Nấc thang mới Việt – Mỹ báo hiệu thay đổi gì ở Biển Đông
Các chuyên gia lâu năm đánh giá kết quả sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ có thể tạo ra những biến chuyển đáng kể với diễn biến trên biển.
Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam và tuyên bố hai nước có mối quan hệ bình thường hoàn toàn. Ảnh: Giang Huy
“Việc Tổng thống Obama tuyên bố bình thường hoàn toàn quan hệ với Việt Nam, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, cho thấy Washington chủ động cải thiện một cách thực chất với Hà Nội, khi môi trường địa chính trị đang có những diễn biến phức tạp”, Tiến sĩ Enrico Fels, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bonn, Đức, trao đổi vớiVnExpress.
Tại Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp với một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, Bắc Kinh gần đây tăng tốc việc bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo nhằm kiểm soát trên thực địa. Các hình ảnh vệ tinh của Mỹ và các tổ chức nghiên cứu an ninh cho thấy Trung Quốc không những xây dựng các đường băng, mà còn triển khai tên lửa, chiến đấu cơ tới khu vực. Nhiều nước đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa vùng biển này.
Trong khi đó, Biển Đông là tuyến đường có đến 80% giao dịch thương mại quốc tế đi qua. Do đó, Mỹ luôn tuyên bố mình có lợi ích ở khu vực và cần thực hiện kiên quyết đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên biển.
Theo ông Fels, trong các bài phát biểu của mình tại Việt Nam, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh thông điệp Việt – Mỹ gác lại quá khứ và cùng nhìn về tương lai để đối phó với những thách thức.
“Mẫu số chung mà hai nước tiếp cận là sự phát triển trong tương lai của châu Á và mối quan hệ giữa hai nước với Trung Quốc”, Fels khẳng định.
Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm phân tích quân sự – chính trị, Viện Hudson, Mỹ, đánh giá việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội có tác dụng ngăn chặn các hành động của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm này đi kèm với việc ông Obama một lần nữa khẳng định các tàu và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông, cho thấy sự kiên quyết của Washington, rằng nói sẽ đi đôi với làm.
Video đang HOT
Là một người chuyên nghiên cứu về chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, ông John Hemmings, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Kinh tế London (LSE), nhận định Trung Quốc không phải là lý do duy nhất khiến quan hệ Việt – Mỹ trở nên thân thiết hơn. Hai nước còn tăng cường hợp tác nhiều mặt khác, về thương mại và giáo dục. Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể xem là “chất xúc tác” cho hợp tác an ninh và kinh tế Việt – Mỹ tăng lên. Hemming cho rằng chuyến thăm Việt Nam của ông Obama thể hiện xu hướng của người Mỹ, là muốn tìm kiếm sự hòa giải và hợp tác với cựu thù. Bên cạnh đó, chuyến đi cũng diễn ra trước những thay đổi đáng kể ở khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Với góc nhìn bao quát hơn về ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), Mỹ, đánh giá tuyên bố của ông Obama về việc Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông khi đến Hà Nội là muốn gửi ra dấu hiệu rằng “Washington không tin việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc sẽ mang lại cho Bắc Kinh thêm vùng đặc quyền kinh tế”. Giới quan sát nghi ngờ Trung Quốc biến các đá thành đảo với mục đích “đòi sở hữu” theo Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.
Theo Tiến sĩ Fels, trong khu vực Việt Nam có vai trò rất quan trọng do vị trí địa lý, quân sự và tăng trưởng kinh tế. Do đó, Mỹ muốn giúp Việt Nam có một vai trò quan trọng hơn trong cấu trúc ngoại giao khu vực. Từ đó các nước khác trong và ngoài khu vực, là thành viên của ASEAN hay EU sẽ nhìn vào Việt Nam để thực hiện nhiều hơn chính sách ngoại giao và thể hiện vai trò có trách nhiệm của mình.
Fels nhận định việc Mỹ bỏ lệnh cấm vũ khí cho phép Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng, cải thiện vị thế lên mức “trung cường khu vực”. Mỹ có thể đưa ra những lời chào hàng ở mức giá “thỏa thuận” hoặc đưa ra những công nghệ mà Nga, nhà cung cấp truyền thống, chưa sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam. Mỹ cần một đối tác như Việt Nam trong mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc, cả về kinh tế và quân sự. Kinh tế Trung Quốc hồi tháng 10/2014 đã vượt Mỹ về sức mua tương đương theo Ngân hàng thế giới (WB). Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1872 Mỹ không phải là nền kinh tế lớn nhất thế giới theo phương diện này. Do đó Mỹ cần tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Hemmings dự đoán những bước tiếp theo sau việc dỡ bỏ lệnh cấm khá phức tạp khi cả Việt Nam và Mỹ phải trải qua các quá trình xem xét của riêng mình. Việt Nam và Mỹ có thể có các thỏa thuận về hệ thống giám sát trên biển không sát thương như máy bay không người lái, máy bay tuần tra.
“Tôi cho rằng hai bên ban đầu sẽ có những động thái chậm rồi dần dần làm quen với quá trình. Bất kỳ sự khiêu khích nào của Trung Quốc cũng sẽ khiến việc này được thúc đẩy nhanh hơn”, Hemmings nói.
Qua hơn 20 năm theo dõi quan hệ Việt – Mỹ, Hiebert cho rằng nấc thang hợp tác mới giữa hai nước đã gửi ra một thông điệp rằng cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Mỹ và Việt Nam trở nên gần gũi với nhau hơn. Từ đó có thể thúc đẩy thêm chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ.
“Nếu bà Hillary Clinton được chọn là tổng thống tiếp theo của Mỹ, chúng ta có thể trông đợi chính sách tái cân bằng được tiếp tục. Nếu ông Donald Trump trúng cử, chúng ta không biết quan điểm của ông ta về châu Á”, Hiebert cảnh báo.
Đánh giá về phản ứng của Trung Quốc, Tiến sĩ Fels cho rằng dù tác động của việc dỡ bỏ lệnh cấm với khu vực không lớn, nhưng Bắc Kinh có thể sẽ “làm ầm ĩ lên”, có thể gây áp lực về kinh tế với Việt Nam và tiếp tục chính sách hung hăng ở Biển Đông.
Hemmings thì cho rằng dù Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch của riêng mình về kiểm soát Biển Đông trên thực tế nhưng cũng cần chờ xem nước này sẽ cư xử thế nào khi đang phải chịu tác động của suy thoái kinh tế.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử theo cách của kẻ bành trướng với các nước láng giềng, tôi cho rằng các mối quan hệ quốc tế sẽ cho thấy nhiều nước tiến tới hợp tác an ninh với nhau nhiều hơn. Tôi hy vọng Trung Quốc có thể kiềm chế mình, đặc biệt là trong cuộc suy thoái kinh tế sắp tới”, Hemming nói.
Việt Anh
Theo VNE
Trung Quốc lên tiếng về việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam
Trung Quốc hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam; đồng thời mong muốn mối quan hệ hữu hảo Việt - Mỹ sẽ đóng góp cho sự ổn định của khu vực.
Trung Quốc hoan nghênh việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, nói rằng đó là sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh. REUTERS
Trong cuộc họp báo ngày 23.5 tại Hà Nội cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23.5 nói rằng lệnh cấm vận vũ khí là "sản phẩm" của thời Chiến tranh Lạnh và không nên tồn tại nữa, theo AP. Bà Oánh nói Trung Quốc mong muốn mối quan hệ bình thường và hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đóng góp cho sự ổn định khu vực.
Trung Quốc hiện vẫn bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm vận vũ khí. Lệnh cấm được đưa ra sau vụ đàn áp của quân đội nước này đối với cuộc biểu tình của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, theo AP.
Hãng tin này cho rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam đối phó với những tham vọng của Trung Quốc.
Trước đó, trong bài bình luận ngày 22.5, Tân Hoa xã đã viết rằng Mỹ không nên sử dụng việc hàn gắn mối quan hệ với Việt Nam như một công cụ để đe doạ hay gây hại đến lợi ích chiến lược của những nước thứ ba.
"Những nỗ lực cải thiện mối quan hệ Mỹ - Việt nên được thúc đẩy bằng những mục tiêu chung, có lợi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy lợi ích của hai phía, chứ không nên là hành động ích kỷ một chiều gây thêm nguy cơ cho hoà bình ổn định khu vực", theo Tân Hoa xã.
Tân Hoa xã còn lớn tiếng tố cáo Mỹ là nước thường gây rối tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và việc dỡ bỏ cấm vận chỉ phục vụ mục đích chiến lược riêng của Mỹ. Tân Hoa xã còn cảnh báo Việt Nam nên cẩn trọng khi thương lượng với Mỹ.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 23.5, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng "Quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương không phải phụ thuộc vào yếu tố Trung Quốc mà dựa trên tiến trình quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc và mở rộng hơn...; và đã đến lúc chúng ta không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa". Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng hoan nghênh quyết định này của Mỹ.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả lệnh cấm vận vũ khí Trung Quốc, nước bị Mỹ cấm vận vũ khí, nói rằng tất cả cấm vận của Washington cần được dỡ bỏ. Xe chở tên lửa đạn đạo DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: Reuters "Một số người có ảnh hưởng ở Mỹ nhiều lần nói rằng việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí là biểu hiện của tư duy Chiến tranh Lạnh", phát...