Năm mới tút tát
Nhân dịp năm mới, nhiều người không chỉ “tút tát, tân trang” nhà cửa, ngoại hình, mà còn chú trọng việc “dọn mình đón tết”.
Một năm với những áp lực, muộn phiền, bực mình từ gia đình, cuộc sống, công việc… đã được nhiều người buông bỏ, bước qua. Thanh lọc nội tâm, tinh thần, không để bụng những điều không vui là lối sống xanh, tư duy tích cực… đã và đang được rất nhiều người lựa chọn.
Người ngoài nhìn vào, ai cũng nghĩ vợ chồng chị Võ Thị Nhung và anh Phạm Đức Lâm hạnh phúc vẹn tròn. Vợ vừa làm đầu bếp, vừa quản lý nhà hàng tiệc cưới; chồng kinh doanh bất động sản; kinh tế gia đình vững vàng và con gái 12 tuổi, con trai 10 tuổi, chăm ngoan, học giỏi.
Thế nhưng, tuy sống đủ đầy, chị Nhung vẫn thấy mình bất hạnh với lòng đầy tổn thương. Chồng chị Nhung rất yêu thương vợ con. Đi ra ngoài ăn ngon, anh mua về cho vợ hoặc sau đó dẫn cả nhà đi ăn. Thấy vợ mặc chiếc áo sờn vai, anh ra cửa hàng thời trang mua về hơn chục bộ đồ. Vợ la làng “nhiều tiền quá”. Chồng cười: “Anh không có gì ngoài vợ con và tiền”.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock
Chính vì vậy, chị Nhung đã bị sốc khi làm mất hơn 100 triệu đồng, nhưng chồng không tin và trong cơn say anh đã nói: “Mày ăn cắp tiền tao, đem về cho ông bà già mày”. Chị Nhung vỡ vụn, ôm quần áo và bỏ đi ngay trong đêm. Chị đến nhà cô bạn thân và chỉ nghĩ đến ly hôn.
Qua hôm sau, chồng tỉnh rượu nên gọi điện, nhắn tin và đi tìm vợ năn nỉ. Sau hơn 1 tuần, chị Nhung mới chịu quay về vì thấy chồng đã hối lỗi.
Nhưng từ đó, cuộc sống của chị không thể trở lại như xưa. Chị bị ám ảnh, câu nói của chồng giày vò chị mỗi ngày. Dù anh Lâm vẫn quan tâm, yêu thương vợ như ngày trước, chị Nhung nghĩ tất cả đều là giả dối. Chị suy diễn: “Chồng yêu thương, quan tâm mình, chẳng qua vì mình là cái máy in tiền cho gia đình”; bởi nhà hàng tiệc cưới của chị rất đông khách, doanh số mỗi tháng bạc tỉ.
Càng suy diễn, chị Nhung càng bị tổn thương và chìm trong đau khổ. Người chị gầy guộc, mất ngủ, trở nên cáu gắt và bị bệnh tật tấn công.
Tháng 4/2022, chị phải nhập viện vì viêm loét dạ dày nặng. Những ngày nằm viện, chồng kề bên chăm sóc, chị thấy đời mình thật thảm. Và chị nhận ra, cái thảm này không phải do chồng, mà chính là bản thân chị. Chồng đã sai khi thốt ra câu đó và 3 năm qua, anh chưa làm điều có lỗi với vợ. Chị đã tha thứ cho chồng, nhưng lại không quên mà nuôi nỗi đau ngày một lớn, để nó hành hạ chị mỗi ngày. Khi xuất viện, chị Nhung quyết định rũ bỏ câu nói xúc phạm của chồng, xem đó chỉ là lời nói trong lúc thiếu kiểm soát. Và từng ngày, chị đã buông bỏ sự tổn thương để giờ vui tươi, yêu đời như trước.
Nhìn ưu, bỏ khuyết
Mới cưới 2 năm nhưng vợ chồng chị Lê Thị Ngọc Thảo – Nguyễn Văn Thông, ở phường 16, quận 8, TPHCM giận nhiều hơn vui. Chị Thảo rất khó chịu trước tính nói nhiều của chồng. Ai bàn đề tài nào, từ đá banh, đến chính trị, thời trang… chồng chị cũng thao thao bất tuyệt như chuyên gia. Nhưng vì nói nhiều, nói nhanh nên rất nhiều lần anh Thông tự đưa mình vào thế tẽn tò khi thông tin không chính xác, hoặc “líu lưỡi” biến câu nói bình thường thành tục tĩu. Mỗi lần vậy, chị Thảo rất xấu hổ và khó chịu.
