Nậm Nghẹp mùa hoa sơn tra
Những ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi đến bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, nơi được ví là “thủ phủ” của những cây sơn tra hàng trăm năm tuổi, để được chiêm ngưỡng hoa sơn tra bung nở trắng núi đồi với vẻ đẹp quyến rũ, say đắm lòng người.
Hoa sơn tra tại bản Nậm Nghẹp.
Cách trung tâm xã Ngọc Chiến 12 km, nhưng phải mất gần tiếng đồng đi xe máy, chúng tôi mới có mặt tại bản Nậm Nghẹp, bởi đường đi lên bản đang được thi công, mới trải nhựa được gần 1 km, còn lại chủ yếu là đường đất đá, dốc ngoằn nghèo, thẳng đứng. Chiếc xe máy của anh cán bộ xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, chở tôi cứ chồm lên, chồm xuống đánh vật với con đường. Khó khăn là vậy, nhưng vẫn rất đông du khách thuê người dân địa phương chở bằng xe máy lên bản để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoa sơn tra.
Hoa sơn tra trồng xung quanh nhà dân tạo nên khung cảnh thơ mộng.
Sơn tra bung nở như những cây bông trắng khổng lồ.
Lên gần tới bản, bắt đầu gặp lác đác những cây sơn tra trắng muốt, sừng sững giữa núi rừng. Trên con đường bê tông uốn lượn khắp bản là hàng cây hoa sơn tra nở trắng, tô điểm thêm cho bức tranh vùng cao Nậm Nghẹp thật thơ mộng. Kỳ thực, cây sơn tra có ở nhiều vùng núi cao, nhưng ở Nậm Nghẹp, những cây sơn tra thấp, trồng tập trung, nên khi đến mùa hoa bung nở, tạo thành những cây bông trắng xóa khổng lồ bên những nếp nhà gỗ lợp mái proximang giản dị, khiến lòng người ngẩn ngơ, say đắm như lạc vào miền cổ tích. Cũng vì cây thấp, hoa nở thành vùng rộng lớn nên rất dễ cho những du khách chụp lại những bức hình đẹp với hoa sơn tra.
Du khách thích thú chụp ảnh cùng hoa sơn tra và các em nhỏ.
Hoa sơn tra khi bung nở có 5 cánh với nhụy vàng, gần giống với hoa mận, nhưng hoa vẫn có nét đẹp riêng với màu trắng ngà, nở thành chùm to, ôm trọn cành cây rêu mốc. Vẻ đẹp của hoa sơn tra được ví như thiếu nữ Mông miền sơn cước, tự nhiên, bình dị, tràn đầy sức sống.
Đông đảo du khách đến lưu lại kỷ niệm khi hoa sơn tra bản Nậm Nghẹp nở rộ.
Vẻ đẹp thơ mộng của hoa sơn tra.
Tinh khôi hoa sơn tra trong ánh nắng sớm.
Hoa sơn tra khi bung nở có 5 cánh với nhụy vàng, gần giống với hoa mận, nhưng vẫn mang nét đẹp riêng.
Bản Nậm Nghẹp có 135 hộ với 754 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông. Theo các cụ cao niên trong bản, không biết cây sơn tra được trồng từ bao giờ, nhưng đã gắn bó với biết bao thế hệ. Cả bản hiện có gần 800 ha cây sơn tra cổ thụ, với tuổi đời vài trăm năm.
Những gốc cây cổ thụ hoa sơn tra gắn bó biết bao thế hệ đồng bào dân tộc Mông bản Nậm Nghẹp.
Dẫn chúng tôi lên mỏm đồi cao, nơi ngắm nhìn được toàn cảnh hoa sơn tra nở đẹp nhất, anh Kháng A Phịnh, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Nậm Nghẹp, nói: Vài năm gần đây, hoa sơn tra Nậm Nghẹp được đưa lên mạng xã hội, được nhiều người biết đến, nên cứ mỗi khi vào tháng 3 dương lịch, du khách đến Nậm Nghẹp ngày càng đông. Dịp cuối tuần, bản đón hàng nghìn du khách đến ngắm cảnh, chụp hình với hoa sơn tra, giúp bà con trong bản có thêm thu nhập, mỗi chuyến xe máy lên bản, cả đi và về là 300 nghìn đồng.
