Năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tăng hơn 30%
Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, hội nghị cấp chuyên viên hai nước (SOM) dưới sự đồng chủ trì của Phó Chủ tich Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Phó Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác Lào – Việt Nam Viengsavanh Vilayphone đã diễn ra chiều 9/1, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh tư liệu: V.Tôn/Báo Tin tức
Cuộc họp này đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2021, bàn phương hướng nhiệm vụ hợp tác năm 2022 và cùng nhau tìm ra những giải pháp hữu hiệu, các sáng kiến thiết thực thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước để kiến nghị lên hai Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tuy tình hình thế giới và khu vực vẫn diến biến không thuận lợi, đặc biệt tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhưng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước luôn được quan tâm, thúc đẩy và thu được những kết quả tích cực.
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại hai nước vẫn có bước tăng trưởng. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong 11 tháng năm 2021 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 30,3% so với năm 2020.
Về hợp tác mua bán điện giữa Việt Nam và Lào do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, hiện có 2 dự án với tổng công suất 572 MW. Hai bên cũng đã ký hơn 20 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ Lào với tổng công suất 1.443 MW; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các dự án khác để được phát triển và có khả năng truyền tải điện về Việt Nam theo tiến độ.
Hiện 209 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,18 tỷ USD. Năm 2021, có 5 dự án cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký 112,84 triệu USD, tăng 27% so với năm 2020. Tính tới thời điểm này, vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 48,4% tổng vốn đăng ký.
Nhiều dự án tiếp tục hoạt động đạt hiệu quả tốt thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan nhà nước Lào, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động Lào, đóng góp quan trọng vào quá trình điều tiết nền kinh tế của Lào. Kết quả ghi nhận nộp ngân sách Lào hơn 1 tỷ USD trong 5 năm qua, cũng như tài trợ cho hoạt động an sinh – xã hội tại Lào của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 80 triệu USD.
Về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Hai bên đã tích cực phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm: dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn; tuyến đường sắt Vũng Áng – Viêng Chăn…
Video đang HOT
Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến dự án Nhà Quốc hội Lào đã được bàn giao cho Lào nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 10/8.
Về phía Uỷ ban Hợp tác Lào – Việt Nam, Phó Chủ tịch Viengsavanh Vilayphone ghi nhận kết quả hợp tác kinh tế giữa hai bên trong năm 2021; cùng với đó, thống nhất những nội dung dự thảo các văn kiện: thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2022 và biên bản kỳ họp để trình hai Chính phủ xem xét tại phiên chính thức vào ngày mai (10/1).
Bên cạnh những kết quả đạt được, hai bên cũng chỉ ra, một số tồn tại cần được tháo gỡ, xử lý trong thời gian tới. Hiện một số nội dung thỏa thuận cấp cao trong Kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2021 triển khai chậm, hiệu quả chưa cao.
Kế hoạch kết nối hai nền kinh tế triển khai chậm, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào chững lại, một số dự án chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng. Một số khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời và kim ngạch thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên.
Trên cơ sở nhận định những tồn tại, hạn chế, khó khăn này, để đẩy mạnh hợp tác trong năm 2022, tại cuộc họp, đại diện Việt Nam và Lào cho rằng, hai bên cần tập trung triển khai nhiều hoạt động, dự án trên tất cả các lĩnh vực đầu tư; thương mại; giao thông vận tải và xây dựng; công nghiệp, năng lượng – mỏ; nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính, ngân hàng.
Cụ thể, hai bên tập trung vào các giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp liên quan đến nguồn vốn, thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, lao động, thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…; phối hợp tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo lập niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Hai bên cũng xem xét có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chất đòn bẩy về hợp tác kinh tế giữa hai nước; huy động nguồn lực đầu tư vào các đặc khu kinh tế, các dự án kết nối cơ sở hạ tầng tại các tỉnh của Lào giáp biên với Việt Nam và Việt Nam giáp biên với Lào.
Về xúc tiến đầu tư-thương mại, hai bên thống nhất tập trung thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt mức tăng ổn định từ 10% trở lên so với năm 2021.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Lào đẩy nhanh việc kết nối giao thông; trước mắt, tập trung nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây và kết nối với khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và GMS. Phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phía Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam.
