Nam Định sẽ xử lý nghiêm vụ gây rối, cản trở công ty Đài Loan
Cơ quan chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo, xúi giục người dân gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamani (vùng lãnh thổ Đài Loan) đóng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Cổng chính của công ty Yamani (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN)
Đây là khẳng định của ông Vũ Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trực tại cuộc gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí ngày 28/6 nhằm thông tin kịp thời về việc khoảng 100 người dân xóm Đông Trung Thắng (xã Nam Hồng) đã tụ tập gây rối, cản trở hoạt động của doanh nghiệp này trong gần 3 tuần qua.
Theo ông Vũ Đức Hạnh, liên tục từ ngày 11/6 đến nay (sáng từ 6-8 giờ, chiều từ 16 giờ 30-19 giờ 30) tại cổng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamani đóng tại Cụm công nghiệp Nam Hồng thường có khoảng 80-100 người (ở xóm Đông Trung Thắng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) mang theo cờ, biểu ngữ tụ tập, ngăn cản công nhân vào làm việc.
Nhóm người địa phương này còn tổ chức tuần hành trên một số trục đường của xã; có hành động chặn đánh, nhắn tin qua điện thoại đe dọa công nhân, dùng điện thoại quay cảnh lộn xộn trước cổng doanh nghiệp để vu cáo, làm phức tạp thêm tình hình, cản trở quá trình giải quyết của chính quyền và làm ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty Yamani.
Để xây dựng Cụm công nghiệp Nam Hồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 3508/2003/QĐ-UB ngày 18/12/2003 về việc thu hồi và giao đất cho Ban quản lý dự án huyện Nam Trực. Theo đó, diện tích thu hồi phục vụ dự án là 142.735m2 đất 2 lúa tại xứ đồng Trì Hoàng (xóm Đông Trung Thắng), trong đó có hơn 4.600m2 đất do Ủy ban Nhân dân xã Nam Hồng quản lý và hơn 13.800m2 của 167 hộ dân của xóm Đông Trung Thắng.
Sau khi Ban giải phóng mặt bằng huyện Nam Trực, Ủy ban Nhân dân xã Nam Hồng và xóm có đất bị thu hồi tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng theo quy định, các hộ đã ký nhận thống kê diện tích đất thu hồi và phương án đền bù, hỗ trợ đồng thời cam kết không khiếu nại.
Đến ngày 20/12/2003, có 151 hộ đã nhận hết tiền đền bù. Vào thời điểm tháng 12/2006 chỉ còn 4 hộ không nhận tiền. Hiện một trong 4 hộ này đã đồng ý phương án đổi đất, 3 hộ còn lại là các ông Ngô Trường Sơn, Ngô Sỹ Truật và Trần Văn Đạc thực tế đã sử dụng diện tích đất thu hồi nằm ngoài tường bao cụm công nghiệp với diện tích đất lớn hơn diện tích thu hồi và canh tác cho tới nay.
Video đang HOT
Vấn đề bắt đầu phát sinh phức tạp khi các hộ xóm Đông Trung Thắng ngày 19/1/2014 có đơn kiến nghị tiếp tục được đền bù, hỗ trợ đối với số diện tích bị thu hồi sau năm 2013 (vì họ hiểu rằng đất chỉ cho thuê đến hết năm 2013).
Chính quyền huyện Nam Trực cùng các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã tiến hành 3 cuộc đối thoại với các hộ để tuyên truyền, vận động.
Để hỗ trợ người dân xóm Đông Trung Thắng, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trực đưa ra phương án hỗ trợ an sinh như hỗ trợ kinh phí học nghề cho người lao động có nhu cầu; với người ngoài độ tuổi lao động thì hỗ trợ bằng tiền; hỗ trợ xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng chính như thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, các hộ vẫn không nhất trí và trong tối 10/6 các hộ xóm Đông Trung Thắng thống nhất tổ chức gây rối trật tự công cộng tại doanh nghiệp Yamani để đòi huyện phải giải quyết yêu cầu của họ.
Từ ngày 11/6 đến nay, khoảng 100 người dân xóm Đông Trung Thắng thường xuyên tụ tập, cản trở công nhân ra vào Công ty Yamani.
Ông Hạnh cho biết, việc người dân xóm Đông Trung Thắng gây rối là do có người lôi kéo, xúi giục. Đây là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây mất trật tự an ninh ở địa phương, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty Yamani, doanh nghiệp có 100% vốn của nước ngoài, chuyên sản xuất đồ da (túi, ví, thắt lưng).
Cũng từ ngày 11/6, để đảm bảo an ninh trật tự, Công an huyện Nam Trực luôn bố trí lực lượng túc trực tại doanh nghiệp Yamani, có ngày khoảng 70-100 chiến sỹ được phân công tới làm nhiệm vụ. Sáng 23/6, lực lượng công an huyện đã bắt, tạm giữ hành chính 7 đối tượng có hành vi cản trở công nhân vào làm việc tại Công ty Yamani để xử lý.
