Năm Đinh Dậu, có kiêng cúng gà đêm giao thừa?
Nhiều người cho rằng nếu cúng gà trong đêm giao thừa năm Đinh Dậu, gia đình sẽ gặp phải những điều không may mắn.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng năm Dậu hay những năm khác đều không kiêng cúng gà đêm giao thừa
Phong tục truyền thống, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa của người Việt thường có gà trống tơ. Tuy nhiên, năm Đinh Dậu, nhiều người cho rằng đã là năm gà thì không nên cúng gà, thay vào đó có thể cúng thịt lợn, giò chả. Thậm chí, nếu cúng gà gia đình sẽ gặp những điều không may trong năm mới.
“Chỉ không cúng khi có dịch cúm gia cầm”
Theo TS.Trần Hữu Sơn, PCT Hội Văn nghệ dân gian, cúng gà đêm giao thừa mang nhiều ý nghĩa, bắt nguồn từ truyền thuyết của một số dân tộc Việt Nam. Gà trống gáy gọi mặt trời chiếu sáng cho mặt đất tối tăm, lạnh lẽo.
Đêm giao thừa, còn gọi là đêm trừ tịch, khi trời đất tối tăm nhất. Mâm cỗ cúng giao thừa đặt ngoài trời, người ta cúng một gà trống với hy vọng sẽ đánh thức ánh sáng mặt trời, cầu một năm mùa màng tươi tốt.
Con gà gắn liền với nền văn hóa của cư dân lúa nước, tôn thờ mặt trời và ánh sáng. Hình ảnh con gà đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ cùng 2 chữ đại cát.
“Tín ngưỡng dân gian tin rằng, con gà là con vật duy nhất có thể đi xuyên thế giới, kết nối thế giới người và thần tiên, người sống và người chết. Cúng gà đêm giao thừa cũng là biểu tượng báo hiệu một năm mới bắt đầu”, TS Sơn nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho hay, nhiều vùng ở Việt Nam vẫn còn tục xem chân gà đêm giao thừa để dự đoán vận mệnh trong năm mới. Người Mông bói đầu gà, cổ, đùi và cả chân.
Video đang HOT
Cây đàn tính của người Tày có đầu hình gà, với mong muốn tiếng đàn tính có thể bay tới cõi thần tiên, cầu nối giữa người sống và người chết.
“Năm Dậu hay năm gì phong tục cúng giao thừa vẫn vậy. Có lẽ chỉ không nên cúng gà khi có dịch cúm gia cầm thôi”, TS Sơn nói.
Năm Dậu kiêng cúng gà thì các năm khác kiêng gì?
TS. Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng viện công nghệ giáo dục bày tỏ sự ngạc nhiên khi năm nay rất nhiều người hỏi ông năm Dậu có nên cúng gà đêm giao thừa.
“Suy luận đó có phần dân giã và trực cảm, thiếu cơ sở. Trong 12 con giáp có những con không hề có trong thực tế như con rồng chẳng hạn. Có ai tìm được rồng để cúng giao thừa không?”, ông Vịnh đặt câu hỏi.
Theo TS. Vịnh bên cạnh những ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng, bộ lông của gà trống hội tụ đủ 5 màu của ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Gà cúng trong đêm giao thừa phải là gà trống hoa, mới tập gáy, lông đủ màu, mào cờ thẳng đúng. Đặc biệt, gà trống phải chưa từng đạp mái, thể hiện sự thanh tịnh, tinh khiết.
Bên cạnh gà cúng, mâm cỗ cúng giao thừa gồm có xôi, bánh chưng, trầu cau, rượu, nước, vàng mã và hoa quả. Mâm cúng đêm giao thừa đặt ở ngoài trời, nơi quang đãng, sạch sẽ.
Bài cúng đêm giao thừa theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin: Nam mô A-di-đà Phật (3 lần) Kính lạy: – Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương – Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật – Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh – Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần – Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển – Con kính lạy ngài đương niên thiên quan Tống Vương Hành khiển, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan – Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Hổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần. Nay là phút giao thừa năm Ất Mùi với năm Bính Thân, chúng con là: …………….., sinh năm: ………, hành canh: ……….. tuổi, cư ngụ tại số nhà:………, ấp/khu phố:……….., xã/phường ……….., quận/huyện/ thành phố …………………., tỉnh/thành phố …………………… Nhân phút thiêng liêng Giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng-đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật-Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh. Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cái Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho tín chủ, minh niên kháng thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần. Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì. Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
Theo Danviet
Năm Đinh Dậu, xin chữ gì để gặp may mắn?
Nhà thư pháp cho rằng chữ Hán - Nôm hay chữ quốc ngữ cũng chỉ là ngôn ngữ truyền đạt thông tin, nó không đem lại "phép màu" để người ta có thể cầu cúng.
