Na Hang: Bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn
Na Hang lâu nay vẫn được coi như một vùng đất cổ, nơi mà mỗi con sông, con suối, mỗi cánh rừng, ngọn núi đều được gắn liền với những truyền thuyết đầy hấp dẫn.
Nơi đây có nhiều cảnh đẹp nên thơ, sơn thủy hữu tình được kiến tạo bởi hai con sông lớn là sông Gâm và sông Năng cùng dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi được ví là “Hạ Long cạn giữa đại ngàn”. Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Na Hang trở thành một vùng hồ rộng tới trên 8.000 ha với nhiều cảnh quan thiên nhiên làm say đắm lòng người.
Du khách tận hưởng cảm giác yên bình.
Nằm cách thành phố Tuyên Quang 110km, với cảnh quan, thiên nhiên hùng vĩ, Na Hang đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Không chỉ có phong cảnh thiên nhiên đẹp, Na Hang còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên nhằm mục đích nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hóa hiện hữu. Hiện nay, Na Hang đang hội đủ những yếu tố làm nên một quần thể du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia mà ít nơi có được. Đây là lợi thế để phát triển loại hình du lịch văn hóa dân tộc dân gian hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch hồ thủy điện Tuyên Quang.
Tuyên Quang đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng thì riêng với Na Hang là huyện rừng có mật độ che phủ cao nhất toàn tỉnh, chiếm 71% diện tích đất tự nhiên toàn huyện, có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Tại đây có Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung với diện tích bảo tồn được phê duyệt là 42.000 ha. Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung được chia cắt bởi sông Năng và sông Gâm. Hệ thống suối của hai con sông này tạo thành hệ thủy vực quan trọng của khu bảo tồn. Rừng ở đây phong phú về hệ động thực vật quý hiếm (gồm 40 loài thú, 70 loài chim, 20 loài bò sát và 17 loài thực vật bậc cao), tiêu biểu là các loài động vật nằm trong sách đỏ như: Voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa…, hay những cây gỗ đinh, nghiến, trai… quý hiếm hàng nghìn năm tuổi. Khu bảo tồn có vai trò đặc biệt quan trọng là bảo vệ nguồn nước cho hồ thủy điện Tuyên Quang, điều tiết lũ ở vùng hạ lưu và chắc chắn đây chính là điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm vô cùng hấp dẫn.
Du khách đi bộ khám phá thác Nặm Me.
Hoạt động du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề để xây dựng huyện Na Hang là điểm đến du lịch hấp dẫn. Ủy ban nhân dân huyện đã triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn huyện và hưởng ứng khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 như Lễ hội Hương sắc Na Hang và các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội: Hội thi bàn tay vàng chế biến chè tại Festival Chè Shan tuyết Na Hang, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản, hoạt động chợ đêm và tuyến phố đi bộ; hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch: Phiêng Bung, Hồng Thái, khu Di tích quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình,… Công bố Chỉ dẫn địa lý Rượu Ngô men lá Na Hang; công bố Kỷ lục Việt Nam “Tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam”; khai trương thử nghiệm tuyến trải nghiệm đường rừng (Bó Kim – Nà Niếng),… thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Video đang HOT
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, đã tổ chức thành công Lễ phát động cùng chung tay gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá, phát triển du lịch trên địa bàn; tổ chức Hội thảo Đề tài “Nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang”, nhiều giá trị văn hóa đang được bảo tồn và phát huy tốt, nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã ý thức được việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch; tiếp tục thực hiện chủ trương lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện dự án Bách khoa thư du lịch huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các điểm du lịch trên địa bàn, các tuyến đường giao thông kết nối, các tuyến đường vào khu, điểm du lịch; công bố Đề án thí điểm thực hiện mô hình “Phát triển kinh tế ban đêm gắn với định hướng các cực phát triển tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023 – 2030″; tiếp tục phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; thôn Nà Khá, Nà Chang (điểm Phiêng Bung) xã Năng Khả; phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm trong rừng, nghỉ dưỡng, cắm trại, lưu trú theo dạng bungalow, Glamping. Công tác xúc tiến, hợp tác đầu tư phát triển du lịch được thúc đẩy, tiếp tục quảng bá hình ảnh danh lam thắng cảnh, văn hoá truyền thống, con người Na Hang với du khách.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nhân lực làm du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dịch vụ, du lịch trên địa bàn, đảm bảo hoạt động du lịch đi vào nề nếp. Tiếp tục thực hiện phương án trồng cây xanh, trồng hoa…; vận động các hộ dân trồng cây xanh, cây hoa, cải tạo, chỉnh trang không gian cảnh quan, đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Thực hiện Đề án đặt tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thị trấn Na Hang, huyện Na Hang; tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân thực hiện Nghị quyết 09/NQ-HĐND về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Chèo thuyền Kayak một trải nghiệm thú vị.