Song song đó, hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện; tiến hành nghiên cứu về khả năng kết nối hệ thống mạng lưới điện giữa ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam. Tập trung xử lý các tồn tại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy các Dự án Cảng Vũng Áng; Cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn; mua bán điện…
Trên cơ sở quán triệt tinh thần Biên bản thỏa thuận giữa Bộ Chính trị hai nước năm 2022, Phó Chủ tich Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Phó Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác Lào – Việt Nam Viengsavanh Vilayphone tin tưởng hai bên cùng thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư- thương mại giữa hai bên, phấn đấu thực hiện thắng lợi Chiến lược hợp tác 10 năm (2021-2030) và Hiệp định hợp tác 5 năm (2021-2025).
Ngày mai (10/1), tại Hà Nội sẽ diễn ra cuộc họp chính thức Kỳ họp lần thứ 44 Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào do Thủ tướng Chính phủ hai nước đồng chủ trì, với việc thông qua biên bản kỳ họp và lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước năm 2022.
Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ
Giai đoạn 2020 - 2021, Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của ngành sản xuất thịt tại Mỹ
Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Mỹ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Cung cấp thông tin chứng minh sự thăng hoa của thương mại 2 nước, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết tại Diễn đàn Thương mại Việt - Mỹ năm 2021, sáng 7/12, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Bà Barbara Weisel, Giám đốc Điều hành Công ty Rock Creek Global Advisors, nguyên Trợ lý Đại diện thương mại Mỹ nhận định, xu thế tăng trưởng thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa 2 nước rất rõ rệt sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều ghi nhận là 2 bên đang nỗ lực để cân bằng hơn những điểm khác biệt, tiến tới giải quyết những vấn đề tồn đọng, hướng đến cán cân thương mại hài hòa hơn trong tương lai.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020 kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,1 tỷ USD, tăng 19,5%, nhập khẩu từ Mỹ đạt gần 13,7 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2019.
11 tháng 2021, thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ đã đạt 99,10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 14.24 tỷ USD, tăng 14,6%.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng vụ châu Mỹ - châu Âu (Bộ Công Thương) đánh giá, thương mại Việt - Mỹ đang có nhiều dư địa tăng trưởng, nhưng thực tế là hàng Việt xuất khẩu đang đối diện ngày càng nhiều với các vụ phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Cụ thể, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tần suất Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Đến nay, Mỹ đã khởi xướng điều tra 41 vụ việc với hàng hóa Việt Nam, bao gồm 31 vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và 10 vụ việc chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Mỹ cũng là quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ lớn nhất với hàng hóa Việt Nam, chiếm 20% trong tổng số các vụ việc.
Các vụ việc Mỹ điều tra rất đa dạng, từ dệt may, xơ sợi, sắt thép, nông lâm thủy sản (tôm, cá ba sa), gỗ, lốp xe, đệm mút. Các biện pháp phòng vệ thương mại này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Gần nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ với mức thuế rất cao trong vụ việc kiện chống bán phá giá đối với mật ong từ một số nước trong đó có Việt Nam. Theo đó, mức thuế chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%, cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu là 207%.
Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, phán quyết sơ bộ này của Mỹ gây bất lợi cho ngành sản xuất và xuất khẩu mật ong Việt Nam, mức thuế này coi như "hủy diệt", vì không doanh nghiệp nào có thể tồn tại được nếu xuất khẩu mang về 1 đồng nhưng mất 4 đồng đóng thuế. Với mức thuế này các doanh nghiệp chỉ có nước đóng cửa.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, trong trạng thái "bình thường mới" và trong "bối cảnh mới", Việt Nam và Mỹ cần tăng cường kết nối, hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại thông qua đàm phán nhằm bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của các chuỗi cung ứng, cũng như tránh gây tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất vốn đã chịu thiệt hại gây bởi đại dịch.
Việt Nam khai thác chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ Chuyến bay VN98 đã khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20h57 ngày 28/11 và hạ cánh tại sân bay San Francisco 10h42 sáng 29/11 (giờ Việt Nam). Tổng thời gian bay không điểm dừng là 13 tiếng 45 phút. Đây là chuyến bay chính thức đánh dấu sự khai mở đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam...