Năm mới tuổi mới
Cắm nhang lên lư hương đã chứa đầy những điều ước của cả một năm, tôi thầm nghĩ giờ chỉ ước ở lại với tuổi cũ.
Hôm qua, Tường lại mail, báo Tết âm lịch này sẽ về, có gửi kèm một tấm hình đang ẵm em bé mới sinh, kế bên là chồng mới. Hai người đứng trước nhà cũ của Tường, đã trồng thêm một giàn trang leo. Tường hỏi: “Nguyên có gì mới không?”…
Tôi nhẩm tính sức khỏe bình thường có chuyện gì mà kể, nghỉ việc và chia tay bồ là những chuyện Tường đã biết rồi… Chẳng lẽ kể với Tường chuyện này: sáng chủ nhật tuần rồi, khi thắp nhang, mở đầu bằng câu quen thuộc “con tên…”, tôi khựng lại một chút chỗ tuổi, điền vào đó một con số mới tinh, đã thấy rõ ràng một áp lực: mình phải lặp lại con số này trong 364 ngày còn lại.
Cắm nhang lên lư hương đã chứa đầy những điều ước của cả một năm, tôi thầm nghĩ giờ chỉ ước ở lại với tuổi cũ. Hôm sau, xỏ cái áo mới vô thấy sao lạc điệu như cắm hoa tươi lên bình cổ. Tôi tự an ủi chỉ cần mặc đến lần thứ hai thì cái áo này cũng thành cũ, như mình. Gặp bạn bè chung lớp ngày xưa, vài người bộc lộ ý kiến chẳng rõ khen chê, nhưng hình như đều ngỡ ngàng chuyện tôi mặc áo mới. Ăn bữa cơm xong, có người đã thốt lên: Tóc mày bạc hết rồi. Tôi nói: Nhiều. Và thấy mình không thật an tâm, thanh thản với mái tóc này như những lần trả trước nữa. Tự nhiên tôi muốn đi nhuộm lại cho tóc màu đen.
…Tôi nằm trên giường, nghe mùi mồ hôi quen thuộc của mình, lăn qua trở lại vẫn thấy dễ chịu, bấm đĩa nhạc hòa tấu ghita có sẵn trong máy. Cái đĩa nhạc này hồi mới nghe còn chẳng biết nổi bài nào là bài nào, bây giờ chỉ cần qua vài nốt đầu đã có thể nhận ra là bài số mấy. Hồi trước còn có bài yêu bài ghét, rồi đã thấy ghét những bài đã ghét. Và bây giờ, những bài hát như người quen tốt từng đồng hành quãng đường đã qua, giúp mình nhớ những chuyện cũ dễ dàng hơn, những nơi đã đi qua, những người chỉ gặp một vài lần, những điều hối tiếc… Bao nhiêu là thứ cũ cứ thế nối đuôi nhau về, làm hồi có, làm ủ dột cũng có, trong một buổi sáng mà tôi chưa rõ mình sẽ làm gì cho hết thời gian.
Tôi ra bếp, rủ: “Hôm nay làm một món gì mới đi mẹ!”. “Cụ thể là cái gì?” – mẹ tôi đứng bên chảo cơm chiên chau mày, giọng trễ nải. Tôi cố nhớ và chịu, không biết mình thật sự thích gì. Tôi đề nghị: “Mẹ chọn đi, trong những món ngon mà ngoại đã chỉ lại ngày xưa. Tôi đi chợ!”. Mẹ cười cười: Cái gì làm cho mày lại lên cơn? Tôi nói nghĩ đến những món ăn hằng ngày tự nhiên thấy ngán. Mà hình như mẹ chẳng bao giờ nghĩ ra được một món gì mới để nấu cho vui… Mẹ dòm tôi khó hiểu, dọn cơm chiên lên bàn, giọng vẫn đều đều: Đây tới lúc mẹ ra chợ, nghĩ ra được gì thì nói. Lúc soạn giỏ, mẹ vẫn hỏi lại câu đó. Một cách tuyệt vọng, tôi phải quyết định: Mẹ không cần phải đi chợ, hôm nay không ăn cơm nhà.
