Mỹ xử tù 4 nhân viên Blackwater vì tội sát hại dân thường Iraq
Một tòa án xét xử ở Washington DC đã kết án tù giam đối với 4 cựu nhân viên của Blackwater, một công ty an ninh tư nhân gây nhiều tranh cãi nhất thế giới và nay đã đổi tên thành “ Xe Services”, vì tội sát hại dân thường Iraq.
Bốn cựu nhân viên Blackwater bị kết án Dustin Heard, Evan Liberty, Nicholas Slatten và Paul Slough (Ảnh: BBC)
Những người bị kết án gồm Nicholas Slatten (tù chung thân) và Dustin Heard, Evan Liberty, Paul Slough (30 năm tù giam) vì tội giết hại dân thường Iraq năm 2007.
Những người này bị buộc tội hồi năm ngoái liên quan đến việc xả súng giết chết 14 dân thường Iraq và làm 17 người bị thương khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho các phái đoàn Mỹ hoạt động tại quốc gia Trung Đông này.
Vụ việc diễn ra ngay giữa quảng trường Nisoor ở trung tâm thủ đô Baghdad và đã gây làn sóng phản đối dữ dội, cũng như những tranh cãi về vai trò của các công ty an ninh tư nhân tại các vùng chiến sự.
Video đang HOT
Theo cáo trạng, Nicholas Slatten bị buộc tội giết người. Ba người còn lại bị cáo buộc phạm nhiều trọng tội, trong đó có tội ngộ sát và sử dụng vũ khí.
Tại tòa, cả 4 bị cáo khai nhận đã nổ súng sau khi bị các phiến quân tấn công. Tuy nhiên, sau khi xem xét các hồ sơ, bồi thẩm đoàn đã đi đến kết luận đây là hành vi tàn sát dân thường và phải chịu các mức án phù hợp.
“Dựa trên tính nghiêm trọng của tội ác (mà các bị cáo gây ra), tôi cho rằng án chung thân là không hề quá”, thẩm phán Royce Lamberth khẳng định tại phiên xử có sự tham gia của người nhà các bị cáo cũng như thân nhân của những nạn nhân đã bị tước đoạt mạng sống cách đây 8 năm.
“Chẳng có gì khác biệt giữa những bị cáo này và những tên khủng bố”, anh Mohammad Kinani Al-Razzaq, cha của cậu bé Ali mới 9 tuổi đã bị thiệt mạng trong vụ nổ súng của các nhân viên Blackwater, nhấn mạnh.
Blackwater, nay đã đổi tên thành Xe Services, là ông ty an ninh tư nhân gây nhiều tranh cãi nhất thế giới. Công ty này đang bị điều tra về cái chết của nhiều dân thường Iraq và Afghanistan, nơi họ làm nhiệm vụ bảo vệ các phái đoàn ngoại giao của Mỹ.
Ngoài 4 nhân viên bị xét xử trên, Chủ tịch của Blackwater Gary Jackson cũng bị cáo buộc nhiều tội danh như sở hữu vũ khí bất hợp pháp, vi phạm luật lệ liên bang về vũ khí, giả mạo giấy tờ, khai man và cản trở pháp luật.
Theo các bản cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2003 – 11/2009, Blackwater đã áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để chiếm ưu thế trong việc cạnh tranh giành những hợp đồng an ninh, bòn rút lợi nhuận từ những hợp đồng với chính phủ Mỹ và lợi dụng việc được hưởng quyền miễn trừ truy tố để thực hiện các hành vi giết hại dân thường khi bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ.
Sau khi các tội ác của Blackwater bị phanh phui, năm 2010, chính phủ Iraq đã yêu cầu toàn bộ 250 nhân viên của Blackwater phải rời khỏi nước này trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ bị bắt giam. Chính phủ Iraq cáo buộc Blackwater – công ty an ninh tư nhân được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê để bảo vệ cho các nhân viên Mỹ tại Iraq – đã lạm dụng vũ lực trên đường phố Baghdad.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Colombia điều tra bê bối giết dân lĩnh thưởng
Giới công tố Colombia đang điều tra hàng chục tướng lĩnh liên quan đến vụ bê bối "hợp thức hóa xác chết" gây chấn động quốc gia Nam Mỹ.
Biểu tình phản đối vụ bê bối chấn động Colombia - Ảnh: The Bogota Post
Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng chưởng lý quốc gia Eduardo Montealegre cho biết 22 sĩ quan hàm tướng, cả đương chức lẫn về hưu sẽ bị điều tra về vụ binh sĩ sát hại dân thường rồi ngụy trang thi thể thành các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy FARC để lĩnh công. Theo BBC, kết quả dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Ông Montealegre cho biết thêm đến nay đã có hơn 5.000 thành viên lực lượng an ninh bị phát hiện liên quan đến vụ bê bối và 800 người đã bị kết án tù, chủ yếu là binh lính và sĩ quan cấp thấp. Quá trình điều tra tiếp tục trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng tại Colombia trong bối cảnh chính phủ nước này xúc tiến hòa đàm với lực lượng FARC nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên qua.
Theo tờ The Bogota Post, vụ bê bối bắt đầu bị phanh phui năm 2008 sau cái chết của 22 thiếu niên ở khu ổ chuột thuộc thành phố Soacha, phía nam thủ đô Bogota. Những người này bị lừa đến tỉnh Norte de Santander với lời hứa sẽ có việc làm lương cao. Tuy nhiên, tất cả đều bị sát hại rồi cho mặc đồng phục của FARC để giả thành những tay súng bị tiêu diệt trong giao tranh với lực lượng chính phủ. Từ đó, nhiều vụ tương tự đã bị phát hiện trên khắp Colombia và hiện các công tố viên đã có trong tay hồ sơ của hàng ngàn vụ giết hại dân thường chỉ để được thưởng tiền và có thêm ngày phép. Thậm chí ở một số khu vực, binh lính được phái đi để vây bắt những người vô gia cư về "thế mạng" cho quân nổi dậy. Trang tin laInfo.es ngày 13.4 dẫn lời Tổng chưởng lý Montealegre cam kết sẽ làm rõ mức độ dính líu của các sĩ quan cấp cao "vì đất nước cần biết sự thật".
BBC nhận định nỗ lực điều tra của chính phủ Colombia nhằm đáp ứng mong mỏi của các gia đình nạn nhân cũng như dẹp bỏ các rảo cản cho hòa đàm với FARC. Lực lượng này đã khẳng định việc điều tra và xử lý các tội ác của lực lượng an ninh là một trong những vấn đề trọng tâm trong tiến trình hòa giải.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Chính phủ Iraq quyết tâm giải phóng toàn bộ đất nước khỏi IS Ngày 1/4, tiếp sau thắng lợi của quân đội Iraq tại thành phố Tikrit trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Thủ tướng Haider al-Abadi đã bày tỏ quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ nước này từ tay phiến quân. Lực lượng chống khủng bố Iraq tuần tra trên đường phố Tikrit sau khi thành phố được giải...