Myanmar có tổng thống dân sự đầu tiên sau hơn 50 năm
Ngày 15.3, quốc hội Myanmar đã bầu ông Htin Kyaw, phụ tá thân tín của thủ lĩnh đảng NLD Aung San Suu Kyi, làm tổng thống mới.
Tổng thống đắc cử Htin Kyaw (thứ hai từ trái sang) bà Aung San Suu Kyi sau phiên họp quốc hội ngày 15.3 – Ảnh: Reuters
Theo AFP, ông Htin Kyaw đã giành được 360/652 phiếu bầu và trở thành nguyên thủ quốc gia dân sự đầu tiên của Myanmar kể từ thập niên 1960. Trước đó, Tổng thống Thein Sein và đảng USDP của ông về danh nghĩa là một đảng phái chính trị nhưng vẫn được xem là đại diện cho giới quân sự. Bản thân ông Thein Sein từng giữ chức thủ tướng trong chính quyền quân sự trước đây.
Hôm 15.3, tất cả nghị sĩ đã đồng loạt vỗ tay chúc mừng chiến thắng của ông Htin Kyaw. “Tôi tuyên bố ông Htin Kyaw đã được bầu làm tổng thống với số phiếu cao nhất”, Chủ tịch quốc hội Mann Win Khaing Than thông báo. Hai ứng viên khác tham gia cuộc bầu chọn hôm qua sẽ trở thành phó tổng thống. Họ là tướng về hưu Myint Swe, ứng viên của giới quân sự, vẫn còn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, và nghị sĩ Henry Van Thio thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Chin.
Tổng thống đắc cử Htin Kyaw từng là tài xế riêng và là người bạn thân thiết của bà Suu Kyi từ giữa thập niên 1990, hiện điều hành một quỹ từ thiện do thủ lĩnh NLD sáng lập. Theo AFP, chính khách 69 tuổi này là thạc sĩ kinh tế và có thời gian làm giảng viên đại học. Ông cũng từng làm việc ở các bộ công nghiệp và ngoại giao vào các thập niên 1970 và 1980.
Video đang HOT
Bà Suu Kyi đã dẫn dắt NLD đi đến chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11.2015. Tuy nhiên, theo hiến pháp Myanmar, bà không thể làm tổng thống do có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài.
“Kết quả hôm nay là nhờ tình yêu của nhân dân dành cho bà ấy. Đây là thắng lợi của người chị Aung San Suu Kyi của tôi”, Reuters dẫn lời ông Htin Kyaw, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 30.3, phát biểu.
Hiện vẫn chưa rõ bà Suu Kyi sẽ giữ vai trò gì trong chính phủ mới. Trước đó, bà từng tuyên bố sẽ “buông rèm nhiếp chính” thông qua một “tổng thống ủy nhiệm”. Tuy nhiên, tình trạng nhập nhằng này sẽ rất nhạy cảm về chính trị và dư luận, nhất là khi bà Suu Kyi được ca ngợi là biểu tượng dân chủ của Myanmar.
Quá trình cải cách và chuyển giao quyền lực thông qua bầu cử ở Myanmar diễn ra suôn sẻ là thành quả từ công sức lẫn sự chân thành của nhiều phía. Bên cạnh nỗ lực không mệt mỏi của bà Suu Kyi và NLD, còn phải kể đến công lao của Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein.
Theo hiến pháp, hiện giới quân sự vẫn có vai trò rất lớn trên chính trường Myanmar, có quyền bổ nhiệm 3 vị trí bộ trưởng quan trọng là quốc phòng, nội vụ và an ninh biên giới. Vì thế, tờ The Washington Post ngày 15.3 hôm qua dẫn lời giới phân tích nhận định quan hệ với các tướng lĩnh sẽ là một ưu tiên lớn đối với ông Htin Kyaw và bà Suu Kyi.
“Đó sẽ là một mối quan hệ rất, rất quan trọng”, bà Priscilla A.Clapp, cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu hòa bình Mỹ nói. Chính mối quan hệ này sẽ quyết định sự thành công của mọi nỗ lực dân chủ, hòa giải và ổn định tại Myanmar.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Myanmar đình chỉ 68 dự án chờ chính phủ mới
Theo tờ Eleven Myanmar ngày 1.3, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Myanmar Thein Sein quyết định đình chỉ 68 dự án nhằm tạo điều kiện cho chính phủ kế nhiệm quản lý tài sản khi lên cầm quyền.
Bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: Reuters
Trước đó, quốc hội đã thảo luận một đề xuất kêu gọi chính phủ xem xét kỹ lưỡng việc cho thuê, bán, bàn giao và tư nhân hóa đất công, xí nghiệp và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển giao. Các dự án bị đình chỉ bao gồm một nhà máy nhiệt điện ở thành phố Myeik, một nhà máy xử lý hóa chất ở thị trấn Hmawbi và một đặc khu kinh tế ở bang Shan. Ngoài ra, còn có các cao ốc đang xây dựng dở dang, những xí nghiệp có hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân, cùng một số dự án BOT.
Bên cạnh đó, các nghị sĩ thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) kêu gọi chính quyền Tổng thống Thein Sein công khai thông tin về các dự án đã và đang được xúc tiến để chính phủ mới có thể xem xét cách thức xử lý tốt nhất.
Cùng ngày, theo tờ Myanmar Times, quốc hội Myanmar thông báo sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 10.3. Trong đó, 3 nhóm đại diện cho hạ viện, thượng viện và quân đội sẽ đề cử 3 gương mặt ứng viên để các nghị sĩ bỏ phiếu. Người chiến thắng sẽ trở thành tổng thống mới, 2 người còn lại giữ chức phó tổng thống.
Với tư cách đảng lớn nhất trong quốc hội, đại diện NLD coi như cầm chắc ghế tổng thống. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng là bà Aung San Suu Kyi không thể ngồi vào vị trí này vì hiến pháp Myanmar cấm người có thân nhân là công dân nước ngoài làm tổng thống, trong khi người chồng quá cố và 2 con của bà Suu Kyi mang quốc tịch Anh. Thay vào đó, nguồn tin cấp cao từ NLD hôm qua 1.3 tiết lộ bà có thể giữ chức ngoại trưởng và sẽ tham gia Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia.
Ngoài ra, bà Suu Kyi được cho là sẽ tiếp tục thương thảo với giới quân sự nhằm sửa đổi hiến pháp để bà có thể ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất. Theo dự kiến, chính phủ mới của Myanmar sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 31.3.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Kỷ nguyên mới ở Myanmar Myanmar ngày 1.2 đã bước vào kỷ nguyên chính trị mới với phiên họp đầu tiên của tân quốc hội do đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm thế đa số. Bà Aung San Suu Kyi (giữa) tại phiên khai mạc quốc hội mới - Ảnh: AFP Sau hơn nửa thế kỷ dưới quyền cai trị của quân đội, Myanmar cuối cùng...