Video đang HOT
Tôi chở mẹ ra quận 1, chọn một chỗ thật đông người cho bữa cơm trưa. Chúng tôi ngồi bên cửa kính, nhìn ra đường bày những hộp quà to bằng em bé, lại có hoa mai giả, trái châu trắng hồng, dây ruybăng đỏ và đèn màu chói lói giăng ngổn ngang, mẹ phì cười: như một đám xiếc. Tôi nghĩ đây là một đám xiếc buồn. Đã thấy thông điệp “Happy new year” được gửi từ các cửa hiệu vào đến tận toilet, nhạc rộn rã bất chấp mùi thức ăn và tiếng xì xào hỗn tạp mà đâu có thấy gương mặt, dáng người nào thư thái, nhẹ nhõm cho cam…
Trời nắng nhẹ và se lạnh, Sài Gòn buổi trưa vắng như ở một thành phố khác, tôi chở mẹ dạo qua những con đường Phạm Ngọc Thạch, Trương Định, Nguyễn Du nhiều cây, ít hàng quán, tự hỏi sao chẳng thấy thích thú như những lần rồi? Tại tôi đang muốn khung cảnh vừa phải đẹp vừa phải khác thế này, hay tại đây không phải là một chủ nhật hiếm hoi trong tuần mà tôi được thong thả đi chơi?… Tôi hỏi mẹ có muốn ghé lại đâu nữa không? Mẹ nghĩ mãi chẳng ra nơi nào, cứ im lặng. Tôi cứ vừa lái xe vừa gợi ý nhà sách Hà Nội, quán kem Misa, siêu thị đồ Nhật hay nhà cô Hoa đã lâu rồi mẹ không ghé? Mẹ bảo chẳng thấy muốn đi đâu, chỉ muốn về nhà. Tôi cố qua thêm những Nguyễn Văn Thủ, Phùng Khắc Khoan yêu thích mà không tìm được một lý do nào để vòng vèo thêm nữa…
Mưa rỉ rả từ lúc chúng tôi về, kéo dài đến chiều. Tôi lại vùi đầu trên giường và nghe nhạc. Nghe hết hai lần cái đĩa nhạc cũ thì nghe tiếng mẹ vọng lên từ dưới bếp: cơm! Mùi cơm chiên quen thuộc, chẳng biết do trời lạnh hay bụng đói, tự nhiên thấy thèm. Tôi ăn một lúc ba chén cơm với tiêu thật cay và nước mắm ngon dầm ba bốn trái ớt. Mẹ nhìn tôi, cũng là cái nhìn khó hiểu: Sao sáng nay còn nói là muốn một món mới? Tôi im lặng, nghĩ biện bạch sao cũng thấy dở, chẳng lẽ nói thật là mẹ nên tập quen với kiểu sáng ghét chiều thích của tôi bây giờ.
Tối, tôi ngồi trong phòng, mẹ ôm cái tivi, cứ ba phút lại chuyển kênh một lần từ tiếng bập bùng sang rút rít, ca hát ê a sang chuyện trò rổn rang. Không còn muốn bật cái đĩa nhạc cũ lần nữa, mà cũng chẳng còn gì để làm nữa, tôi mở máy tính viết mail cho Tường.
Mail mở đầu bằng câu: Xin lỗi Tường, mình trả lời trễ, nhiều việc quá… Dòng chữ này tôi thấy mình viết nhanh nhẹn, có phần thành thục. Chẳng nhớ nổi đã viết lúc nào, chỉ biết là rất quen.
Theo 24h
Tình đầu toan tính
Người ta có câu: "Tình cũ không rủ cũng tới" và bố tin đó là định mệnh an bài để hai người gặp lại nhau sau ngần ấy năm xa cách.
Bố im lặng nhìn vạt nắng quái cuối chiều trên khung cửa sổ nhỏ. Mái tóc hoa râm của ông run rẩy trước cơn gió đầu đông se lạnh. Bố ngồi đó từ rất lâu, không hề biết tôi đứng nhìn và xót xa thương ông.