Video đang HOT
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz
Về nhà, chị “nhai” chồng cả đêm: “Khi muốn nói gì, anh phải uốn lưỡi 10 lần rồi hãy nói. Anh nói từ từ chứ có ai cướp lời của anh đâu”. Anh Thông cãi: “Gặp người thân quen nói chuyện thoải mái cũng không được nữa”. Thấy chồng không tiếp thu, chị Thảo càng ra sức nói. Anh Thông thường nhường nhịn vợ, nhưng có lần nổi nóng: “Ngày xưa, em thích anh vì anh vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Vậy mà giờ em chê bai, chỉ trích anh đủ điều. Em còn hơn má anh”.
Sau đó, anh Thông ít khi đi cùng vợ, kể cả về thăm gia đình. Anh đi gặp bạn cũng không đưa vợ theo như trước. Những lần đi một mình hay phải nằm nhà, chị Thảo chợt nhận ra: vì muốn biến chồng thành một người đàn ông hoàn hảo trong mắt mọi người, nên chị quá xét nét với anh. Chồng làm gì chị cũng thấy không vừa ý, vì sợ mọi người soi, nhận xét không tốt về chồng; trong khi ngoài nói nhiều, chồng chị là người đàn ông điểm 10: công việc tốt, đi làm lương bao nhiêu đưa hết cho vợ.
Về nhà, chồng chị sẵn sàng vào bếp nấu ăn, lau nhà, hiếu thảo với gia đình hai bên… Chị từng nghĩ “may mắn lắm mới lấy được người như chồng”. Vậy mà giờ chị lại đi chỉ trích sự may mắn đó.
Thấy tình cảm vợ chồng ngày càng căng thẳng, chị Thảo nghĩ mình cần phải thay đổi. Chị tự nhủ: “Thà nói còn hơn im ỉm”. Khi không còn xét nét chồng nói nhiều, chị Thảo thấy chồng thoải mái và chính chị cũng thoải mái. Bản thân chồng chị, cũng tự thấy không khí gia đình căng thẳng một phần vì mình, và anh dần thay đổi, dù không được như vợ mong đợi.
Chị chia sẻ: “Trước đây, khi vợ chồng tôi đi gặp ai, tôi luôn “me” chồng, coi cử chỉ, lời nói của anh có chuẩn mực không để về chỉnh sửa. Sau này, tôi không để ý, không ghim chuyện anh nói nhiều nữa. Trong lúc chồng nhậu, tôi và các bà vợ ngồi tám thoải mái, vui vẻ, nên nửa năm nay, vợ chồng tôi hết gây rồi”.
Con người cũng giống như ngôi nhà, sau nhiều ngày không quét dọn, nhà sẽ bị bụi bám, dơ. Lòng người cũng vậy, giận hờn, ghim gút những chuyện không vui sẽ làm chính mình mệt mỏi, căng thẳng. Vậy thì, tại sao chúng ta dọn nhà đón tết lại không dọn mình đón tết, để bước vào năm mới với tâm thế thoải mái và tràn đầy năng lượng tích cực?
Nắm lấy mặt tối trong tâm hồn của bạn để hoàn thiện bản thân
Bất cứ ai cũng đều có những mặt tối trong tâm hồn. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đối diện với nó.
Mặt tối trong tâm hồn của bạn làm nảy sinh những suy nghĩ và cảm xúc khiến bạn sợ hãi nhưng vẫn bị cám dỗ. Nó bóp méo suy nghĩ và cảm xúc của bạn, nhưng bạn lại cảm thấy đúng. Và đó có lẽ là lý do vì sao chúng ta che giấu nó, ngay cả với những người thân yêu nhất. Nhưng chúng ta biết rõ rằng sâu bên trong mình, trong giới hạn của nó, mặt tối của chúng ta đang âm thầm lớn lên, kiên nhẫn tìm lối thoát. Và khi nó xuất hiện, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ.
Mặt tối trong tâm hồn là gì
Mặt tối trong tâm hồn của bạn còn được gọi là "cái tôi trong bóng tối". Nó liên quan đến những đặc điểm và phẩm chất mà chúng ta muốn giấu kín vì cảm thấy xấu hổ, tội lỗi. Chúng ta tin rằng những phẩm chất "đen tối" như vậy thật đáng xấu hổ và khiến chúng ta không xứng đáng được người khác yêu thương, tôn trọng và ngưỡng mộ. Vì vậy, chúng ta không dám tiết lộ mặt tối của mình, thậm chí là không dám đối diện với chúng.
Chúng ta liên kết mặt tối của mình với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như tức giận, ghen tuông, ích kỷ, thao túng, thống trị và phán xét. Mặc dù chúng ta có thể không thích những cảm xúc và suy nghĩ này một cách có ý thức và chôn vùi chúng sâu bên trong, nhưng chúng lại là một phần tự nhiên của chúng ta. Cho dù chúng ta có cố gắng phớt lờ hoặc che giấu đến mức nào, thì cuối cùng chúng cũng sẽ xuất hiện, trong hoàn cảnh thích hợp nhất.