Ông Vũ Đức Hạnh khẳng định quá trình thu hồi, đền bù, huyện đã làm đúng các bước theo quy định và không có chuyện bồi thường lần hai vì yêu cầu của các hộ là trái với quy định của pháp luật, hành động sai trái của các hộ là do bị lôi kéo; đồng thời cho biết sẽ kiên quyết xử lý những đối tượng xúi giục. lôi kéo người dân.
Cũng tại cuộc gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí, ông Trần Văn Chung, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết quan điểm của tỉnh Nam Định là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng lôi kéo để đảm bảo an ninh trật tự công cộng, bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp hoạt động, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.
Theo Vietnam
Trung tướng Hoàng Kông Tư: "Đảm bảo an toàn tuyệt đối các nhà đầu tư nước ngoài"
Quyền tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II Hoàng Kông Tư chiều 17/5 khẳng định, Bộ Công an đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc.
Video: Đằng sau những vụ gây rối tại Bình Dương
Tại cuộc họp báo quốc tế về các vụ việc liên quan tới trật tự trị an tại một số địa phương ở Việt Nam, Trung tướng Hoàng Kông Tư thông tin thêm về việc gây rối của những kẻ xấu quá khích, vi phạm pháp luật, đập phá nhà máy của nhiều công ty tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Formosa (Hà Tĩnh). Đã có 2 người thiệt mạng, gần 140 người bị thương, hàng trăm người vi phạm pháp luật bị tạm giữ. Trên 300 người đã bị khởi tố điều tra vì các tội danh gây rối, trộm cắp, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ.
"Cơ quan an ninh lấy làm tiếc. Hành vi của các đối tượng quá khích đã vi phạm pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư nước ngoài", Quyền tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II, chia sẻ.
Trung tướng Tư chia sẻ thêm, hai người Trung Quốc thiệt mạng là do xô xát với công nhân, với những người quá khích. Khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã kịp thời tìm mọi biện pháp cùng lực lượng bác sĩ để cứu chữa, nhưng rất tiếc họ không qua khỏi. Đến nay cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trung tướng Hoàng Kông Tư trả lời tại cuộc họp báo quốc tế chiều 17/5. Ảnh: Quý Đoàn.
"Hiện nay Bộ Công an đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc", Trung tướng nói.
Trước câu hỏi của nhà báo về thông tin có những kẻ xấu đã chi một khoản tiền cho các công nhân biểu tình đập phá các công ty trong khu công nghiệp, Trung tướng Tư cho hay, đang lưu ý để điều tra và đến nay chưa có thông tin chính thức.
Tại cuộc họp báo, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đã khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp an toàn hữu hiệu bảo vệ công dân nước ngoài, đảm bảo mọi sự cố đáng tiếc như vừa qua không tái diễn và phối hợp các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả sự việc.
Trước đó ngày 13/5, khoảng 19.000 công nhân ở Bình Dương tổ chức diễu hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. Một số người quá khích đã đột nhập phá hoại tài sản nhiều công ty. Tương tự, tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, một nhóm người đã kích động hàng nghìn công nhân kéo đến nhà máy Formosa để gây hấn với các lao động người Trung Quốc dẫn đến xô xát khiến nhiều người bị thương.
Trước tình hình nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại các khu công nghiệp bị phá hủy tài sản, một số nhà báo quốc tế đặt câu hỏi, Chính phủ Việt Nam có biện pháp nào để họ tiếp tục yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Ông Đặng Minh Khôi nói, các lãnh đạo địa phương đã chủ động đối thoại với doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam sẽ có biện pháp cần thiết để họ sớm đi vào hoạt động sản xuất. "Chúng tôi ghi nhận đóng góp tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam", ông chia sẻ thêm.
Đại diện các cơ quan chức năng Việt Nam cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Ảnh: Quý Đoàn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến tại giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép hiện nay, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã bày tỏ cương quyết phản đối, nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và đang duy trì các kênh trao đổi tiếp xúc với phía Trung Quốc. Đến nay, hai bên từ cấp thứ trưởng trở lên đã có 12 cuộc gặp gỡ trao đổi với nhau và nhiều cuộc gặp gỡ ở các cấp thấp hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh và bày tỏ rõ ràng quan điểm lập trường của Việt Nam, đồng thời khẳng định ý chí và quyết tâm của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không thể xâm phạm.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bất chấp yêu cầu của Việt Nam, huy động nhiều tàu và vẫn duy trì giàn khoan. "Chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa. Chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".
Tham dự buổi họp báo quốc tế ngày 17/5 có ông Lê Hải Bình, quyền vụ trưởng vụ Thông tin Báo chí cùng ông Đặng Minh Khôi, trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao); ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương; ông Đặng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; Trung tướng Hoàng Kông Tư; ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cuộc họp đã thu hút hàng trăm nhà báo trong và ngoài nước.
Theo VNE