Năm 2019: TP.HCM tập trung cải cách hành chính, phục vụ dân
TP.HCM tin tưởng rằng thực hiện tốt cải cách hành chính, hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của TP sẽ được phát huy hiệu quả.
Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2018 TP.HCM đã nỗ lực về đích với những kết quả nổi bật khi hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội đặt ra đều đạt và vượt. Nhân dịp khai xuân năm mới 2019, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, về những hành động của TP để thực hiện những trọng trách rất lớn mà trung ương tin tưởng giao trong năm nay.
Phát huy sức sáng tạo từ 4,5 triệu lao động
. Phóng viên: Thưa ông, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đã kết thúc năm 2018 với nhiều kết quả ấn tượng và rất đáng phấn khởi. Theo ông, yếu tố quyết định nào đã tạo nên thành công đó?
Ông Nguyễn Thành Phong: Trong năm qua, TP đã chủ động, tập trung quán triệt, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND TP trên tất cả lĩnh vực.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ và quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của TP tiếp tục tăng trưởng ổn định. TP thực hiện đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu (có một chỉ tiêu chưa đạt là số DN thành lập mới với 44.126 DN, đạt 96% kế hoạch đề ra, kế hoạch là 46.000 DN; một chỉ tiêu về chỉ số PCI, PAPI, PAR-Index năm 2019 mới có số liệu đánh giá). Đặc biệt là việc thu ngân sách, dự kiến ban đầu không đạt chỉ tiêu trung ương giao là 376.780 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm, các ngành, các cấp đã nỗ lực rất lớn và đến hết ngày 31-12, TP đã đạt 378.543 tỉ đồng, đạt 100,47% dự toán được giao, tăng 8,65% so với cùng kỳ.
Tôi cho rằng để đạt được những kết quả tích cực, đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan trung ương. Cùng với đó là sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND TP, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các đoàn thể và sự nỗ lực của các ngành, các cấp. Đặc biệt là tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đóng góp tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, các doanh nhân, DN thuộc các thành phần kinh tế. Chính sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo đã giúp TP đạt những kết quả quan trọng trong năm qua.
. Năm 2019 TP được giao thu ngân sách gần 400.000 tỉ đồng, tăng gần 6% so với năm 2018. Đây có phải là một chỉ tiêu quá sức với tình hình TP hiện nay không? Và nguồn lực nào để TP đạt được nhiệm vụ quan trọng này?
Nhiệm vụ giao thu ngân sách năm 2019 của TP là 399.125 tỉ đồng, tăng 5,93% so với năm 2018, qua đó mỗi ngày (không tính thứ Bảy và Chủ nhật) TP cần phải thu khoảng 1.529 tỉ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không phải là quá sức, bất khả thi nếu chúng ta nỗ lực hết sức.
TP sẽ tiếp tục đà tăng trưởng thuận lợi của năm 2018, phát huy sức mạnh của toàn Đảng bộ, chính quyền, các thành phần DN và tầng lớp nhân dân TP, tận dụng thời cơ, tăng tốc thi đua, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế, đặc biệt là sức sáng tạo của 4,5 triệu lao động để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đề ra năm 2019.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh sự đột phá trong CCHC năm 2019 phải thấm từ lãnh đạo đến từng chuyên viên. Ảnh: HOÀNG GIANG
Video đang HOT
CCHC toàn diện
. Hiện nay một số tỉnh, thành đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Trước tình hình đó, TP sẽ làm gì để đảm bảo tính cạnh tranh và thu hút nguồn lực đầu tư?
TP đã dự báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội sẽ ngày càng khó khăn, nhiều thách thức. Do đó, chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.
