Nam Cường không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất?
Tập đoàn Nam Cường trả lại hơn 800 ha đất dự án tại Thạch Thất trong khi đã bỏ ra một số tiền không nhỏ cho công tác chuẩn bị đầu tư. Vì sao Nam Cường lại “hào hiệp” đến thế hay có uẩn khúc gì đằng sau?
Phối cảnh Khu đô thị Thạch Thất (nguồn: website Tập đoàn Nam Cường)
“Chủ động” trả dự án ngay sau khi có có quyết định thu hồi?
Ngày 26/6/2012, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có công văn số 511/KL-STNMT-TTr kết luận thanh tra về “việc chấp hành Luật Đất đai đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội được giao để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Thạch Thất tại huyện Thạch Thất, Hà Nội”. Trong công văn nêu rõ “Sau khi có Quyết định giao đất, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội chưa phối hợp với UBND huyện Thạch Thất thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chuẩn bị triển khai thực hiện dự án, sau 46 (bốn mươi sáu) tháng liên tục là vi phạm Khoản 4, Điều 2, Quyết định số 2979/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây); vi phạm Khoản 4, Điều 1, Quyết định số 2929/QĐ-UBND ngày 26/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc giao Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư và cấp phép thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Thạch Thất, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây; không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai
2003 để triển khai, thực hiện Dự án”
Từ thực kết quả thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có kiến nghị, “Thu hồi diện tích 8.030.315,5m2 đất trên địa bàn các xã: Phú Kim, Hương Ngải, Thạch Xá, Chàng Sơn, Kim Quan, Canh Nậu, thị trấn Liên Quan thuộc huyện Thạch Thất do công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) giao tại Quyết định số 2979/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 để đầu tư xây dựng Khu đô thị Thạch Thất nhưng công ty chưa triển khai thực hiện trong 46 (bốn mươi sáu) tháng…”
Ngày 5/7/2012, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan lập hồ sơ thu hồi đất của 8 đơn vị, doanh nghiệp do vi phạm Luật đất đai, với tổng diện tích thu hồi cực lớn, trình UBND TP ra quyết định thu hồi trong tháng 7/2012. Hơn 8 triệu m2 đất được giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội ở huyện Thạch Thất cũng có trong số này.
Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội cho công bố kế hoạch thu hồi dự án thì lập tức Tập đoàn Nam Cường đã phát đi thông điệp rằng họ đã chủ động giao trả dự án cho thành phố.
Trả lời trên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Oanh (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường khi đó) cho biết: “Dự án Khu đô thị mới Thạch Thất được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao làm chủ đầu tư vào tháng 7/2008. Kể từ đó, theo Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư đã “tập trung phối hợp với các cơ quan, ban ngành hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai các nội dung như lập phương án đền bù, đo đạc, lập bản đồ tổng thể và bản đồ tỷ lệ 1/1000 phục vụ công tác thu hồi đất…”.
Video đang HOT
Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Tuy nhiên, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng tiến hành rà soát toàn bộ các dự án khu đô thị thuộc địa giới Hà Nội mở rộng, tập đoàn này vẫn chưa được nhận bàn giao mặt bằng khu đô thị mới Thạch Thất để triển khai thực hiện.
Do đó, toàn bộ diện tích dự án khu đô thị mới Thạch Thất “vẫn thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương và nhân dân vẫn thực hiện canh tác, sản xuất bình thường”, theo thừa nhận của Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cương, ông Trần Oanh.
Thấy khó nên trả?
Tập đoàn Nam Cường nói vậy, nhưng những tín hiệu từ thị trường khi đó thì không minh chứng cho điều đó. Nhà đầu tư, trong mọi lĩnh vực và mọi thời điểm, luôn phải lấy mục tiêu lợi nhuận làm đầu. Nếu các điều kiện thị trường không thuận lợi, việc “tái cơ cấu” hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh là bình thường.
Trong câu chuyện của Nam Cường, quy hoạch chỉ là cái cớ. Việc từ bỏ dự án này có thể coi là một hoạt động cơ cấu lại danh mục đầu tư, điều mà các nhà đầu tư khôn ngoan phải làm. Động thái này đã gây sốc cho một số người, nhưng với những ai am hiểu về thị trường bất động sản Hà Nội, nó đã góp phần phơi bày một thực tế của thị trường trong bối cảnh khó khăn.
Thị trường bất động sản năm 2012 vẫn dẫm chân tại chỗ mà chưa thấy lối ra. Vào thời điểm này thì, ngay cả các dự án đã có đất sạch, quy hoạch đâu ra đấy còn khó có thể sinh lợi, thì nói gì đến những dự án mà ở đó “nhân dân vẫn thực hiện canh tác, sản xuất bình thường”. Với thực tế của thị trường bất động sản hiện nay, một dự án chưa có đất thì hoàn toàn có thể coi đó là một dự án trên giấy, dự án “bánh vẽ”!
Bên cạnh đó, nơi đặt Khu đô thị Thạch Thất cũng không hấp dẫn lắm đối với nhà đầu tư. Ngay trục đại lộ Thăng Long và quốc lộ 32, còn đó một loạt dự án nằm gần hơn rất nhiều như Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Kim Chung Di Trạch… về cơ bản đã có hạ tầng nhưng vẫn đang “ngủ đông”, thì cơ hội nào cho những dự án xa hơn như Khu đô thị mới Thạch Thất?