Xin chữ đầu năm là phong tục truyền thống của người Việt (ảnh: Dương Thanh)
Hình ảnh "câu đối đỏ" từ lâu đã trở thành một phần trong Tết truyền thống của người Việt. Mùng 3 đi Tết thầy, xin chữ đầu năm là việc quan trọng của nhiều gia đình xưa.
Sau thời gian bị lãng quên, gần đây phong tục này được tái hiện một phần thông qua những phố "ông đồ" ở Văn Miếu (Hà Nội) hay ở hội hoa xuân TP. HCM. Tuy nhiên, đến phố "ông đồ" nhiều người vẫn băn khoăn không biết mình nên xin chữ gì trong năm mới.
Đầu năm xin chữ "tự nhắc mình"
Nhà thư pháp Lê Trung Kiên, CLB Thư pháp Nhân Mỹ học đường Hà Nội cho rằng mọi người không nên quan niệm đi xin chữ về nhà để cầu may, tài lộc trong năm mới.
"Tôi nghĩ chúng ta không nên đặt vấn đề năm nay, năm sau hay năm sau nữa đi xin chữ gì để cầu may mắn, tài lộc hay thăng tiến. Chữ Hán - Nôm hay chữ quốc ngữ cũng chỉ là ngôn ngữ để truyền đạt thông tin. Người viết đẹp thì nâng chữ lên thành nghệ thuật thư pháp", ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, thời phong kiến, chữ Hán - Nôm là công cụ truyền bá tư tưởng Nho giáo, để vua quan trị quốc, người học tự rèn mình. Tục xin chữ đầu năm thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, nét đẹp trong văn hóa Việt.
"Thầy cho trò chữ để mong trò tự rèn luyện bản thân. Bạn bè tặng chữ để chúc nhau, để làm kỷ niệm. Con cháu xin chữ chúc ông bà, bố mẹ khỏe mạnh. Đó mới là đẹp.
Muốn cầu đỗ đạt, thủ khoa, công thành danh toại phải dựa vào sự cố gắng của bản thân mỗi người, không phải xin chữ về treo mà thành", ông Kiên nói.
Nhà thư pháp cho rằng mọi người có thể đi xin chữ để tự nhắc nhở bản thân kiên trì, bền chí, nhẫn lại. Xin chữ để cầu lợi bản thân, sẽ chẳng đem lại điều gì.
"Ai muốn có tiền bạc, mua may bán đắt tốt nhất đừng đi xin chữ để cầu. Tôi xin nói luôn đó mê tín. Chữ viết thế nào cũng không đem lại phép màu giúp con người đổi vận được", ông Kiên nói.
Năm Dậu tặng chữ "thanh phong", "kiên định"
Theo nhà thư pháp, họa sĩ Kiều Quốc Khánh hiện nay, người dân đến phố "ông đồ" giống như một hội xuân, "mua chữ" đẹp để thưởng thức nghệ thuật thư pháp hay đơn giản như một món đồ kỷ niệm. Sắc đỏ của giấy tượng trưng cho sự tươi sáng, rực rỡ, mùi giấy mực mới góp phần tăng hương vị trong ngày Tết.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh
"Xưa kia, người cho chữ là các ông đồ học cao, hiểu rộng hoặc người đỗ đạt khoa bảng cáo lão hồi hương. Người đi xin chữ với mong muốn thông qua chữ, xin được cái "khước" - sự may mắn, tài giỏi của ông đồ đem về, chứ không phải cầu may từ con chữ", ông Khánh giải thích.
Ông Khánh cho rằng việc xin chữ ngày nay dù không mang nhiều ý nghĩa như trước kia nhưng người viết cũng không được dễ dãi tùy tiện. Chữ viết phải đảm bảo tính thẩm mỹ, hiểu được nghĩa để giảng giải chữ cặn kẽ.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh cho biết, dịp cuối năm, ông thường nhìn lại chuyển biến của xã hội, bản thân và gia đình để đêm giao thừa khai bút tặng mọi người.
"Người ta thường bảo con gà có bới mới có ăn, năm Dậu có thể sẽ có một vài thách thức. Tôi viết cho mình hai chữ "kiên định", nhắc bản thân vượt qua những khó khăn, nắm bắt cơ hội. Tôi muốn tặng mọi người hai chữ "thanh phong" với mong muốn, năm mới sẽ có luồng sinh khí mới, tươi mát hơn".
Theo Danviet
Rung chuông đêm giao thừa có phải ý tưởng mới? Sở Văn hoá & Thể thao đưa ra ý tưởng, liên hệ các đền chùa, nhà thờ trên địa bàn TP sẽ rung chuông chào năm mới. Việc đánh chuông đêm giao thừa Tết Nguyên đán đã trở thành thông lệ của hầu hết các đền chùa, nhà thờ ở Việt Nam (ảnh: Tất Định) Mới đây, TP Hà Nội đã quyết định...