Mỹ và Trung Quốc giằng co trên biển Đông
Việc Trung Quốc ngang ngược dàn tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thể hiện Trung Quốc âm mưu quân sự hóa Biển Đông.
Báo Daily Beast (Mỹ) khẳng định Trung Quốc âm mưu quân sự hóa biển Đông, rằng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã “xù” lời hứa ở Mỹ rằng không quân sự hóa biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy tên lửa được dàn trên đảo Phú Lâm (ảnh trái) ngày 14.2, khác với ảnh ngày 3.2
Ngày 17.2, kênh thời sự Fox News (Mỹ) trưng ảnh vệ tinh dân sự ImageSat International cho thấy quân đội TQ đã đưa 2 dàn tên lửa đất đối không HQ-9 đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hai dàn này gồm 8 tên lửa, cùng một hệ thống radar được bố trí trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo Fox News, tên lửa phòng không HQ-9 giống tên lửa S-300 của Nga, có tầm bắn 200km, có thể tấn công máy bay quân-dân sự bay đến gần đảo này.
Kênh thời sự Mỹ nói số tên lửa ấy được chuyển đến đảo hồi tuần trước. Theo các hình ảnh vệ tinh, một bãi của đảo trống không vào ngày 3.2, còn số tên lửa xuất hiện vào ngày 14.2. Các quan chức Lầu Năm Góc và Đài Loan xác nhận các ảnh vệ tinh này chính xác, theo Fox News.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 3.2 và 14.2 cho thấy sự khác biệt
Ông Tập không giữ lời hứa
Báo Daily Beast viết rằng với hành động ngang ngược ấy, TQ đã tự chối bỏ những cam kết mà Bắc Kinh hứa với Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Ngày 17.2, chính phủ Mỹ đã cực lực phê phán ông Tập. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc lại chuyện khi thăm Nhà Trắng hồi năm ngoái, ông Tập “đứng trong Vườn Hồng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã hứa không quân sự hóa các đảo nhân tạo” mà TQ xây trái phép trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở biển Đông.
Ông Kerry nói biển Đông phi quân sự hóa phải là một chuẩn mực mà tất cả các nước cần tuân thủ: “Nhưng càng ngày càng có chứng cứ TQ tăng cường quân sự hóa theo cách này cách khác, gây quan ngại nghiêm trọng. Chúng tôi từng nhiều lần trao đổi với TQ về vấn đề này, và tôi tin trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những thảo luận nghiêm túc”.
Cùng ngày, Đô đốc Harry Harris, chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương cũng nói ông Tập không giữ lời hứa. Ông nói hành động của TQ không gây bất ngờ, nhưng gieo lo ngại và mâu thuẫn với lời hứa của ông Tập.
Ông Harris tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra bằng tàu chiến và máy bay, hoạt động khắp biển Đông. Chúng tôi không có ý định dừng kế hoạch tuần tra”.
Trong chuyến thăm TQ hồi tháng 1.2016 của ông Kerry, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị cũng hứa TQ không quân sự hóa biển Đông, một tuyến hàng hải quan trọng vận chuyển số hàng hóa trị giá 5.300 tỉ USD/năm.
Video đang HOT
Cuộc gặp đầu năm của hai Ngoại trưởng Mỹ-Trung
Ngày 17.2, ông Vương Nghị trả lời báo chí, không chối việc có dàn tên lửa HQ-9, nhưng cáo buộc giới truyền thông phương Tây “sáng tác” thông tin này. Ông ta “khuyên” họ chú ý đến những ngọn hải đăng do TQ đang xây dựng ở biển Đông để cải thiện an toàn cho tàu bè đi lại trong khu vực.
Ông Vương Nghị nói: “Về phần các cơ sở phòng vệ cần thiết mà TQ xây trên các đảo, bãi đá, nơi có người TQ trú ngụ, là hành động phù hợp với quyền tự vệ của TQ mà luật pháp quốc tế công nhận. Vì vậy, mọi người đừng nên hỏi về nó”.
Bộ Quốc phòng TQ còn khẳng định các cơ sở quốc phòng xây trái phép trên các đảo và bãi đá đã được thực hiện trong nhiều năm qua.
Hồi tháng 5.2015, TQ đã vạch kế hoạch cải tổ quân đội, chú trọng hải chiến để giải quyết những thách thức an ninh mới, gồm việc Mỹ sẽ chuyển 60% hạm đội hải quân đến châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 2030. TQ cũng tuyên bố phải đề phòng “các hành động khiêu khích” của các nước láng giềng kém mạnh về quân sự và kinh tế.
Gần đây, trang The Diplomat đưa tin từ ngày 2.12.2015, TQ đã bồi đắp 2 điểm mới trên một dải đá ngầm gần căn cứ quân sự TQ đặt trái phép trên đảo Phú Lâm.
