Myanmar được xóa nợ hơn 6 tỷ USD
Myanmar đã đạt được thỏa thuận xóa nợ với một loạt chủ nợ quốc tế, tổng giá trị gần 6 tỷ USD. Thông báo của chính phủ Myanmar ngày 28-1 cho biết, các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris đã quyết định giảm một nửa số nợ cho nước này, số còn lại sẽ được phép trả nợ dần trong vòng 15 năm.
Cùng với đó, Nhật Bản cũng đồng ý xóa khoản nợ trị giá hơn 3 tỷ USD cho Myanmar, Na Uy cũng tuyên bố xóa nợ 534 triệu USD cho nước này. Ngoài ra, Nhật Bản còn giúp quốc gia Đông Nam Á này tái cơ cấu các khoản vay trị giá 900triệu USD của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á trong hàng chục năm qua.
Thỏa thuận này là một bước đột phá lớn đối với Myanmar, giúp nước này có được những khoản vay mới để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có mạng lưới điện và cầu cảng. Thỏa thuận này cũng sẽ tạo ra “phản ứng dây chuyền” thu hút thêm các khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới Myanmar. “Myanmar đã đi được chặng đường dài trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, thực hiện những cải cách chưa từng có để cải thiện đời sống người dân” – ông Annette Dixon, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Myanmar nói.
Theo ANTD
Ngân hàng Thế giới viện trợ 80 triệu USD cho Myanmar
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông qua khoản viện trợ trị giá 80 triệu USD cho Myanmar, đồng thời cam kết cho nước này vay lần đầu tiên sau 25 năm.
Thành phố Yangon, Myanmar ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Ảnh: Myanmar Guardian
Trong thông cáo phát đi hôm 2-11, WB cho biết khoản viện trợ này sẽ được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn nghèo. Đây là khoản viện trợ phát triển đầu tiên kể từ khi WB đóng cửa văn phòng tại Yangon năm 1987, nhằm giúp Myanmar phát triển "các nhu cầu cấp thiết nhất" gồm giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng và khu vực tư nhân để thúc đẩy tạo việc làm. "Tôi rất vui mừng trước công cuộc cải cách đang diễn ra ở Myanmar và khuyến khích chính phủ tiếp tục nỗ lực hơn nữa", Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói.
Trong khi đó, bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, tổ chức này sẽ cung cấp một khoản vay khác trị giá 165 triệu USD cho Myanmar khi nước này trả hết nợ đáo hạn cho WB, tổng cộng khoảng 400 triệu USD từ năm 1987. "Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho tất cả người dân Myanmar, đặc biệt là người nghèo", bà Pamela phát biểu trước báo giới.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã thực hiện một loạt cải cách to lớn, trong đó có việc thả các tù nhân chính trị... Đáp lại, phương Tây bắt đầu dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống nước này trong khi các công ty nước ngoài đang tìm cách đầu tư vào Myanmar do nguồn tài nguyên dồi dào, dân số đông và vị trí địa chính trị chiến lược của nước này.
Theo ANTD
Cú hích từ dự án "khủng" Thái Lan và Myanmar sắp bắt tay triển khai một dự án hợp tác kinh tế "khủng" giữa hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á này. Đó là xây dựng đặc khu kinh tế Dawei - SEZ với tổng vốn đầu tư có thể lên tới 50 tỷ USD. Thái Lan vừa thông qua dự thảo xây dựng đặc khu kinh tế...