Năm hệ thống vũ khí của Ấn Độ mà Trung Quốc e ngại
Mới đây, tạp chí “ National Interest” có trụ sở ở Washington đã đăng bài viết của Kyle Mizokami – chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực quốc phòng ở San Francisco (Mỹ) – về 5 hệ thống vũ khí hiện đại của quân đội Ấn Độ có thể là mối đe dọa đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên chiến trường.
Tàu sân bay IND Vikramaditya.
Một là, tàu sân bay IND Vikramaditya mua của cường quốc vũ khí Nga. Hàng không mẫu hạm Vikramaditya được đưa vào phục vụ hải quân Ấn Độ từ năm 2013 và hiện là hàng không mẫu hạm mới nhất và hùng mạnh nhất của hải quân Ấn Độ. Theo ước tính, tàu sân bay IND Vikramaditya mang theo khoảng 30 máy bay chiến đấu loại MiG-29K và 12 máy bay trực thăng phục vụ các hoạt động chiến đấu.
Hàng không mẫu hạm này sẽ giúp hải quân Ấn Độ gia tăng phạm vi hoạt động của hạm đội tàu chiến. Kyle Mizokami nhận định: “Nếu Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra giao tranh, cuộc chiến thực sự sẽ là cuộc chiến trên biển. Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ của nước ngoài, 2/3 trong số đó phải đi qua Ấn Độ Dương”. Theo “Wantchinatimes”, hải quân Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm tác chiến với tàu sân bay hơn Trung Quốc vì họ bắt đầu vận hành chiếc tàu sân bay đầu tiên từ năm 1961.
Hai là, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, được gọi là FGFA. Đây là loại chiến đấu cơ với thiết kế dành riêng cho lực lượng không quân Ấn Độ, dựa trên chương trình máy bay chiến đấu PAK-FA của Nga. FGFA cho phép không quân Ấn Độ cạnh tranh với chiến đấu cơ F-22 của Mỹ và máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc là J-20. Nó sẽ cho phép Ấn Độ trở thành đối thủ cân tài cân sức với không lực Trung Quốc trong tương lai.
Ba là, tên lửa chống hạm Brahmos. Với tốc độ siêu thanh lên tới mức Mach 3, tên lửa Brahmos là mối đe dọa đáng kể đối với PLA. Chuyên gia Kyle Mizokami nhấn mạnh rằng loại tên lửa chống hạm này có tốc độ quá nhanh, khó có thể đối phó. Theo chuyên gia này, nếu tên lửa Brahmos được sử dụng thì hệ thống phòng không Trung Quốc, cả trên mặt đất và trên biển, chỉ có vài giây để phản ứng.
Video đang HOT
Bốn là, tàu khu trục lớp Kolkata. Ông Kyle Mizokami nói rằng tàu khu trục lớp Kolakta cung cấp khả năng phòng không cho các tàu như tàu sân bay IND Vikramaditya. Theo chuyên gia này, Trung Quốc cần phải nhận thức được điều quan trọng là tàu khu trục lớp Kolkata của Ấn Độ được trang bị tới 16 tên lửa Brahmos.
Năm là, tàu ngầm lớp Arihant mang tên lửa đạn đạo. Theo chuyên gia Kyle Mizokami, loại tàu ngầm hạt nhân này không chỉ là mối đe dọa đối với các tàu chiến của PLA đang hoạt động ở các vùng biển xa đất liền mà nó còn là mối đe dọa đối với các mục tiêu ở trên đất liền của Trung Quốc. Với tầm bắn 3.500km, loại tàu ngầm được trang bị tới 12 tên lửa K-15 này có thể tấn công tới tận thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khi được phóng từ các vùng biển của Ấn Độ.
Theo Lao động
Tướng Trung Quốc: Liên minh với cường quốc sẽ làm 'bất ổn' khu vực
Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Sun Jianguo vừa cảnh báo các nước nhỏ không nên liên kết với các cường quốc để "gây bất ổn an ninh khu vực".
Tàu Trung Quốc (trái) hung hãn lao vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Ảnh: Độc Lập
Ông Sun đưa ra phát ngôn trên trong bài phát biểu trước các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới thường niên ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 22.6, theo đài NHK (Nhật Bản).
Ông Sun cho rằng những nước nhỏ không nên dựa vào các cường quốc để gây rối. Các nước nhỏ cũng không nên xem thường những nước lớn hơn hoặc hủy hoại an ninh khu vực vì lợi ích riêng, ông Sun nói.
Đài NHK nhận định những phát ngôn của ông Sun được cho là nhằm cảnh cáo Việt Nam và Philippines không nên hợp tác với Mỹ và các quốc gia khác để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với trang tin tức Rappler (Philippines) ngày 22.6, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam, Philippines cùng đoàn kết để đối phó với các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông.
Đại sứ Dương nhấn mạnh rằng Việt Nam và Philippines đang ở cùng một phía và "cùng đoàn kết, hai nước sẽ chiến thắng".
Đại sứ Dương cho biết Việt Nam hết sức bất bình với hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông, đồng thời khẳng định dân tộc Việt Nam có truyền thống bảo vệ đất nước chống lại ngoại xâm.
"Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam từ ngàn năm nay. Vì thế chúng tôi không thể để nước khác đến và chiếm lấy", ông Dương nói với Rappler.
Ngoài ra, đại sứ cũng thẳng thắn chỉ trích rằng Trung Quốc luôn tuyên bố nước này đang trỗi dậy hòa bình, nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược.
"Việt Nam đã sống cạnh Trung Quốc hàng ngàn năm nay, nên chúng tôi biết cách đối phó với họ... Tuy nhiên, chiến tranh là giải pháp cuối cùng chúng tôi dùng đến trong tình hình hiện tại", ông Dương cho hay.
"Chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào. Sợ hãi không phải là điều chúng tôi đang cảm thấy ngay lúc này. Chúng tôi không sợ bất kỳ điều gì. Chúng tôi sẵn sàng đối đầu với bất kỳ điều gì diễn ra sắp tới", ông Dương trả lời khi được Rapplerhỏi rằng liệu Việt Nam có sợ hãi không khi phải đối phó với tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Itar-tass (Nga) hôm 19.6, Đại sứ Việt Nam tại Moscow Phạm Xuân Sơn đã cam kết Việt Nam sẽ ưu tiên cho Nga sử dụng quân cảng Cam Ranh, theo nhật báo Nezavisimaya (Nga).
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc sau đó đã có bài bình luận xuyên tạc rằng Việt Nam muốn dùng cảng Cam Ranh như "mồi nhử" để đổi lấy sự hậu thuẫn giúp chống lại Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc còn điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp và đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Theo TNO
Trung Quốc lại đưa tàu "khủng" tiếp tế quân sự xuống Biển Đông Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chuẩn bị triển khai ít nhất một tàu tiếp tế quân sự Type 903A đến Biển Đông để gọi là "tăng cường sức mạnh trong khu vực này", theo tờ Thời báo Hoàn cầu. Tàu tiếp tế quân sự Weishanhu thuộc Type 903A của Trung Quốc. Ảnh: Sinodefence Trước đó, hồi ngày...