Video đang HOT
Du khách chụp ảnh cùng người dân sở tại và hoa sơn tra.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, chính quyền địa phương đã vận động bà con trong bản bảo vệ tốt diện tích cây sơn tra hiện còn; hướng dẫn bà con phát triển dịch vụ du lịch để tăng thu nhập, nhiều hộ dân trong bản cũng chủ động đầu tư homestay, trang phục quần áo dân tộc để du khách chụp ảnh cùng với hoa sơn tra. Anh Kháng A Lệnh, chủ homestay Ánh Sáng, chia sẻ: Để phục vụ du khách đến trải nghiệm và lưu trú, chúng tôi đã đầu tư 3 Bungalow và 1 nhà sàn cộng đồng, du khách đến đây vừa để nghỉ dưỡng, thăm bản văn hóa du lịch cộng đồng, thưởng ngoạn hoa sơn tra nở khắp núi rừng, đồng thời, kết hợp hướng dẫn tour trải nghiệm leo núi, cắm trại trên đỉnh Tả Chí Nhù với độ cao 2.979m, cắm trại tại nóc nhà của Yên Bái thuộc địa bàn khu vực bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
Cuộc sống bình yên của nhân dân bên những tán rừng hoa sơn tra.
Ngắm lại những bức ảnh đẹp chụp cùng với hoa sơn tra, chị Nguyễn Thị Hải Yến, du khách đến từ Hà Nội, hào hứng: Những bức ảnh về hoa sơn tra trắng muốt ở Nậm Nghẹp xuất hiện trên mạng xã hội khiến tôi mê mẩn và vô cùng thích thú. Hôm nay đến đây, tôi vô cùng ấn tượng trước cảnh núi non hùng vĩ, những cây sơn tra hàng trăm năm tuổi và đặc biệt là người dân vô cùng thân thiện và dễ mến với nét văn hóa độc đáo. Chắc chắn tôi và gia đình sẽ tiếp tục trở lại.
Thiếu nữ Mông duyên dáng bên hoa.
Hoa sơn tra Nậm Nghẹp đang nở rực rỡ. Nếu có dịp ghé thăm xã Ngọc Chiến, huyện Mường La thời điểm này, du khách hãy đến với Nậm Nghẹp ngắm hoa sơn tra, khám phá vùng đất xinh đẹp, hoang sơ nhưng đầy quyến rũ này.
Người Mông ở Nậm Nghẹp luôn ý thức giữ gìn vườn sơn tra cổ thụ.
Thiên Mụ - cổ tự linh thiêng bên dòng sông Hương thơ mộng
Trải qua hơn 4 thế kỉ, chùa Thiên Mụ vẫn mang nét cổ kính linh thiêng và sự bình yên lạ thường bên dòng sông Hương thơ mộng.
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, hoa muồng hoàng yến đã nở vàng rực cả con đường Nguyễn Phúc Nguyên. Hướng mắt nhìn về dòng sông Hương vẫn nhịp nhàng trôi, có thể cảm nhận đất trời cố đô đang từng ngày thay đổi. Tuy nhiên, chùa Thiên Mụ vẫn nguyên vẹn, như nỗi lòng của biết bao thế hệ hướng về nguồn cội.
Con đường đầy hoa muồng hoàng yến dọc bờ sông Hương dẫn lối vào chùa Thiên Mụ. (Ảnh: Đức Cảnh).
Từ thành phố Huế, chúng tôi chạy xe khoảng 5km về phía Tây thuộc địa phận Hương Long. Chùa Thiên Mụ tọa lạc tại đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Bí ẩn lời nguyền tình yêu, kiến trúc độc đáocó một không hai đã ghi danh ngôi chùa vào top 20 điểm du lịch nổi tiếng nhất của mảnh đất cố đô.
Những gánh hàng rong dưới chân chùa Thiên Mụ ven sông Hương buổi chiều tà. (Ảnh: Đào Hằng).
Chúng tôi chọn điểm dừng chân đầu tiên tại quán đậu hũ của mấy dì bán hàng rong ngồi dưới chân chùa. Đến chùa mà không ngồi lại thưởng thức chén tàu hũ thanh mát, ngắm nhìn cảnh sông Hương buổi hoàng hôn thơ mộng thì chưa tận hưởng trọn vẹn du lịch chùa Thiên Mụ.
Lúc nào cũng thế, từ khi bình minh lên đến khi hoàng hôn buông xuống, chùa Thiên Mụ vẫn nhộn nhịp những bước chân hành hương của khách du lịch từ bốn phương đổ về tham quan và vãn cảnh chùa.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi lên chùa lúc buổi chiều tàn, ánh nắng bây giờ đã yếu dần và những cơn gió dịu mát từ sông Hương thổi vào xua đi cái nắng gắt của ngày hè. Không vội vào chùa, chúng tôi nán lại trước cổng, cùng nhau lưu lại mấy tấm hình, tiến tới là tháp Phước Duyên.
