Mỹ vạch trần kế hoạch tấn công mạng toàn cầu của tin tặc Trung Quốc
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các tin tặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã tấn công 45 công ty và tổ chức tại 12 quốc gia nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm.
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein và Giám đốc FBI Christopher Wray (trái) phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20/12. (Ảnh: AP)
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 20/12 cho biết các tin tặc Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp chuyên hỗ trợ các công ty quản lý hệ thống công nghệ thông tin. Cách làm này được cho là giúp tin tặc Trung Quốc tiếp cận với mạng lưới máy tính của hàng chục công ty khác nhau.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai tin tặc Zhu Hua và Zhang Shilong đã làm việc cho nhóm tin tặc có tên APT10. Mỹ nghi ngờ cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn cho nhóm này.
“Các thành viên của nhóm APT10, bao gồm Zhu và Zhang, đã tiến hành các chiến dịch xâm nhập sâu rộng nhằm vào các hệ thống máy tính trên toàn thế giới”, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo.
Video đang HOT
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cho biết cáo buộc của Bộ Tư pháp được đưa ra nhằm đối phó với “sự hung hăng của Trung Quốc” trong lĩnh vực kinh tế. Ông Rosenstein chỉ trích Bắc Kinh vì liên tục vi phạm cam kết giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2015 về việc dừng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và cấu trúc thương mại của Mỹ.
“Các bị cáo được cho là đã gây thiệt hại cho khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ tại ít nhất 12 quốc gia. Không thể chấp nhận được khi chúng tôi tiếp tục phanh phui những vụ tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện nhằm vào các quốc gia khác. Chúng tôi muốn Trung Quốc dừng các hành động tấn công mạng phi pháp và tôn trọng cam kết của nước này với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy Trung Quốc không có ý định thực hiện các cam kết này”, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ tuyên bố.
Ngoài đánh cắp thông tin từ hơn 45 công ty tại Mỹ có liên hệ và hợp tác với các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc, các tin tặc Trung Quốc còn bị cáo buộc nhắm mục tiêu tới các quân nhân Mỹ, đánh cắp “dữ liệu nhạy cảm của Hải quân Mỹ, bao gồm tên, số an sinh xã hội, ngày sinh, thông tin lương, số điện thoại cá nhân và địa chỉ thư điện tử của hơn 100.000 lính Hải quân Mỹ”. Thứ trưởng Rosenstein cho biết cáo buộc của Mỹ được đưa ra sau chiến dịch phối hợp với 11 quốc gia khác nhằm vạch trần kế hoạch của nhóm tin tặc Trung Quốc.
“Đây là hành vi gian lận và ăn cắp trắng trợn, trao cho Trung Quốc lợi thế không công bằng so với các doanh nghiệp chấp hành luật pháp và các quốc gia tuân thủ quy tắc quốc tế để đổi lấy đặc quyền tham gia vào hệ thống kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ nói trong cuộc họp báo.
Cũng theo ông Rosenstein, chính phủ Trung Quốc không thể tiếp tục vờ như không biết các chiến dịch đánh cắp bí mật kinh doanh do tin tặc nước này thực hiện.
“Chúng tôi biết Trung Quốc đang làm gì, chúng tôi biết vì sao họ làm như vậy, và trong một số trường hợp, chúng tôi biết ai đang ngồi phía sau bàn phím”, ông Rosenstein nói.
Trước đó, ngày 30/10, Mỹ đã buộc tội 10 công dân Trung Quốc, trong đó có 2 sĩ quan tình báo, với kế hoạch kéo dài 5 năm nhằm đánh cắp công nghệ động cơ từ các công ty hàng không vũ trụ của Mỹ và Pháp bằng cách đột nhập vào hệ thống máy tính.
Hồi đầu tháng này, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã phát lệnh dẫn độ một quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc để đưa từ Bỉ về Mỹ xét xử với cáo buộc đánh cắp bí mật công nghệ hàng không của Washington.
Giới chức Mỹ gần đây cũng nghi ngờ các tin tặc có liên quan tới chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ đánh cắp dữ liệu của 500 triệu khách hàng tại chuỗi khách sạn hạng sang Marriott. Đây được cho là một phần trong nỗ lực thu thập tình báo của Trung Quốc nhằm vào các công ty bảo hiểm y tế, khách sạn và hồ sơ miễn trừ an ninh của hàng triệu người Mỹ.
Thành Đạt
Theo Dantri/ AFP
Đảm bảo An ninh mạng, FBI yêu cầu Facebook loại bỏ nhiều tài khoản trước bầu cử giữa nhiệm kỳ
Facebook đã đóng một loạt các trang Facebook cá nhân và các tài khoản Instagram từ hôm 6/11 theo yêu cầu từ cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ, chỉ vài giờ trước khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra.
Facebook thực thi yêu cầu của FBI theo các quy định về an ninh mạng
"Vào tối 4/11, cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đã liên lạc với chúng tôi về các hoạt động trực tuyến mà họ mới phát hiện, có thể liên quan đến các tổ chức nước ngoài", Nathaniel Gleicher, người đứng đầu an ninh mạng của công ty cho biết.
Công ty đã xóa 30 tài khoản Facebook và 85 tài khoản Instagram. "Hầu như tất cả các trang Facebook liên kết với các tài khoản này có vẻ được viết bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Nga, trong khi các tài khoản Instagram dường như chủ yếu bằng tiếng Anh", Gleicher viết.
"Chúng tôi sẽ cập nhập chi tiết khi chúng tôi có thêm các thông tin - bao gồm việc các tài khoản này có quan hệ với Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga hay các tổ chức nước ngoài khác hay không", Gleicher nói thêm.
Một tuyên bố chung hôm 5/11 bởi Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ DHS Kirstjen Nielsen, Tổng chưởng lý Jeff Sessions, Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats và Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo rằng mặc dù không có dấu hiệu cho thấy cơ sở hạ tầng như máy bỏ phiếu phục vụ bầu cử Mỹ bị can thiệp, nhưng các chủ thể nước ngoài đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ.
"Người Mỹ nên nhận thức được rằng các chủ thể ngoài nước - đặc biệt là Nga - tiếp tục cố gắng gây ảnh hưởng đến quan điểm và nhận thức của cử tri thông qua các hành động gây chia rẽ. Họ có thể làm điều này bằng cách truyền bá thông tin sai lệch về các quy trình và ứng cử viên chính trị, nói dối về các hoạt động can thiệp của họ, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và các chiến thuật khác nhau", tuyên bố nêu.
Theo anninhthudo
Giám đốc FBI: Trung Quốc là mối đe dọa lớn và nghiêm trọng nhất với Mỹ Giám đốc FBI Christopher Wray cho rằng, Trung Quốc dường như là "mối đe dọa lớn, nghiêm trọng và thách thức nhất mà Mỹ phải đối mặt", ám chỉ các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh có ảnh hưởng sâu sắc đến nền an ninh quốc gia của Mỹ. Giám đốc FBI Christopher Wray (Ảnh: NBC News) Phát biểu tại diễn đàn...