Nam Định: Ra giữa sông Hồng nuôi cá, “liều ăn hơi nhiều” tí thôi
Cái ngày anh Chu Văn Hoàn ra giữa sông Hồng làm lồng nuôi cá đặc sản, nhiều người lắc đầu khuyên can rằng, đừng có liều, lơ mơ gió bãi nó cuốn cả chì lẫn chài thì khổ. Nhưng với quyết tâm và bằng những quan sát, thăm quan thực tế, anh Hoàn vẫn ra sông Hồng nuôi cá. Nhiều người lại lắc đầu nói: Buôn cá thì trúng chứ nuôi cá có khi vỡ nợ. Tay này chắc tính liều ăn nhiều đây.
Không bằng lòng với công việc hiện tại và với niềm khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Chu Văn Hoàn đã từ bỏ công việc ổn định về nhà xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng và anh đã kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi cá của mình, anh Hoàn cho biết, trước khi bén duyên với nghề nuôi cá anh từng làm nghề buôn cá trong một thời gian dài. Trong quá trình đi mua cá từ các hộ dân nuôi, anh nhận thấy con cá lăng và cá diêu hồng rất dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế khá cao, mặt khác nhà anh lại nằm gần sông Hồng nên rất phù hợp nuôi loài cá này.
Nhờ nuôi cá lăng trên sông Hồng mà mỗi năm gia đình anh Hoàn kiếm được hàng trăm triệu đồng.
Sau nhiều lần bàn bạc với gia đình, anh Hoàn quyết định bỏ nghề buôn cá về quê xây dựng mô hình nuôi cá trên sông. Đầu năm 2014, anh Hoàn đầu tư hơn 200m2 lồng bè và mua cá lăng, cá điêu hồng mỗi loại một vạn con giống về nuôi thử nghiệm. Do chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi cá lăng nên đàn cá của anh luôn phát triển tốt và năm đó anh lãi được gần 100 triệu đồng.
Nhận thấy loại cá này dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hoàn tiếp tục đầu tư mở rông mô hình. Đến nay, sau gần 4 năm nuôi quy mô lồng bè của gia đình anh Hoàn đã rộng lên tới 1.200m2 và thả nuôi hàng vạn con cá mỗi lứa.
Lồng bè nuôi cá rộng hơn 1.200m2 trên sông Hồng đoạn chảy qua xã Mỹ Tân của gia đình anh Chu Văn Hoàn.
Trong quá trình nuôi cá, anh Hoàn không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi cá, cũng như đi thăm quan các mô hình nuôi cá trên sông cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.
Video đang HOT
Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình anh Hoàn xuất bán ra thị trường gần 50 tấn cá diêu hồng với giá 60.000 đồng/1kg và hơn 40 tấn cá lăng đen với giá trên dưới 80.000 đồng/1kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh Hoàn lãi hơn 200 triệu đồng.
Cá lăng đặc sản có thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thịt cá không có dăm xương và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. (Trong ảnh là 1 con cá lăng đen khá lớn)
Anh Chu Văn Hoàn cho biết, cá lăng từ lâu được biết đến là một loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao vì thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thịt cá không có dăm xương và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Mặt khác, cá lăng của gia đình được cho ăn thêm cá con nên thịt cũng thơm ngon hơn.
Cũng theo anh Hoàn, hiện anh đang nuôi 2 loại cá là lăng và cá diêu hồng. Nhìn chung hai loài cá này rất dễ nuôi, ít bị bệnh tật, giá bán cũng khá cao và đầu ra cũng rất ổn định. Trung bình sau khoảng từ 1-2 năm nuôi là có thể thu hoạch được và lúc đó con cá lăng cũng đạt trọng lượng bình quân khoảng từ 3-5kg/con, cá diêu hồng khoảng trên dưới 1kg/con.
Trung bình mỗi năm, anh Chu Văn Hoàn xuất bán ra thị trường khoảng gần 50 tấn cá diêu hồng và hơn 40 tấn cá lăng sông .
Tuy là nghề dễ ăn nên làm ra, nhưng anh Hoàn cũng cảnh báo những rủi ro mà nghề này gặp phải Nghề nuôi cá trên sông không giống như nuôi cá trong ao, vì chi phí đầu tư khá lớn mà lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đổi lại cá nuôi ở đây lại nhanh lớn và nuôi được mật độ dày. Năm 2016, cơn bão số 1 đã cuốn trôi toàn bộ bè cá sắp được thu hoạch của gia đình tôi đi mất, năm đó tôi bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng anh Hoàn nghẹn ngào nói.
Những ái ngại và can ngăn từ những người hàng xóm láng giềng của anh Hoàn đến nay phần lớn là đúng. Đó là rủi ro thiệt hại 2 tỷ đồng do cơn bão số 1 năm 2016. Và anh Hoàn không liều ăn nhiều mà chỉ liều ăn hơi nhiều tí thôi. Có người nói dí dỏm như vậy khi đề cập đến chuyện anh Hoàn ra giữa sông Hồng nuôi cá ngày nào.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá lăng, cá diêu hồng, anh Chu Văn Hoàn cho hay, muốn nuôi được loại cá này trên sông thì trước tiên cần phải đầu tư lồng bè bài bản, vì trong quá trình nuôi không sợ bị thất thoát mà con cá lại lớn nhanh. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần chú ý và theo dõi xem cá có hiện tượng gì lạ không để còn có biện pháp xử lý kịp thời…
Theo Danviet
Tuân thủ "5 cao, 3 thấp", nuôi cá lồng hiệu quả và bền vững
Đó là khẳng định của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, với chủ đề "Phát triển cá lồng hiệu quả cao và bền vững trên sông và hồ chứa vùng trung du miền núi phía Bắc", vừa tổ chức tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Khu vực Trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ chứa tại một số tỉnh miền Bắc phát triển mạnh. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng đen, cá rô phi, cá diêu hồng, cá chiên, cá ngạnh, trắm, chép...