Tòa bửu tháp cao 21m gồm 7 tầng, tượng trưng cho 7 vị Phật, là biểu tượng của ngôi quốc tự danh tiếng bậc nhất cố đô Huế.
Toàn cảnh tháp Phước Duyên hướng mặt về sông Hương. (Ảnh: Đức Cảnh)
Chúng tôi đang mải mê ngắm nhìn vẻ đẹp đến mê hoặc lòng người của dòng sông Hương trầm mặc. Bỗng tiếng chuông chùa rung lên, âm vang như hòa vào dòng sông, dội vào núi đồi. Tiếng chuông chùa làm mọi lo âu phiền muộn bỗng chốc tan biến, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy sự bình yên, thanh tịnh đến lạ thường như thế.
Toàn cảnh chính điện chạy theo kiến trúc chữ "Nhất" theo hướng cổng Tam quan dẫn vào. (Ảnh: Đức Cảnh)
Tại chính điện, chúng tôi dâng lên nén hương, cầu mong mọi sự bình an, may mắn. Lần này trở về, chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về lịch sử ngôi chùa. May mắn thay, chúng tôi gặp lại người thầy mà khi trước lên chùa đã có duyên gặp mặt. Thầy Nguyên Chương hiền hậu mời chúng tôi ngồi lại trò chuyện, ăn bánh, uống trà.
Chính điện thờ Phật vô cùng thanh tịnh và bình yên. (Ảnh: Đức Cảnh).
Khi nhắc về tên chùa, thầy Chương ân cần hỏi chúng tôi có hiểu ý nghĩa của hai chữ Thiên Mụ không. Quả thực, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến ý nghĩa của nó.
Chùa Thiên Mụ có rất nhiều tên gọi gắn liền với những thuyết của người xưa kể lại. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là "Thiên Mụ".
Cổng Tam quan khắc dòng chữ Hán trích tự " Linh Mụ Tự" (Ảnh: Đức Cảnh).
Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên - Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Nhất với trình tự từ ngoài vào: Tháp Phước Duyên, Tam quan, Chính điện, và cuối cùng là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Tháp thờ Tổ - Cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. (Ảnh: Đào Hằng)
Lần đầu tiên chúng tôi nghe về Pháp lam Huế. Thiên Mụ là ngôi chùa đầu tiên tại Huế xuất hiện kiến trúc Pháp lam. Tháp Phước Duyên là nơi đầu tiên xuất hiện kiểu trang trí Pháp lam bằng bình cam lộ và cù dao gắn ở góc đao mái của bảy tầng tháp và những chữ Hán gắn trên các bức hoành phi và câu đối ở mặt tiền của bảy tầng tháp.
Bình cam lộ trên đỉnh tháp Phước Duyên - Cổ vật Pháp lam Huế đầu tiên của mảnh đất cố đô. (Ảnh: Đức Cảnh).
Trải qua hơn 4 thế kỉ, lớp men phủ bên ngoài bình cam lộ đã bong tróc khá nhiều nhưng màu sắc của lớp men còn lại (khoảng 80%) vẫn tươi nguyên như cũ. Đến nay bình cam lộ là hiện vật nguyên gốc, xứng danh cổ vật pháp lam có kích thước lớn nhất trong các cổ vật pháp lam mà triều Nguyễn để lại trên đất Huế.
Hơn 4 thế kỉ qua, những truyền thuyết về Thiên Mụ vẫn bí ẩn với du khách. (Ảnh: Đức Cảnh)
Dòng Hương giang lặng mình đón ánh hoàng hôn. (Ảnh: Đức Cảnh).
Chúng tôi ra về khi trời đã tắt nắng hẳn, cảnh vật dần chuyển mình về tối. Đây sẽ là chuyến du lịch đáng nhớ của chúng tôi. Sau này có ai hỏi về Thiên Mụ, chúng tôi sẽ tự tin kể cho họ nghe về lịch sử, về những thuyết bí ẩn của ngôi cổ tự linh thiêng bậc nhất miền Trung.
Hùng vĩ Hà Giang Vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi, nét thơ mộng của hoa tam giác mạch và những thửa ruộng bậc thang, tất cả như lời vẫy gọi du khách đến với Hà Giang. Hà Giang - miền đất xa xôi của Tổ quốc luôn có một sức hấp dẫn lạ kì. Nói Hà Giang là nói đến những cung đường quanh co lưng...