Mạng lưới căn cứ và tiếp nhiên liệu dành cho trực thăng mà TQ đã và đang xây dựng khắp biển Đông, cho phép TQ chỉ mất 2 giờ triển khai phi đội trực thăng phối hợp hoạt động trên biển, có thể liên tục do thám và phản ứng trên toàn vùng.
Báo Daily Beast nêu TQ chiếm đảo Phú Lâm từ năm 1956, là đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa, ở phía bắc biển Đông. Việc TQ tuyên bố chủ quyền đảo này là một phần trong âm mưu độc chiếm 90% biển Đông của TQ, với tấm bản đồ “đường lưỡi bò 9 đoạn” được Bắc Kinh tuyên bố là bản đồ chính thức
Đảo Phú Lâm bị TQ quân sự hóa
Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo đất, xây 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu năm 2016, máy bay dân sự TQ hạ cánh thử nghiệm trên đường băng dài 3.000m mà họ xây trái phép trên bãi đá Chữ Thập của quần đảo này.
Việc cải tạo đất này của TQ khiến các nước Đông Nam Á lo ngại, còn Mỹ lên tiếng chỉ trích rằng TQ muốn chuyển chúng thành căn cứ quân sự.
Ngày 16.2, ông Obama tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu chiến, máy bay đi vào các vùng mà luật quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các nước cũng làm thế”, khi ông bế mạc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Ông đã bàn với 10 nhà lãnh đạo các quốc gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về việc cần ngưng cải tạo đất và quân sự hóa các đảo trên biển Đông.
Việc TQ triển khai tên lửa HQ-9 sẽ làm bất ổn biển Đông vốn đang có tranh chấp chủ quyền giữa TQ, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Tình hình ở khu vực căng thẳng, nên nhiều nước gồm Mỹ đã triển khai phương tiện quân sự để răn đe các hành vi ngang ngược của TQ.
Hồi cuối tháng 1, hải quân Mỹ đã đưa một khu trục hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa để thể hiện quyền tự do hàng hải.
Hồi tháng 10.2015, Mỹ cũng cử tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, nói ngày 16.2: “Chúng tôi sẽ triển khai cơ sở phòng vệ cần thiết đến các đảo này. Nó không vi phạm quyền tự do hàng hải-hàng không trên biển Đông của các nước”.
Dù vậy, năm ngoái TQ toan lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên toàn bộ biển Đông. Ngày 20.5.2015, TQ cảnh cáo một máy bay tuần tra biển P-8A của hải quân Mỹ nên tránh xa “khu vực báo động quân sự” của TQ gần bãi đá Chữ Thập.
Hồi tháng 11.2013, TQ cũng tự tiện lập ADIZ trên biển Hoa Đông, không hỏi ý kiến các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỹ-Trung “ăn miếng trả miếng”
Theo Daily Beast, không có dấu hiệu cho thấy TQ sẽ chỉ bố trí tên lửa ở mỗi đảo Phú Lâm. Các chuyên gia nói trong tương lai TQ sẽ còn dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 (có tầm bắn 400km) và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) chống hạm DF-21D có tầm bắn 1.400km trên biển Đông.
Việc TQ quân sự hóa các đảo nhân tạo ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của Mỹ. Hơn 200 năm qua, Mỹ bảo vệ quyền tự do hàng hải của các nước ở các vùng hải phận quốc tế, và gần đây bảo vệ quyền tự do đi lại ở vùng không phận quốc tế.
Nếu Bắc Kinh thành công trong việc “khóa” không-hải phận, các nước khác cũng sẽ làm theo, và thế giới sẽ rất khác nếu họ làm thành công. Nói chung là một cuộc tranh giành tầm ảnh hưởng.
Bắc Kinh bố trí tên lửa đến đảo Phù Lâm nhằm hù dọa Mỹ rằng Mỹ sẽ không thể bảo vệ quyền lợi của toàn thế giới.
Dù hai bên không muốn đánh nhau, nhưng quan điểm khác biệt khiến khó có một giải pháp ngoại giao, trong khi có tiềm năng “đổ thêm dầu vào lửa”. Không bên nào chịu lùi, nên sẽ chỉ một bên thắng trong cuộc tranh giành này.
Theo báo New York Times, Mỹ và Hàn Quốc đang chính thức đàm phán, nhằm đưa hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo THAAD đến Hàn Quốc, đề phòng một cuộc tấn công bằng tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
TQ phản đối kế hoạch THADD với cớ nó đe dọa an ninh TQ. Nên việc đưa HQ-9 đến đảo Phú Lâm có thể là cú “ăn miếng trả miếng” của TQ đối với Mỹ.
