Mỹ xem xét phê duyệt tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang xem xét cấp phép việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19, tức liều vaccine tăng cường thứ hai, vào mùa Thu năm nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo trên cho biết kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vaccine tăng cường thứ hai có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không.
FDA đã bắt đầu xem xét dữ liệu để đưa ra quyết định và đang cân nhắc phê duyệt vaccine của các hãng Pfizer và Moderna. Cơ quan này cũng đang cân nhắc có nên tiêm đại trà liều vaccine này hay chỉ cho các nhóm tuổi cụ thể, cũng như có cần điều chế vaccine riêng biệt ứng phó với biến thể Omicron hay không.
Video đang HOT
Theo các chuyên gia, liều tăng cường thứ hai có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm. Nếu có biến thể mới xuất hiện, khả năng Mỹ sẽ áp dụng chiến lược này. Việc tiêm liều vaccine tăng cường vào mùa Thu có thể hữu ích bởi trùng thời điểm với đợt tiêm chủng cúm hàng năm. Tuy nhiên, chiến lược này có thể gặp trở ngại trong bối cảnh nhiều người dân mệt mỏi với việc tiêm chủng định kỳ sau các liều vaccine trước trong khi số khác do dự khi phải tiêm quá nhiều vaccine.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, dến nay khoảng 65% dân số Mỹ đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, khoảng 43% đã được tiêm mũi vaccine tăng cường. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine đã tăng lên, nhiều người trong đó mong muốn được tiêm liều vaccine tăng cường thứ 2.
Séc chủ trương nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, căn cứ trên tình hình dịch bệnh thực tế, Chính phủ Séc chuẩn bị giảm thiểu các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Séc Petr Fiala. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết giới chức chủ trương từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và có thể chỉ còn bắt buộc đeo khẩu trang. Ông cho biết chính phủ cũng đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát chứng chỉ COVID tại các nhà hàng, dịch vụ, tại các sự kiện văn hóa và thể thao từ ngày 10/2.
Theo Bộ trưởng Y tế Vlastimil Válek, kế hoạch giảm thiểu các biện pháp nêu trên có được thực thi hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh và sự lây lan của biến thể Omicron. Nếu dịch bệnh chuyển biến theo dự đoán của các chuyên gia, các biện pháp phòng dịch sẽ có thể được giảm triệt để từ ngày 1/3 tới.
Cụ thể, các sự kiện đại chúng như biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, thi đấu thể thao, các sự kiện truyền thống hoặc lễ hội tương tự khác sẽ được phép đón tối đa 1.000 người tham gia, tương ứng với 50% sức chứa của địa điểm diễn ra sự kiện. Mặc dù quy định yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận COVID-19 khi đến các sự kiện và dịch vụ sẽ được hủy bỏ từ ngày 10/2, nhưng quy định này vẫn có hiệu lực với người xuất cảnh. Từ ngày 15/2, Séc quy định giấy chứng nhận COVID-19 có thời hạn trong 9 tháng sau khi hoàn thành tiêm chủng và có thể được gia hạn sau khi tiêm một liều nhắc lại. Theo ước tính của Bộ Y tế Séc, sẽ có khoảng 140.000 giấy chứng nhận này hết hạn.
Mặc dù số ca mắc mới và số ca nhập viện do COVID-19 đang theo đúng dự báo của giới chuyên gia, nhưng số ca mắc COVID-19 là người cao tuổi đang gia tăng tại Séc. Trong số hơn 267.000 người nhiễm mới ghi nhận kể từ đầu tháng này, số bệnh nhân trên 65 tuổi chiếm hơn 18.000 người, tương đương khoảng 7%. Riêng ngày 8/2, khoảng 3.500 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 334 người cao tuổi, đã phải nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt.
Dự kiến tại cuộc họp tiếp theo, chính phủ sẽ thảo luận về thời điểm và cách thức áp dụng tình trạng khẩn cấp về đại dịch phù hợp với Đạo luật Đại dịch.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết Chính phủ Ecuador thông báo, kể từ ngày 11/2 tới, người nước ngoài nhập cảnh sẽ bắt buộc phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có mã QR.
Tại một cuộc họp báo đánh giá về tình hình dịch tễ học tại Ecuador, Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp quốc gia Ecuador (COE) Juan Zapata cho biết cơ quan này đã quyết định loại bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh đối với du khách nhập cảnh do số ca mắc COVID-19 mới tại nước này đã giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ecuador Ximena Garzón nhấn mạnh việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã giúp giảm thiểu số ca nhiễm mới. Bà dự báo số ca nhiễm mới COVID-19 tại Ecuador sẽ duy trì xu hướng giảm trong những tuần tới
Bộ trưởng Garzon cũng thông báo kể từ ngày 15/2, chính phủ nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3-5 tuổi.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ecuador, 83,1% dân số trên 5 tuổi tại nước này đã được tiêm ít nhất hai liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó, khoảng 13% đã tiêm liều tăng cường.
Indonesia thử nghiệm vaccine của Sinovac cho liều tăng cường vào đầu năm 2022 Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, công ty dược phẩm quốc doanh PT Bio Farma của Indonesia cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 để dùng cho liều tăng cường vào đầu năm 2022. Quá trình thử nghiệm này sẽ được hợp tác với công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc. Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac...