Na Uy – ngọn lửa ấm vùng cực bắc
Nơi đây không chỉ có tuyết trắng, có gió biển mà còn ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Cực quang rực sáng trên bầu trời, các dãy núi lung linh sắc mã não hay mặt trời vẫn soi sáng ngay giữa buổi đêm, đó là những gì người ta biết về đất nước Na Uy. Tất nhiên cũng không thể bỏ qua các nhà thờ xây bằng gỗ tồn tại từ thời Trung cổ hay sự thật rằng đây là quê hương của môn trượt tuyết từ cách đây 4.000 năm. Bất chấp cái lạnh giá của phương Bắc, Na Uy được biết tới như một trong những vùng đất ấm áp tình người nhất trên thế giới.
Một con gấu trắng di chuyển giữa các tảng băng nhỏ trên biển Baren, khu vực gần quần đảo Svalbard. Sông băng bao phủ hơn một các đảo này và tạo thành môi trường sống lý tưởng cho các loài động vật vùng cực.
Du khách đang tản bộ quanh khu chợ hàng trăm năm tuổi ở thành phố ven biển Bergen. Đây là thành phố lớn thứ 2 tại Na Uy và thường được chọn là nơi khởi đầu các chuyến du lịch.
Các con tàu đang chuẩn bị cập bến tại làng Geiranger, miền Tây Na Uy. Vịnh Geiranger là một di sản thế giới được UNESCO công nhận và là nơi thu hút rất nhiều du khách nhờ phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ. Na Uy có rất nhiều vịnh như thế này nhưng đây là nơi nổi tiếng nhất.
Sương giá đóng dày tại một ngôi nhà gỗ trên núi cao. Người Na Uy rất thích sống trong những ngôi nhà như thế này mỗi khi đi nghỉ dịp đông về.
Một con tàu đóng theo kiểu cướp biển Viking thời cổ. Con tàu này mang tên Gaia và cắm cờ của Na Uy và Iceland. Nhờ kỹ thuật hàng hải đi trước thời đại, những tay cướp biển Viking của Na Uy đã tìm ra vùng đất Iceland chưa có người ở vào thế kỷ thứ 9 và sau đó định cư luôn ở miền đất mới.
Đây là trung tâm của Vịnh Bắc. Khu vực này là sự kết hợp giữa núi non, hồ nước và các vịnh hẹp nằm ở phía Tây Na Uy. Nhờ sự đa dạng đó cũng như đất đai màu mỡ, con người đã sinh sống ở đây từ thời kì Đồ Đá.
Cận cảnh mặt trước của nhà thờ kiểu bậc thang Heddal. Nó được xây bằng gỗ từ thời Trung Cổ và hiện vẫn được sử dụng. Heddal cũng là nhà thờ gỗ lớn nhất còn tồn tại và được xem là một trong những di sản kiến trúc quý báu của Na Uy.
Các khu rừng chiếm tới hơn 1/3 diện tích đất liền của Na Uy. Ngoài địa hình rừng rậm, Na Uy còn được biết tới với núi cao, các cao nguyên, lãnh nguyên vùng cực, các vịnh hẹp nổi tiếng và đường bờ biển thuộc diện dài nhất thế giới.
Đây là nơi diễn ra lễ trao giải Nobel Hòa Bình nổi tiếng. Tòa thị chính Oslo được xây từ giữa thế kỷ 20, là nơi làm việc của các quan chức tại thủ đô và thể hiện được nghệ thuật kiến trúc Na Uy.
Các chú chim Uria lao xuống biển để bắt cá đi theo bầy. Nhìn ảnh trông giống như những chiếc ngư lôi đang phi ào ào dưới nước ý nhỉ? Đôi lúc chúng xuống tới độ sâu đáng nể là 150m. Các con chim biển này tập trung ở vùng quần đảo Svalbard với số lượng hàng trăm ngàn con và khi mùa đông tới, chúng tản mát sang vùng Iceland hoặc Greenland.
Một con tuần lộc đang phi nước đại qua vùng lãnh nguyên vùng cực được rêu xanh phủ kín. Lãnh nguyên này nằm ở gần Hornsund, một vịnh hẹp trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard.
Là một đất nước nằm gần cực Bắc, Na Uy rất nổi tiếng với môn trượt tuyết. Thậm chí các chuyến đi dã ngoại bằng xe trượt và ván trượt cũng thường xuyên diễn ra với sự tham gia của cả trẻ em.
Theo 24h