Nam công nhân đi xe máy từ TPHCM về Đắk Lắk dương tính SARS-CoV-2
Sau khi có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2, nam công nhân chở vợ bằng xe máy từ TPHCM về Đắk Lắk.
Qua xét nghiệm tại địa phương, người này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.
Tối 14/7, ông Vũ Hồng Nhật – Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk – xác nhận, trên địa bàn huyện vừa ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là công nhân trở về từ TPHCM.
Trên địa bàn Đắk Lắk ghi nhận ca thứ 8 dương tính với SARS-CoV-2.
Đó là anh Đ.H.Đ. (28 tuổi, ngụ thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) – công nhân tại Công ty in bao bì Quảng Huy (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM).
Theo thông tin từ ngành y tế, tối 11/7, anh Đ. cùng vợ là chị T.T.M.L. (25 tuổi) đến Phòng khám đa khoa Việt Mỹ – Sài Gòn thực hiện test nhanh SARS-CoV-2, kết quả âm tính.
Khoảng 6h sáng 13/7, anh Đ. cùng vợ đi xe máy từ TPHCM về Buôn Đôn, trên đường có ghé đổ xăng ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và huyện Đắk Song (Đắk Nông); ghé khai báo y tế 2 lần tại chốt kiểm soát dịch thuộc huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) và xã Hòa Phú (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của huyện Buôn Đôn họp khẩn trong đêm.
Chiều cùng ngày, về tới địa bàn huyện Buôn Đôn, vợ chồng anh Đ. đã đến Trạm y tế xã Ea Wer khai báo y tế và được hướng dẫn cách ly tại nhà.
Sau đó, bệnh nhân cùng vợ chạy xe máy vào rẫy tại thôn Ea Duất (xã Ea Wer) tự cách ly, không tiếp xúc với ai.
Đến 14h, ngày 14/7, anh Đ. đi xe máy đến Trạm y tế xã Ea Wer thực hiện test nhanh kháng nguyên kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên lấy mẫu xét nghiệm Realtime PCR kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
“Hiện Ban chỉ đạo phòng Covid-19 của huyện đang tiến hành họp khẩn ngay trong đêm. Đồng thời, tiến hành truy vết các trường hợp liên quan, phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại nhà rẫy của bệnh nhân và Trạm y tế xã Ea Wer”, ông Nhật thông tin.
Riêng đối với người vợ, hiện ngành y tế đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại để có kết quả chính thức.
Được biết, đây là trường hợp thứ 8 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dương tính với SARS-CoV-2.
Không thể '3 tại chỗ' , hôm nay nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ phải ngưng hoạt động
Không thể đáp ứng quy định lo chỗ ăn, chỗ ở cho toàn bộ công nhân chỉ trong 1 ngày, hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM buộc phải ngưng hoạt động từ hôm nay (15.7).
Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức được cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ như ở Khu công nghệ cao (TP.HCM). ẢNH: ĐỘC LẬP
Tối 13.7, UBND TP.HCM ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động của doanh nghiệp (DN) sản xuất từ ngày 15.7. Theo đó, TP chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các DN đảm bảo thực hiện phương châm "3 tại chỗ", gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc phương án "một cung đường - 2 địa điểm" - vận chuyển tập trung công nhân (CN) từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho CN.
DN phải đảm bảo điều kiện nêu trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới được phép tiếp tục hoạt động sản xuất. Ngoài ra, phải xét nghiệm đối với CN định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Trường hợp DN không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15.7 cho đến khi có chỉ đạo mới.
Sáng 15.7: TP.HCM thêm 603 ca Covid-19, sắp vượt 20.000 bệnh nhân
Không kịp trở tay
Sáng qua (14.7), ngay sau thông báo mới của UBND TP, chủ một DN may có nhà máy tại H.Củ Chi đã nhắn tin chia sẻ với người quen khi được hỏi thăm: "Đợt này là đóng cửa nhà máy luôn mặc dù đã cố gắng không bị ngừng hoạt động ngày nào kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cố gắng từng ngày để chạy đơn hàng, đảm bảo lương cho CN. Nhà máy đóng cửa thì dễ, đối tác có thể thương lượng được, nhưng hơn 4.000 CN bị nghỉ việc thì làm sao? Thế nhưng, để chuẩn bị cho số lượng CN này ở lại luôn trong nhà máy là bất khả thi, không còn cách nào khác, buộc phải ngưng hoạt động".
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nói rằng các nhà máy may hay da giày do đặc thù công việc nên rất đông CN, diện tích nhà xưởng không quá lớn nên không thể thực hiện theo quy định "3 tại chỗ" mà TP vừa ban hành. Do đó, từ ngày 15.7, đa số các DN may tại TP.HCM đều phải tạm nghỉ, đóng cửa nhà máy.
