Năm mới càng thêm sung túc và hạnh phúc nếu ngôi nhà có 3 thứ này
Phòng khách của một ngôi nhà là nơi quây quần của gia đình và tiếp đãi bạn bè. Tiếng cười nhiều hơn, nhà mới có sức sống.
Năm mới, cả nhà tề tựu, ngồi quây quần ăn uống, nói cười, mỗi người kể những câu chuyện khác nhau của mình, tâm hồn phóng khoáng, kỷ niệm thời thơ ấu ùa về. Vì vậy, năm mới chính là sự đoàn viên.
Năm mới, một gia đình hạnh phúc và may mắn nhất, không gì hơn là sở hữu 3 điều dưới đây:
1. Tiếng cười trong phòng khách
Thật sự không ngoa khi nói rằng, một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười là nơi đẹp nhất trên thế giới. Hạnh phúc lớn nhất của một gia đình không phải là sự đồ sộ, khang trang, mà là tiếng cười trong phòng lớn giòn giã và vang vọng đến đâu.
Một cư dân mạng đã chia sẻ trải nghiệm một năm ăn Tết của mình:
Cô sống và làm việc ở thành phố lớn. Vì không giành được vé xe về nhà, cô bất đắc dĩ gọi điện thoại cho bố mẹ thông báo mình không thể về nhà ăn Tết.
Bố mẹ an ủi: “Không về được cũng không sao. Ở quê đang rất lạnh, về cũng khổ cực”.
Nhưng cô đã nghe ra giọng điệu tủi thân và thất vọng của bố mẹ. Cúp điện thoại, cô liền lên mạng mua vé máy bay bất chấp số tiền đắt đỏ.
Sáng 29 tháng Chạp, cuối cùng cô khăn gói lên đường về quê. Đêm 30 Tết, ăn xong bữa cơm đoàn viên. Cô nghe tiếng bố mẹ vừa xem chương trình cuối năm vừa cười nói với em trai trên phòng khách, trong khi đang gọt trái cây dưới bếp. Căn nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười và sự ấm áp, cô cũng biết rằng sự trở về của mình khiến gia đình càng thêm vui.
Video đang HOT
Nhìn nụ cười của bố mẹ, cô nhận ra một năm qua mình cố gắng như thế không hề vô ích. May mắn là cô đã quyết định trở về, nếu không đã hối hận khôn nguôi.
Qua đó có thể thấy, một năm trôi qua muôn hình vạn trạng. Quan trọng nhất không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, cũng không phải là đạt bao nhiêu thành tựu, mà là cả nhà còn có thể đoàn tụ, ngồi bên nhau nói cười.
Phòng khách của một ngôi nhà là nơi quây quần của gia đình và tiếp đãi bạn bè. Tiếng cười nhiều hơn, nhà mới có sức sống.
2. Mùi hương trong nhà bếp
Vào những ngày Tết, nhà bếp luôn sáng đèn và hoạt động hết công suất. Mẹ tất bật nấu nướng, chuẩn bị những món truyền thống cho ngày xuân, nhà bếp bốc khói và đậm mùi.
Những đứa trẻ ngửi thấy mùi thơm, mong ngóng được thưởng thức nhiều món ngon. Người xa quê lại càng trân quý khoảnh khắc này hơn, vì được lấp đầy bụng bởi những món mẹ làm, dân dã mà ấm lòng biết bao.
Mọi người chen chúc trong nhà bếp, ai cũng có nhiệm vụ riêng, ngay cả những đứa trẻ cũng được người lớn sai vặt rửa rau, nhặt hành… Cả nhà cùng nấu ăn cũng là khoảng thời gian để trút bầu tâm sự, nhiều câu chuyện được mở ra, cả tiếng cười cũng vang lên giòn giã hơn.
Lúc này, nhà bếp lộn xộn, nhiều hương vị nhưng đây cũng chính là hình ảnh nhà bếp dịp Tết nên có.
