Nam công chức có nên mặc áo dài truyền thống
Hình ảnh nam công chức tỉnh Thừa Thiên Huế trong bộ áo dài ngũ thân truyền thống đến công sở làm việc vào buổi chào cờ đầu tháng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Công chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài chào cờ đầu tuần. Ảnh: TL
1. Áo dài ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xem là tiền thân áo dài ngày nay. Các nhà thiết kế cho rằng, áo dài ngũ thân nữ và nam đều may giống nhau, chỉ khác vài điểm. Theo nhà thiết kế Quang Hòa (TP Huế), áo dài ngũ thân được may hai lớp, gồm lớp bên ngoài và lớp lót bên trong, thoải mái, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc. Kiểu dáng, kết cấu áo có công năng sử dụng cao, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong. Với áo nữ có thể tôn dáng, che khuyết điểm cơ thể. Tuy vậy, may áo dài ngũ thân rất kỳ công, giá thành lại cao hơn so áo dài thông thường.
Nói đến giá trị của áo dài ngũ thân nam truyền thống, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng: Cách may, mặc áo dài ngũ thân, nhất là với áo dài nam thể hiện rõ các đặc tính: Khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế.
2. Sự việc được dư luận quan tâm khi cán bộ, nhân viên của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế mặc trang phục áo dài truyền thống đến công sở làm việc trong buổi sáng đầu tháng. Không chỉ nữ giới, cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ chào cờ vào đầu tháng 9 vừa qua đều mặc áo dài ngũ thân truyền thống, khăn đóng và đi giày Tây. Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu mỗi tháng nhưng chỉ đối với công chức khối văn phòng, không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban của đơn vị.
Có ý kiến cho rằng, nam giới mặc áo dài nơi công sở thì nên cân nhắc bởi lâu nay, trang phục này thường chỉ sử dụng trên sân khấu hoặc trong lễ cưới. Trang phục công sở đã được Nhà nước quy định từ lâu, việc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành thêm quy định mới này là không phù hợp. “Trang phục đi làm cần tiện lợi, thoải mái, chứ lụng thụng, vướng víu rất dễ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc” là quan điểm của một số cư dân mạng. Nếu mặc trong chốc lát và để chụp ảnh thì không sao nhưng nếu triển khai đồng bộ thì phải cân nhắc. Ngoài ra, việc Sở VH-TT Thừa Thiên Huế khuyến khích người lao động mặc áo dài vào một ngày trong tháng sẽ phát sinh chi phí không cần thiết.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Huế là Kinh đô của áo dài và với mong muốn hình ảnh áo dài được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, đơn vị đã tiến hành cho một bộ phận công chức gồm cả nam và nữ trong cơ quan mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng trong buổi chào cờ khoảng một tiếng. Sau đó, mọi người lại thay trang phục công sở để làm việc bình thường. Tuy nhiên, Sở VH-TT khuyến khích nam giới mặc áo dài truyền thống chứ không ép buộc phải mặc áo dài khi làm việc. Còn kinh phí may áo dài không lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước mà nhận được sự hỗ trợ của các nhà may và lãnh đạo sở bỏ tiền túi để góp thêm cho chi phí mua vải.
Video đang HOT
3. Bên cạnh những ý kiến phản đối thì cũng có nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định mặc áo dài nam truyền thống, đồng ý với ông Hải về việc mỗi tháng chỉ mặc một lần thì vẫn có thể làm được. Chưa kể, với chất liệu và kiểu dáng thì ngay trong thời hiện đại này, chiếc áo dài ngũ thân vẫn khiến cho các nam công chức toát lên được vẻ ngoài lịch lãm, chỉn chu. Các nhà thiết kế nhìn nhận câu chuyện mặc áo dài nam ở Huế theo góc độ tích cực hơn. Tức là, việc nam công chức ở Huế mặc áo dài ngũ thân sẽ tạo thêm nét đặc sắc về vùng đất này, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và mang về nguồn lợi cho người dân nơi đây bằng cách tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập.
Có một thực tế, áo dài ngũ thân nam bắt đầu được quan tâm với sự ra đời của các nhóm yêu thích cổ phục trên khắp cả nước, như: CLB Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong, Việt Nam cổ phục hội… Từ đó, nhen nhóm sự quan tâm, yêu thích chiếc áo dài ngũ thân của những người yêu văn hóa và một bộ phận giới trẻ ở Huế. Trở lại vấn đề mặc áo dài nơi công sở, theo ông Phan Thanh Hải, sở chỉ khuyến khích các nhân viên diện áo dài vào một ngày nhất định trong tháng. Đây chưa trở thành quy định mang tính bắt buộc với người lao động.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: 'Chê nam công chức mặc áo dài là kém hiểu biết'
Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, việc nam giới mặc áo dài đi làm giúp tạo sự nhận diện cho bộ quốc phục Việt trước bạn bè quốc tế.
Mới đây, hình ảnh các nam công chức mặc áo dài đi làm ở Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế thu hút sự quan tâm.
Việc này nhanh chóng tạo ra luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận định mặc áo dài không phù hợp với thời tiết và gây bất tiện trong lúc làm việc. Số còn lại ủng hộ, cho rằng đây là cách duy trì nét đẹp văn hoá.