"Tổ chức ăn uống như trước nay trong giờ làm việc vẫn được, nhưng chỗ đâu cho cả ngàn CN ngủ? Rồi nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa... bao nhiêu vấn đề kéo theo và DN sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, nếu chỉ đảm bảo chỗ ở cho khoảng 20 - 30% số CN thì hoạt động sản xuất cũng không hiệu quả. Ví dụ, một dây chuyền trước đây 50 người, nếu thiếu 10 người đã gặp khó khăn và nếu chỉ còn 20 người thì dây chuyền này không thể sản xuất được. Thế nên, phương án duy nhất hiện nay là cố gắng thương lượng với khách hàng để kéo giãn thời gian giao hàng và hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để có thể kinh doanh trở lại", ông Hồng thở dài.
Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức được cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ như ở Khu công nghệ cao (TP.HCM). ẢNH: LÊ HỒNG HẠNH
Những DN lớn, quy mô lớn, có tiềm lực còn than khó đáp ứng yêu cầu của TP, với các DN tầm trung trở xuống còn khốn khổ hơn, gần như bế tắc không thể làm gì được. Đang đau đầu với các đơn hàng nông sản nguyên liệu từ các tỉnh miền Tây không thể đi được vì khâu vận chuyển gần như "đóng băng" hoàn toàn, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (chủ thương hiệu cà phê trái cây Meet More) ngã ngửa với quyết định bất ngờ của UBND TP.HCM. "Không có thời gian nào cho các DN trở tay kịp" là điều đầu tiên ông Luận thốt lên khi chúng tôi hỏi có đáp ứng được yêu cầu mới này không. Dù chỉ có 40 CN làm ở xưởng nhưng Meet More cũng không thể lập tức trong 1 ngày sắp xếp được chỗ ăn, chỗ ở cho tất cả mọi người bởi ngoài chỗ ăn, chỗ ngủ, cần rất nhiều thiết bị để phục vụ đời sống thiết yếu hằng ngày. Từ nồi, niêu, xoong, chảo, thực phẩm cho tới chỗ tắm rửa, vệ sinh...; tổ chức sinh hoạt, duy trì cuộc sống cho 40 con người trong cả tháng trời là một vấn đề nan giải, chưa kể cần có thêm lực lượng quản lý họ.
"Dù có cho thêm thời gian thì chúng tôi cũng rất khó để đáp ứng bởi trụ sở công ty ở Hóc Môn, ngay trong TP, không biết "đào đâu" ra chỗ để triển khai lưu trú cho CN. TP yêu cầu như vậy, chúng tôi bắt buộc phải ngưng sản xuất", ông Luận cám cảnh.
TP.HCM thí điểm bán "Combo đồng giá" tại các chợ đang bị đóng vì Covid-19
Chuẩn bị trước cũng khó
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết ngay từ những ngày đầu của đợt bùng dịch thứ 4, Việt Thắng Jean đã lên kế hoạch chuẩn bị vừa bảo đảm sức khỏe an toàn cho người lao động, vừa duy trì sản xuất. Từ cuối tháng 5, ông Việt đã đề xuất TP cho DN tổ chức sản xuất và ở lại tại chỗ trong nhà xưởng giống cách mà các DN trong khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh đã áp dụng. Kể từ khi TP giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, DN này đã áp dụng "3 tại chỗ" đối với CN ở nhà máy tại TP.Thủ Đức từ 3 ngày qua, nhưng chỉ với 50% số lượng vì theo lệnh giãn cách trước đây, công ty phải cho nghỉ một nửa. 50% số CN đang làm việc chỉ đạt hiệu quả 35%, còn 15% không thể cơ cấu, không nằm trong guồng sản xuất nên không thể bổ khuyết cho các mảng sản xuất đang khuyết nhân sự có tay nghề.
"Chẳng hạn, dây chuyền đóng túi chỉ 2 người thực hiện, nay nghỉ 1 người, đưa người bên bộ phận đóng nút vào dây chuyền đóng túi thì công suất họ làm được tối đa 70%. Việc thiếu hụt CN từng bộ phận khiến năng suất sản xuất của DN đã giảm 50% lại còn giảm tiếp 15% nữa là vậy. Ngoài ra, việc tổ chức cho ăn ở, nghỉ tại chỗ khiến CN không quen, phải sử dụng điện sạc điện thoại nhiều hơn để giao tiếp bên ngoài, nhà xưởng phải thay toàn bộ hệ thống điện sạc, tăng công suất để an toàn phòng cháy chữa cháy...", ông Việt nói.
TP.Thủ Đức yêu cầu "không cho người ra khỏi doanh nghiệp" từ 0 giờ ngày 15.7
Theo Công văn 4623 của UBND TP.Thủ Đức gửi các DN trên địa bàn TP ngày 13.7 về việc tổ chức hoạt động của các DN trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP, DN nếu đã có phương án "vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ" được tiếp tục hoạt động, nhưng phải thực hiện theo kế hoạch hoặc phương án đăng ký, bảo đảm kiểm soát "không cho người ra khỏi DN (trừ trường hợp cấp bách)". DN thực hiện nội dung "3 tại chỗ" cho người lao động bên trong nhà máy hoặc phải thuê chỗ ở tập trung bên ngoài DN phải tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng phương tiện đưa đón, không để người lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Các quy định nói trên được áp dụng từ 0 giờ ngày 15.7.
Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, đồng thời là Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, cho biết: Trong tổng số gần 200 DN hội viên của hiệp hội, chỉ có chưa đến 10 DN trước đây đã tổ chức chỗ ăn ở tập trung cho một phần CN. Những công ty đó đã tổ chức được cho 30 - 40% lao động ở lại thì trong 2 ngày nay cố gắng mua sắm thêm mùng mền, trang thiết bị để tăng lên được khoảng 70 - 80% CN ở lại nhà máy. Còn các DN chưa áp dụng phương án này thì không kịp chuẩn bị. Ngoài ra theo ông Tống, quan trọng nhất là phải động viên CN ở lại làm việc luôn tại nhà máy. "Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau. Có người sau giờ làm ở nhà máy vẫn phải về nhà có việc gia đình, chăm con nhỏ, ông bà nên muốn ở lại làm việc vài tuần thì họ phải sắp xếp công việc ở nhà... Ngay cả công ty chúng tôi, dù chuẩn bị xong cơ sở lưu trú nhưng trước đây cũng phải động viên liên tục và cần thời gian nhiều CN mới chấp nhận. Theo tinh thần hiện nay việc chống dịch vẫn là ưu tiên nên những DN chưa thể thực hiện theo phương án 3 tại chỗ thì sẽ tạm nghỉ, sau đó từ từ sắp xếp, tổ chức để sản xuất lại theo đúng quy định", ông Tống chia sẻ thêm.
Bản tin Covid-19 ngày 14.7: Cả nước "kỷ lục" gần 3.000 ca, TP.HCM siết mạnh nhiều biện pháp phòng dịch
Kiệt sức vì nặng gánh nhiều chi phí
Không chỉ gồng mình lo chỗ ăn, chỗ ở cho CN để cố gắng duy trì hoạt động, các DN còn lo ngại quy định phải xét nghiệm đối với CN định kỳ 7 ngày/lần sẽ đè thêm gánh nặng rất lớn.
Theo ông Phạm Văn Việt, trước đây Công ty TNHH Việt Thắng Jean tổ chức cho 530 CN xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR thì sau 2 ngày có kết quả, chậm nhất là 4 ngày. Trong bối cảnh lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế lấy mẫu đang thiếu hụt trầm trọng như hiện nay, yêu cầu CN có xét nghiệm đúng quy định 7 ngày/lần rất khó thực hiện. Chưa kể chi phí xét nghiệm là một khoản không hề nhỏ.
"Việc tập trung "3 tại chỗ" là cần thiết bởi giảm tính lây lan dịch bệnh, giảm áp lực cho nhà sản xuất khi vừa sản xuất vừa lo lắng cho sự an toàn của nhà máy. Tuy nhiên, khi CN đã "3 tại chỗ" rồi, "nội bất xuất ngoại bất nhập" thì có cần thiết xét nghiệm liên tục vậy không? TP nên xem xét bỏ quy định này để giảm bớt khó khăn cho DN", ông Việt đề xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Luận thẳng thắn nhận định TP đang bộc lộ nhiều sự lúng túng trong phương án chống dịch kết hợp duy trì sản xuất, kinh doanh. Liên tục các quyết sách từ lập chốt chặn, yêu cầu phương tiện qua TP phải có giấy chứng nhận... cho tới yêu cầu các DN thực hiện "3 tại chỗ", xét nghiệm định kỳ với CN 7 ngày/lần, đều chưa hợp lý. "Thực tế, dịch bệnh diễn ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thời gian qua đã rất cầm chừng. Liên tục phải gánh chịu nhiều khó khăn từ những quyết sách không phù hợp khiến các DN càng kiệt quệ hơn. Nếu tiếp tục thế này, các DN sẽ không thể tiếp tục hoạt động, không thể tránh khỏi đứt gãy chuỗi sản xuất", ông Luận cảnh báo.
Xem xét cho doanh nghiệp sản xuất trở lại từng phần
Chiều qua 14.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã có cuộc giao ban trực tuyến với TP.HCM về các biện pháp phòng, chống dịch của TP.
Phó thủ tướng lưu ý, ngoài những DN thực hiện "3 tại chỗ", "một cung đường - 2 địa điểm", TP.HCM cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho DN sản xuất trở lại từng phần, căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.
500 nghìn công nhân bị ảnh hưởng việc làm do dịch bệnh Công đoàn các cấp thống kê gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm từ cuối tháng 4 đến nay. Thông tin được ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cung cấp sáng 14/7. Ngoài ra, gần 9.500 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động...