Myanmar du ký – Kỳ 3: Chuyến đi trở về tuổi thơ
Phải nói ngay rằng, những điểm tham quan nổi tiếng ở Myanmar đều mất phí với người nước ngoài. Mức phí không hề rẻ. Khi vào vùng đất của ‘vạn ngôi chùa’ Bagan là 15.000 kyat; hồ Inle là 10.000 kyat.
Người Myanmar thường bôi một loại phấn lấy từ thân cây thanaka để chống nắng, dưỡng da
Chúng tôi tới Bagan vào buổi sáng sớm, mặt trời đã ló rạng trên những cánh đồng thốt nốt ven đường. Khung cảnh yên bình tới lặng lẽ: không người, không xe cộ, không làng mạc, thi thoảng bắt gặp một vài người dân đi làm đồng sớm.
Bagan là một vùng đất bằng phẳng nhưng không màu mỡ. Đất chủ yếu là đất cát, hợp với trồng lạc, trồng vừng. Đặc biệt, ở Bagan trồng rất nhiều thốt nốt. Những người nông dân tại đây cũng lấy nước từ ngọn cây, chưng cất thành đường thốt nốt. Họ còn dùng bò kéo máy ép cùi thốt nốt lấy tinh dầu.
Dùng bò kéo máy ép để lấy tinh dầu thốt nốt
Video đang HOT
Chúng tôi chọn đi xe ngựa từ bến xe về trung tâm của Bagan. Đó là lựa chọn… sai lầm vì sau 8 tiếng ê ẩm trên xe bus thì thêm nửa tiếng đung đưa cùng xe ngựa có phần quá sức chịu đựng với dân văn phòng quen ngồi bàn giấy như chúng tôi. Bagan khác hẳn Yangon, xe ô tô ít hơn, xe máy nhiều hơn và họ phi với tốc độ rất nhanh. Xe ngựa là phương tiện phổ biến.
Gần vào tới thành phố, xe ngựa chở chúng tôi dừng ở một trạm ven đường, họ nói chúng tôi phải mua vé để vào khu trung tâm. Trên vé ghi là phí bảo tồn vùng đất này. Giá là 15.000 kyat (hơn 300.000 đồng/vé), khá đắt và cũng bất ngờ vì tôi ít thấy mọi người chia sẻ về những loại phí này khi du lịch tại Myanmar.
Bagan chia làm 2 khu: cũ và mới. Trong đó, khu cũ là nơi tham quan chính với hàng nghìn ngôi chùa lớn, nhỏ. Chùa tại đây có cùng một kiểu kiến trúc, gần giống như kiểu kim tự tháp, được xây bằng gạch nung. Trên chóp của một vài ngôi chùa được dát vàng, còn hầu như là xây gạch bình thường.
Nổi tiếng nhất trong hàng nghìn ngôi đền, chùa tại đây có lẽ là đền Ananda Phaya với bốn bức tượng Phật khổng lồ quay về 4 hướng, mang tín ngưỡng văn hóa ảnh hưởng từ Trung Quốc và Ấn độ. Tại đây, sẽ có những thanh niên trẻ tuổi, nói tiếng Anh rất tốt, nhiệt tình hướng dẫn cho du khách hiểu về lịch sử, về những điều kỳ bí xung quanh ngôi đền.
Đền Ananda Phaya
Đang mùa mưa nhưng thời tiết Bagan vẫn rất oi bức, nên hầu như ban ngày không nên đi tham quan nhiều vì mệt mỏi. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi thuê một chiếc xe ô tô 7 chỗ với giá 15.000 kyat để đi khắp các điểm đền, chùa. Chúng tôi không dám đi xe ngựa do sợ cảm giác lắc lư tới đau người.