Trên thực tế, các nghiên cứu tiết lộ rằng việc kìm nén những suy nghĩ cụ thể có thể khiến những suy nghĩ này trở nên dữ dội và dai dẳng hơn. Khi bạn không thể kiểm soát được mặt tối của mình, mà thay vào đó là kìm nén nó, mặt tối đó có thể bộc lộ ra theo những cách xấu xí nhất.
Và khi mặt tối của chúng ta đột nhiên bộc lộ, nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách bạn suy nghĩ, cảm nhận, cư xử và hành động, dẫn đến những mất mát, đau khổ, lo lắng và những kết quả không mong muốn. Tuy nhiên, vì mặt tối của chúng ta là một phần nội tại của chính chúng ta, chúng ta thực sự có thể quản lý và kiểm soát nó, thay vì kìm nén nó. Một khi chúng ta thừa nhận và chấp nhận mặt tối của mình, thay vì che giấu nó, chúng ta có thể trải nghiệm sự mãn nguyện, viên mãn, hạnh phúc.
Làm thế nào để kiểm soát mặt tối của bản thân?
Mặt tối trong tâm hồn và tính cách của bạn là một phần trải nghiệm của con người bạn. Hầu hết chúng ta có xu hướng sợ hãi mặt tối của mình, vì vậy chúng ta muốn trấn áp nó, tiêu diệt nó, quên nó đi. Nhưng chúng ta càng hiểu rõ mặt tối của mình, chúng ta có thể nhận ra rằng mặt tối đó có thể giúp chúng ta hoàn thiện bản thân. Vì vậy, thay vì cố gắng loại bỏ, hãy học cách quản lý mặt tối của mình. Có những cách hiệu quả để kiểm soát và quản lý mặt tối của bạn:
1. Thừa nhận mặt tối của bạn
Bước đầu tiên để kiểm soát mặt tối của bạn là chấp nhận nó. Chỉ khi bạn thừa nhận và chấp nhận mọi khía cạnh trong tính cách của mình, bạn mới có thể thực sự hiểu bạn là ai. Khi bạn hiểu chính mình, bạn có thể kết nối tốt hơn với nội tâm của mình.
Đơn giản là bạn không thể thoát khỏi mặt tối của mình cho dù bạn có cố gắng thế nào đi nữa. Thay vào đó, bạn có thể khám phá tất cả những khía cạnh trong mặt tối của mình mà bạn vẫn luôn giấu kín. Làm sáng tỏ phần tối của bạn và cố gắng đối mặt với nó. Bạn có thể sẽ nhận ra rằng thứ gì hay điều gì đang chi phối bạn, bạn có những mong muốn nào chưa được thực hiện, nhu cầu nào chưa được đáp ứng. Hãy đào sâu vào bản thân và tìm kiếm câu trả lời. Thay vì cảm thấy xấu hổ về những suy nghĩ, cảm xúc và ham muốn đen tối của mình, hãy cố gắng hiểu nỗi đau đằng sau sự tiêu cực đó.
Chấp nhận sự thật rằng tâm trí và tính cách của bạn có một khía cạnh đen tối hay một bóng tối mà bạn không thể che giấu mãi được. Bạn càng cố gắng kìm nén nó, nó sẽ càng nguy hiểm hơn. Hãy trung thực và thành thật với chính mình, đồng thời can đảm chấp nhận mặt tối của bạn. Điều này sẽ cho phép bạn giải phóng được những cảm xúc tiêu cực của mình một cách lành mạnh và quản lý mặt tối của bạn một cách tích cực.
2. Hiểu được điều gì "kích hoạt" mình
Khi bạn bắt đầu chấp nhận mặt tối của mình, hãy cố gắng tìm ra điều gì đã kích hoạt những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực của bạn. Đầu tư thời gian để suy ngẫm về mặt tối của mình, tại sao nó lại xuất hiện vào những thời điểm cụ thể, những tình huống nào kích hoạt nó, nó được kích hoạt bởi những người hay trải nghiệm cụ thể nào hay không? Cố gắng quan sát và tìm ra những khuôn mẫu lặp đi lặp lại và sự giống nhau trong những trải nghiệm dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và hành vi độc hại của bạn.
Hãy tự hỏi tại sao bạn hành động ích kỷ trong một số tình huống nhất định, là hành vi được kích hoạt bởi sự bất an và sợ hãi, hay lo lắng khiến bạn thận trọng quá mức, hoặc có thể do bạn rất nhạy cảm và thiếu cảm giác an toàn. Suy nghĩ về những câu hỏi này sẽ giúp bạn soi sáng mặt tối của mình và giúp bạn tìm ra câu trả lời để quản lý tốt hơn các phản ứng của mình trước các yếu tố kích hoạt bạn.