Mẹ dọn dẹp tất cả đồ đạc và sống một mình ở căn hộ nhỏ nơi ngoại vi thành phố. Bà đã khóc và tột cùng giận dữ, bất chấp sự van xin, ngăn cản của tôi. Trong ý niệm của tôi, gia đình tôi vô cùng hạnh phúc và thực tế như vậy. Tôi nhớ cũng ngày cuối tuần, cả nhà cùng xì xụp trong căn bếp nhỏ, cùng nấu nướng, hàt hò, hoặc cùng về thăm nhà nội, ngoại. Nhìn những cử chỉ bố mẹ dành cho nhau, tôi - cô gái 24 tuổi là tôi không ít lần thầm ghen tỵ. Dù mái tóc của bố mẹ tôi đã điểm bạc, những nếp nhăn cũng đã xuất hiện trên má nhưng tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu của bố mẹ trong từng hành động nho nhỏ, cho tới cả ánh mắt tin cậy. Tôi ước ao, sau này có được một người chồng tốt bụng, chu đáo như bố. Nhưng quả thật cuộc sống này chẳng có gì hoàn hảo, và những điều tôi hằng tôn thờ, tin tưởng bỗng một ngày sụp đổ dưới chân tôi.
Hôm đó, sau giờ tan sở, tôi trở về tổ ấm của mình, mở cửa bước vào nghe thấy tiếng rơi vỡ của đồ đạc phát ra từ phòng bố mẹ. Hoảng hốt, tôi chạy vào phòng bố mẹ, bồ cúi gằm mặt, ngồi yên lặng trên chiếc giường nhỏ, còn mẹ tóc tai rũ rượi và nước mắt đua nhau rơi. Nhìn thấy tôi, như thể nỗi ấm ức trong mẹ càng được đẩy lên cao trào, mẹ khóc nức nở, mẹ không ngừng: "Con ơi, mẹ mất tất rồi. Cuộc đời thật bất công với mẹ". Lạ lùng trước những lời mẹ nói, càng lạ lùng hơn trước sự im lặng tới tuyệt đối của bố, dù chưa hiểu chuyện gì, nước mắt tôi đã kịp chan hòa.
Ngay tối hôm đó mẹ dọn đồ đạc, chuyển tới căn hộ nhỏ ở ngoại thành - nơi nghỉ dưỡng của gia đình tôi mỗi dịp cuối tuần. Tôi không sao ngăn cản được bước chân và sự giận dữ tột cùng đang dâng lên trong lòng mẹ. Quay sang cầu cứu bố, vẫn là sự im lặng đáng ghét. Tôi biết tính ông xưa nay, chưa bao giờ bố khiến mẹ tức giận khủng khiếp như vậy, càng không bao giờ để mẹ một mình ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm khuya, nhưng lần này thì khác. Những nếp nhăn đau khổ trên trán ông ríu vào nhau, cả đêm ấy bố đốt thuốc - thứ ông đã bỏ cách đây gần chục năm trời.
