Nagasaki tưởng niệm 70 năm thảm họa bom nguyên tử
Ngày 9/8, chính quyền thành phố Nagasaki đã tổ chức lễ tưởng niệm 70 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này làm hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Người dân cầu nguyên tại công viên Hòa Bình của Nagasaki ngày 9/8.
Các hoạt động tưởng niệm diễn ra tại Công viên Hòa bình, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy và hàng nghìn người dân. Các nhà thờ trong thành phố đã đồng loạt rung chuông để những người còn sống sót, người thân của các nạn nhân và mọi người cùng nhớ lại thảm họa đau thương này.
Vào lúc 11 giờ 2 phút (giờ địa phương) ngày 9/8/1945, một quả bom hạt nhân làm từ plutoni mang tên “Fat Man” (tạm dịch là Chàng béo) đã được ném xuống gần một nhà máy vũ khí lớn. Quả bom đã hủy hoại một phần ba thành phố và làm khoảng 74.000 người thiệt mạng.
Video đang HOT
Nhiều người sau đó còn bị chết vì thương tật và nhiễm xạ. Vụ việc này diễn ra chỉ ba ngày sau khi chiếc may bay B-29 của Mỹ ném quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử, mang tên “Little Boy” (tạm dịch là Cậu bé), xuống thành phố Hiroshima, cướp đi sinh mạng của 140.000 người.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ ở Nagasaki, Thủ tướng Abe tái khẳng định chính phủ Nhật Bản quyết tâm đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân, tuân thủ ba nguyên tắc phi hạt nhân của Nhật Bản, bao gồm không sản xuất, sở hữu hoặc cho phép các loại vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nhật Bản.
Thủ tướng cũng cho biết Nhật Bản sẽ nỗ lực vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân bằng cách hợp tác với các cường quốc hạt nhân và các nước không có vũ khí hạt nhân. Theo ông Abe, Nhật Bản sẽ trình lên phiên họp tới đây của Đại hội đồng Liên hợp quốc một nghị quyết mới kêu gọi hủy bỏ các loại vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản cũng sẽ khuyến khích các lãnh đạo thế giới lắng nghe trực tiếp các nạn nhân của bom nguyên tử nói về thực tế thảm họa này. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện các nạn nhân còn sống và xúc tiến quá trình công nhận các bệnh liên quan đến phóng xạ hạt nhân.
Trong Tuyên bố Hòa bình tại lễ tưởng niệm, Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue kêu gọi cần thảo luận một cách “thận trọng” các đạo luật có thể dẫn tới sự thay đổi lớn trong quy mô quốc phòng của Nhật Bản, cũng như Hiến pháp bất bạo động của nước này.
Hiện các dự luật an ninh, do chính phủ của Thủ tướng Abe đề xuất, đang được thảo luận tại Thượng viện sau khi các đảng cầm quyền đã thông qua tại Hạ viện hồi tháng trước. Các dự luật này sẽ mở rộng đáng kể vai trò của Lực lượng phòng vệ (SDF) ở nước ngoài.
Thị trưởng Taue nhắc lại rằng tính bất bạo động của Hiến pháp Nhật Bản xuất phát từ “những trải nghiệm đau buồn và ác nghiệt” của thảm họa bom nguyên tử cuối Chiến tranh Thế giới hai, đồng thời nhấn mạnh: “Vì lợi ích của Nagasaki và lợi ích của toàn dân Nhật Bản, không bao giờ được quên một nguyên tắc hòa bình là chúng ta từ chối chiến tranh”.
Theo TTXVN/baotintuc.vn
Quá khứ cảnh báo hiện tại
Như những năm trước, năm nay ở Nhật Bản có các nghi lễ tưởng niệm nạn nhân vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8.1945.
Một phụ nữ khóc trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima - Ảnh: Reuters
Nhưng năm nay có phần đặc biệt hơn vì sự việc xảy ra cách đây 70 năm được hồi tưởng lại dưới tác động của những biến động mạnh mẽ và sâu sắc về mọi phương diện ở Nhật Bản, về chính trị an ninh ở khu vực, trong quan hệ của Nhật Bản với Mỹ và các nước láng giềng cũng như trong vấn đề vũ khí hạt nhân trên thế giới.
70 năm sau Hiroshima và Nagasaki, trên thế giới có được nhận thức ngày càng thêm phổ biến, thuyết phục và có cơ sở là hai vụ ném bom này mang bản chất của tội ác đáng bị nguyền rủa và bị trừng phạt chứ không phải là chuyện chiến sự trong chiến tranh. Nhận thức này động chạm đến trách nhiệm về pháp lý và đạo lý của Mỹ. Nó làm cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ thêm nhạy cảm và phức tạp. Chính phủ hai nước này vì duy trì quan hệ liên minh quân sự mà đã cản trở việc xử lý thỏa đáng mọi hậu quả, hệ lụy và tác động về mọi phương diện của thảm họa, trong khi dân chúng ở Nhật Bản không cùng quan điểm ấy.
Lễ tưởng niệm năm nay bị phủ bóng và chi phối bởi sự bất bình của người dân Nhật Bản về các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ và về việc tình báo Mỹ do thám quan chức Nhật Bản, đẩy Thủ tướng Shinzo Abe vào tình thế rất khó xử.
Trên hết vẫn là lời cảnh tỉnh của lịch sử từ Hiroshima và Nagasaki. Quá khứ cảnh báo hiện tại, nhắc nhở hiện tại hãy vì tương lai mà đừng bao giờ để tái diễn Hiroshima và Nagasaki ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Văn hóa Việt Nam khoe sắc trên đất Mỹ Đông đảo người Mỹ, các Việt Kiều và bạn bè quốc tế đã tham dự lễ khai mạc sự kiện "Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ" vào tối 8/8 tại Trung tâm Trình diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Các nghệ sĩ biểu diễn một tiết mục múa truyền thống của Việt Nam tại Trung tâm...