Myanmar xác nhận 41 ca nhiễm, 4 ca tử vong do mắc Covid-19
Myanmar đã có tổng cộng 41 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca tử vong và 2 ca đã hồi phục.
Hôm nay (13/4), Bộ Y tế Myanmar thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm và 1 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm phổi cấp Covid-19. Như vậy, cho đến nay, Myanmar đã có tổng cộng 41 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca tử vong và 2 ca đã hồi phục.
Kiểm tra thân nhiệt đề phòng Covid-19. Ảnh: TellerReport.
Trường hợp mới tử vong là một người đàn ông Myanmar 85 tuổi, sống ở trung tâm thành phố Yangon. Bệnh nhân này nhập viện vào ngày 08/4 với các triệu chứng kiệt sức, sốt và ho, sau đó đã tử vong vào ngày 12/4. Người này không có lịch sử du lịch nước ngoài trong 14 trước đó, tuy nhiên, ông bị mắc bệnh nền là tiểu đường và bệnh tim mạch vành.
Trong số 4 ca tử vong do mắc Covid-19 tại Myanmar, bệnh nhân trẻ nhất mới 47 tuổi. Bộ Y tế nước này kêu gọi những người có liên hệ chặt chẽ với các bệnh nhân dương tính với virus cần thông báo cho các sở y tế gần nhất.
Video đang HOT
Trước đó, vào ngày 10/4, Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Daw Aung San Suu Kyi đã thông báo trên tài khoản Facebook cá nhân về các biện pháp phòng dịch Covid-19 của nước này. Theo đó, thời gian cách ly đối với những người nghi nhiễm Covid-19 sẽ kéo dài thành 21 ngày, thay vì 14 ngày như hiện nay và kéo dài lệnh dừng tất cả các chuyến bay thương mại quốc tế đến Myanmar cho đến ngày 30/4/2020. Quyết định này thay cho thông báo hôm 29/3/2020 của Bộ Y tế và Thể thao và Cục Hàng không Dân dụng Myanmar.
Trong khi đó, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar trong thông báo ngày 11/4/2020 cho rằng, thời gian qua hầu hết các trường hợp dương tính với Covid-19 đều là người nhập cảnh vào Myanmar hoặc do tiếp xúc với những người đến và trở về từ nước ngoài.
Do đó, việc áp dụng các biện pháp kéo dài thời gian cách ly có tác dụng trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian áp dụng các hạn chế về hàng không là nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 trong giai đoạn bùng nổ ban đầu và để có thêm thời gian thực hiện các biện pháp xử lý hiệu quả.
Phát hiện thêm 6 loại virus corona chủng mới trên dơi
Các nhà khoa học đã phát hiện ra 6 loại virus corona hoàn toàn mới được tìm thấy trên những con dơi ở Myanmar.
Những loại virus này cùng họ với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, các loại virus corona mới được phát hiện này không có mối liên hệ gần gũi về gien với SARS-CoV-2, cũng như 2 loại virus corona khác từng gây nên dịch SARS và MERS.
Ảnh minh họa: Geza Farkas/Shutterstock
Các nhà khoa học đã phát hiện ra các loại virus trên khi đang nghiên cứu những con dơi ở Myanmar như một phần trong chương trình do chính phủ tài trợ mang tên PREDICT nhằm xác định các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ truyền từ động vật sang người. Những con dơi tiềm ẩn những nguy cơ lớn bởi loài động vật có vú này được cho là vật chủ của hàng nghìn loại virus corona chưa được phát hiện. SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ dơi trước khi bắt đầu lây nhiễm sang con người, có thể là qua "đường vòng" từ loài vật trung gian nào đó.
Từ năm 2016 - 2018, các nhà khoa học đã thu thập hàng trăm mẫu nước bọt và phân của 464 con dơi từ ít nhất 11 loài khác nhau. Họ đã lấy mẫu tại 3 địa điểm ở Myanmar, những nơi con người có tiếp xúc gần gũi với các loài động vật hoang dã do các mục đích chuyển đổi sử dụng đất và các hoạt động canh tác, trồng trọt chẳng hạn như sử dụng phân của loài động vật trên để làm phân bón.
"Hai trong số những địa điểm này đặc trưng bởi hệ thống hang động, nơi mà mọi người thường tiếp xúc với những con dơi qua việc sử dụng phân của chúng làm phân bón cho cây trồng, hoặc các hoạt động tôn giáo cũng như du lịch sinh thái", các nhà khoa học cho biết trong một nghiên cứu xuất bản trực tuyến ngày 9/4 trên tạp chí PLOS ONE.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích trình tự gen từ các mẫu trên và so sánh chúng với mẫu gen của những loại virus corona đã biết. Những loại virus mới này được tìm thấy trên 3 loài dơi: Scotophilus heathii với virus PREDICT-CoV-90, Chaerephon plicatus chứa virus PREDICT-CoV-47 và PREDICT-CoV-82, trong khi các virus PREDICT-CoV-92, -93 và -96 được tìm thấy trên loài dơi Hipposideros larvatus.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu về nguy cơ của 6 loại virus mới được phát hiện này khi chúng di chuyển sang các loài khác và liệu chúng có tác động đến sức khỏe con người như thế nào.
"Nhiều virus corona có lẽ không có nguy cơ gây bệnh với con người nhưng nếu chúng ta sớm xác định được những loại bệnh này từ động vật, vốn là nguồn lây nhiễm, thì chúng ta sẽ có cơ hội quý giá để điều tra về mối đe dọa tiềm năng này", đồng tác giả của nghiên cứu trên đồng thời là giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu của Smithsonian - chuyên gia Suzan Murray cho biết.
"Việc giám sát thận trọng, nghiên cứu và đào tạo là những công cụ tốt nhất chúng ta có để ngăn ngừa đại dịch trước khi chúng xảy ra".
Sự tiếp xúc giữa con người và động vật hoang dã đang ngày trở càng trở nên phổ biến hơn. Sự tàn phá mà dịch Covid-19 gây ra là một lời nhắc nhở cho thấy sức khỏe của con người có mối liên hệ chặt chẽ như thế nào với những tương tác như vậy, các nhà khoa học nhận định.
"Trên khắp thế giới, con người đang tiếp xúc với thế giới hoang dã ngày càng thường xuyên hơn, vì thế chúng ta càng hiểu về các loại virus tồn tại trong các loài động vật bao nhiêu, vốn là môi trường để virus biến chủng cũng như lây nhiễm sang các loài khác, thì chúng ta càng giảm nguy cơ về một đại dịch bấy nhiêu", chủ nhiệm nghiên cứu trên - chuyên gia Marc Valitutto, một cựu bác sĩ thú y tại Chương trình Y tế Toàn cầu của Smithsonian cho biết./.
Kiều Anh
ASEAN đối phó Covid-19: Cần sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất ASEAN ngày 9/4 nhất trí thành lập một quỹ ứng phó với Covid-19 trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra. Quyết định thành lập quỹ ứng phó được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 25 về Covid-19. Theo đó, quỹ hoạt động với mục...