TP sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như tập trung xây dựng khu đô thị sáng tạo; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN, thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; cải thiện năng lực cạnh tranh của DN. Cùng đó là giới thiệu, đánh giá tác động, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để DN TP tiếp cận, tận dụng thời cơ, ứng phó khó khăn trước tình hình chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và khi thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),…
Đặc biệt, với chủ đề năm 2019 là “Năm đột phá thực hiện CCHC, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI”, TP xác định đột phá về CCHC là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển. TP sẽ tập trung thực hiện đồng bộ 10 nhiệm vụ, giải pháp với yêu cầu xuyên suốt là đảm bảo nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác CCHC. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ lãnh đạo đến chuyên viên, trên mọi cương vị công tác phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần vượt qua khó khăn, đoàn kết, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, từ lời nói đến hành động.
. Thưa ông, để mũi đột phá CCHC mang lại những hiệu quả mạnh mẽ như mục tiêu đề ra đòi hỏi cả hệ thống phải vận hành một cách đồng đều, không bị ngắt khúc ở các bộ phận. Tuy nhiên, điều khiến người dân, DN lo lắng là những quyết tâm rất cao của lãnh đạo TP có khi sẽ bị “ vô hiệu” hóa bởi một bộ phận nào đó. TP sẽ làm gì để giám sát và xử lý vấn đề này?
CCHC là nhiệm vụ trọng tâm của năm, kết quả CCHC là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Những trường hợp kết quả xếp loại trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC ở mức thấp so với quy định, chưa thật sự là đầu tàu, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành còn hạn chế hoặc khoán trắng công việc cho cấp dưới, không nắm vững tình hình cơ quan, đơn vị mình cũng được xem là không hoàn thành nhiệm vụ và TP sẽ xem xét điều chuyển, thay thế người đứng đầu để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
TP tin tưởng rằng thực hiện tốt CCHC, hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của TP sẽ được phát huy hiệu quả.
Nhân dịp chào đón xuân Kỷ Hợi 2019, thay mặt lãnh đạo chính quyền TP, tôi xin gửi đến quý độc giả báo Pháp Luật TP.HCM lời chúc xuân an lành, hạnh phúc, năm mới nhiều thắng lợi mới.
Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG
Tạo ra sức bật từ Nghị quyết 54
. Nghị quyết 54 của Quốc hội đang được kỳ vọng sẽ mang lại động lực phát triển mạnh mẽ cho TP.HCM. Năm 2019 TP sẽ triển khai nghị quyết này như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?
Trong năm 2018 TP triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2019 TP xác định nhiệm vụ sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã ban hành. TP chủ động làm việc với các cơ quan trung ương để hoàn thiện đề án rà soát, sắp xếp lại và xử lý các nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương quản lý trên địa bàn TP; đề án ứng vốn ngân sách thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 qua địa bàn TP; đề án mô hình cơ quan quản lý vốn nhà nước tại DN TP.
TP cũng sẽ tiến hành rà soát tất cả lĩnh vực để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định của các nghị định theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho TP chủ động thực hiện các quy trình, thủ tục phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và DN. Đồng thời xây dựng các nội dung đặt hàng, mời gọi các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực để nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn hiện nay và phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt mà Nghị quyết 54 đã cho phép.
. X in cám ơn ông
TP.HCM cần triển khai mạnh mẽ và nhanh hơn nữa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Trước đây, trả lời Pháp Luật TP.HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trước sự kỳ vọng của cả nước, của Đảng và Quốc hội, Chính phủ, Phó Thủ tướng cho rằng TP.HCM cần triển khai mạnh mẽ và nhanh hơn nữa những cơ chế mà Quốc hội đã nói rõ trong Nghị quyết 54. Bằng các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể, TP cũng cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập để tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn lực như Nghị quyết 54 đã mở ra.
Nhân dân, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như cá nhân Phó Thủ tướng tin rằng với truyền thống là đầu tàu, năng động, với sức mạnh vốn có của nhân dân và Đảng bộ, TP chắc chắn sẽ khắc phục được những khó khăn trước mắt để tiếp tục phát huy vai trò của mình đối với cả nước. Nên nhớ rằng năm 2018 là một năm có nhiều khó khăn với TP.HCM về nhiều mặt. Thế nhưng TP.HCM vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được trung ương giao và Đảng bộ TP đã đề ra.
