Mỹ vẫn ủng hộ mạnh mẽ Philippines về Biển Đông
Philippines hôm qua (14/6) đã lên tiếng hoan nghênh một nghị quyết của Thượng viện Mỹ trong đó chỉ trích những hành động gây nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp đang hết sức nóng bỏng ở khu vực biển này.
Nghị quyết của một số Thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng Trung Quốc là nước gây ra các vụ việc nguy hiểm ở Biển Đông.
Hôm 10/6, một nhóm các Thượng nghị sĩ có uy tín của Mỹ đã đệ trình lên Thượng viện Nghị quyết 167 trong đó lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực và có những hành động khiêu khích ở Biển Đông.
Phản ứng trước động thái trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez đã cho biết tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi hiểu rằng nghị quyết đó vẫn chưa trải qua tiến trình cần thiết trước khi được Thượng viện Mỹ thông qua. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao thực tế về việc một số Thượng nghị sĩ Mỹ cảm thấy cần thiết phải bày tỏ quan điểm của họ về một vấn đề căn bản đang gây ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”.
Theo lời ông Hernandez, nghị quyết của các Thượng nghị sĩ Mỹ đã tái khẳng định “sự ủng hộ mạnh mẽ” của Mỹ – một đồng minh lâu năm thân thiết của Philippines, cho việc giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua phương pháp tiếp cận hòa bình, dựa trên luật pháp như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Nghị quyết 167 được trình lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã đổ lỗi cho Trung Quốc về việc đã gây ra nhiều vụ việc “nguy hiểm” ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước khác như Philippines, Việt Nam và Nhật Bản.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Đây là điều không thể chấp nhận đối với những nước có lợi ích liên quan trong khu vực và cả đối với cộng đồng quốc tế.
Video đang HOT
“Philippines đặc biệt đánh giá cao hành động của Mỹ trong việc tái khẳng định sự ủng hộ cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp, trong đó có cả biện pháp thông qua tòa án quốc tế, cũng như việc nước này lên án sử dụng vũ lực”, phát ngôn viên Hernandez nói thêm.
Trong một động thái bất ngờ gây choáng váng cho cả Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, Manila hồi tháng 1 đã tuyên bố đưa vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra giải quyết ở tòa án quốc tế. Mục đích của Philippines là tìm kiếm một phán quyết của tòa án quốc tế trong đó khẳng định đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và phi lý.
Bắc Kinh đã phản đối bước đi của Manila trong việc để một cơ quan của Liên Hợp Quốc can thiệp vào cuộc tranh chấp, nói rằng những lập luận của Philippines là yếu về mặt pháp lý và chứa đựng những lời cáo buộc không thể chấp nhận được.
UNCLOS là một công ước ra đời năm 1982 và được 163 ký kết. Công ước này nhằm mục đích hướng dẫn các nước sử dụng những vùng biển ngoài khơi và đặt ra các giới hạn lãnh thổ cho những nước ven biển. Cả Philippines và Trung Quốc đều tham gia công ước này.
Ông Hernandez đã cảm ơn các Thượng nghị sĩ Mỹ về sự ủng hộ của họ dành cho nỗ lực của Mỹ ở trong khu vực nhằm “đảm bảo tự do hàng hải, duy trì hòa bình, ổn định đồng thời tôn trọng các nguyên tắc của luật quốc tế đã được công nhận rộng rãi”.
Theo vietbao
Mỹ thừa nhận Assad đang chiếm thế thượng phong
Trở về từ một chuyến thăm bất ngờ đến Syria hồi tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain hôm qua (2/6) đã phải thừa nhận, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang giành thế thượng phong và đang củng cố quyền lực.
Cuộc nội chiến ở Syria kéo dài suốt hơn 2 năm qua mà không có dấu hiệu kết thúc. Thay vào đó, cuộc chiến này ngày một ác liệt hơn và đẫm máu hơn.
"Các bạn có còn nhớ, tất cả những điều mà chúng ta từng nghe thấy trong suốt năm ngoái hoặc có thể nói là trong 2 năm qua là sự sụp đổ của ông Bashar al-Assad là điều không thể tránh khỏi? Tuy nhiên, hiện tại, tôi cho rằng, chúng ta chẳng thể nói như vậy được nữa", ông McCain - Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Arizona, cho biết trên chương trình "Face the Nation" của đài truyền hình CBS.
Ông McCain từ lâu đã là một trong những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất ở Washington cho việc phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria. Hồi đầu tuần trước, ông McCain đã bất ngờ đến thăm Syria và đã có cuộc gặp với lực lượng nổi dậy đang chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Assad. Ông McCain là Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên làm như vậy kể từ khi cuộc nổi dậy ở Syria bùng lên cách đây hơn 2 năm. Sau khi trở về từ Syria, ông McCain đã miêu tả về cái mà ông gọi là tình hình ngày một xấu đi nghiêm trọng ở đất nước Trung Đông.
"Không may là chúng ta đang chứng kiến tình hình chiến trường ngày một xấu đi - nơi Tổng thống Bashar Assad đang chiếm thế thượng phong. Điều bi kịch ở đây là chúng ta ngồi yên theo dõi", Thượng nghị sĩ Mỹ nói.