Khói và mùi vị trong nhà bếp ẩn chứa phúc lành lớn nhất của một ngôi nhà. Bếp là nơi nấu những món ngon, cũng là một trong những nơi ấm áp nhất và nhân văn nhất trong nhà. Một nhà bếp ấm áp có thể thúc đẩy sự tương tác và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Quanh năm bận rộn bên ngoài, mệt mỏi cùng tổn thương chồng chất, cách chữa lành đơn giản nhất là về nhà vào ngày Tết, thưởng cho mình bát cơm nóng. Thức ăn bên ngoài, ngay cả sơn hào hải vị cũng không thể bằng hương vị nơi quê nhà. Nhà bếp có hơi ấm, gia đình sung túc, viên mãn.
3. Cái ôm trước hiên nhà
Một dân mạng kể lại câu chuyện anh trai cả trong nhà bất ngờ trở về đón Tết sau 5 năm làm việc ở nước ngoài. Khoảnh khắc anh trai lên tiếng gọi bố mẹ ngoài cổng, cả nhà như vỡ òa trong xúc động. Cô vẫn nhớ như in hình ảnh bố mẹ ôm chầm lấy anh trai, tiếng cười và nước mắt đều có đủ.
Thật vậy! Tết sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu không có sự đoàn viên và sum họp, đặc biệt là gia đình có con cái đi học hoặc đi làm xa.
Sự vắng mặt của một thành viên trong gia đình khiến bầu không khí ngày xuân bớt đi vài phần hạnh phúc.
Vì vậy, dù bận bịu đến mấy, tất bật đến đâu, hãy sắp xếp và tạm gác lại mọi thứ để trở về. Bạn đã dành gần một năm trời ở ngoài bươn chải, thôi thì hãy trở về vài ngày để đoàn tụ với gia đình bởi lẽ ở nhà có cha mẹ ngóng trông, có bữa cơm ngon ngày Tết, có tiếng cười nơi phòng khách và cái ôm trước hiên nhà.
Xúc động mẹ chồng U70 nhặt ve chai nuôi con dâu chạy thận suốt 12 năm
Sau khi sinh con đầu lòng, chị Liễu mắc trọng bệnh tới tận bây giờ nhưng may có mẹ chồng hỗ trợ.
Chị Liễu và mẹ chồng
Tính đến hiện tại, chị Lê Thị Thúy Liễu (38 tuổi, quê ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã làm dâu của mẹ chồng Võ Thị Huệ (68 tuổi, hiện sống ở quận 8, TP HCM) được 12 năm. Chị sinh cho mẹ chồng 3 đứa cháu nội, bé nhỏ nhất đã 5 tuổi. Những tưởng cuộc sống sẽ tràn ngập niềm vui với tiếng cười đùa của con cháu nhưng giờ đây nước mắt của chị Liễu đã cạn khô vì chị mắc trọng bệnh.
Bà mẹ 3 con cho biết, chị và ông xã trước đây làm cùng công ty. Lúc anh dẫn chị về ra mắt, chị khá lo lắng vì sợ mẹ chồng khó tính, nhưng khi gặp rồi chị mới biết mẹ dễ tính, thoải mái nhường nào. Về phía cô Huệ, cô đã có ấn tượng tốt về nàng dâu ngay từ lần gặp mặt đầu tiên. "Thấy nó hiền hậu nên cô thương ngay từ lúc đầu gặp mặt luôn. Cô thương con dâu như con gái vậy", cô Huệ tâm sự.
Cô Huệ làm nghề thu mua ve chai, thu nhập bấp bênh, hôm nào nhiều thì kiếm được 200-300 nghìn, ít thì kiếm được 100 nghìn, nhưng có hôm chỉ kiếm được vài chục nghìn. Chồng cô trước làm nghề chạy xe ôm, nhưng giờ sức khỏe yếu nên ông đi làm bảo vệ ở quán ăn với mức lương 3 triệu/tháng. Tuy khó khăn là vậy nhưng ngày con trai lấy vợ, bà vẫn đi vay mượn khắp nơi để lo cho con một đám cưới đàng hoàng, đầy đủ.
