Nam giới Trung Quốc đua nhau làm đẹp vì sợ ế
Sự độc lập về tài chính của phái đẹp khiến ngoại hình trở thành yếu tố cạnh tranh để nam giới Trung Quốc thoát khỏi tình trạng ế vợ.
Một hàng bán mỹ phẩm nam ở Trung Quốc. Ảnh: WSJ
Theo Gome Holdings, một trong những trung tâm mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, quần áo là mặt hàng được cánh mày râu mua nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, chứ không phải là sản phẩm điện tử như trước đây.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Kantar World cho thấy doanh số bán hàng sữa rửa mặt dành cho nam giới đạt hơn 1,5 tỷ nhân dân tệ (235 triệu USD) trong quý đầu tiên năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Asia One cho hay, quảng cáo mỹ phẩm nam giới tràn ngập trên thị trường không chỉ thúc đẩy hoạt động mua sắm trong ngày Độc thân vừa qua ở Trung Quốc, mà còn cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của đàn ông nước này về ngoại hình.
Trong xã hội hiện đại, khi vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao và sự lệ thuộc vào đàn ông về tài chính ngày càng giảm, ngoại hình trở thành yếu tố quan trọng với nam giới để cạnh tranh trên thị trường hôn nhân. Sự chênh lệch giới tính qua nhiều thập kỷ là nguyên nhân của tình trạng nam giới ế vợ ở Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2020, con số này đạt khoảng 30 triệu người.
Video đang HOT
Theo khảo sát của Bain Capital năm 2014, tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc có việc làm là 73%, cao hơn so với Mỹ và châu Âu. Dù mức lương chỉ bằng 65% so với nam giới, họ vẫn có thể độc lập về kinh tế.
Một người đàn ông chăm sóc da mặt tại hội chợ làm đẹp ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: China Daily
Vì có việc làm ổn định, phụ nữ có thể ít quan tâm đến thu thập của đàn ông mà thay vào đó là ngoại hình và cách cư xử của họ khi kén chồng. Chính điều này đã tạo sức ép khá lớn với đàn ông Trung Quốc, buộc họ phải chăm chút đến vẻ bề ngoài nhiều hơn.
Một yếu tố khác để đàn ông Trung Quốc quan tâm đến diện mạo là mong muốn theo đuổi lối sống lành mạnh. Nghiên cứu của IBIS World, một công ty thông tin thương mại Australia, chỉ ra rằng doanh thu của các trung tâm thể hình tại Trung Quốc đã tăng từ 582 triệu USD trong năm 2004 lên gần 3,7 tỷ USD trong năm 2012, và dự đoán đạt hơn 6,8 tỷ USD trong ba năm tới. Sự tăng trưởng này được lý giải một phần là do đàn ông Trung Quốc muốn có thân hình quyến rũ hơn.
Thùy Linh
Theo VNE
Giáo sư gây tranh cãi vì gợi ý chung vợ, kết hôn đồng giới
Một giáo sư kinh tế học đề xuất giải pháp một phụ nữ lấy nhiều đàn ông, hay nam giới lấy nhau trong bối cảnh dự kiến hơn 30 triệu đàn ông Trung Quốc sẽ ế vợ năm 2020.
Giáo sư Xie cho rằng nam kết hôn với nam là một giải pháp cho tình trạng nam giới ế vợ ở Trung Quốc. Ảnh minh họa : Mapsable
Theo SCMP, Xie Zuoshi, giáo sư đại học Kinh tế tài chính Chiết Giang cho rằng đây là một giải pháp thiết thực để giải quyết hậu quả từ sự chênh lệch giới tính rất cao qua nhiều thập kỷ. Dự kiến năm 2020, sẽ có 30 triệu đàn ông Trung Quốc ế vợ.
Trung Quốc vốn có truyền thống trọng nam khinh nữ, điều này càng được thể hiện rõ rệt hơn khi nhà nước áp dụng chính sách một con. Tỷ lệ sinh con trai so với con gái tăng đều đặn và đạt đỉnh vào năm 2009 trước khi giảm xuống còn 1,16 năm 2014. Tỷ lệ giới tính trung bình ở Trung Quốc dao động từ 1,02 đến 1,07 nam trên một nữ.
"Thực tế chúng ta có quá nhiều đàn ông so với phụ nữ. Những vấn đề xã hội nghiêm trọng như hiếp dâm và bạo lực sẽ xảy ra nếu đàn ông không tìm được vợ. Tuy nhiên chúng ta có thể thay đổi điều đó nếu cho họ có sự lựa chọn", Xie chia sẻ và cho rằng mình đang nhìn vấn đề từ quan điểm kinh tế.
Theo tương quan cung cầu, sự gia tăng đàn ông độc thân làm khan hiếm và nâng cao giá trị của phụ nữ. Đàn ông có thu nhập cao tìm được vợ dễ hơn vì họ có đủ khả năng tài chính chăm sóc gia đình. Đối với những người có nhu nhập thấp, chia sẻ vợ chung cùng người khác là một sự lựa chọn.
"Tôi không hề nói đùa. Bất kỳ ai nếu suy nghĩ hợp lý cũng sẽ có cùng kết luận. Chúng ta không tước đoạt quyền được lấy vợ của họ chỉ để tuân theo những giá trị đạo đức", Xie cho rằng việc này đã có ở những vùng nông thôn nghèo nơi anh em chia sẻ vợ với nhau. Bản thân ông đã 50 tuổi và kết hôn.
Một giải pháp khác có thể là cho những người phụ nữ ở các nước khác trong khu vực châu Á tới Trung Quốc kết hôn.
Ông thậm chí còn đề xuất Trung Quốc thay đổi luật pháp để một vợ một chồng không còn là hình thức hôn nhân hợp pháp duy nhất. Theo ông chia sẻ vợ chồng hoặc hôn nhân đồng tính cũng nên được cho phép.
Đề xuất của Xie gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Rất nhiều người đặt câu hỏi về tư cách đạo đức của ông, nhưng cũng không ít người lên tiếng ủng hộ.
Một người đồng ý với Xie cho rằng ở những vùng nông thôn nghèo tại quê hương của ông việc chia sẻ vợ và gánh nặng kinh tế gia đình là phổ biến trước năm 1949. Người khác lại cho rằng hôn nhân là một vấn đề riêng tư và phụ thuộc vào sự đồng thuận của các bên liên quan.
Tuấn Vũ
Theo VNE
Thu nhập 20 triệu, ngoài 30 tuổi vẫn ế vợ và chưa biết 'mùi đời' Không chỉ các cô gái mới hay bị kêu ế chồng, tôi cũng đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa từng biết "mùi đời", chưa vợ con dù rất muốn. Tôi sinh năm 84, tính ra cũng học đại học và ra trường đi làm được chừng 10 năm. Một chàng trai tỉnh lẻ, nhà cũng không phải khá giả gì nên tôi...