Cũng như nhiều lần trước đó, ông McCain tiếp tục kêu gọi thực hiện vùng cấm bay ở Syria và thiết lập những khu vực an toàn cho phe nổi dậy và người tị nạn.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn lo ngại về việc dính líu trực tiếp thêm vào một cuộc xung đột phức tạp ở Trung Đông bên cạnh những đồng minh không chắc chắn và đối đầu với một lực lượng được vũ trang ngày càng mạnh. Cho đến thời điểm này, Mỹ chỉ giới hạn sự giúp đỡ ở việc cung cấp những mặt hàng không gây sát thương cho phe nổi dậy Syria.
Thượng nghị sĩ McCain hoài nghi về khả năng đàm phán thành công mà thiếu sự ủng hộ về mặt quân sự. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nỗ lực cùng Nga để sắp xếp một hội nghị hòa bình ở Geneva - nơi chính phủ của Tổng thống Assad sẽ đối thoại trực tiếp với lãnh đạo của phe đối lập. Tuy nhiên, ngày giờ chính xác diễn ra hội nghị này chưa được ấn định.
"Lực lượng Hezbollah đang xâm lược, người Iran đang ở đó. Nga đang rót vũ khí vào và bất kỳ người nào tin rằng ông Assad sẽ đến tham dự hội nghị ở Geneva khi đang thắng trên chiến trường thì đó là điều nực cười", Thượng nghị sĩ McCain đã phát biểu như vậy.
Lợi thế đang nghiêng về ông Assad
Ông McCain đã đúng khi nói Tổng thống Assad đang chiếm thế thượng phong. Thực tế hiện nay đúng như vậy. Với chiến thắng liên tiếp trên chiến trường cùng với sự giúp đỡ mạnh mẽ của Nga, Iran và lực lượng Hezbollah cùng với sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ phe nổi dậy, Tổng thống Bashar Assad có mọi lý do để tự tin vào một chiến thắng. Rõ ràng, cán cân quyền lực và sức mạnh đang nghiêng về phía Nhà lãnh đạo Syria.
Quân đội trung thành với ông Assad đang tiến từng bước vững chắc trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy ở những khu vực quan trọng trong suốt hai tháng qua. Nhờ đó, quân chính phủ đã có những bước tiến dài về mặt chiến lược và giảm được nguy cơ đối với thành trì chính của họ ở thủ đô Damascus.
Chiến thắng đồng nghĩa với sự tự tin tăng lên. Từ đó, tình trạng đào ngũ trong quân đội Syria gần như không còn. Trong khi đó, lực lượng thiện chiến này còn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ lực lượng Hezbollah tinh nhuệ.
Trong những cuộc trả lời phỏng vấn các đài truyền hình ở Li-băng, Tổng thống Assad và Ngoại trưởng của ông này đã cho thấy sự tự tin của họ. Có lẽ, chưa bao giờ, giới chức Syria lại tin tưởng vào một chiến thắng như vậy. Cả ông Assad và Ngoại trưởng của ông này đều khẳng định, Nhà lãnh đạo Syria sẽ tiếp tục cầm quyền ít nhất đến năm 2014 khi diễn ra một cuộc tổng tuyển cử. Ông Assad cũng không ngại ngần tuyên bố sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ mới nếu nhân dân Syria muốn ông làm như vậy.
Theo nhận định của giới phân tích quân sự và các nhà hoạt động có mặt trên chiến trường Syria, lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đánh bại phe nổi dậy. Họ đã có lại sự quyết tâm như vậy từ đầu tháng 4 sau khi liên tiếp chiếm lại được những khu vực quan trọng từng rơi vào tay lực lực lượng nổi dậy.
Quân đội Syria giành lại lợi thế ở khu vực miền trung Homs, chiếm được lại gần như toàn bộ thành phố chiến lược Qusair đồng thời đảm bảo sự vững chắc cho thành trì chính Damascus. Sức mạnh của quân ông Assad mỗi lúc một gia tăng nhờ tinh thần quân sĩ lên cao cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của lực lượng bán quân sự trong nước và các chiến binh Shiite Hezbollah đến từ Iraq, Li-băng.
Về mặt chính trị, Tổng thống Assad vẫn có thể tin tưởng dựa vào sự ủng hộ của các đồng minh Nga và Iran. Moscow mới đây tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa phòng không tối tân hàng đầu thế giới - S-300 cho Syria. Ngoài ra, Nga còn chuyển giao ít nhất 10 chiến đấu cơ cho chính quyền của ông Assad.
Trong khi đó, phe nổi dậy thì ngày một suy yếu bởi mâu thuẫn nội bộ sâu sắc. Trước sự lỏng lẻo, thiếu đoàn kết của phe nổi dậy cùng ảnh hưởng mạnh lên của các nhóm khủng bố trong lực lượng này, phương Tây càng chần chừ, do dự, không muốn can thiệp trực tiếp vào tình hình ở đất nước Syria.
Theo vietbao
Trung Quốc "lộ nguyên hình kẻ bắt nạt" Việc Bắc Kinh bác bỏ đề xuất đưa cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông ra giải quyết ở tòa án quốc tế khiến họ chẳng khác gì "một kẻ bắt nạt" trong cộng đồng quốc tế. Đó là nhận định vừa được một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về luật Trung Quốc đưa ra tuần nàytrên tờ Bưu...