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Liễu ở cùng bố mẹ chồng một thời gian, sau này dì cho mượn căn nhà nên mới chuyển ra đó ở. Vì công việc bận rộng nên việc cơm nước, nhà cửa chủ yếu một mình bà Huệ lo. Lúc chị mang thai, mẹ chồng thỉnh thoảng mua đồ ngon cho chị tẩm bổ.
Cuộc sống cứ thế bình dị trôi qua cho tới khi chị hạ sinh con đầu lòng. 3 tháng sau khi sinh con, sức khỏe của chị bỗng lao dốc, lúc nào chị cũng cảm thấy mệt mỏi trong người, đi khám mới phát hiện mắc bệnh Lupus ban đỏ và nằm bệnh viện điều trị cả tháng. " Móng tay móng chân tróc hết trơn, lột như da rắn", cô Huệ kể về tình trạng của chị Liễu lúc ấy.
3 năm trở lại đây, bệnh biến chứng khiến chị Liễu phải đi chạy thận 3 lần mỗi tuần. Chị Liễu nghẹn ngào kể: " Hồi con gái tôi khỏe lắm, viên thuốc Tây còn chẳng bao giờ phải uống nữa mà, đâu nghĩ mình sinh xong bệnh như vậy. Sau này bệnh biến chứng qua thận là khóc hoài, nhưng giờ cũng hết nước mắt để khóc rồi.
Tôi chạy thận theo cách thẩm phân, lúc trước chạy bụng to còn hơn bầu 8 tháng. Chạy hơn 2 năm, bụng bị nhiễm trùng mới rút ống ra, mổ tay chạy thận tiếp. Cực lắm. Tôi phải uống thuốc mỗi ngày, có hại nhiều thứ lắm nhưng không thể không uống. Giờ chạy thận tới đâu hay tới đó thôi chứ làm gì còn sức khỏe lâu đâu, tại bệnh Lupus ban đỏ này khiến mình không còn miễn dịch nữa, biến chứng thế nào mình phải chịu thế đó thôi, chứ đâu có chữa được".
Bị bệnh tật quấn chân, chị Liễu không thể đi làm được, gánh nặng tài chính đều đổ dồn lên vai người chồng làm tài xế cho công ty thiết bị y tế. Tuy nhiên đồng lương ba cọc ba đồng căn bản không đủ, phải vay mượn thêm khắp nơi vì thế cô Huệ cũng đi nhặt ve chai để kiếm thêm tiền, hỗ trợ thêm cho nàng dâu chữa bệnh. Bên cạnh đó, mỗi lần con dâu vào bệnh viện, cô Huệ lại nghỉ làm để ở nhà chăm sóc 3 đứa cháu nhỏ, cho nên kinh tế ngày càng eo hẹp.
Mặc dù con dâu về nhà 12 năm thì bệnh cả 12 năm nhưng cô Huệ rất thương con dâu chứ không hề ghét bỏ. Nhiều lần cô khóc vì xót con phải chịu nhiều đau đớn. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của cô là được nhìn thấy các cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn, con dâu có sức khỏe để chăm con là cô mừng rồi.
Tuy cuộc sống khó khăn nhưng chị Liễu vẫn cảm thấy bản thân may mắn hơn nhiều người khác vì luôn có chồng, gia đình nội ngoại hai bên động viên, hỗ trợ. Thương chồng, thương con, thương bố mẹ lắm nhưng chị cũng không biết phải làm sao, thôi thì cứ cố gắng vui vẻ, sống bên gia đình đến ngày nào hay ngày đó vậy.
'Gia vị' khiến đối phương 'chết mê chết mệt', hôn nhân thêm hạnh phúc Nếu cuộc sống gia đình mà thiếu vắng đi tiếng cười thì sẽ đơn điệu, tẻ nhạt đến thế nào! Hãy biết cách nêm nếm một chút hài hước làm gia vị cho cuộc sống sẽ khiến đối phương "chết mê chết mệt". Hạnh phúc không tự nhiên mà có. Hạnh phúc bắt đầu từ những lựa chọn, gìn giữ, đấu tranh và...