Cả đêm ấy tôi không ngủ được, tôi muốn hỏi ông cho ra nhẽ nhưng nhìn nỗi day dứt xen lẫn ân hận của bố, tôi chờ đợi bố sẽ chủ động kể cho tôi nghe. Sáng sớm, tôi bước vào phòng bố, dường như cả đêm ông cũng không ngủ, chiếc gạt tàn đầy đầu lọc, tàn xám vương vãi khắp chiếc bàn nhỏ, đôi mắt bố trũng sâu, mệt mỏi. Chỉ sau một đêm, tôi thấy bố già đi bội phần. Những giọt nước mắt mòn mỏi của bố rơi xuống, chen ngang những lời nói đứt quãng. Bố bắt đầu kể về nguyên nhân khiến bố mẹ tan tác, nguyên nhân mang tên một người phụ nữ. Đó là mối tình đầu của bố, cô ấy trở về sau hơn 20 năm xa cách. Bố kể, bố và cô ấy lớn lên bên nhau và cùng nảy sinh những tình cảm trong sáng, thuần khiết. Cả hai đều chung ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, xum vầy có bầu có bạn. Nhưng tình cảm của bố và cô ấy bị ngăn cản quyết liệt từ phía ông nội, bởi ông vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến, nói nhà cô không môn đăng hộ đối với gia đình ông. Ông nội đã dùng những lời lẽ miệt thị nặng nề khiến cô bị tổn thương. Rồi ông chuyển cả gia đình lên thành phố, tình yêu của chàng trai trẻ mới lớn của bố không đủ sức cản phá lại định kiến và ngăn cản phía gia đình. Bố tôi bắt đầu một chương đời khác, nghe đâu cô ấy cùng gia đình chuyển vào Nam mưu sinh. Đám cưới bố, cô ấy hay biết nhưng không tới dự. Lần gặp nhau đầu tiên sau 20 năm xa cách chính là cuộc gặp gỡ giữa hai chủ doanh nghiệp để thỏa thuận hợp đồng. Cô ấy giống như bố - trở thành nhà doanh nghiệp thành đạt, có tiếng vang trên thương trường. Bố không khỏi bất ngờ, người con gái nhỏ bé, yếu đuối ngày xưa giờ đã trở thành một người phụ nữ thành đạt, xinh đẹp, quý phái. Bố ngây người nhìn cô ấy, không thể tin vào mắt mình. Người ta có câu: "Tình cũ không rủ cũng tới" và bố tin đó là định mệnh an bài để hai người gặp lại nhau sau ngần ấy năm xa cách.
Bố tin đó là định mệnh an bài để hai người gặp lại nhau sau ngần ấy năm xa cách... (Ảnh minh họa)
Một lần sau buổi liên hoan công ty chúc mừng hợp đồng kí kết thành công và hứa hẹn một tương lai xán lạn trong dự án hợp tác chung, bố và cô ấy gặp nhau tại bữa tiệc. Có vẻ hơi quá chén, cô ấy đã gặp riêng bố và kể về quãng đường vật lộn mưu sinh để có ngày hôm nay. Bố đã khóc, thương người con gái nhỏ bé phải đánh đổi quá nhiều: hạnh phúc, tuổi trẻ - thứ vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được, để dấn thân trên con đường sự nghiệp. Bố kể về gia đình hiện tại, ông hạnh phúc, hài lòng với những gì đang có, nhưng đột nhiên cô ấy ôm chầm lấy bố, khóc lóc và trách cứ bố đã bỏ rơi cô ấy, nếu ngày xưa bố nắm tay cô ấy đủ chặt, có lẽ hai người đã không phải gặp lại nhau trong hoàn cảnh trớ trêu thế này. Nước mắt - vũ khí lợi hại của phụ nữ thật sự khiến bố tôi gục ngã. Ông tự trách bản thân quá yếu đuối, quá phụ thuộc vào ông nội để giờ đây ngậm ngùi trong nuối tiếc. Giống như các cặp đôi khi yêu, một khi sóng tình dâng lên, khó có thể nhấn chìm nó xuống, đằng này lại là tình yêu cả thời trai trẻ của bố, bố miên man trong tình ái.
Bố bảo, hơn 20 năm sống bên mẹ, có thi thoảng cảm xúc nhớ thương tình đầu trỗi dậy, nhưng ông đều dìm nó xuống được, bởi ở mẹ chẳng có điều gì đáng chê trách, bố hạnh phúc khi có mẹ trong đời. Mẹ là phụ nữ tuyệt vời - bố vẫn thủ thỉ với tôi mỗi khi nhìn mẹ lúi húi trong bếp, tôi nghĩ bố yêu mẹ rất nhiều. Nhưng từ khi gặp người phụ nữ năm xưa, bố ít nói hơn và thường nghĩ ngợi suy tư. Mẹ cảm nhận sự thay đổi trong suy nghĩ của bố vì mẹ tinh tế, nhưng mẹ không tìm được lý do vì sao bố trở nên kì quặc - khác bố - người chồng hơn 20 năm mẹ cùng chung sống.
