Năm 2020 sẽ giảm thêm gần 93.000 ha đất trồng lúa
Trong số 92.950 ha đất trồng lúa được điều chỉnh giảm chủ yếu thuộc khu vực đất thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt và đất bị thoái hóa.
Báo cáo trước Quốc hội khóa XIII, Kì họp thứ 11 về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, đến năm 2020 diện tích nhóm đất nông nghiệp là 27.038.090 ha, tăng 306.330 ha so với Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ năm 2010 – 2020, diện tích đất trồng lúa cho phép giảm là 307.750 ha (đất chuyên trồng lúa nước giảm 75.580 ha). Như vậy, giai đoạn 2016 – 2020 đất trồng lúa còn được phép giảm 218.310 ha (đất chuyên trồng lúa nước được phép giảm 53.470 ha).
“Trên cơ sở xem xét, cân đối kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu của các địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống của người nông dân và an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp và tăng hệ số sử dụng đất, đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước có thể giảm xuống còn 3.760.390 ha (giảm 270.360 ha so với năm 2015) điều chỉnh giảm thêm 52.040 ha so với Nghị quyết của Quốc hội (3.812.000 ha); đất chuyên trồng lúa nước là 3.128.960 ha (giảm 146.420 ha so với năm 2015), điều chỉnh giảm thêm 92.950 ha so với Nghị quyết Quốc hội (3.222.000 ha)”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu rõ.
Đến năm 2020 diện tích đất chuyên trồng lúa nước của cả nước sẽ còn khoảng là 3.128.960 ha. (Ảnh minh họa: KT)
Lý giải về điều này, đại diện cơ quan Chính phủ cũng cho biết, việc giảm diện tích đất trồng lúa là để chuyển mục đích cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, đồng thời để các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai.
Theo đó, trong 3.760,39 nghìn ha đất trồng lúa, cho phép khoảng 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng được bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.
Video đang HOT
Theo tính toán của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, với 3.760.390 ha đất trồng lúa với hệ số sử dụng đất trồng lúa bình quân là 1,95 lần, diện tích gieo trồng lúa hàng năm vẫn đạt trên 7 triệu ha và với năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha/năm thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm, bình quân khoảng 420 kg/người/năm vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.
Cơ bản thống nhất về Phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, đối với diện tích đất trồng lúa, theo quy hoạch được Quốc hội quyết định đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.812.430 ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3.221.910 ha.
Ủy ban kinh tế của Quốc hội lưu ý đến đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.760.390 ha, giảm 52.040 ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950 ha. Trong số 3.760.390 ha được giữ lại, có khoảng 400.000 ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, hiện nay, nguồn cung gạo trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp do một số quốc gia là bạn hàng truyền thống nhập khẩu gạo của Việt Nam dần tự chủ được sản xuất lương thực. Trong khi đó, diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ngoài ra, theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, với diện tích điều chỉnh giảm 52.040 ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950 ha là diện tích đất thường xuyên bị hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt và đất bị thoái hóa.
“Những diện tích đất này sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác nhất là khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng giảm khoảng 19.000 ha tập trung tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung giảm khoảng 16.000 ha tập trung tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Vùng Đông Nam bộ giảm khoảng 21.000 ha tập trung tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… Vùng ĐBSCL giảm khoảng 36.000 ha tập trung tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, đối với diện tích 400.000 ha đất lúa sẽ được chuyển sang trồng các loại cây lương thực như ngô khoảng 150.000 ha, đậu tương, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 80.000 ha, trồng rau, hoa, cây cảnh khoảng 110.000 ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản khoảng 50.000 ha… tập trung tại khu vực ĐBSCL khoảng 200.000 ha, Vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 80.000 ha. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung khoảng 90.000 ha và vùng Đông Nam bộ khoảng 30.000 ha. Phần diện tích chuyển đổi phần lớn là diện tích thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa hiệu quả thấp.
Ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc cũng cho rằng, với diện tích đất trồng lúa còn lại, khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện tích gieo trồng lúa dự kiến đạt trên 7 triệu ha, năng suất lúa bình quân hằng năm khoảng 60 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, với sản lượng này sẽ bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.
Theo_VOV
Hiệu quả từ chủ động chuyển đổi cây trồng chống hạn
Do chủ động chuyển đổi sang cây trồng cạn, nên dù hạn gay gắt như hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh vẫn tương đối ổn định.