Điều đó chứng tỏ rằng năm 2019 TP.HCM còn có thể hoàn thành tốt hơn các mục tiêu chung của cả nước và mục tiêu riêng của mình.
VIỆT HOA thực hiện
Theo PL
Thay ông Lê Nguyễn Minh Quang, ông Bùi Xuân Cường trở lại làm Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM
Sáng ngày 4/1/2019, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, giữ chức Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR).
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM (bên phải), trao quyết định điều động và bổ nhiệm ông Bùi Xuân Cường làm Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (bên trái) - Nguồn: Sở GTVT TP HCM
Được biết, ông Bùi Xuân Cường đã có khoảng thời ngắn nắm giữ chức vụ này kể từ tháng 8/2014 đến tháng 8/2015.
Trên cương vị Trưởng ban MAUR, ông Cường đã để lại một số dấu ấn như bắt đầu tổ chức thi công đoạn ngầm đầu tiên của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); tổ chức đúc các dầm (của đoạn trên cao), lao những đốt dầm đầu tiên của tuyến metro số 1 và tổ chức lấy ý kiến người dân, nhà khoa học về mẫu toa tàu của tuyến metro số 1.
Ông Bùi Xuân Cường, sinh năm 1975, có bằng cấp chuyên môn là Kỹ sư Cầu đường, Thạc sĩ Kỹ thuật, Thạc sĩ Hành chính công và bằng Cao cấp Chính trị.
Ông Cường đã có một thời gian dài công tác tại Sở Giao thông vận tải (GTVT), bắt đầu từ vị trí chuyên viên rồi làm Phó, Trưởng phòng Phòng Quản lý Giao thông (sau này tách ra thành Phòng Quản lý Xây dựng công trình giao thông và Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ), Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Tới ngày 25/8/2015, ông Bùi Xuân Cường được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở GTVT, ông Bùi Xuân Cường cũng có nhiều đóng góp cho ngành. Trong đó, có thể kể đến các hoạt động như: đưa vào khai thác tuyến buýt đường thủy đầu tiên; chỉ đạo, tổ chức thi công và đưa vào khai thác nhiều công trình quan trọng, góp phần tháo gỡ kẹt xe cho TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Cường cùng cấp dưới đã xây dựng, đưa vào sử dụng Cổng thông tin giao thông TP.HCM (qua trang web: giaothong.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng trên thiết bị di động) nhằm kịp thời cung cấp kịp thời các thông tin về sự cố hạ tầng và tình trạng giao thông cho người dân.
Đặc biệt, Sở GTVT trong thời gian này đã có nhiều giải pháp phối hợp tháo gỡ ùn tắc giao thông trên đường dẫn vào cảng Cát Lái (tại nút giao Mỹ Thủy, quận 2); khu vực trước sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); xây dựng mô hình mới trong việc phối hợp giữa các lực lượng xử lý các điểm nóng về ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, việc "giải quyết kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cửa ngõ thành phố" được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của TPHCM trong năm 2017.
Cũng trong sáng 4/1, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn đã công bố quyết định của UBND TP. HCM về việc miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban MAUR đối với ông Lê Nguyễn Minh Quang.
Được biết, ông Quang tốt nghiệp khoa xây dựng Đại học Bách khoa TP.HCM năm 1989. Đến năm 1995, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành xây dựng tại Pháp. Kể từ tháng 6/2016, ông Lê Nguyễn Minh Quang được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban MAUR với thời hạn 5 năm.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông Quang đã từng 3 lần gửi đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân./.
Theo VietTimes
TP.HCM: Bứt phá từ 7 nhóm sản phẩm Sau một thời gian dài loay hoay với câu hỏi "đâu là sản phẩm chủ lực", việc TP.HCM công bố 7 nhóm sản phẩm chính được xem là động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thành phố phát triển bền vững. Trước đó, lãnh đạo TP.HCM đã liên tục có nhiều buổi làm việc với các sở, ngành, hiệp hội...