Hoàng hôn tại Bagan thực sự ấn tượng. Chúng tôi leo lên ngôi đền ở một vị trí cao nhất tại khu cũ, nhìn mặt trời dần dần khuất xuống ở bên bờ sông. Mùa này, người dân ít thả khinh khí cầu, nhưng bù lại chúng tôi nhìn thấy cầu vồng đôi tuyệt đẹp.
Buổi chiều ở Bagan
Bagan quanh quẩn cũng chỉ có đền, chùa. Người dân thưa thớt nên chúng tôi thật sự không cảm nhận cuộc sống làng quê nơi đây. Ngày hôm sau, chúng tôi được gợi ý đến một ngôi đền nằm trên một ngọn núi cao có thể quan sát toàn bộ Bagan. Đền này có rất nhiều khỉ, bậc lên đi chân trần. Trời mưa nhưng lối đi có mái che, có người lau nước mưa trên bậc.
Ngôi chùa với hàng trăm chú khỉ trên một ngọn núi cao nhất Bagan
Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi lại lên xe đi Inle – một vùng biển hồ rộng lớn với khí hậu rất mát mẻ như ở Đà Lạt. Chúng tôi đã có một chuyến đi trở về thời thơ ấu.
Lần này, người của khu Inle chủ động lên xe ô tô khi chúng tôi vừa cập bến để thu phí. Thêm 10.000 kyat cho phí tham quan và cũng để bảo tồn khu vực này. Tiết trời Inle se se lạnh, mưa nhiều. Vùng đất này khác hẳn Bagan, nó rất màu mỡ, là vựa lúa lớn của đất nước Myanmar.
Inle là một vùng hồ lớn, trên cao nguyên cao khoảng gần 1.000m so với mực nước biển nhưng rất đất đai bằng phẳng, màu mỡ, trù phú như vùng đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long ở Việt Nam. Cuộc sống ở đây cũng rất nhộn nhịp, tấp nập, nhà cửa san sát nhau, hầu hết là nhà gỗ, nhà biệt thự nhỏ như bạn vẫn thấy ở Đà Lạt mộng mơ. Vùng đất này thật sự quá nhiều điều hấp dẫn du khách…
Trời vẫn cứ đỏng đảnh, lúc nắng, lúc mưa là trở ngại khá lớn cho việc tham quan bằng thuyền vào khu làng nổi trên sông. Nhưng chúng tôi vẫn đi, mang theo thêm ô, áo mưa để tránh trời mưa. Khi bắt đầu đi thuyền, cảm giác ban đầu của chúng tôi là hơi thất vọng vì chỉ có sông nước mênh mông, thi thoảng mới có 1-2 người đánh cá bằng chân, xuồng máy phóng ầm ầm, không còn cảnh người dân tấp nập đánh cá bằng chân như trước kia.
Trên hồ Inle bạn sẽ thấy những người đánh cá bằng chân
Đi khoảng hơn 1 tiếng thì những làng nổi trên sông bắt đầu xuất hiện. Đó là những ngồi nhà khá kiên cố, rộng rãi, được dựng trên những thanh gỗ to, chắc chắn. Những người dân sống trên sông chủ yếu làm nghề trồng cà chua, làm hàng thủ công mỹ nghệ như vàng bạc, đồ gỗ, đóng thuyền, dệt vải… bán cho khách du lịch khắp nơi. Dọc ven những bãi bồi, hay thậm chí trên sông cũng có rất nhiều đền chùa, tu viện.
Inle có tất cả những yếu tố tạo thành một vùng đất nên thơ. Dọc hai bên bờ sông là những ngôi làng đông dân cư, thi thoảng có những ngôi nhà nhỏ lọt thỏm trong một vùng trồng hoa xinh xắn, những con đường nhỏ uốn lượn ven sông, hai bên đường là những cánh đồng ngô, mía xanh mướt. Đạp xe dọc theo bên sông, tới khu chợ ven sông quả là một trải nghiệm đáng nhớ. Nó cho ta cảm giác như trở về với những năm tháng tuổi thơ rong chơi quên tháng ngày…
Theo iHay