Nghề nuôi cá lồng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao sản lượng và tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Các đại biểu dự diễn đàn tham quan mô hình cá lồng của Hợp tác xã Hợp Lực, thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: V.C
"Để nuôi cá lồng, bà con cần chuẩn bị đủ vốn và tinh thần. Tinh thần ở đây là công nghệ, là phương pháp và cả sự quyết tâm, tính sáng tạo. Phải làm từ nhỏ đến lớn, khi có kinh nghiệm, kỹ thuật, vốn thì mới nhân rộng. Trong quá trình nuôi, bà con cần phải ghi chép sổ nhật ký, rút kinh nghiệm để vụ sau thắng lợi hơn". Ông Kim Văn Tiêu
Mặc dù số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Tiềm năng phát triển cá lồng ở vùng trung du miền núi phía Bắc là rất lớn, tuy vậy việc đánh thức tiềm năng, lợi thế này chưa được bao nhiêu.
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Phát triển cá lồng hiệu quả cao và bền vững trên sông và hồ chứa vùng trung du miền núi phía Bắc" tổ chức tại huyện Quỳnh Nhai, nhằm giới thiệu về những tiềm năng, lợi thế đó, để bà con nông dân hiểu rõ và phát huy.
Mấy năm gần đây, nghề nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung phát triển khá nhanh. Phần lớn người dân nơi đây nuôi cá lồng theo kiểu "3 không", tức là không có hợp đồng tiêu thụ, không biết bán cho ai và không biết bán với giá bao nhiêu là hợp lý nên khó tránh khỏi rủi ro.
Theo ông Tiêu, để phát triển cá lồng đạt hiệu quả cao, bền vững trên sông và hồ chứa, bà con nông dân cần thiết kế lồng phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nuôi. Việc lựa chọn con giống rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nghề nuôi cá lồng. Người nuôi cá lồng cần lựa chọn, mua con giống chất lượng tốt từ các cơ sở uy tín. Yêu cầu con giống phải khỏe mạnh, không bệnh tật, không xây xát, phải có địa chỉ rõ ràng và phải được kiểm dịch trước khi mua...
"Người dân cần tuân thủ, thực hiện tốt 5 cao, 3 thấp trong nuôi cá lồng. 5 cao là: Tốc độ sinh trưởng cao, tỷ lệ sống cao, năng suất cao, hiệu quả cao và số vụ thành công cao. 3 thấp là: Chi phí thức ăn thấp, giá thành thấp và thiệt hại thấp nhất. Cần bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn. Đây là một tiến bộ kĩ thuật, vì nếu bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn trong nuôi cá lồng, sẽ giúp cá tăng trưởng nhanh, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn và tăng giá thành sản phẩm. Làm được như vậy, chắc chắn bà con nông dân sẽ gặt hái nhiều thành công với nghề nuôi cá lồng" - ông Tiêu nhấn mạnh.
GS- TS Kim Văn Vạn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã chỉ ra các yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đó là: Chất lượng môi trường nước nuôi cá, chất lượng cá giống, thức ăn nuôi cá, vốn, thị trường tiêu thụ thủy sản, kỹ thuật...
"Nuôi cá lồng cần có quy hoạch vùng nuôi rõ ràng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Cần nắm chắc kỹ thuật nuôi, áp dụng giải pháp tổng hợp, hiểu được nguyên nhân và điều kiện phát sinh bệnh sẽ có giải pháp phòng trị bệnh tích cực, hiệu quả cho cá nuôi. Nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi thông qua việc cung cấp đủ, đúng chủng loại chất lượng thức ăn, thành phần dinh dưỡng theo lứa tuổi, theo loài nuôi" - GS Vạn cho hay.
300 nông dân nuôi cá lồng đến từ 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tham dự diễn đàn đã được nghe các chuyên gia về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản giải đáp cặn kẽ, tỉ mỉ những khúc mắc, băn khoăn thường gặp phải trong thực tế nuôi cá lồng thời gian qua.
Anh Bùi Văn Thưởng - nông dân ở xã Tân Hợp (Mộc Châu, Sơn La) cho hay: "Tham dự diễn đàn lần này, tôi được nghe chuyên gia giải thích, tư vấn về việc vệ sinh lồng sạch sẽ trước khi thả con giống. Các chuyên gia cũng đã tư vấn cho tôi nên lấy cá giống ở những cơ sở uy tín, chất lượng... Diễn đàn có ý nghĩa thiết thực, giúp người làm nghề nuôi cá lồng như chúng tôi hiểu rõ hơn những yếu tố cần thiết để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao và bền vững...".
Theo ông Kim Văn Tiêu, trước khi nuôi cá lồng, bà con cần phải tham quan, học hỏi trước rồi mới thực hiện. Nếu đã làm rồi thì vẫn phải tiếp tục tham quan để bổ sung cho mình những kiến thức mới. Khi đã tham quan rồi thì phải mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất cá lồng của mình.
Theo Danviet
Huế: Người dân điêu đứng khi cá lồng chết hàng loạt Sáng ngày 6/11, nước dâng cao trên sông Bồ đoạn qua Thị xã Hương Trà và xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế làm hàng trăm lồng cá bị cuốn trôi và chết sạch. Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 12 nên từ ngày 3-8/11, trên địa bàn...