Mỹ ủng hộ Nhật xây dựng bộ máy quân sự tấn công
Tokyo và Washington đang nghiên cứu khả năng Nhật Bản trang bị các loại vũ khí tấn công, để quân đội có khả năng bảo vệ đất nước ở cả bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Quân đội Nhật hôm 30/03/2012 đã cho triển khai hệ thống phòng không Patriot Advanced Capability-3 săn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên. Ảnh REUTERS/Kyodo
Theo các quan chức Nhật Bản, được Reuters trích dẫn, các cuộc thảo luận không chính thức đề cập đến tất cả các kịch bản : Từ trường hợp Nhật Bản tiếp tục trông cậy hoàn toàn vào Hoa Kỳ cho đến khả năng xứ hoa anh đào sẽ có một hệ thống vũ khí hoàn chỉnh, như mọi quốc gia khác.
Video đang HOT
Báo chí Nhật Bản thường nêu ra sự hung hăng của quân đội Trung Quốc để nhấn mạnh đến sự cần thiết tăng cường quốc phòng, nhưng mối lo ngại chủ yếu của Tokyo là các căn cứ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, cách Nhật Bản chưa đầy 600 km.
Tháng Tư vừa qua, Bình Nhưỡng đe dọa là nếu xẩy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, thì Nhật Bản sẽ bị thiêu rụi bởi vũ khí nguyên tử.
Các quan chức Nhật Bản cho biết, các cuộc thảo luận về khả năng tấn công , mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Chưa có một loại vũ khí nào được nêu ra. Nhật Bản muốn hoàn tất các cuộc thảo luận trong vòng 5 năm và sau đó, nhanh chóng trang bị các vũ khí tấn công, như tên lửa hành trình, bắn đi từ tàu ngầm, kiểu Tomahawk của Mỹ.
Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh, việc xây dựng một bộ máy quân sự với khả năng tấn công đòi hỏi phải có thay đổi trong học thuyết quân sự của Nhật Bản, hiện vẫn manh tính phòng thủ.
Bị ràng buộc bởi Hiến pháp chủ hòa do bại trận trong đệ nhị thế chiến, cho đến nay, nước Nhật chưa bao giờ bắn một phát súng tấn công trước.
Mối quan tâm hàng đầu Thủ tướng Shinzo Abe là biến đổi quân đội Nhật thành lực lượng tấn công. Ông đã cho bãi bỏ lệnh cấm quân đội Nhật chiến đấu ở nước ngoài, nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, một trong những lo ngại của Tokyo là Hoa Kỳ, với 28.000 quân hiện diện ở Hàn Quốc và 38.000 tại Nhật Bản, có thể tấn công Bắc Triều Tiên, nếu xẩy ra khủng hoảng và hậu quả là Nhật Bản sẽ phải hứng chịu sự trả thù của Bắc Triều Tiên.
Ông Narushige Michishita, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản trong giai đoạn 2004-2006 bình luận : Chúng ta có thể duy trì một khả năng tấn công có hạn chế, để nói với người Mỹ : Chúng tôi phải tự làm việc này, trừ phi các vị làm thay .
Theo các thỏa thuận hiện hữu, trong khuôn khổ một cuộc tấn công đạn đạo, quân đội Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật Bản các thông tin cần thiết và nếu cần, sẽ tính tới việc sử dụng sức mạnh, tạo thêm khả năng tấn công bổ sung .
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết là không có các thảo luận chính thức về việc nâng cao khả năng tấn công cho quân đội Nhật Bản, nhưng không loại trừ hai bên có các cuộc gặp không chính thức để bàn về chủ đề này.
Theo Bizlive