ án này nạn nhân đã chết.
Một kết luận giám định khác của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết không có cơ sở xác định mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.
Theo vnexpress
Cụ ông 90 tuổi được bồi thường gần 400 triệu đồng Sau hơn chín tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã bồi thường cho ông Lê Công Thành (90 tuổi) gần 400 triệu đồng. Đây là số tiền mà UBND quận Bình Thạnh cho Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận tạm ứng để chi trả cho ông...