Việc xác định được các yếu tố kích hoạt mặt tối của bạn cũng sẽ giúp cải thiện giao tiếp của bạn với bạn bè, gia đình hoặc bất kì ai khác có thể bị ảnh hưởng bởi các phản ứng tiêu cực của bạn.
3. Thực hành chánh niệm
Chấp nhận mặt tối của bạn và xác định các yếu tố kích hoạt có thể giúp bạn phát triển nhận thức tốt hơn về bản thân, từ đó có thể dẫn đến khả năng tự kiểm soát và chữa lành bản thân mạnh mẽ hơn. Điều này có thể trao quyền cho bạn trở thành chính mình và hành động phù hợp. Hơn nữa, nó cũng giúp giảm bớt ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài, tình huống và con người đối với suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và hành động của bạn.
Thực hành chánh niệm có thể là một cách hiệu quả để rèn luyện tâm trí của chúng ta, giúp xác định những suy nghĩ tiêu cực khi chúng nảy sinh và tìm ra các cách đối phó lành mạnh để vượt qua những tình huống khó khăn. Thực hành chánh niệm, lòng biết ơn và lòng trắc ẩn có thể giúp chúng ta chống lại những suy nghĩ tiêu cực tấn công chúng ta suốt cả ngày.
Thực hành chánh niệm thông qua thiền định cho phép bạn tập trung sự chú ý vào thời điểm hiện tại. Mặc dù điều này đòi hỏi một chút thời gian và nỗ lực, nhưng nó có thể giúp giảm bớt những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, đồng thời thúc đẩy những cảm xúc tích cực như lòng biết ơn và sự hài lòng.
Chánh niệm cho phép chúng ta tách mình ta khỏi cái bóng của bản thân, tập trung vào những điều tích cực và quản lý tốt hơn mặt tối cũng như những thôi thúc, ham muốn, suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
4. Nói chuyện với ai đó
Nói chuyện với một người gần gũi và đáng tin cậy về mặt tối của bạn khiến bạn cảm thấy như thế nào. Họ có thể giúp bạn có được góc nhìn mới và cách tiếp cận mới với cuộc sống.
5. Yêu bản thân
Yêu lấy chính mình, đối xử với chính mình bằng lòng tốt và lòng trắc ẩn. Hãy nhẹ nhàng với mặt tối của bạn và đối xử với nó một cách yêu thương, thay vì quan sát nó với sự sợ hãi.
6. Xem đó là cơ hội để phát triển
Nếu bạn muốn quản lý mặt tối của mình, hãy xem nó như một trải nghiệm có thể dạy cho bạn những bài học quý giá về bản thân và giúp bạn trưởng thành hơn. Nó không nhất thiết phải là một trải nghiệm tiêu cực.
7. Không sợ hãi
Khi mặt tối của bạn bắt đầu xâm chiếm bạn, hãy tạm dừng và hít thở. Hãy để bản thân trải nghiệm những suy nghĩ và cảm xúc khó khăn khi đó xuất hiện và chấp nhận những điều đó thay vì từ chối nó. Khám phá những cảm xúc đó như một phần của quá trình chữa lành, thay vì cố gắng kìm nén nó.
8. Không quá coi trọng
Đừng quá chú ý đến mặt tối của bạn và tránh coi nó quá nghiêm trọng. Hãy xem nó như một phần tự nhiên khác của bạn. Sở hữu nó, thay vì xấu hổ về nó sẽ giúp bạn quản lý nó tốt hơn.
9. Khám phá những khía cạnh mà bạn luôn che giấu và kìm nén
Khám phá những tổn thương trong quá khứ hoặc những khía cạnh trong tính cách mà bạn cho là không mong muốn có thể khiến suy nghĩ và những nhu cầu chưa được đáp ứng của bạn trở nên rõ ràng, cũng như giúp ích cho sự phát triển cá nhân.
10. Tham khảo ý kiến của tư vấn sức khỏe tinh thần
Trò chuyện với chuyên viên tư vấn tâm lý cũng có thể giúp bạn giải quyết mặt tối của mình. Chuyên gia sức khỏe tinh thần có thể giúp bạn đối mặt với những trải nghiệm bị ngược đãi và tổn thương trong quá khứ.
Một lần trốn vợ đi gặp người yêu cũ và cái kết không như mong đợi "Bao nhiêu năm nay, tôi sống với vợ, cuộc sống tuy êm ấm bình lặng nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ về người xưa. Tôi luôn nghĩ rằng nếu cuộc đời tôi có nàng thì mọi thứ viên mãn quá"... Ảnh minh họa: Getty Images. Tôi ngồi trong quán cà phê, không gian quán buổi chiều khá vắng lặng. Tiếng nhạc du dương...