Không thiếu những nhà đầu tư phải rao bán toàn bộ hoặc một phần dự án. Tiền khôn phải được đổ vào đấy hơn là đi về những dự án ở khu vực như Thạch Thất.
Tại thời điểm đó, Nam Cường còn hàng loạt dự án đã và đang triển khai dang dở ở nhiều địa bàn khác nhau cũng rất cần vốn để triển khai tiếp.
PV sẽ tiếp tục cập nhật thông tin…
Theo An Ninh Tiền Tệ
Thu hồi hai dự án khủng của Tập đoàn Nam Cường
UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu Tập đoàn Nam Cường trả lại toàn bộ đại dự án gần 7.700 tỷ đồng sau nhiều năm "đắp chiếu".
Tuyến đường trục kinh tế Bắc Nam của Hà Tây (cũ) được Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng vào ngày 6/7/2007. Theo quy hoạch tuyến đường này dài 63,32km, chạy song song giữa vành đai 4 và 5, đường gom mỗi bên rộng 54m, với 6 làn xe và kinh phí dự toán khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng là tuyến đường hiện đại nhất Thủ đô, khi hoàn thiện sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phía Tây Hà Nội.
Để triển khai dự án này, Nam Cường được giao 2 dự án làm đối ứng là Dự án Khu đô thị Quốc Oai và Khu đô thị Chương Mỹ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được giao hai khu đô thị khác là Khu đô thị Thạch Thất và Khu đô thị Thạch Phúc theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Phối cảnh thị trấn sinh thái Chúc Sơn (nguồn: website Tập đoàn Nam Cường)
Trả lời báo chí, ông Trần Oanh, (Khi còn là Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường) cho biết, dự án đã xây dựng 6,3 km đầu tuyến đường trục Bắc - Nam từ Km0 00 : Km 6 200 (từ đê Vân Cốc đến quốc lộ 32) thuộc huyện Phúc Thọ. Đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng 16ha Khu đô thị Thạch Phúc thuộc huyện Thạch Thất và huyện Phúc Thọ phục vụ công tác sản xuất ống cống và đúc cấu kiện bê tông công suất lớn. Đã xây dựng xong cầu vượt Đại lộ Thăng Long vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tổng kinh phí Tập đoàn đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm để dự án "bất động" tháng 6/2013, Tập đoàn Nam Cường đã chủ động trả lại dự án Khu đô thị Thạch Thất và Quốc Oai. Đồng thời Nam Cường vẫn xin tiếp tục thi công khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (Chương Mỹ).
Song, Tại cuộc họp về rà soát các dự án BT trên địa bàn Thành phố Hà Nội hồi tháng 12/2013, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã đưa ra kết luận về việc dừng triển khai theo hình thức BT đối với Dự án đường Trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam tỉnh Hà Tây cũ của Tập đoàn Nam Cường. Theo đó, Thành phố yêu cầu cơ quan quản lý phối hợp chủ đầu tư rà soát, thanh lý hợp đồng và xử lý tồn tại theo quy định.
Để tìm hiểu rõ hơn về "đại dự án" này của Nam Cường, PV ANTT.VN đã liên hệ với bà Trần Thị Quỳnh Ngọc, Phó chủ tịch Tập đoàn Nam Cường, tuy nhiên bà Ngọc tắt máy, không trả lời.
Xác nhận với phóng viên, bà Ngô Thị Hương Lan, phụ trách truyền thông của Tập đoàn Nam Cường cho biết, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu Tập đoàn Nam Cường trả toàn bộ dự án.
Bà Lan còn cho biết thêm, "quyết định thu hồi dự án đã có từ hồi cuối năm ngoái (năm 2014) và rất nhiều báo chí biết thông tin này", bà Lan nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV ANTT, người dân mới chỉ biết đến việc hai dự án Khu đô thị Thạch Thất và Quốc Oai bị thu hồi do báo chí đăng tải nhiều. Còn lại, khu đô thị sinh thái Phúc Thọ và khu đô thị sinh thái Chúc Sơn thì khi được hỏi người dân đều cho rằng dự án vẫn "bất động" chứ không biết là đã có quyết định thu hồi.
Thậm chí, nhiều người dân ở Phúc Thọ vẫn còn mơ về một đô thị sầm uất "mọc" lên trên bãi trồng chuối tại đây. Còn ở thị trấn Chúc Sơn, ngày 11/02/2015 vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ và UBND quận Hà Đông tổ chức hội nghị "công bố và bàn giao quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn, đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000" khiến nhiều người lầm tưởng, Tập đoàn Nam Cường tiếp tục triển khai dự án Tuyến đường trục kinh tế Bắc Nam.
Dự án nghìn tỷ đã triển khai thi công nhiều năm rồi "đắp chiếu".. Vậy, Tập đoàn Nam Cường đã trả dự án hay chưa? Cả nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Nam cường đã đổ vào dự án nay bị thu hồi sẽ giải quyết như thế nào? ANTT.VN sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến độc giả...
Theo An Ninh Tiền Tệ
Hà Nội: Nắn dự án "né" nhà mẹ "sếp" Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để bán đấu giá quyền sử dụng tại khu Đồng Sứt (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân. Gần 6 năm bị đình trệ, dự án được khởi động trở lại nhưng cách làm khó hiểu của những người có...