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây trồng cạn và sử dụng biện pháp tưới phun mưa để tiết kiệm nước, chống hạn.
Hộ ông Trần Văn Chật ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành trước đây làm 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu. Do cánh đồng 1 ha lúa của ông thuộc đất gò lại ở vùng cuối kênh nên mỗi khi lấy nước tưới cho cây trồng, ông phải dùng máy để bơm lên.
Vụ Đông Xuân này, lượng nước điều tiết thấp, việc bơm nước khó khăn nên ông quyết định chuyển đổi hết 1ha lúa sang trồng khoai mì sử dụng ít nước, đồng thời, lắp đặt thêm hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước. Nhờ ổn định được nước tưới, hơn 1ha cây khoai mì của ông Chật phát triển tốt, đạt sản lượng cao.
"Cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn cây lúa nên ở đây thường xuyên làm 1 vụ lúa để chuyển đổi cây trồng cạn, giảm thiểu lượng nước tưới. Mô hình trồng mì cho thấy ít tốn nước tưới hơn nhưng thu lãi gấp 1,5 lần so với trồng lúa nhưng lại đỡ vất vả hơn", ông Chật cho biết.
Trồng mè trên đất lúa không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước là mô hình đang phát huy hiệu quả tại Tây Ninh. (Ảnh: Internet)
Mặc dù thuận lợi về nước tưới từ hệ thống kênh Tây hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa, nhưng hộ gia đình ông Võ Văn Lã ở ấp Tua 2, huyện Châu Thành vẫn theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh tiết kiệm nước để chống hạn, tránh thiệt hại cho sản xuất. Ông Lã đã chuyển 2 ha lúa sang trồng cây mè - một loại cây trồng chịu hạn cao. Năm nay, giá mè tăng cao đạt mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Lã thu lãi gần 100 triệu đồng.
"Trồng lúa năng suất không cao bằng cây mè nên gia đình quyết định chuyển sang trồng cây mè trong vụ Đông Xuân. Cây mè phát triển rất tốt trên đất ruộng này và vẫn có giá trên 40.000 đồng/kg nên gia đình có thể có thể duy trì việc chuyển đổi", ông Lã cho biết.
Ngoài 2 hộ dân Trần Văn Chật và Võ Văn Lã, hàng trăm nghìn hộ dân ở tỉnh Tây Ninh cũng đã ý thức được việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới để chống hạn, bằng hình thức chuyển đổi diện tích lúa sang trồng cây ngắn ngày, cây trồng cạn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, trong vụ đông xuân 2015 -2016, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi trên 1.000 ha lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày, nâng tổng diện tích chuyển đổi toàn tỉnh lên 45.000 ha, gồm các loại cây khoai mì, mè và các loại đậu. Trong đó, cây trồng được người dân chọn trồng nhiều và hiệu quả nhất là cây khoai mì, với diện tích là 25.000 ha, cây công nghiệp ngắn ngày là 22.000 ha, còn lại là hoa màu.
Ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, việc chuyển đổi cây trồng chủ yếu được thực hiện từ cây trồng cần nhiều nước sang cây trồng cần ít nước. Trên địa bàn Tây Ninh, cây mì trồng hiệu quả hơn trồng lúa nên một số đất lúa ở trên đất gò được người dân chuyển sang trồng cây mì. Trong tương lai, kế hoạch quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 thì cũng sẽ điều chỉnh diện tích mì sao cho phù hợp với tình hình.
Do bà con nông dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm tối đa diện tích trồng lúa sang cây trồng cạn sử dụng ít nước, cho nên dù hạn gay gắt như hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Tây Ninh vẫn tương đối ổn định.
Theo_VOV
Hà Nội: Chuyển đổi gần 1.000 ha đất lúa sang đất dự án năm 2016 Dự kiến lựa chọn 647 công trình, dự án thu hồi đất năm 2016, với diện tích là 1.561ha; Theo UBND Thành phố Hà Nội, năm 2016, thành phố thống nhất với Sở nguyên- Môi trường và các Sở, ngành, quận, huyện và thị xã kiến nghị HĐND thành phố xem xét lựa chọn 647 công trình, dự án thu hồi đất năm...