Đến Na Hang chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ thủy điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia. Theo những người dân nơi đây kể lại, truyền thuyết về thác Mơ là câu chuyện đầy cảm động về vợ chồng nàng Mơ sinh sống dưới chân núi Pắc Ban. Một ngày, người chồng đi hái thuốc trong rừng mà mãi không về. Nàng Mơ băng rừng đi tìm chồng nhiều ngày rồi lạc trong rừng. Một ngày kia, nàng hóa thành một dòng thác trắng xóa. Dọc đường, quý khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung, ghé thăm thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa thuộc thời đồ đá khoảng 10.000 năm)… Những cánh rừng nguyên sinh có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.
Cảnh đẹp nên thơ, sơn thủy hữu tình chỉ có ở Na Hang.
Phóng xa tầm mắt quý khách sẽ thấy núi Pắc Tạ, ngọn núi cao nhất của huyện Na Hang có hình chú voi đang đứng bên nậm rượu. Xa chút nữa là núi Xa Tạ hay còn gọi là núi Côn Lôn. Câu chuyện truyền thuyết về núi Pắc Tạ kể về chú voi nghiện rượu có công đánh giặc và được vua phong là Voi quận công hóa đá. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật. Bà theo chồng kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng và bị tử nạn, đã được một người họ Ma vớt, táng ngay chân núi. Vua cho dựng đền thờ ngay tại nơi chôn cất và giao cho người họ Ma trông coi. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng và du khách khắp nơi thường đến nơi đây cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền, du khách sẽ ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng là nơi thờ Quan đế đại thần và thờ Mẫu.
Quang cảnh Hồ Thủy điện Tuyên Quang.
Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào. Đi tiếp nữa là gặp thác Nậm Mè (nghĩa là suối mẹ). Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước. Bên bờ trái đoạn chia cắt thị trấn Na Hang với xã Trùng Khánh (cũ) có vách đá tên gọi là “Nàng Tiên – Chú Khách”. Du khách có thể hình dung trên vách đá có hình ảnh Nàng Tiên – Chú Khách đang chơi vơi giữa chốn bồng lai tiên cảnh và hạ giới. Vách đá này cũng gắn liền truyền thuyết rất hay và cảm động. Đến đây quý khách còn được nghe về sự tích hoa Phạc Phiền, một loài hoa cỏ tiên có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền làm cho người khỏi bệnh. Tiếp đến du khách sẽ gặp những thác nước như Tin Tát, Đén Luông, Đén Lang đổ như mái tóc của người thiếu nữ buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ.
Na Hang ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, các món cá đặc sản của vùng hồ. Đặc biệt, Na Hang có rượu ngô men lá ngon nổi tiếng. Thứ rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say xỉn. Để làm được thứ rượu thơm ngon này, phải qua một quy trình rất công phu. Nếu ai đã từng được thưởng thức thứ rượu thơm ngon nơi đây, có lẽ sẽ nhớ mãi cái hương vị đậm đà khó quên này.
Nhằm phát huy giá trị văn hóa và tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang đang phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai xây dựng các điểm du lịch làng văn hóa Nà Tông ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình), bản Phiêng Bung ở xã Năng Khả, bản Lục ở xã Đà Vị…
Thác Mây: Bức tranh thủy mặc trong rừng Thần Sa
Xã Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên) không chỉ nổi tiếng với Mái Đá Ngườm, thác Mưa Rơi mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
Và ẩn dưới những tán rừng già ở xóm Trung Sơn là thác 7 tầng - thác Mây, được nhiều người ví như thác Bản Giốc thu nhỏ.
Thác nước mềm mại như dải lụa bạch, quấn quanh những thân cây cổ thụ, dày đặc những rêu phong và chằng chịt tầm gửi, tạo nên một bức tranh thủy mặc mê hoặc hồn người.
Thác hình thành từ những mạch suối nguồn chảy ra từ những cánh rừng, tràn qua 7 tầng đá vôi với dòng nước trong lành, mát rượi.
Được đắm mình trong dòng nước mát lành nơi đây, mọi cảm giác mệt mỏi, muộn phiền trong người dường như tan biến.
Hùng vĩ, duyên dáng, đẹp như một bức tranh thủy mặc cùng sự nguyên sơ khiến thác tạo nên sức hấp dẫn, mời gọi du khách tìm đến.
Để đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương, người dân bản địa đã dựng lên những chiếc lán bằng tre, gỗ làm chỗ nghỉ chân và phục vụ nhu cầu ẩm thực.
Thác 7 tầng là món quà quý của tạo hóa dành cho mảnh đất Thần Sa. Những năm gần đây, thác thu hút ngày càng nhiều người đến khám phá, thưởng lãm, hòa mình với thiên nhiên.
Lào Cai: Vẻ đẹp thác Bạc giữa đại ngàn Bảo Yên Đặt chân lên đất Tân Tiến (Bảo Yên), người ta đã nghe thấy tiếng nước chảy ào ào từ trên cao phía thượng nguồn Cán Chải. Đó chính là âm thanh phát ra từ con thác ở giữa lòng Tân Tiến mà bấy lâu nay người Dao, người Tày nơi đây vẫn gọi nó bằng cái tên rất sang - thác Bạc. Thác...