Nam cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống. Ảnh: svhtt.thuathienhue.
Giá trị văn hóa song hành với đời sống
Trao đổi, nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng cho hay: "Tôi ủng hộ việc các nhà lãnh đạo ban hành quyết định để nam cán bộ đi làm trong chiếc áo dài ngũ thân, mang đậm giá trị truyền thống của người Việt. Phục hồi tà áo dài cho phụ nữ và đàn ông mang ý nghĩa rất tốt. Bởi đa phần tâm lý chung của nam giới đều cho rằng mặc áo dài sẽ khiến bản thân trở nên yếu đuối, không có sự nam tính. Nhưng các vị lãnh đạo thành phố hay đại sứ của Việt Nam tại Italy, Singapore hay Ấn Độ đều được bạn bè quốc tế tiếp đón nồng nhiệt, cũng như bày tỏ sự nể trọng đối với bộ quốc phục".
Nhà thiết kế nhấn mạnh mặc áo dài đến chốn công sở là điều đáng mừng. Bởi đây chính là biểu tượng rõ nét nhất về văn hóa của người Việt đối với thế giới. Phát triển kinh tế phải đi song hành cùng văn hoá của một đất nước.
"Tại sao một số người lại phản đối việc cán bộ mặc áo dài ngũ thân đi làm? Giá trị văn hóa phải có gắn kết mật thiết với đời sống. Thành phố Huế đang là nơi tiên phong xây dựng nếp sống và giá trị của người Việt. Chúng ta không thể bị nhấn chìm, hòa tan bởi lối sống của các nước khác. Tà áo dài chính là biểu tượng giúp bạn bè quốc tế nhận diện con người Việt Nam", anh bày tỏ thêm.
Áo dài là một trong những biểu tượng của người Việt Nam. Ảnh: Getty.
"Tại sao lại chỉ trích việc mặc áo dài đi làm?"
Dưới các bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người để lại bình luận ủng hộ, số còn lại cho rằng đây là quy định không hợp lý, gây bất tiện. Thậm chí, có bài viết nhận xét trang phục truyền thống chỉ nên áp dụng với một số vị trí công tác đặc thù.
Để bày tỏ quan điểm, NTK Sĩ Hoàng nhận định: "Năm 1992, khi tôi bắt đầu giảng dạy ở trường, nhà nước cũng có quy định về trang phục cho các giáo viên thời đó phải chỉn chu với sơ mi, quần đi kèm giày tây. Lúc bấy giờ, quy định này tạo nên nhiều sự tranh cãi và làn sóng phản đối từ một bộ phận người làm trong ngành giáo dục. Tuy nhiên sau thời gian dài, ai cũng đều chấp nhận và cho rằng điều này hợp lý. Đối với câu chuyện cán bộ mặc áo dài đi làm cũng vậy, nó chỉ nằm ở vấn đề thời gian".
NTK Sĩ Hoàng. Ảnh: FB Sĩ Hoàng.
Anh nói thêm chiếc áo dài ngũ thân mà nam cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc có cấu trúc thoải mái, dễ dàng trong lúc làm việc. Hành động đem áo dài đến gần hơn với mọi người sẽ giúp phục hồi làng dệt và nghề may truyền thống, tạo thêm việc làm cho những người thợ trong thời điểm khó khăn.
Theo nhà thiết kế, điều này thể hiện giá trị kinh tế nhân văn khi văn hóa bản sắc và kinh tế của đất nước song hành cùng nhau. Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ nhờ đó sẽ bắt đầu tìm hiểu về cội nguồn văn hóa xưa và hãnh diện trước giá trị của chiếc áo dài.
"Trang phục của cán bộ nhà nước dựa trên nền tảng tà áo dài xưa, không được quyền làm khác đi. Kỹ thuật may sẽ thay đổi từ thủ công sang cách sản xuất bằng máy. Chất liệu dệt ngày nay phải hợp thời. Khăn vấn sẽ không cầu kỳ như trước, được may sẵn để người mặc đỡ tốn thời gian", anh chia sẻ.
Ngoài ra, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận định hình ảnh tà áo dài còn mang giá trị đạo đức. Bởi khi một người mặc chiếc áo truyền thống sẽ đi đôi với lời nói, phong thái, ngôn ngữ cũng trở nên điềm đạm, có sự chừng mực hơn trước đối phương.
Đối với nhà thiết kế, những ai phản đối việc mặc áo dài đến công sở chỉ thể hiện bản thân là người kém hiểu biết: "Tại sao lại có những lời chỉ trích khi nhìn thấy người khác mặc áo dài truyền thống? Đáng ra phải nên vui mừng, bởi họ phần nào đã truyền tải được nét văn hoá, giúp tạo nên sự nhận diện cho bộ quốc phục của Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Đừng làm anh hùng bàn phím!".
Theo NTK Sĩ Hoàng, mọi người nên vui mừng trước quy định mặc áo dài đi làm. Ảnh: FB Sĩ Hoàng.
Nam cán bộ công chức mặc áo dài ngũ thân đến công sở Hình ảnh cán bộ, công chức Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ việc mặc áo dài truyền thống nhưng cũng có nhiều ý kiến khác trái chiều. Lễ tri ân chúa...