Trong khi mẹ giản dị, ân cần, đúng tuýp người phụ nữ của gia đình thì người phụ nữ năm xưa ngọt ngào, thông minh, đài các thổi vào bố một luồng gió mới, cộng với những tình cảm thời trẻ trai của ông sống dậy, bố gục ngã. Cô ấy nói trở về để được gặp lại bố, sẵn sàng chấp nhận là người phụ nữ bí ẩn đứng trong bóng tối, lặng lẽ bên cạnh cuộc đời bố. Những giọt nước mắt, những lời lẽ thoảng nhẹ như khói đủ khiến bố đeo đẳng, day dứt. Nhưng phụ nữ tham lam, họ không chịu an phận sống trong yên lặng, cô ta cũng thế. Cô ấy đã tới tìm mẹ và đề nghị mẹ buông tha cho bố để bố và cô ta được về chung sống với nhau. Mẹ không tin vào tai mình, mẹ muốn được nghe những lời đó từ chính miệng của bố. Bố im lặng khi mẹ hỏi ông còn tình cảm với người đàn bà kia không, bố không muốn nói dối mẹ và không muốn lừa gạt chính bản thân mình, bố chọn cho mình sự câm nín. Đó chẳng khác nào câu trả lời rõ ràng và ngay đêm đó, mẹ nước mắt lưng tròng tức tưởi bỏ đi.
Tôi thường xuyên tới thăm mẹ nhưng mẹ muốn ở một mình để ngẫm nghĩ lại mọi chuyện đã qua. Mẹ không hỏi thăm về bố dù chỉ một lời, nhưng tôi biết những câu kể có vẻ bâng quơ của tôi về ông vẫn được mẹ nghe không bỏ sót một từ. Còn bố, từ ngày mẹ bỏ đi, bố héo hon, mệt mỏi và già đi trông thấy. Chiều đi làm về, ông nhấp nhổm không yên và ngay tối đó, bố lái xe về phía ngoại ô thành phố tìm mẹ. Khi tôi đến nơi, bố đã ở trong nhà từ lúc nào, bố mẹ đang nói chuyện. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy bố đau khổ như thế. Hai tay ông ôm chặt đầu, nức nở nói: "Cô ấy quay trở lại là muốn phá nát gia đình chúng ta. Cô ấy thừa biết tình cảm anh hằng chôn giấu vẫn còn đọng lại và sẵn sàng lợi dụng điều đó để đẩy em xa anh. Anh đã nhìn thấy những toan tính nơi người đàn bà quyền lực đó, cô ấy khác xưa rồi, không phải người con gái anh si mê thời 19, đôi mươi nữa". Bố nói bố cần có mẹ, mẹ mới thật sự khiến cuộc sống của bố có ý nghĩa. Bố tạ lỗi với mẹ, bố và mẹ cùng khóc rồi họ ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào, mừng tủi sau cơn sóng gió ngập trời.
Tôi đứng bên ngoài cánh cửa khá lâu, nhẹ nhàng khép cánh cửa lại. Có lẽ sự xuất hiện của tôi lúc này sẽ trở thành vô duyên, phá bĩnh cuộc đoàn tụ của bố mẹ sau những lung lạc, cản trở, hiểu lầm, ngộ nhận. Tôi lái xe trở về thành phố, gió lùa qua tóc rối, lòng nhẹ bẫng, sóng gió qua đi, tổ ấm của tôi lại vững chãi hơn bao giờ hết.
Theo PLXH
Những phụ nữ trót mang phận "cá sấu" Đi trên đường, chẳng may va chạm xe ai, T chỉ cần cười là các anh xí xoá nhưng cứ là Lan xem, các anh chẳng mắng mấy câu cho bõ ghét. "Đàn bà xấu thì không có quà" Mà đúng ra là làm thân "cá sấu" không chỉ không có quà mà còn khó có nhiều thứ khác. Quả thật, phụ nữ...