Lãnh đạo TQ muốn dùng sức mạnh kinh tế-quân sự để bành trướng lãnh thổ, trong khi tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ông Obama đã hứa Mỹ sẽ giúp ASEAN chống Bắc Kinh bành trướng.
Nhưng các cựu và đương kim quan chức Mỹ đều nói Mỹ không muốn một cuộc đối đầu quân sự với TQ trong việc tranh chấp biển đảo mà Mỹ không tham gia.
Theo bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược- quốc tế (CSIS) việc triển khai tên lửa HQ-9 là động thái dần tăng sự hiện diện quân sự của TQ trên biển Đông.
Bà Glaser nói thời gian qua TQ đã triển khai phương tiện quân sự, radar, súng phòng không và chống hạm cùng xây đường băng trên các đảo nhân tạo. Nhưng bà cho rằng đó là các phản ứng tự nhiên của TQ, trước việc Mỹ liên tục đưa tàu chiến và máy bay đến tuần tra các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép.
Ông Rory Medcalf, giáo sư về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học quốc gia Úc, nói với báo The Wall Street Journal: “Nguy cơ ăn miếng trả miếng cần phải được giám sát kỹ, đặc biệt là khả năng tính toán sai”.
Ông William Choong, một chuyên gia an ninh châu Á ở Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, một tổ chức nghiên cứu an ninh, Mỹ) nói: Vì Mỹ tiếp tục tuần tra biển Đông, Bắc Kinh tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực này, chúng ta có thể phải chứng kiến vài dạng đấu khẩu giữa hai bên”.
Mỹ đã báo động về sự lo ngại hành động quân sự của TQ đi ngược với các tuyên bố của họ. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ (Thượng viện Mỹ) viết trong một lá thư đề ngày 29.1: “Tôi đoan chắc TQ xây các đảo nhân tạo nhằm duy trì sự hiện diện quân sự thường trực trên vùng biển này, và nếu cần thì sẽ triển khai ưu thế quân sự khắp biển Đông”.
Báo Wall Street Journal đã được xem lá thư này, cho biết ông McCain đặt nhiều câu hỏi về khả năng nắm thông tin của tình báo Mỹ về các kế hoạch của TQ. Ông chưa có được câu trả lời.
Theo Một thế giới
Cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Dư luận quốc tế không đồng tình với hành động triển khai hệ thống tên lửa đất đối không của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời lo ngại động thái mới này đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Mỹ điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur tuần tra sát Hoàng Sa hồi tháng trước
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa lên án việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Phát biểu trước các phóng viên hôm 17-2, ông John Kerry nhấn mạnh, hành động này đi ngược lại cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Bắc Kinh không quân sự hóa Biển Đông khi ông gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington hồi năm 2015.
"Có mọi bằng chứng, mỗi ngày rằng, có sự gia tăng quân sự hóa theo cách này hay cách khác. Điều này thực sự rất đáng quan ngại. Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có cuộc nói chuyện "rất nghiêm túc" về vấn đề này trong những ngày tới", ông Kerry nói.
Tuyên bố trên được ông John Kerry đưa ra sau khi hãng tin Fox News đăng tải các hình ảnh thu được từ vệ tinh dân sự do ImageSat International chụp được cho thấy, hai khẩu đội tên lửa đất đối không, cũng như một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai bất hợp pháp tới đảo Phú Lâm.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Bill Urban, đây dường như là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn khoảng 201km. Ông Bill Urban nhấn mạnh, những hành động này của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và phản tác dụng.
Trong khi đó, Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng, hành động của Trung Quốc đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh về không quân sự hóa khu vực. "Chúng tôi sẽ thực hiện thêm các chiến dịch "Tự do hàng hải" phức tạp hơn tại Biển Đông", ông Harris nói. Tại cuộc gặp giữa ông Harris B. Harris Jr. và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ở Tokyo hôm 17-2, hai bên nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh hành động này là không thể chấp nhận.
Theo ông Suga, Nhật Bản chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế trước những hành động của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Nhật Bản tin tưởng rằng, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần hợp tác cùng nhau để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
Ngày 18-2, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết, bà đã nêu vấn đề quân sự hóa ở Biển Đông tại cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Trong khi đó, Phó Đô đốc Alexander Lopez, chỉ huy quân đội Philippines chịu trách nhiệm khu vực Biển Đông, nói rằng bất kỳ hoạt động triển khai tên lửa nào như vậy cũng sẽ gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế và đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Theo_An ninh thủ đô
Thế giới đồng loạt chỉ trích Trung Quốc đưa tên lửa tới Hoàng Sa Các quan chức và chuyên gia từ Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Đài Loan... đã đồng loạt lên án Trung Quốc về việc triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và xem thường các nỗ lực ngoại giao....